Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

TẬP THƠ “MỘT THỜI” VỚI NGƯỜI LÍNH CHIẾN TRƯỜNG CỦA NGUYỄN DUY NHIỆM / Lê Văn Hy

 

 


        “Một thời” (NXB Thanh niên 1997) là tập thơ đầu tay của tác giả Nguyễn Duy Nhiệm. Đã 11 năm ở chiến trường miền Nam, Nguyễn Duy Nhiệm từng làm chiến sĩ trực tiếp đánh Mỹ ở Pleime, làm anh nuôi, tham gia sáng tác biểu diễn  trong Đoàn văn nghệ xung kích B3. Chất lính, chất chiến trường  đã ăn sâu vào trong máu thịt của anh, nên thơ anh hầu như chỉ viết về người lính.

        Thời tôi lính nhà bếp

        Làm bác đứt ruột cười

        Bây giờ thơ tôi viết

        Chỉ viết về lính thôi

Thật vậy, 39 bài thơ in trong MỘT THỜI, tôi cố nhặt ra dăm bài “Yêu”, “Hoa Mười giờ”, “Em xin lỗi”, “Tiếng rao”, “Trân trọng”... còn hơn 30 bài đúng là chỉ viết về bộ đội, về người lính. Ngay cả những bài tôi đã nhặt ra ở trên có chủ đề về tình yêu, tình bạn, song cũng lại là tình cảm của người lính.

        Tập thơ viết về người lính của Nguyễn Duy Nhiêm, tuy không phải là tất cả, nhưng anh dành phần rất nhiều về chiến trường B3 Tây (Tây Nguyên), viết về cuộc sống của cán bộ chiến sĩ, viết về tình đồng đội, tình quân dân thật đậm đà, sâu sắc. Những bài viết về chiến trường Tây Nguyên  của ông thật gian khổ ác liệt nhưng người đọc vẫn không thấy mảy may bi quan  mà chỉ thấy phơi phới lạc quan, yêu đời một cách rất hóm hỉnh.

Nhà thơ Nguyễn Duy Nhiệm

 

        Cuộc sống của chiến sĩ B3 thật gian khổ. Trong những năm 69- 70- 71, chiến trường gặp khó khăn, tiêu chuẩn của chiến sĩ Tây Nguyên là 1 lạng gạo/ngày, một lạng gạo lại nấu làm 3 bữa nên trông nồi cơm khó nhìn thấy gạo mà chỉ toàn những sắn thôi.  Và tác giả đã phác họa cảnh đó, cảnh cơm thừa do thiếu gạo một cách ngộ nghĩnh dí dỏm:

Thiếu gạo lại thừa cơm

Nghe như là nghịch lý

Những ngày ta đuổi Mỹ

Ở B3 chuyện thường.

        Ở B3 (Tây Nguyên), chiến sĩ ta hầu như không biết tiêu tiền là gì, mọi thứ từ cái kim sợi chỉ đều dựa vào hậu cần cấp phát. Trong bài “Chuyện lạ có thật”, tác giả đã phác họa bằng những câu thơ hóm hỉnh:

        Bạn có tin cuối thập kỷ sáu mươi

Đô la “xịn” lính vất đi vô khối

        Cần thứ gì chỉ việc đem muối đổi

        Ở Bê Ba chẳng ai lạ chuyện này

        Những bài “Lặng lẽ”, “Chỉ một giây thôi”, “Tây Nguyên có một thời” mô tả cảnh chiến đấu ác liệt:

Hầm mổ chưa đào xong

Thương binh đã về tới

        Hoặc:

Ngày B52  đánh xập mấy lần hầm

        Đêm, B57  tọa độ cắt dọc ngang giấc ngủ

        Ở B3 chiến trường rừng núi, nhất là rừng cao nguyên Đắc Lắc đi đâu cũng chỉ thấy một thứ cây khộp, một loại cỏ le, dễ bị lạc lắm. Mà đã lạc rừng thì biết bao nguy hiểm  do thú dữ, do gặp biệt kích, do lạc lâu ngày đói khát...:

        Sốt rét rừng, tóc chẳng kịp mọc lên

        Lạc đơn vị rau tầu bay thay gạo

        Ở Tây Nguyên, tôi đã thấy những khu kho chứa gạo, chứa đạn, chứa nhiên liệu, pin đài lọt thỏm sâu trong những khu rừng hoang vắng, mà thường lại chỉ có một người coi kho. Bài “Kéo lửa” đã viết về một chiến sĩ coi kho, trong điều kiện không kiếm đâu ra lửa, anh lính đó phải dùng cật dang và bùi nhùi kéo lửa. Kéo đến mức:

        Mồm miệng thay nhau thở

        Vớt thêm nữa bùi nhùi

        Và khi đã có lửa, anh cảm thấy lòng sung sướng, vì không phải nằm nhai gạo sống. Tác giả viết:

        B3 ơi B3

        Mấy nơi nào như thế

        Chân pháo gẫy, anh vác nòng DK để cho đồng đội bắn

        Lê Viết Cát ơi! có mối tình nào hơn

        Thiếu đồng đội mình anh vào trận địa

        Mình giữ một quả đồi

        Trăm giặc không lên nổi

                                        (Lính Hà Nội)

        Và cũng nhiều câu thơ nói về tình đồng đội:

        Quên làm sao chuyền cho nhau bao gạo nương

        Bát cháo nhường thương binh không ai ăn miệng đói

        Điếu thuốc lá rừng chia nhau từng hơi khói

        Lá thư nhà cả đại đội đọc chung

                                        (Tây Nguyên có một thời)

        Sau trận đánh ta ghi nhật ký, làm thơ

        Khóc đồng đội ngón tay vừa vuốt mắt

        Túi ngực bạn máu tắm nhòe bức ảnh

        Đáy ba lô một túm tóc đuôi gà!

                                        (Tây Nguyên có một thời)

        Thời hậu chiến, những người lính trở về đời thường, tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, nhưng lòng yêu chiến trường xưa, yêu đơn vị cũ, thương nhớ đồng chí, đồng đội không mấy ai quên.

        Đồng đội ơi! khi nay mai chiến thắng

        Xin đừng quên đêm nay đêm nay 

                                        (Đêm chiến trường)

        35 bài thơ in trong tập thơ của Nguyễn Duy Nhiệm, càng đọc càng suy ngẫm mới thấy được sự nhiệt tình say mê với thơ, ông viết vì lòng yêu đồng đội  nên đọc dễ rung động, nhất là những người trong cuộc đã từng  kề vai sát cánh chia ngọt sẻ bùi với ông ở chiến trường Tây Nguyên./.

                                                Lê Văn Hy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét