Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

LÊ VĂN HY BÌNH BÀI “NHỚ VỀ NAM ĐỊNH” CỦA PHẠM TRỌNG THANH

       Kỷ niệm Một trăm  năm thành lập Nam Đinh (1921 - 2021)





                NHỚ VỀ NAM ĐỊNH

        Xa những con thoi tảo tần bên phố chợ
        Sáng lóa biển chiều
        Tiếng quạ thu không
        Anh ở Cô Tô ngóng về Nam Định
        Em đang về cuối phố áp cơn dông
        Sông Đào ơi nào hãy gắng trong
        Chiều giặt áo bến tầu  thưa  tiếng gọi
        Thành phố xa vời vợi
        Loáng gương hồ bóng liễu nhỏ kề vai


        Vị Hoàng xưa còn tiếng ếch bên tai
        Thơ cụ Tú người chân trời vẫn nhớ
        Bến Ngự Trường thi nối dài khoa cử
        Cổ Mai Trang chúm chím nụ mai chờ

        Nam Định muôn trùng sóng lặng lơ ngơ
        Chao thương quá em một mình lặn lội
        Người xơ xác vì chồng con sớm tối
        Cạnh chao đèn khe khẽ  bóng trăng lên

Nỗi nhớ nghiêng chiều thương mến Vị Xuyên
Giọng nói riêng riêng
Tiếng chào nhè nhẹ
Mái nhà ta có câu thơ gõ cửa
Thành phố nuôi anh còn đó sách đèn
Thành phố cho mình cả lúc hiệu còi lên
Bom với đạn chất chồng năm tháng cũ
Bạn ta đi bao người đâu về nữa
Ước vọng ngọt ngào những tán bàng xanh

Yêu Thành Nam hiền thảo quê mình
Anh giữa khơi xa nhớ về Nam Định
Trên tất cả ồn ào trăm dặm sóng
Thành phố em chờ
Nam Định của đời anh.

                          Phạm Trọng Thanh





        LỜI BÌNH CỦA LÊ VĂN HY

        Đọc “Nhớ về Nam Định” càng yêu mến quê hương.

        “ Gió Trầm”- NXB Văn học 1997 là tập thơ thứ ba của Phạm Trọng Thanh. Tiếp theo các tập “Mùa hạ đi tìm” NXB Văn học 1990, “Lá bay“ – NXB Hội Nhà văn  1993.
 38 bài thơ in trong tập, tác giả dành nhiều cho chủ đề nông thôn, tình yêu quê hương đất nước  mà đề tài là những tên làng, tên đất, ngọn núi, con sông. Có khi tác giả còn thả hồn mình “Ra đứng bờ ao“ trên con đường rắc vỏ trấu vàng hay “Lặng lẽ cánh đồng“ để nhớ lại những năm tháng gian truân thời thơ ấu. Tình yêu đó cứ in đậm, thấm sâu trong mỗi bài thơ, mỗi câu thơ nhưng nổi trội hơn vẫn là bài thơ “Nhớ về Nam Định“, mỗi khi đọc lên ta lại thấy tự hào, càng yêu mến quê hương da diết.
        Xa những con thoi tảo tần bên phố chợ
        Sáng lóa biển chiều  tiếng quạ thu không
        Anh ở Cô Tô ngóng về Nam Định
        Em đang về cuối phố áp cơn dông
        Cái địa danh mà tác giả đang đứng không phải là đất liền mà là một hòn đảo  giữa ba bề bốn bên “ồn ào trăm dặm sóng“. Thời gian lúc này là buổi chiều tranh tối tranh sáng tạo thêm khoảng cách với quê hương càng xa vời vợi. Rồi “Tiếng quạ thu không“ gợi buồn man mác, giống nỗi buồn của một câu thơ cổ “Yên ba giang thượng xử nhân sầu” (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ta –dịch)
        Trong không gian gợi buồn đó, tác giả càng tăng thêm nỗi nhớ về Nam Định tạo nên điệp khúc  cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần  trong suốt bài thơ.
        Nam Định muôn trùng sóng lặng lơ ngơ.
        Nỗi nhớ nghiêng chiều thương nhớ Vỵ Xuyên
 Và
        Anh giữa khơi xa nhớ về Nam Định
v.v và v.v…
         Tác giả nhớ về Nam Định  ngay trong câu mở đầu bài thơ
        ...nhớ… con thoi tảo tần bên phố chợ.
        Nhớ con sông Đào  nước đỏ phù sa  hãy gắng trong để chiều về giặt áo. Nhớ về Vị Hoàng, nhớ câu thơ nổi tiếng của Tú Xương:
                Vẳng nghe tiếng ếch  bên tai
        Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
        Tác giả cũng nhắc đến Bến Ngự (nơi vua đã đi qua) và Trường Thi (nơi các thí sinh đến thi hương ngày trước).
        Nhớ về Nam Định có truyền thống văn hiến lâu đời, tác giả cũng nhớ một thời  oanh liệt chống Mỹ, cứu nước. Ở nơi đây bom đạn Mỹ đã cầy  xới bao lần vẫn không hề làm nhụt ý chí  quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước  của quân và dân quê hương Nam Định. Bao lớp thanh niên, trong đó có nhiều bạn bè  của tác giả  cùng mình  đã lên đường  vào Nam đánh giặc, có bao nhiêu người đã không về:
        Thành phố cho mình cả lúc hiệu còi lên
        Bom với đạn chất chồng năm tháng cũ
        Bạn ta đi bao người  đâu về nữa
        Ước vọng ngọt ngào những tán bàng xanh
        Bài thơ “Nhớ về Nam Định“  đã nói lên lòng yêu quê hương tha thiết, bắt đầu từ những tên sông, tên phố, tên làng, yêu truyền thống địa linh nhân kiệt  của quê hương, yêu những con người nơi đây cần cù lao động, chiến đấu kiên cường, trọng tình trọng nghĩa. Bởi vậy đọc “Nhớ về Nam Định“  ta lại càng thêm tự hào  càng thêm yêu quê hương hơn ./.

Lê Văn Hy
(Mỹ Lộc - Nam Định)

         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét