Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

“LÀNG THỨC” – CẢNH VÀ NGƯỜI NÔNG THÔN XƯA Ở MỘT VÙNG CHIÊM TRŨNG CŨNG ĐÁNG YÊU LẮM CHỨ / Lê Văn Hy

 

          Sau nhiều bài thơ được đăng báo, nhà thơ Nguyễn Thế Vinh đã cho xuất bản tập thơ Làng Thức. Là tập thơ đầu tay của anh đã được ấn hành năm 1991. Tập thơ đã được giải thưởng Nguyễn Khuyến  Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh.

          Chỉ có ai yêu nông thôn, yêu làng xóm đến tha thiết, chỉ có ai hiểu về nông thôn đến sâu sắc mới thông cảm hết nỗi cực nhọc của người nông dân vùng chiêm trũng  xưa kia: “phân gio không bằng cầy mò tháng sáu”, cầy mò, tức là trâu đi cầy phải ngoi, người đi cầy lội nước đến ngực, trông xa chỉ thấy nhô lên chiếc nón đội đầu:

Con chim xanh đậu ngọn cây vè

        Cha đi cầy chẳng thấy trâu đâu

        Chẳng thấy người đâu

        Chỉ bóng nón trôi vật vờ giữa ruộng

        Chiếc phao nón đội đầu sóng lớn

        Chỉ có gắn trọn tuổi thơ ở quê hương mới hiểu hết những kỷ niệm cháy lòng thời thơ ấu:

  Tuổi thơ ta lam lũ

  Thả diều mùa hè, câu ếch mùa thu

  Cái mồi ếch lập lòe hoa mướp

  Chết lòng ta đến tận bây giờ

               (100 câu thơ đồng chiêm)

         Cảnh nông thôn trong thơ Nguyễn Thế Vinh thật sinh động mà gần gũi, nhưng có lẽ đáng nói là trong đó anh muốn nói về tình nghĩa xóm làng. Ở trong mỗi vùng nông thôn đó có những mối tình đẹp đẽ:

  Hương nhu thơm lặng như em vậy

  Thơm ngõ chờ nhau, thơm ngõ cây.

  (Năm thu sang vùng cây thuốc)

  Tóc dài xanh ánh mắt yêu kiều

  Muốn chạy trốn cứ chạm nhau ngoài ngõ

  Khi lần đầu sửa soạn lời yêu

                      (Trang trọng)

         Con trai con gái ở những vùng nông thôn ấy, họ yêu nhau ý nhị  nhưng yêu bền yêu chắc, yêu đến thuở bạc đầu:

  Cứ trang trọng, cứ đằm thắm mãi

  Dẫu tóc chẳng xanh như thời con gái

  Cứ tinh khôi như thuở mới làm dâu

  Cho tình anh rạo rực tuổi yêu đầu

                              (Trang trọng)

            Ở đó có những bà mẹ kể cho con nghe về những lần làm nhà, có những người đi xa về thăm hỏi người thân, có những ngày bão gió, đốt đuốc dăng qua màn sương đêm đi bắt tôm, bắt cá vẫn không quên ngả nón mời nhau ăn trái mận giòn.

Tập thơ Làng Thức còn có một chủ đề, mà theo tôi, tác giả đã dành nhiều công sức, tuy chỉ qua 4 bài thơ để khẳng định truyền thống quê hương, nét đẹp xưa ông cha ta truyền lại ta không bao giờ quên. Ta có thể đọc 4 câu thơ như là một tuyên ngôn bất di bất dịch về chủ đề này của tác giả:

Nét đẹp xưa mãi mãi tươi xuân

Dẫu ngàn năm có mòn bia đá

Lớp cháu con chẳng quên quá khứ

Lại viết lên sự tích để truyền ngôn

Quên sao được công ơn tổ tiên gom nhặt bao đời được chút nghĩa nhân thì con cháu phải biết trân trọng cái nền nhân nghĩa ấy.

          Khi đi thăm cố đô Hoa Lư, tác giả nghĩ ngay đến những chiến công của cha ông ta ngày trước đã từng xông pha trận mạc, giành lại non sông gấm vóc rạng rỡ đến ngày nay:

          Ngựa hý voi gầm từ độ ấy

          Vết bùn trận mạc vẫn chưa khô

Cờ lau phơ phất trùm mây núi

Để sớm xuân này rạng cố đô .

(Qua đền Voi đá Ngựa đá)

Sau lũ, về Hoàng Long giữa một vùng mênh mông lúa, mênh mông đồi cỏ, tác giả vẫn dò tìm xem chỗ nào xưa kia là thuyền vua ngự, giữa suối Na, Quèn Thạch, chân chim bóng cá đó, tác giả vẫn mường tượng ở nơi nào còn in dấu ngựa Quang Trung.

Tập thơ Làng thức, tập thơ vẽ lên cảnh nông thôn đồng chiêm, nơi đó đã trải qua bao đói nghèo giặc dã, ngày nay dưới chế độ mới, nhân dân ta đang xây dựng cuộc sống mới vẫn không quên quá khứ. Cái đất này ngày xưa ông cha ta đã từng sống cảnh “Long đong sóng vỗ quanh thềm  vẫn đầm ấm:

Ngọt ngào rau muống dầm tương

Lá chanh em gội còn vương sao chiều.

(Lục bát)

Đối với vùng nông thôn đồng chiêm  ngọt ngào kỷ niệm  thiết tha tình người ấy, tác giả đã khẳng định:

Đời ta mãi mãi thêm yêu đất này ./.

 

Lê Văn Hy

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét