CÁC HOÀNG TỬ NHỎ NHÀ TÔI
- Cháu ngoại tốt nghiệp Đại học Nội vụ ba bốn năm rồi, vẫn chưa tìm được khe hở lọt vào cơ quan nhà nước, đang đi làm thuê trái nghề kiếm sống.
- Cháu đích tôn tốt nghiệp “Đại học Mầm non”, chuẩn bị vào Tiểu học.
- Cháu nội út vừa đoạt giải Nhì môn Hóa lớp 9, chuẩn bị thi
vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cháu có truyện ngắn đầu tay “Con vàng nhà
em” in ở Tạp chí Văn Nhân số 132 ra tháng 5 – 6 năm 2020. (Mời xem cuối bài)
CÁC CÔNG CHÚA NHỎ NHÀ TÔI
- Cháu ngoại năm 2022 tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thi vào Trường FPT đoạt học bổng 50% và được vào thẳng năm thứ hai (Bỏ qua năm thứ nhất).
- Cháu nội vừa đoạt giải nhất thi tỉnh môn ngữ văn lớp 9, chuẩn bị thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
- Cháu nội út chuẩn bị thi lên THCS, hy vọng vào được Trường
THCS Trần Đăng Ninh…
CHÁU NỘI ĐOẠT GIẢI NHẤT MÔN NGỮ VĂN LỚP
9 CẤP TỈNH… VỪA MỪNG VỪA LO!
Thấy thông báo kết quả thi học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 9 cấp
tỉnh có tên cháu nội Trần Mỹ Hạnh (Trường PTCS Trần Đăng Ninh) đoạt giải nhất,
tôi vừa mừng vừa lo.
Mừng vì cháu đoạt giải...
Lo vì:
- Viết văn là việc hết sức gian nan, vất vả. Cứ từ sự viết của
ông mà suy: Người viết văn, giữ được tự do, nói thẳng nói thật thì nhiều rủi ro,
mất bạn, bị trù dập, bị cô lập, bị đánh hội đồng… Thói đời mấy ai thích bị chê.
Người ta cần mình khen, cứ bịt mũi mà khen, chứ không chấp nhận mình chê, dù
nói sự thật. Chả cần phải lục lại lịch sử, cứ xem gương hai người quê Nam Định
hiện tại: ông Trần Mạnh Hảo nổi tiếng thế
giới, bà Trần Thị Nhật Tân nổi tiếng toàn quốc là rõ. Ông Trần Mạnh Hảo thì chả
nói ai cũng biết rồi. Bà Trần Thị Nhật Tân nổi tiếng với tiểu thuyết Dòng xoáy,
được TBT Nguyễn Văn Linh mời gặp hai lần, có thư tay cho bà nữa… Bà còn được Đại
tướng Võ Nguyên Giáp khen và gợi ý viết về chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Nhưng bà bị cô lập, bị mất việc, bị ngăn cản đi học, bị đe dọa, cả cuộc đời sống
cô độc, lo âu kiếp hồng nhan bạc phận.
- Thời gian tập trung cho đội tuyển học sinh giỏi chiếm hết thời
gian học môn khác. Sự rằng giỏi một môn, hổng nhiều môn...
Cháu đoạt giải mà tôi cứ vừa mừng vừa lo đến lạ. Cầu trời cháu
tôi chỉ coi viết văn là trò chơi xả tréc.
Lo… nhưng mà tự hào về mấy cháu gái. Tự nhiên tôi lại mở Tạp
chí Văn Nhân số 116 ra tháng 11 & 12 năm 2017, trang 45 đăng truyện ngắn đầu
tay của cháu tôi:
MÓN QUÀ BẤT NGỜ
Truyện
ngắn Trần Mỹ Hạnh
Hôm nay là thứ sáu ngày 23-12. Các bạn
lớp 3C của Tũn reo hò đón ông già Nô En đến tặng quà. Thằng Tũn hồi hộp háo hức
chờ đến lượt mình... Khi ông già Nô En đã phát hết quà, giơ tay chào lớp, thằng
Tũn gục đầu xuống bàn, nước mắt tràn mi. (Tũn đâu có biết quà Nô En là do phụ
huynh thuê người đóng vai ông già Nô En mang tặng cho con cháu mình. Mẹ Tũn lại
quá nghèo, không có điều kiện mua quà tặng con như các gia đình khác).
Nhìn thằng Tũn ủ rũ ra về, cô giáo chủ
nhiệm trào dâng cảm xúc buồn, ân hận như mình có lỗi. Khổ thân Tũn. Bố chết tai
nạn giao thông, mẹ làm công nhân vệ sinh, Tũn chẳng được sung sướng như bạn bè
cùng lớp. Bộ quần áo đồng phục từ năm Tũn học lớp 1, bây giờ đã cộc cũn cỡn và
bạc phếch...
Tối thứ bảy, thằng Tũn nhặt rau nấu
cơm, chờ mẹ đi làm về muộn. Vừa nhặt rau, Tũn vừa mơ có bộ đồng phục mới. Biết
mẹ nghèo, Tũn chẳng dám đòi. Chợt có tiếng gọi ngoài cửa:
- Em Tũn có nhà không? Mời em ra nhận
quà của ông già Nô En này!
Thằng Tũn không tin vào tai mình. Nó
bỏ rổ rau nhặt dở, đứng lên nghe ngóng. Ông già Nô En bước vào nhà:
- Mời em Tũn nhận quà.
Thằng Tũn run run giơ hai tay đỡ gói
quà. Nó vẫn còn bàng hoàng không tin là mình lại được nhận gói quà to thế.
- Nào, bây giờ mời Tũn chụp ảnh với
ông già Nô En làm kỷ niệm nhé!
Tũn sung sướng nép sát vào ông già Nô
En. Ông già Nô En giơ chiếc điện thoại ra phía trước chụp liền mấy kiểu.
Ông già Nô En đi rồi, Tũn vội mở gói
quà. Mắt nó sáng lên khi nhìn thấy bộ quần áo đồng phục mới rất đẹp. Nó ôm chặt
bộ đồng phục, miệng thốt lên: “Ôi! Đẹp quá! Cháu cảm ơn ông già Nô En rất nhiều!
Cháu hứa với ông là cháu sẽ chăm ngoan học giỏi...”
Nhận được tin nhắn của chi nhánh bưu
điện “Dịch vụ chuyển phát nhanh đã hoàn tất…”, cô giáo chủ nhiệm vội vàng mở
facebook. Khi thấy ảnh Tũn nhận quà của ông già Nô En, cô xúc động đến cay mắt.
Cô tin rằng Nô En năm nay là một Nô En để lại kỷ niệm đẹp mà Tũn sẽ mang theo
trong suốt cuộc đời...
Trần Mỹ Hạnh
Lớp 4A3 Trường tiểu học Chu
Văn An – Tp. Nam Định
CON VÀNG NHÀ EM
Truyện
ngắn Trần Minh Thành
Năm ngoái, bố em mua về một con chó cái
nhỏ xíu. Em đặt tên cho nó là Vàng. Em yêu nhất là đôi mắt màu sứ tinh anh giống
như đôi mắt con búp bê em thường ôm khi đi ngủ. Món khoái khẩu của Vàng là
xương lợn. Mỗi khi được em quẳng cho một mẩu là Vàng đón lấy, nhai ngon lành.
Ăn xong, nó nằm xuống, vừa ngước mắt nhìn, vừa ư… ử như lời cảm ơn. Mỗi khi đi
học về, em hay vuốt ve bộ lông mịn của Vàng, kể cho nó nghe mọi chuyện ở trường.
Nó rúc rúc vào lòng em, mồm gừ gừ ra vẻ rất thích thú.
Thời gian qua nhanh. Vàng đã trưởng
thành, trông cứ mơn mởn với bộ lông vàng ươm, dày, mượt. Cái mõm đen đen ươn ướt
thường lè cái lưỡi dài đỏ mềm rung rung theo nhịp thở. Đôi mắt tròn to trông đến
ngây thơ. Cái đuôi dài cứ ngoáy tít mỗi khi thấy em về nhà.
Bác hàng xóm nhà em mới mang về một chú
Đốm lai Tây, to cao rất đẹp mã. Chỉ vài hôm, Vàng và Đốm làm quen, rồi nhanh
chóng quấn quít bên nhau, cứ như là đã quen thân từ lâu lắm. Nhiều khi em đi học
về, nhìn thấy em, Vàng cũng chẳng thèm ngó vì còn mải chơi đùa với Đốm. Bữa tối,
khi em đưa cho mẩu xương, cô ả cúi xuống, ra vẻ hối lỗi.
Gần tháng nay, dịch Covid 19 bùng phát.
Bố nhốt Vàng trong nhà, không cho ra ngoài, sợ Vàng tha vi rút Vũ Hán về. Sáng
nay, em thấy Đốm cứ lượn đi lượn lại trước cửa nhà em. Nhìn thấy Đốm, Vàng liền
phóng ra cửa, nhưng không chui lọt qua cánh cửa xếp. Cả hai cùng tru lên vừa
vui mừng vừa ai oán. Bố đang soạn bài trên máy tính, bực mình liền xích cổ Vàng
vào góc nhà và dùng gậy xua Đốm đi nơi khác. Một lát sau, Đốm vòng trở lại, gọi
Vàng:
- Gâu! Gâu! Vàng ơi! Vàng ơi! Ra đây
chơi với tớ!
Vàng liền nhảy dựng lên kéo căng dây
xích, đáp lại:
- Gâu gâu! Đốm ơi! Tớ cũng nhớ cậu lắm.
Nhưng tớ bị cầm tù rồi!
Bố bước đến, lấy chiếc dép quật vào
mông Vàng thật mạnh:
- Muốn tao cho ăn riềng mẻ hả?
Vàng sợ hãi nằm bẹp xuống nền nhà, kêu
lên đau đớn:
- Oẳng… ẳng… u ú… Tôi vô tội, sao ông lại
đánh tôi…
Đốm ở ngoài cửa gào lên:
- Gâu! Gâu! Phản đối bắt giam, đánh đập
người vô tội.
Bố cầm gậy, bước ra. Đốm cong đuôi chạy
đi. Một lát sau, nó mon men quay lại, đi tới đi lui với tiếng rên ư ử như van
nài. Thấy thế, Vàng liền giật đứt dây xích, phóng ra cửa. Bố đổi chiến thuật,
ném cho Vàng mẩu xương lợn. Vàng khịt khịt, ngửi ngửi rồi nhìn bố với ánh mắt
kiêu hãnh:
- Gâu! Gâu! Tôi không cần mẩu xương của
ông! Tôi cần được tự do.
Đốm ngoài cửa cũng hét lên ủng hộ Vàng:
- Gâu! Gâu! Chúng tôi cần tự do.
Vàng bước đến, dũi dũi mõm vào chân em,
ư ử như cầu cứu:
- Gầu gầu… Bạn Bông Thùy ơi! Giúp chúng
tôi với!
Em thương Vàng quá, bảo bố:
- Bố ơi! Con Vàng nhớ bạn nó quá đấy
mà.
Vừa nói, em vừa kéo cánh cửa xếp cho
Vàng chui qua. Vàng quấn quýt, cọ cọ người vào Đốm. Đốm dụi dụi mõm vào bông
hoa đến kỳ nở rộ của Vàng mà hít hít, rồi bỗng chạy vọt đi, vừa chạy vừa quay
nhìn Vàng:
- Gàu gàu… Đi thôi! Vàng ơi!
Vàng nhìn em với ánh mắt biết ơn:
- Gầu gầu… Cảm ơn bạn Bông Thùy! Cảm ơn
bạn Bông Thùy nhé!
Rồi nó vọt đi theo Đốm. Cả hai con lao
nhanh trên con đường đầy nắng.
Trần Minh Thành
Lớp 6A3 Trường THCS Trần Đăng
Ninh, tp. Nam Định
Nguồn: VĂN NHÂN. - 2020. - Số
132 ra tháng 5 - 6.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét