Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

“LỤC BÁT TUỔI 50” – MỘT CÁCH NHỚ ĐÁNG YÊU VỀ MỘT THỜI CON GÁI / Lê Văn Hy


         Đọc tập thơ “Ru lời ngàn năm”  của Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, tôi bắt gặp bài thơ “Lục bát tuổi 50”. Tôi bị thu hút ngay không chỉ vì nghệ thuật dùng từ đắt giá mà còn ở cách suy nghĩ, một tứ thơ mới lạ, một cách nhớ đáng yêu về một thời con gái.

         Người ta ai cũng có một thời trẻ trung, một thời để thương, một thời để nhớ. Đối với thời con gái thì cái thời ấy thật có ý nghĩa. Các cụ ta thường nói: “Con gái có thì”  đó sao! Nói về sự nuối tiếc một thời thì thơ ca đã có không ít.

Chữ rằng xuân bất tái lai

Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên

         Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu!

         Nghe sao thấy thất vọng làm sao!

         Kiều nhớ về thời tuổi xuân của mình lại càng ai oán:

         Xưa sao trướng gấm rủ là

         Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

          Mặt sao dầy gió dạn sương

         Thân sao bướm chán ong chường mấy thân

         Ở bài thơ này nói về một thời con gái, nhớ đến da diết là khác, nhưng lại rất trân trọng thời hiện tại, lúc xế chiều đứng bóng ở tuổi 50.

         Hai câu mở đầu bài thơ, tác giả viết:

         Cất giùm tôi tuổi 50

         Để tôi về sống lại thời ngày xưa

         Thường thì cái gì quý, cái gì còn phải dùng đến, người ta mới dùng từ “cất”, trái ngược với từ “bỏ” là vất đi không dùng đến nữa, hay là đã chán lắm rồi, không còn gì đáng để níu kéo lại:

  Đời mà đến thế thì thôi

Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi

Ở câu thơ trên, tác giả không chỉ đã dùng từ “cất”, mà còn là “cất giùm”, càng có nghĩa trân trọng dễ thương hơn.

        Trai ba mươi tuổi đang xoan

         Gái ba mươi tuổi đã toan về già

         Thế mà ở bài thơ ta nhận ra tuổi 50 vẫn còn đáng giá lắm, vẫn còn hy vọng lắm, mà tự hào nữa chứ.

         Bây giờ đâu phải ngày xưa

         Gót son đã dạn nắng mưa phong trần

          Sinh lão là quy luật của loài người. Có sinh ra phải có lớn lên, có già đi. Gót son đã dạn, dạn ở đây còn có nghĩa là dầy dạn, vì nắng mưa phong trần. Nói cách khác là người đã từng trải, đã có đóng góp cho xã hội, giữ mãi trời đất còn xuân, mà người phong trần không phải là người làm những việc trái với đạo lý.

         Phong trần mài một lưỡi gươm

Những phường giá áo túi cơm xá gì

Như thế thì sự già đi do “nắng mưa phong trần” chẳng đáng cho ta tự hào lắm sao!

         “Cái răng cái tóc là góc con người”. Tóc xanh của người con gái khác với tóc của người phụ nữ tuổi 50, nó xơ cứng hơn, có thể nó đã ngả mầu hoa râm, thậm chí đầu bạc. Nhưng chị đã tránh nói đến những từ chỉ sự già cỗi đó, mà nói tóc đã ngả mầu sang thu, đẹp hơn, có sức sống hơn. Tác giả đã dùng toàn bộ khổ thơ thứ ba để nói về độ tuổi 50:

         Bây giờ đâu phải ngày xưa

         Gót son đã dạn nắng mưa phong trần

         Bây giờ trời đất vẫn xuân

         Tóc xanh ngày ấy ngả dần sang thu

         Vì còn có niềm tự hào, vì vẫn còn cái xuân sắc, cái vẻ đáng yêu của tuổi 50 đó, nên hai câu kết thúc bài thơ, người đọc vẫn thấy tuổi 50 vẫn còn chứa chan hy vọng.

         Có còn lúng liếng đong đưa

Có còn cậu ấm. Ngày xưa… có còn

         Cái thời lúng liếng đong đưa

         Bao nhiêu cậu ấm cù cưa theo mình

         Dẫu rằng không hát trúc xinh

         Mà ai cứ đứng sân đình đợi ai

         Cái thời tóc phủ đầy vai

         Gót son guốc mộc con trai phải lòng

         Cái thời hai đứa còn không

         Lân la dối mẹ... qua sông hẹn hò

         Đọc hai khổ thơ trên, ta thấy cái thời con gái thật là đẹp. Đôi mắt thì long lanh tình tứ “lúng liếng đong đưa”, mái tóc chưa dài mới phủ ngang vai nhưng mà dầy dặn, cái tuổi còn rụt rè bẽn lẽn. Gặp người yêu phải lân la dối mẹ. Chỉ bằng ấy từ, tác giả đã mô tả đầy đủ một thiếu nữ nông thôn mộc mạc yêu đời, lại xinh đẹp, chẳng cần phải:

         Trúc xinh trúc mọc đầu đình

         Em xinh em đứng một mình cũng xinh

         Cũng chẳng cần phải hài thêu mũi phượng, chỉ gót son guốc mộc mà đã ối anh phải mê mệt, đứng suốt đêm bên đình đợi, vẫn còn nhiều chàng trai phải cù cưa chai mặt, trước vẻ đẹp hồn nhiên của người con gái đó mà “đi thì cũng dở ở không xong”.

         Chả thế mà chị Đặng Nguyệt Anh, Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh đã dùng hình ảnh đầy thơ mộng phiêu diêu, nhờ cậy người “Cất giùm tuổi 50” để cho tâm hồn bay bổng về sống lại thời ngày xưa, cái thời con gái:

         Cất giùm tôi tuổi 50

         Để tôi về sống lại thời ngày xưa./.

Lê Văn Hy

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét