Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

ĐỀN TRẦN BA XÃ / Trần Hùng Thắng

 


       Đền Trần Ba xã (Xuân Trung, Xuân Bắc, Xuân Phương) là nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngôi đền được các cụ tiền nhân xã Trà Lũ xưa xây dựng thời đời vua Hàm Nghi (năm Ất Dậu 1885). Ngôi đền nằm trên xóm 2 xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (xưa là xóm Bắc Khang, làng Trà Lũ Đông, xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường). Ngôi đền tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 5000m2, hưởng đông Nam. Có một ngôi đền chính rộng 130m2. Từ năm 1885 đến năm 2022 trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử và sự tàn phá của thời gian, ngôi đền đã 5 lần được trùng tu nâng cấp và được xây dựng lại. Lần trùng tu đầu vào năm 1930. Năm 1949 Pháp nhảy dù Phát Diệm và đánh lan ra các tỉnh. Trong 9 năm kháng Pháp, huyện Xuân Trường nằm trong vùng địch chiếm từ năm 1949 đến 1954. Vì vậy hầu hết các công trình văn hóa làng xóm đều bị địch phá hủy sau mỗi trận càn.

       Hòa bình lập lại, kinh tế miền Bắc còn thiếu thốn nhiều, đời sống nhân dân còn khó khăn nên việc tôn tạo, khôi phục đền chùa chưa có điều kiện thực hiện. Sang thế kỷ 21, kinh tế nước nhà dần phục hồi và phát triển. Năm 2006 đến năm 2012, trước sự xuống cấp trầm trọng của ngôi đền chung, ban khánh tiết được thành lập. Hưởng ứng lời kêu gọi của ban khánh tiết, nhân dân ba xã đã đồng lòng góp tiền, công đức, phục vụ việc trùng tu, tôn tạo lại ngôi đền Trần. Ngoài việc sửa chữa lại ngôi đền còn xây cổng, đường vào và gian thờ mẫu, nhà ngang, nhà khách. Riêng gia đình ông Trần Văn Vinh ở xóm 10 xã Xuân Trung đã góp 300 triệu đồng dựng bức tượng đá Hưng Đạo Đại Vương đặt trước ngôi đền (bức tượng theo mẫu tượng Thánh Trần dựng trước nhà hát 3/2 ở Thành phố Nam Định).

       Qua 4 lần tôn tạo trùng tu, sự bố trí, xây dựng của ngôi đền vẫn không đồng cấp, lạc hậu và khập khiễng. Để theo kịp sự phát triển của thời đại. Năm 2021, ông Trần Văn Vinh lại một lần nữa tài trợ trọn gói từ công tác thiết kế và xây dựng lại toàn bộ ngôi đền Trần với kinh phí gần 8 tỉ đồng.

       Sau một năm thi công, ngày 20 – 8 năm Nhâm Dần, công trình đã cắt băng khánh thành. Ngoài khu nhà khách, tượng đài được giữ lại, khu nhà thờ mẫu rộng 50m2 và khu đền chính 160m2 được xây mới. Cổng, đường, tường bao quanh, hồ trước đền và vườn cây cảnh giả sơn sau ngôi đền cũng được xây mới hoàn toàn. Đền Trần ba xã, khu di tích mới được phục hồi là một công trình văn hóa đẹp của huyện Xuân Trường, xứng đáng với truyền thống trên quê hương văn hiến. Ba xã Xuân Trung, Xuân Bắc, Xuân Phương với nhiều dòng họ. Nếu như họ Đỗ là họ lớn nhất ở Xuân Bắc thì dòng tộc họ Phan lại là họ cả ở xã Xuân Phương. Với Xuân Trung, họ Trần là tộc chiếm đại đa số (80%).



       Dân gian có câu “Kiên Lao họ Vũ, Trà Lũ họ Trần” đã được chứng minh từ ngàn xưa. Họ Trần về mở đất khẩn hoang ở Trà Lũ đã 700 năm có lẻ. Họ Trần hai xã Xuân Bắc, Xuân Phương hiện tại cũng do các hậu duệ họ Trần ở xã Xuân Trung di cư sang từ thế kỷ XIX.

       Đền Trần ba xã trải qua 137 năm lưu giữ đã được tặng 5 sắc phong từ các triều đại. Sắc phong đầu thời vua Thành Thái ngày 18/11/1889. Sắc phong thứ 2 (ngày 19/8/1909) đã ghi: “Sắc chỉ Nam Định tỉnh, Giao Thủy huyện, Trà Lũ Trung thôn tình tiễn phụng sự, chính chung đại nghĩa, phong huân vĩnh biệt. Lục linh trác vĩ. Dực bảo trung hưng. Trần Triều Hưng Đạo thụy đẳng thần. Thịnh liệt hùng văn khuông vũ tuyên chung quang ý dực. Bảo trung hý hưng Trần triều điện soái Phạm Ngũ Lão. Trung đẳng thần tiết kinh ban cấp sắc phong. Chuẩn kỳ phụng sư Duy Tân nguyên niên, tấn quang đại lễ. Kinh ban bảo chiếu đàm ân. Lễ long đăng chật đặc chuẩn y cưu phụng sự. Dung chí quốc khánh nghi thần tự điểm khâm sai. Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật 11/8/1909)”.

       Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Nhất là từ khi Hội Di sản văn hóa Việt Nam ra đời, các công trình văn hóa trong cả nước luôn được bảo tồn, nâng cấp và tôn trọng. Cùng với sự đồng tình, đầy tâm huyết góp sức của mọi người, chúng ta tin rằng không riêng đền Trần mà các di tích văn hóa khác cũng luôn được chú ý, tôn tạo ngày một khang trang, bề thế hơn. Xứng đáng với tầm vóc 4000 năm văn hiếu của dân tộc.

                                                      

        Trần Hùng Thắng

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét