Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

VÀO NGHỀ / Lê Văn Hy

        (Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập TTXVN).



        Hồi ức của Lê Văn Hy, sinh 1940. Nguyên trưởng phân xã TTXVN tại các tỉnh Hà Nam Ninh, Thuận Hải, Nam Hà và Nam Định.

        Ngày đó cách đây đã  gần 55 năm, vậy mà tôi vẫn  còn nhớ như in, như vừa mới hôm qua thôi. Có phải vì là lần đầu tiên trên đời, trải qua bao năm tháng của tuổi ấu thơ, của thời gian dài dằng dặc ngồi trên ghế nhà trường, từ lớp vỡ lòng đến bậc đại học  còn phải phụ thuộc vào gia đình, thì bây giờ chính bản thân mình đã có thể làm ra tiền tự nuôi sống mình và giúp đỡ gia đình. Hơn thế mình đã có một công việc mang lại lợi ích cho xã hội. Có phải vì công việc làm ở một địa phương, lần đầu tiên được tiếp xúc rộng  nên cái gì mình cũng thấy mới lạ, dễ gây ấn tượng khó quên. Cũng như tờ giấy trắng gặp mầu gì  là bắt ngay, khó mà phai nhạt. Tuổi thanh niên của tôi  là một tờ giấy trắng đã lần đầu tiên  bắt gặp mầu của thời gian  1966-1968, miền Bắc hừng hực khí thế cách mạng chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, trong phong trào thanh niên “ba sẵn sàng”. trong ý chí quyết tâm bảo vệ Miền Bắc, giải phóng Miền Nam. Cái nơi tôi lần đầu tiên công tác lại là tỉnh Hà Tây  với 13 huyện thị xã, với một triệu dân (dân số lúc đó) giầu truyền thống cách mạng  và bề dầy lịch sử văn hóa dân tộc. Nhân dân giầu lòng thương người, mến khách, cần cù lao động trồng lúa trồng mầu, trồng dâu nuôi tằm, có trí tuệ và tài hoa của người thợ dệt lụa  và làm nghề thủ công mỹ nghệ.


        Tôi nhớ  ngày đàu tiên  đi nhận công tác phóng viên thường trú ở Hà Tây là ngày 20 tháng 7 năm 1966. Sáng hôm đó  tôi từ 5 Lý Thường Kiệt- Hà Nội  khăn gói lên xe điện  Bờ Hồ- Cầu Giấy. Rồi từ Cầu Giấy đi bộ dọc theo đường 1 (nay là đường 32) đến Nhổn rẽ vào Ngã Tư Canh, rồi về xã Lại Yên, nơi cơ quan tỉnh ủy Hà Tây đang sơ tán. Anh Lê Quang Bảo đón tôi ở “trụ sở” Thông tấn xã thường trú. Đó là nhà chị Lưu Hón ở xóm 2, chị khoảng ngoài 30 tuổi, có 3 con nhỏ, chồng đi công nhân ở tỉnh xa. Nhà chị có ba gian lợp mái tranh đã cũ, Chị dành cho chúng tôi một gian  bên  đủ để kê một chiếc tủ đứng, một bàn gỗ  một ghế tựa  và một chiếc giường cá nhân.

        Anh Bảo nói với tôi: Đấy “cơ ngơi” của chúng ta chỉ có như vậy. Anh mở khóa tủ đưa ra một chiếc đài O ri ông tông và tiếp tục nói. Chỉ có một chiếc giường cá nhân mình thường nghỉ trưa, còn tối thì về Hà Nội, cậu toàn quyền sử dụng. Được cái hành trang của tôi ngày đó cũng rất gọn gàng: Một chiếc chăn chiên Nam Định một chiếc áo Bluy dông  đẻ mặc trong mùa đông, vài bộ quần áo mầu cỏ úa…

        Tôi ăn ở và sinh hoạt với báo Hà Tây, do anh Nguyễn Văn Trung làm Tổng biên tập, anh Lê Chúc làm Phó tổng biên tập, anh Hồng Dương làm Thư ký tòa soạn. Chị Trúc có con nhỏ, chồng đi chiến trường, làm cấp dưỡng. Hàng tháng chúng tôi phải nộp cho “nhà ăn “13,5 kg tem phiếu gạo  và 18 đồng tiền mặt. Ngày nào đi công tác thì phải báo trước đẻ rút tiền 6 hào và 4,5 lạng tem phiếu gạo.

        Xã Lại Yên tuy đất thổ cư hẹp, nhưng nhà nào cũng có tường bao, đường xóm trên xóm dưới  đều được lát gạch vỉa nghiêng  đến tận các ngõ ngách. Đầu xã có cây đa cổ thụ  tỏa bóng mát ngày hè, có đầm nước sạch, có đình. Cuối xã có miếu, có nhiều cây xanh. Tóm lại là một xã có quang ảnh đẹp, có tiện nghi tốt, nên được chọn làm nơi sơ tán của cơ quan tỉnh ủy, nên các báo TƯ, TTX và các Ban của Đảng đều ở đây. Văn phòng UBHC tỉnh  ở xã Phương Bảng. Các ty, ngành ở rải rác các xã chung quanh như Sơn Đồng, Phương Viên, An Khánh, Canh, chùa Tổng  đều thuộc huyện Hoài Đức.

        Vì các cơ quan trong tỉnh ở gọn vào một khu vực hẹp như vậy, nên chỉ ít ngày tôi đã làm quen với các anh lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban, Tỉnh đội. Tôi tiếp xúc  và nói chuyện với anh Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy. Có lần anh Trường vỗ vai tôi nói đùa “Đồng chí trẻ thế này mà đã làm phóng viên của báo TƯ cơ đấy“. Tôi cũng gặp anh Bạch Thành Phong, Chủ tịch ủy ban Hành chính tỉnh. Anh Phong cho biết anh đã từng  chiến đấu ở vùng chiêm trũng huyện Mỹ Lộc quê tôi  thời kháng chiến chống Pháp. Tôi tìm hiểu làm quen với anh Nguyễn Kỳ Nam, trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, chị Hồng Hà là chủ tịch hội Phụ nữ tỉnh, anh Trịnh Tiến Hòa làm bí thư tỉnh đoàn, Trung tá Hoàng Lưu là Tỉnh đội trưởng. Anh Sơn là trưởng ty giáo dục, anh Trịnh Tiến Hòa là Bí thư tỉnh đoàn, anh Minh Đạt là chủ nhiệm ủy ban nông nghiệp tỉnh v.v… và xa hơn nữa tôi tìm hiểu đến bí thư, chủ tịch các huyện, thị xã. Đặc biệt là phải gần gũi với các đồng chí là Chánh phó văn phòng các huyện thị, những người phát ngôn cung cấp tình hình sắp xếp nơi ăn chốn ở cho mình mỗi khi về công tác. Ngay từ những tháng cuối năm 1966 tôi đã đi được nhiều huyện, trong đó có huyện Quốc Oai, lúc này anh Mai Thao là Bí thư huyện ủy, anh Nguyễn Văn Bổn là phó bí thư, tôi gặp đồng chí Chánh văn phòng huyện ủy là Đỗ Thế Gia, là thầy giáo dậy tôi hồi học lớp 4 ở xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Thầy trò gặp nhau xiết bao mừng rỡ, và từ đó tôi về Quốc Oai nhiều hơn, biết cả lối đi tắt từ Lại Yên qua Sấu Giá  về huyện gần hơn đến nửa đường.

        Làm quen với các đồng chí lãnh đạo  chủ chốt  tôi thấy rất thuận lợi cho công tác phóng viên của mình.

        Suốt trong những tháng  7, 8, 9, 10/1966 đó, tôi đều phải đi bộ lấy tin. Nhưng được cái các cơ quan ban ngành đều ở gọn trong huyện Hoài Đức. Tóm lại nếu lấy tâm là xã Lại Yên  thì đường bán kính đên các xã có cơ quan tỉnh đóng chỉ là 3 đến 4 km. Ba, bốn km đi bộ đối với tôi thời gian đó là một việc quá bình thường, nhưng nhiều người trong đó có anh Phạm Đình Đăng, Chánh văn phòng VNTTX lại cho là việc không bình thường  đối với một phóng viên thường trú ở một tỉnh.

        Số là đầu tháng 1 năm đó, tôi về cơ quan đên Phòng Địa phương gặp chị Dậu lấy văn phòng phẩm, rồi đến chỗ chị Trường, phòng Tài vụ để lĩnh lương, tôi lần đâu tiên được gặp anh Đăng.
        Anh Đăng hỏi tôi, cậu về bằng phương tiện gì?
    - Thư anh, em đi bộ.
        - Anh tỏ vẻ ngạc  nhiên kéo tôi đến anh Tiếp, trưởng phòng Tài vụ, nói cấp đạp cho tôi. Tiếng nói của lãnh đạo quả là có hiệu lực. Ngay sau đó tôi được cấp phiếu mua chiếc xe đạp Thống nhất (nam), với giá 254 đồng, được trừ dần vào lương hàng tháng, mỗi tháng 25 đồng.

        Suốt trong năm 1967, khi tôi đã có xe đạp, thì ngoài các tin tổng hợp, tin thời vụ nông nghiệp, tin hội họp, mét tinh lấy ở các báo cáo  Văn phòng tỉnh ủy, ủy ban… tôi đã rong ruổi khắp tỉnh Hà Tây, vai đeo túi sách và chiếc đài O ri ông tông  để nghe tin tức thời sự, mặc cho người ta nói là đeo cái thùng biết nói. Tôi đã đến HTX Vĩnh Phệ xã Chu Minh huyện Quảng Oai (sau này là quê vợ tôi) đẻ viết tin chăn nuôi lợn và trồng rau, một điển hình lúc đó. Tôi đã đi đến huyện Bất Bạt, đi đến Vạn chài tìm hiểu nghề đánh cá của ngư dân trên sông nước, đến nông trường chăn nuôi bò  ở chân núi Ba Vì để  viết về anh Hồ Giáo. Tôi đã đi đến xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức để tìm hiểu phong trào trồng dâu nuôi tằm  và viết về anh hùng lao động  Nguyễn Thị Chén. Bài “Người anh hùng của xứ sở dâu tằm“ của tôi viết đã được in trên bản tin Miền Bắc, có đề tên hẳn hoi, được báo Thời Mới đăng nguyên văn, được anh em bè bạn tán thưởng. Sau khi đọc bài viết của tôi, anh Hoàng Dương gặp tôi khen: “Cậu viết khá đấy“

        Theo gợi ý của chị Hoàng Thị Yến, cán bộ phòng Địa phương, tôi đã đến xã Kim Bôi viết về thâm canh ngô, đạt tới 5% tấn ngô hạt/hecta (bình thường các nơi khác chỉ đạt 2 đến 3 tấn/hecta).

        Trong năm 1967, tôi nhớ đã đưa được một số tin  kinh tế khác phản ảnh đúng  đặc điểm của Hà Tây  là một tỉnh nông nghiệp, có vùng đồng bằng, có đất trồng cây công nghiệp, có miền đồi núi bán sơn địa, có công nghiệp địa phương và tiểu thủ công nghiệp tương đối phát triển. Đúng như lời anh Mai Thanh Hải căn dặn tôi  trước khi về công tác phóng viên tỉnh Hà Tây. Tôi đã viết tin huyện Phúc Thọ thâm canh cây đậu tương đông. Huyện Tùng Thiện phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Hà Tây lam nhiều công cụ thường công cụ cải tiến phục vụ nông nghiệp.

        Từ khi về Hà Tây, một tỉnh chưa có chiến tranh phá hoại ác liệt như ở Quảng Bình Vĩnh Linh, song tôi luôn có suy nghĩ làm sao mình phải thể hiện  sự xông xáo, dũng cảm lao vào những nơi máy bay Mỹ đánh phá, chú ý đưa nhiều tin bài về quân sự, về chính sách hậu phương quân đội, tin tố cáo tội ác chiieens tranh của Mỹ.

        Ngay từ tháng 12 năm 966, tôi đã đi về xã Châu Can, gần Cầu Giẽ là nơi Mỹ thường ném bom hòng phá cầu. Tôi đã đi các trận địa pháo ở đây, viết gương Mẹ Mơ phục vụ chiến đấu, được buổi phát thanh Phụ nữ Đài Tiếng nói Việt Nam đọc.

        Cũng chủ đè này tôi đã viết gương “Mẹ Năm Tẻo“ ở xã An Khánh, được báo Nhân dân đăng và sau này được đăng ở tập sách “Người tốt việc tốt“. Gương này tôi viết ngắn gọn nhưng có lẽ được đăng là ở câu mẹ nói với con dâu: “Con ạ trong lúc cả nước có chiến tranh mẹ con mình làm nhiều chỉ nên ăn năm ăn bẩy còn phải dành ra góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”. Về chủ đề hậu phương quân đội, tôi đã viết một tin “Nhân dân xã Hòa Xá, Ứng Hòa cử người đi đánh Mỹ”. Tin này TTX phát đã được đồng chí Tố Hữu khen  vì đã nói được bản chất của bộ đội Cụ Hồ. Không phải bất cứ ai cũng được tòng quân. Người được đi đánh Mỹ phải là người được nhân dân kén chọn giới thiệu cử đi mới được. Thời gian 1966-1967  giặc Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại ra khắp các tỉnh miền Bắc, đánh hủy diệt thị xã Phủ Lý, đánh tàn phá thành phố Nam Định, Riêng ở huyện Quốc Oai Hà Tây mà tôi đã được chứng kiến  ngày 3 tháng 2 năm 1967, giặc Mỹ ném nhiều bom bi xuống hai xã  Đông Yên và Hòa Thạch, làm một số người chết và nhiều người bị thương. Tiếp đén ngày 26/3/1967, Mỹ ném bom bắn phá thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, một làng ven sông Tích làm chết và bị thương nhiều người trong đó có cả học sinh. Hôm Mỹ ném bom thôn Liepj Mai  26/3 thì 27/3 tôi đã viết tin  và làm báo cáo đi thẳng về Tổng xã kịp phát bản tin đêm Lúc tôi đến đưa tin cho anh Việt Thảo trực tin đêm thì lần đầu tiên tôi được gặp anh Đỗ Phượng áng chừng 35, 36 tuổi. mặc bộ quần áo vải ka ki 4 túi, người hơi gầy, cao, đầu hơi nghiêng, mái tóc chờm về phía bên trái, Vầng trán cao đôi mắt nhìn thẳng và tinh anh. Anh Thảo nói với tôi: Cậu đến báo cáo thủ trưởng đi, anh Đỗ Phượng ở vụ báo chí  ban Tuyên giáo Trung ương mới về làm Phó Tổng biên tập  chuyên trách về tin miền Bắc đấy. Tôi báo cáo tình hình với anh Phượng, anh ngồi chăm chú nghe, thỉnh thoảng khẽ gật đầu. Nghe tôi báo cáo xong, anh nói: ”Cậu báo cáo tình hình và đưa tin kịp thời như thế là tốt đấy. Song trong tin nói Liệp Mai là một thôn nhỏ có trên một ngàn dân, trên một ngàn dân là thôn lớn chứ. Mình phải nói Mỹ ném bom vào một thôn lớn  đông dân mới có sức tố cáo địch”. Anh còn dặn tôi mai kia phải tiếp tục về lại thôn đó  xem nhân dân ở đây khắc phục hậu quả, sẵn sàng chiến đấu đẩy mạnh sản xuất ra sao.

        Một sự kiện thứ hai đáng ghi nhớ là:

        Ngày 5 tháng 5 năm 67 máy bay Mỹ ném bom thôn Dương Cốc, ta bắn rơi một máy bay. Tên phi công Mỹ nhẩy dù xuống cánh đồng Nhót, xã Tuyết Nghĩa, giáp xã Phú Cát. Tôi kịp đến viết tin “Em Hoa 13 tuổi bắt sống giặc lái Mỹ“:

        Tin đó như sau:

        Hà Tây (VNTTX 5-5-67)  Ở xã P huyện Quốc Oai, em Hoa vừa đi chăn bò về  thì nghe tiếng loa tay của anh công an Nguyễn Văn Biên: “Bà con ơi, giặc Mỹ nhẩy dù, bắt sống lấy nó. Hoa vội vớ chiếc đòn gánh  đuổi theo hướng chiếc dù rơi. Dù vừa chạm đất, Nguyễn Văn Hoa đã xông thẳng đến chỗ tên giặc lái. Chiếc đòn gánh của em giơ lên, tên giặc Mỹ vội giơ tay xin hàng.  Cùng lúc đó Nguyễn Văn Vệ, anh ruột của Hoa, Trung đội dân quân Nguyễn Văn Tạo và các xã viên đang làm đồng  cùng xông tới  bắt trói tên giặc Mỹ”,

        Tin viết ngắn nhưng phản ảnh được sự dũng cảm nhanh nhẹn của em Nguyễn Văn Hoa: “Vừa đi chăn bò về đã lao ngay đi bắt giặc lái”. Tin đó tôi đã bất chấp trời đã tối phóng xe đạp một mạch  theo đường tắt về Nhổn rồi từ Nhổn về cơ quan kịp phát bản tin đêm. Sáng hôm sau  báo Nhân Dân đã đăng tin này. Bác Hồ đã thưởng huy hiệu cho Nguyễn Văn Hoa./.


                                LÊ VĂN HY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét