Bài Thơ Vui
HAI CHÀNG TRAI
Trên đường có nhị chàng trai
Đầu râu tóc bạc cỡi hai ngựa
hồng
Ngựa thời trắng toát như bông
Giữa đường cát trắng bụi hồng
tung bay
Những mâu thuẫn về ý trong đoạn
thơ:
a/ Chàng trai mà “đầu râu tóc
bạc”
b/ Ngựa hồng mà “trắng toát
như bông”
c/ Đường cát trắng mà “bụi hồng
tung bay”
Trên đây là bài thơ vui nói lên một lỗi sơ đẳng
của thơ là ngôn từ, ý tứ không nhất quán, có mâu thuẫn nội tại, “câu sau chửi
cha câu trước”.
Hai Bản Nhạc Mùa Giáng Sinh
1/ Mỗi năm cứ đến giữa tháng
12 là các đài truyền thanh, truyền hình Việt ngữ, các nhà thờ, các Mall, các
trung tâm sinh hoạt của người Việt ở Texas lại rầm rộ phát nhạc Giáng Sinh. Tôi
chú ý đến bản nhạc Đi Tìm Chúa Tôi vì có 2 câu đầu, theo tôi, tác giả viết hơi
vội, hơi ẩu hoặc vô ý.
Này một hài nhi vừa sinh ra đời
Hãy đến mau kính dâng lạy người
Tại sao thấy hài nhi sinh ra
đời lại phải đến dâng lạy? Như thế thì (chỉ riêng ở Houston) một ngày phải lạy
biết bao nhiêu hài nhi?
Nếu hai câu ấy nằm ở giữa bài
thì không nói làm gì. Thính giả ít nhất cũng đã được dẫn dắt vào khung cảnh
ngày lễ và hiểu được là hài nhi được nói đến chính là Chúa Hài Đồng. Đàng này
chưa biết ất giáp gì đã bị hối thúc đi lạy hài nhi.
Những người không phải là tín
đồ Thiên Chúa Giáo sẽ thấy ngỡ ngàng, gai gai khó chịu. Mà ngay đối với con dân
Chúa cũng thấy chướng; một bài hát về đạo mà vô ý đến độ gây phản cảm.
2/ Mới đây, khi tra cứu để viết
Những Tiêu Chí Để Thẩm Định Giá Trị Một Bài Thơ tôi tình cờ nghe bản nhạc Bài
Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ, có đoạn:
Lời nguyện mình Chúa có nghe
không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng?
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu
Trong đó 2 câu sau – dựa trên
bề mặt của con chữ – có nghĩa là “Mỗi năm Chúa xuống dương gian một đêm và bao
nhiêu đêm Chúa Xuống dương gian là bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu.”
Như vậy thì bậy quá!. Chúa chỉ
Giáng Sinh một lần. Những năm sau đó là con người tổ chức kỷ niệm ngày Chúa Giáng
Sinh chứ đâu phải năm nào Chúa cũng xuống dương gian đâu!
Mà giả dụ năm nào Chúa cũng
Giáng Sinh thì cũng chẳng thể “bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu” được. Chúa
Giáng Sinh (lần đầu!) từ mấy ngàn năm trước, anh với người yêu giỏi lắm chỉ được
mấy chục cái xuân xanh, thì làm sao “bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu?” Rõ ràng nội
dung của đoạn ca từ “câu nọ cãi cọ với câu kia”, chẳng hợp lý tý nào.
Một Câu Ca Dao
Trai tơ mà lấy nạ dòng
Như nước mắm nhĩ chấm
lòng lợn thiu
Có người sửa lại:
Như nước mắm thối
chấm lòng lợn thiu
và giải thích rằng “Nước mắm
thối chấm lòng lợn thiu ăn chán lắm, giống như trai tơ mà lấy nạ dòng vậy.”
Theo tôi, nói như thế là
không đúng. Trai tơ là “đồ xịn” mà chơi với nạ dòng - là “đồ dởm” - thì uổng,
cũng giống như nước mắm nhĩ là “đồ xịn” mà đem chấm lòng lợn thiu - là “đồ dởm”
- thì phí quá.
Do đó, phải giữ nguyên “nước
mắm nhĩ” mới hợp với logic của ý câu ca dao.
Chữ “Vui” Làm Buồn Bài Thơ
NIỀM TIN
Lại một NOEL nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thuơng về một khung trời
Chắc Ðà lạt vui lắm
Mimosa nở vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Huơng ngào ngạt không gian
Mấy mùa Giáng Sinh truớc
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về đuợc
Hồi hộp đợi tin ai
Em biết chăng đời lính
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi mưa núi
Ðã làm anh vui nhiều
Radio mở sẵn
Ðón thanh lễ truyền thanh
Xin CHÚA ban ơn xuống
Cho em và cho anh
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh
nhấttuấn (1960) Anh Linh phổ nhạc
http://huongduongtxd.com/nhattuan6.html
https://www.youtube.com/watch?v=fXgdPlUdKJQ
Tôi đến với Niềm Tin đầu tiên
qua giai điệu nhạc của Anh Linh trước khi biết bài thơ gốc của Nhất Tuấn. Nghe
bài nhạc đến đoạn “đã làm anh vui nhiều” tự nhiên tôi thấy chối tai, cảm xúc
trong tâm hồn đang trôi theo tiếng hát bỗng khựng lại. Lòng tự hỏi “Trong khung
cảnh đó tại sao lại “vui” nhỉ? Mà lại “vui nhiều” mới lạ chứ!
Đã từng là anh lính chiến,
đóng quân ở rừng sâu, núi cao, tôi đã biết thế nào là
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng và mưa núi
theo đúng nghĩa đen của từng
chữ.
Tôi quen với khung cảnh ấy, sống
trong hoàn cảnh ấy không phải vài ngày, vài tuần mà tháng này qua tháng khác.
Những lúc ấy ngồi trong lều nhìn cảnh núi rừng - từ sĩ quan đến lính - mắt thằng
nào cũng như đang lạc vào một cõi xa xăm, mặt thằng nào cũng dài thuỗn ra, buồn
rười rượi.
Dĩ nhiên đời lính ở rừng sâu
núi thẳm cũng có những lúc vui - những niềm vui nho nhỏ do người lính tự tạo ra
- để quên nỗi nhớ thương quay quắt và để … sống. Nhưng chỉ cần một cái gì đó rất
nhỏ nhặt gợi lên kỷ niệm với người thân thì từ sâu trong tâm hồn của họ nỗi buồn
chia xa đang đầy ắp sẽ trào ra như thác đổ.
Câu “Đã
làm anh vui nhiều” khiến Niềm Tin đang là tâm tình của người lính xa nhà
bỗng trở thành một bài thơ, bài hát “phải đạo” (politically correct). Lời thơ,
tiếng nhạc đang là những cảm xúc chân thật của con người bất chợt biến thành những
lời đầu môi chót lưỡi, dối người và tự dối lòng mình.
Hơn nữa, xét về kỹ thuật thơ
thì câu “Đã làm anh vui nhiều” là câu thơ “tréo cẳng ngỗng” lội ngược chiều với
dòng chảy lững lờ buồn bã của tứ thơ.
Đúng là chữ “vui” đã làm buồn
bài thơ.
Chăn Trâu Đốt Lửa
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
(Chăn Trâu Đốt Lửa, Đồng Đức
Bốn)
Đạo quân chính trong trận
Chăn Trâu Đốt Lửa - hồn cốt của bài thơ (tứ thơ) - nằm trong 2 câu cuối:
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
Hai câu đầu là phần dẫn nhập,
cái cớ để tứ thơ xuất hiện, làm nhiệm vụ yểm trợ:
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều.
Trong bài Lục Bát Và Chăn
Trâu Đốt Lửa ông Nguyễn Lâm Cúc đã viết:
Khung cảnh
trong bài thơ là cánh đồng miền Bắc, nơi mà dù vụ gặt vừa mới xong rạ rơm cũng
không còn lại bao nhiêu, vì suốt cả một vùng đồng bằng dọc theo châu thổ sông Hồng,
người nông dân quí rạ không khác gì sản phẩm khác. Họ tận thu rơm rạ để làm thức
ăn cho trâu, bò; để đun nấu, để làm vách đất nữa. Vì vậy, cánh đồng sau vụ gặt
mùa Đông chỉ còn rất nhiều gió và cái lạnh thấu xương.
Trong bài “Chăn Trâu Đốt Lửa”:
Sâu Sắc Một Triết Lý Nhân Sinh nhà phê bình Đức Thọ cũng đề cập đến sự hiếm hoi
của rơm rạ sau vụ gặt Đông:
Câu thơ thứ hai nhà thơ khẳng định “Rạ rơm thì ít, gió
đông thì nhiều”. Đúng vậy, trong mùa hanh heo mà đã gió đông thì khi thổi cháy
bao nhiêu rơm rạ cho vừa.
http://lucbat.com/news.php?id=3470
Trong đầu tôi tức khắc hiện
ra câu hỏi: Trong hoàn cảnh đó làm sao có đủ than lửa để củ khoai cháy thành
tro được?
Tôi có điện thoại hỏi một ông
chú họ xa ở ngoại thành Hà Nội thì được cho biết:
Nếu chịu khó kiếm cành khô, củi mục ở nơi khác gom lại
thì với chút ít rơm rạ còn sót ở cánh đồng cũng có thể tạo được “bếp lửa” để nướng
khoai nhưng phải chăm chút, che chắn cẩn thận, chứ như thi sĩ của chúng ta “Mải
mê đuổi một con diều” thì chỉ chốc lát là rơm rạ đã bay tung tóe, lửa tắt, củ
khoai chưa chắc đã chín chứ làm gì có cái cảnh “Củ khoai nướng để cả chiều
thành tro.”
Mà dù, cứ cho là với cái tài
gầy bếp đặc biệt của trẻ chăn trâu, củ khoai nướng đã thực sự thành tro thì
theo tôi, câu thơ “Rạ rơm thì ít, gió
đông thì nhiều” cũng đã “đi ngược đường” với tứ thơ.
Trong chiến tranh đôi khi có
những người lính làm nội gián cho địch để cản trở, phá hoại việc thực hiện nhiệm
vụ của đơn vị. Trường hợp Chăn Trâu Đốt Lửa thì “Rạ rơm thì ít, gió đông thì
nhiều” chính là câu thơ nội gián. Không những nó không giúp làm tăng độ khả
tín, sức thuyết phục của tứ thơ mà ngược lại, đã trở thành một chướng ngại vật
ngăn cản hành trình qua đó độc giả tiếp cận tứ thơ để rồi đi đến chỗ đồng cảm với
tác giả.
Kết Luận
Một điểm “xung đột”, không
thuận tình, hợp lý giữa những ý nhỏ của tứ thơ sẽ tạo nên “câu thơ nội gián”. Tứ
thơ sẽ mất tính nhất quán.
Tạo ra và dung dưỡng một câu
thơ nội gián, theo tôi, là một lỗi nặng của thi sĩ. Tùy mức độ “xung đột nội bộ”
trong tứ thơ, bài thơ có thể bị đánh giá là hỏng,
giảm giá trị nghệ thuật hoặc chí ít cũng là không được hay đẹp trọn vẹn.
Phạm Đức Nhì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét