Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

LÊ THANH HẢO VÂN - “CỎ VẪN XANH TRÊN BƯỚC HỤT CHÂN MÌNH” / Trần Mạnh Hảo

 



       Nữ nhà thơ Lê Thanh Hảo Vân (chủ nhiệm câu lạc bộ thơ "Thông reo") từ Hà Nội vừa gửi tặng tôi (TMH) tập thơ “Ba ngăn rưỡi” của chị, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2019. Trước đó, hai tập thơ khác của chị : “Tóc mây” ( 2013), “Tình lang thang” ( 2014) đã ra mắt, đều do NXB Hội nhà văn ấn hành.

       Tôi xin phép lấy câu thơ của Hảo Vân: “Cỏ vẫn xanh trên bước hụt chân mình”trong bài “Đi qua” làm đề tựa cho bài viết này về thơ chị:

“Trăng u tịch nên anh liền kỳ ảo

Vụn nụ cười chưa kịp hết vì nhau

Nhấp qua môi anh một ngụm

Cỏ vẫn xanh trên bước hụt chân mình”

Nếu hai câu sau của bài trên, tác giả viết: “Nhấp qua môi anh một nụ / Cỏ vẫn xanh trên mỗi bước chân mình” thì không phải là thơ, mà chỉ là hai câu nói. “Nụ hôn” thì thường quá, ai cũng viết được, nhưng tác giả Hảo Vân viết “ngụm hôn” mới là sáng tạo, là thơ, là độc đáo. Chữ “hụt” trong câu cuối mới là kỳ bút : “Cỏ vẫn xanh trên bước hụt chân mình”…

       Hụt: hụt hẫng, hút hùn hụt, hụt hơi, hụt chân, hụt tình, hụt sống, hụt nhau, chết hụt, yêu hụt, sống hụt, vui hụt… hình như là tinh thần tập thơ “Ba ngăn rưỡi” này của nữ thi sĩ Hảo Vân, người góa phụ lấy tình yêu của người chồng đã khuất làm lẽ sống.

Trái tim mọi người đều có bốn ngăn, riêng nhà thơ Hảo Vân chỉ có ba ngăn rưỡi. Hình như nửa ngăn tim của chị đã đi theo chàng đại tá phi công lái máy bay Míc (ông xã đã mất của nhà thơ) từng quần thảo bắn máy bay Mỹ thuở năm 1972, 1973 trên bầu trời Hà Nội?

       Lê Thanh Hảo Vân thờ chồng và làm thơ. Chị lấy quá khứ, lấy hạnh phúc xưa làm hiện tại và tương lai: “Anh ra đi là mang tất cả em / Em ở lại cũng mang anh trọn vẹn” (Một nửa). Nhà thơ thương cuộc tình “vô định” của mình với câu thơ kết thật hay: “Động ngàn lá cứ bay suông/ Tiếc mây gió cũng thả tuồng sũng đêm / Gập ghềnh để biết dịu êm/ Khởi chưa chung đã lật thêm cuộc người”…” lật thêm cuộc người” là một lối nói mới, là sự sáng tạo ngôn ngữ thơ.

Thơ Hảo Vân thường kiệm lời, dồn nén chữ, dư ba, sáng tạo chữ; những bài bốn câu với câu cuối thật hay, thật đa ngữ nghĩa, ví như bài “Tình biển”:

“Thần còn lỡ hẹn mà anh

Xước đêm, vỡ mụ… một lành lặn sinh

Tựa bờ mớm cát vẫn trinh

Dựa lưng sông núi sao mình lại đau”

“Mớm cát” là sáng tạo chữ của Hảo Vân. Tôi yêu cặp lục bát nhuần thơm, nồng thắm, gợi bao điều sâu lắng, buồn thương trong bài “Ngả mẹ” của Hảo Vân:

       “Uống dòng kỷ niệm mà say

Ngã trong hơi ấm vòng tay vẫn tròn

Tin ngày mai nở nụ non

Xanh lên đời những cái còn so le…”

Ai bảo mấy câu lục bát trên không hiện đại. Thể thơ cũ mà hồn thơ mới, ý tứ thâm trầm, đọc lên sao hút hùn hụt buồn thương với bao “cái còn so le”, còn cọc cạch, còn đơn độc lẻ bóng trong đời?

       Tôi yêu câu lục bát rất hay, rất gợi, rất buồn thương này của Hảo Vân trong bài “Chuyện đời”:

“Chắp tay lạy mẹ-ổ rơm

Nhẹ tay đũa cả hạt cơm đỡ gầy”

“Ôi,“ nhẹ tay đũa cả hạt cơm đỡ gầy”;  câu thơ hay quá, cướp sạch mọi lời bình của người đọc là tôi. Ta chỉ còn biết thương nỗi thương người mẹ, người chị ngồi đầu nồi xới cơm, nhẹ tay đũa cả để hạt cơm còn được phổng phao béo tốt. Chừng như thơ chỉ mượn lời van xin đũa cả đừng mạnh tay với hạt cơm, để van xin các ông giời bé, các ông giời con đừng nặng tay với dân đen chổi cùn rế rách trong đời ! Đến hạt cơm trong nồi còn thương thế, còn sợ đũa cả làm bẹp dí gầy teo thế, huống hồ người kia, cảnh đấy, thơ còn thương bao nhiêu?

Trong bài thơ Sát Phật”, Trần Mạnh Hảo tôi có viết: “Ngộ rồi là chưa ngộ / Phật phật mà ta ta”. Nay đọc thơ Hảo Vân, bắt gặp ý tưởng này, tuy nhiên, chị viết rất sâu, rất “thi tại ngôn ngoại” lại dư ba, đằm thắm: “Yếm đào bắc giữa mênh mông / Ta bên cửa ngộ, tát sông một bờ”… A ha, cuộc đời là ảo mộng, chừng như ai ai cũng đang “tát sông một bờ” mà không hay biết!

Nỗi cô đơn là thực phẩm nuôi hồn, nuôi thơ, đọc bài thơ “GỐI - viết cho ngày giỗ chồng” của Hảo Vân sao thấy buốt lòng ta vậy:

“Gối anh, hay gối tuổi mình

Nhìn đâu cũng thấy trắng tinh một bờ

Trầm thơm không hẹn lửa hờ

Đời như một gõ… vu vơ mà già”

              (chú thích : một “gõ” trong sát na)

Bài thơ tả nỗi cô đơn của người sương phụ một mình nằm trên chiếc giường mênh mông không bờ bến: “Nhìn đâu cũng thấy trắng tinh một bờ”; nàng gối lên hồn chàng đã khuất như đang “gối tuổi mình”. Và đau buồn thay: “Trầm thơm không hẹn lửa hờ”… Em là cây trầm thơm đang chờ lửa tình chàng thiêu đốt. Nhưng chàng đã thành hư vô, thành “lửa hờ” uổng cây trầm thơm dâng hiến. Hóa ra chung thủy với tình lang đã khuất, chung thủy với nấm mồ xưa nay đều là nỗi đau buồn vô hạn, là sư hi sinh cao hơn cả sự chết.

Cái giá thủ tiết thờ chồng quá lớn, người đàn bà cô đơn đêm về quằn quại trong cơn khát làm đau khuy áo lệch: “Áo ai khuy lệch… bắt đền / Gọi yêu hết cữ… chẳng lên nhập tình”… Thương thay khuy áo cũ lệch bao khuya … Dường như nàng không thương mình đơn lẻ vò võ canh trường, mà chỉ thương khuy áo lệch buồn tênh khuya gối chiếc.

Người đàn bà ấy vẫn đi một mình trên trái đất.  Chị bị lạnh lùng bủa vây, thèm một lời ấm nóng: “Thu ơi, có đợi ta về cùng góc phố / Nói một điều không lạnh… lúc đông sang“ (Chiều hoang)… Và chị mượn thơ để “nói một điều không lạnh” với độc giả. Những dòng thơ viết từ một ngọn lửa đã đóng băng trong hồn nhà thơ chừng như đang sưởi ấm trang giấy, sưởi ấm tri âm. Hãy nói với chị một “điều không lạnh”, tôi tin rằng những cơn mưa phùn gió bấc ngoài trời đông kia cũng được sưởi ấm.

Nữ thi sĩ chừng như đang tu trong ngôi chùa tình yêu quá khứ. Chị hầu như không còn khả năng nghe được những “điều không lạnh”  từ bất kỳ ai. Lạnh lùng ơi, sao lạnh lùng không buông tha chị, dù ba năm là hết tang chồng. Chị một mặt vẫn thèm nghe “những điều không lạnh”, bởi vì nỗi cô đơn không có điểm dừng. Chị chịu đựng khép hết cửa lòng, quyết không cho gió ấm lùa vào qua khe cửa hẹp. Người băng giá thèm ấm cúng nhưng vô cùng sợ lửa…nên mỗi chuyến đò xa, chị van lạy những người muốn sửa ấm chị “mãi mãi là người dưng”: “Đi về mỗi chuyến đò xa / Lạy người phương ấy vẫn là người dưng”  ( Cõi thiền). Và như thế, trong đời, chị đã âm thầm van vái, lạy lục bao người dưng có nhã ý sưởi ấm mình rằng: xin đừng thương tôi, một người không còn hồn vía… Ai dám bảo chị đã bị quá khứ, bị người đã khuất cướp hồn?

Bằng chứng là hồn thơ của chị vẫn còn ấm nóng, còn khao khát tri âm tri kỷ, nghĩa là chị còn yêu đời, còn khát khao cơn gió rét “nói một điều không lạnh” với mình mỗi khuya đêm trên chiếc giường dài rộng vô biên như sa mạc trắng.

Hảo Vân vẫn vẫn viết những bài thơ bơ vơ quay quắt trong nỗi cô đơn tận cùng. Tình yêu đã mang hạnh phúc trong quá khứ và mang đến bất hạnh khôn cùng trong hiện tại cho người đàn bà thơ:

“Trở mình, đuối mắt mấy đông

Lòng như bãi nổi đầy bồng bềnh thương

Lửa không xóa được đoạn trường

Mưa quay quắt hạt con đường và em” (Con đường)

Ai đã bắt nhà thơ phải đi một mình trên con đường mưa gió? Số phận!

Trong bài “Ôm”, Hảo Vân đã viết một câu thơ yêu thật dữ dội, thật sex: “Vẫn ôm cái gối vặn tình”. “Vặn tình” một sáng tạo từ. Và, một người đàn bà khát khao yêu thương trong nỗi cô đơn tuyệt đỉnh này, chừng như đã “vặn tình” làm chết bao nhiêu gối ôm? Xin dẫn trọn bài thơ “Ôm”:

“Vẫn ôm cái gối vặn tình

Chút thôi chớp ảnh bóng mình đi qua

Vỗ từ hạnh phúc mà ra

Bao nhiêu năm để nói già nụ hôn

Đẫy chiều xác vẫn lụy hồn

Câu yêu hết kiếp chẳng chôn được lời”

Sự thèm khát nhục dục của thân xác “vặn tình” gối ôm cuối cùng đã bị hồn chặn lại: “Đẫy chiều xác vẫn lụy hồn” chỉ vì: “Câu yêu hết kiếp chẳng chôn được lời”. Người tình duy nhất đã mất nhưng lời hứa yêu trọn kiếp vẫn chưa chôn dưới đất. Và trong cơn mê tột độ “vặn tình gối ôm” điên cuồng ấy của thân xác, hồn đã nhảy ra can thiệp, đã dội nước lạnh vào chiếc gối ôm đang bốc lửa tình.

       Viết về nỗi cô đơn của tình yêu người sương phụ thủ tiết thờ chồng, Hảo Vân có nhiều bài thơ hay. Hình như thiền không giải thoát được con người. Chỉ có tình yêu mới giải thoát được chúng ta. Nhìn cảnh người chơi ném còn của người dân tộc thiểu số, chị viết bài “Còn” thật cảm động:

“Ta đi tìm mãi quả còn

Mảnh đời lơ lửng xoay tròn trên cao

Vòng quay những trận gió gào

Hồn giông bão cánh tay nào… giữ em?

       Hóa ra, mỗi chúng ta chính là một quả còn của tạo hóa chơi trò tung hứng.  Câu thơ “Hồn giông bão cánh tay nào… giữ em” thương cảm biết bao nhiêu?

Nhưng “quả còn Hảo Vân” không rơi xuống đất, mà rơi ngược lên vũ trụ để tìm hồn chàng đại tá phi công cao mét tám  lái máy bay Mic đánh máy bay Mỹ năm xưa:

       “Bao nhiêu đời gọi là thừa

Để tôi đi hết cái chưa một lần

Vịn vào dải áo phù vân

Bay lên vũ trụ để cân khoảng trời” (Bao nhiêu)

Không đủ âm dương, không hài hòa âm dương sao “cân khoảng trời” được nhà thơ? Nhưng là khoảng trời ảo, khoảng trời trong mộng mà thôi. Cho nên khát vọng ảo “đi hết cái chưa một lần” là một khát vọng vô độ, đói quá mà mơ ăn hết cánh đồng lúa, khát quá mà mơ uống cạn triệu dòng sông. Nói điêu một cách dễ thương thế này ngoài thi ca ra, phỏng cái gì làm nổi?

Đau đớn nào bằng nỗi đau của người đàn bà thủ tiết:

“Lang thang vào cõi cô đơn

Thà rằng bầm dập còn hơn thế này

Ước tình có luật trả vay

Ta xin mượn nóng đêm này một đêm” (Cõi)

“Thà rằng bầm dập còn hơn thế này” khiến ta nhớ đến câu Kiều “Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung’. Muộn rồi diễm. “Nhụy đào” đã bị tên Mã giám sinh liều mạng bẻ mất, mới tiếc ngẩn tiếc ngơ sao đêm “Xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”, lại không trao hết cho chàng Kim cái ngàn vàng trinh tiết.

Muộn rồi diễm. Cái đức “tiết hạnh khả phong” đã niêm chặt con đường “bầm dập” có “con ong đã tỏ đường đi lối về” của thi ca, cũng là con đường muốn “mượn nóng đêm này” của khoái lạc thân xác, dù khoái lạc kia không phạm đến ai, không cướp của ai. Thì diễm ơi, nàng đã chọn ngôi chùa tình ái để tu thân, dù là cõi thiên thai của bầm dập đi chăng nữa, số phận cũng không dành cho diễm nữa đâu. Ngâm lại câu Kiều cho diễm tu thân nhé: “Đã tu tu trót qua thì thì thôi”

       Lục bát tứ tuyệt của Hảo Vân thật hay, thật dồn nén, không tài năng, không viết được bài thơ “Nửa” này đâu:

“Mặt trời cứ ngược cơn giông

Nửa vai em gánh mênh mông về nhà

Nửa còn đỡ bóng trăng qua

Để đêm treo ở ngã ba nhà mình”

Chao ôi, sao số phận bắt nàng phải một mình ghé “Nửa vai” để “em gánh mênh mông về nhà”mãi thế? Và nửa vai kia, khốn khổ thay, còn phải gánh đỡ “bóng trăng qua”, như vác đỡ thập giá của trời cao thương đoạn thương đành thế ? Ước vác cả “mênh mông” vác cả “bóng trăng qua” về treo “ở ngã ba nhà mình” cho đỡ cô đơn, đỡ lẻ bóng trên đời.

Bởi vì, vây quanh nàng là lũ tiểu yêu “ai phôn” luôn quấy phá, luôn dụ dỗ nàng sa chước cám dỗ của thú vui xác thịt khát thèm. Nói chung là bọn “giai tặc” luôn ném vào nàng những trái bom tình ảo, tình một giây, tình một đêm, hòng đánh đuổi nàng ra khỏi ngôi chùa thủ tiết. Ôi, toàn là quân dã man:

“Tình yêu treo mạng từng giờ

Bao nhiêu thức tỉnh mập mờ “ai-phôn”

Đánh đu mã vạch vào hồn

Thặng dư cả những bồn chồn lạ quen” (Ảo)

Trong cuộc chiến đấu chống thú dữ “ai-phôn”, chống bọn đưa cạm bẫy “bầm dập” bằng khoái lạc ra chiêu hồi nàng, quyết làm “ve lột xác bay gần với sen” để giữ lấy linh hồn mùa hạ của ve sầu vạn kiếp, mãi mãi than khóc mùa hè của ký ức tình yêu xưa.

Không tìm thấy chàng nữa, nàng cũng đi đây, đi mất hút vào thi ca lục bát; báo cho thế giới biết rằng nàng vẫn yêu, vẫn rên rỉ như ve sầu tháng hạ thuở rên xiết ngày xưa, chàng phi công cao mét tám ơi…

Chúng ta trong đời ai cũng từng bước hụt. Chàng đã bước hút hùn hụt vào thinh không, rơi tõm vào trời xanh thảm cỏ. Nhưng trời ơi: “Cỏ vẫn xanh trên bước hụt chân mình”… Hụt chân thôi nhé thi ca, đừng hụt hồn hụt vía. Sống mà lỡ để mất hồn thì xin nữ thi sĩ đừng làm tội thi ca, làm tội làm tình độc giả là tôi, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ từng bước cỏ chân mình trong buồn thương, ngỡ như mình cũng đang thủ tiết thờ mây bay đi…

 

Thành phố Thủ Đức đêm 5-2-2023

                     T.M.H.



……………….

Chú thích:

Ảnh 1: Bìa

Ảnh 2: báo Văn Nghệ ra chiều nay 9-3-2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét