Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

ẢI CHỈ LĂNG : Bút ký / Trần Thị Nhật Tân

        


        Bạn đọc trẻ Phạm Văn Đại Hoàng thiện nguyện đưa tôi đi thăm Ải Chi Lăng, Lạng Sơn.

        Chúng tôi đi xe khách từ Nam Định, khởi hành 5 giờ 30 phút sáng, hơn 10 giờ đến Chi Lăng. Bạn đọc “Dòng xoáy” Hoàng Thị Thịnh đã thuê tắc xi chờ sẵn. Ba giờ chiều, tôi đi thăm bạn đọc, thăm đồng đội cao tuổi, tạt vào chợ Đồng Mỏ. Vì phòng dịch cô vích 19, chợ vắng khách. Các bà, các em bán hàng ngồi buồn thiu, khách đi qua liền đứng dậy chào mời vui vẻ. Mùa xuân năm ngoái bà Thịnh đón tôi lên chơi. Chợ Đồng Mỏ hai tầng rộng thênh. Các quầy hàng choáng ngợp đủ mặt hàng Âu, Á. Khách hàng tấp nập mua sắm vào ra.


        Sáng sớm hôm sau, bà Thịnh thuê tắc xi đưa tôi đến Ải Chi Lăng. Trên đường đi, bà Thịnh kể Ải Chi Lăng có ngọn núi cao giống hình con quỷ ngồi nhìn xuống đường mòn biên ải. Trên núi có hầm rộng chứa được vài trăm người, có nước quanh năm. Hàng nghìn năm trước, quân dân ta nấp trên hầm núi bắn tên, ném đá xuống đầu giặc xâm lược…

        Gần 80 tuổi, lần đầu tiên đặt chân lên dấu chân người xưa Nguyễn Phi Khanh, trong tôi bâng khuâng khó tả. Tôi đứng lặng hơi lâu, ngước lên ngọn núi Quỷ cao vời tầng mây. Hình ảnh Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi dùng dằng chia tay nơi biên ải cứ chập chờn ẩn hiện. Nguyễn Trãi đưa tay áo gạt ngang mắt, nhìn theo cha giữa vòng vây quân giặc áp tải, xa núi bên kia…

        Tấm bia di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962 giúp cho khách muôn phương được biết những chiến công hiển hách của tổ tiên ta. Năm 981 Lê Hoàn đánh tan quân xâm lược nhà Tống lần thứ nhất. Dưới triều vua Lý Nhân Tông, năm 1077 đánh tan quân xâm lược nhà Tống lần hai. Dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, quân dân ta chiến thắng giặc Nguyên Mông lần hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288. Nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt 10 vạn giặc Minh năm 1427… Chẳng hiểu những khách tham quan có giống tôi không? Con đường nhỏ hai bên tường Ải Chi Lăng với tấm bia giản dị dưới chân núi cao, xung quanh cỏ um tùm. Cảnh quan không có gì lạ hấp dẫn. Không hiểu sao tôi cứ muốn đứng mãi nơi này! Phải chăng hồn thiêng sông núi, mạch ngầm cuộn chảy dưới chân đang thấm vào từng mạch máu, từng hơi thở của tôi?... Hình như có tiếng u u của đất. Tâm hồn tôi thanh thoát nhẹ tênh. Khói hương cuộn tròn bay lên núi. Chắc lớp lớp thế hệ ông cha, nghĩa binh các thời đánh giặc ngoại xâm phù hộ cho tôi sức khỏe viết tiếp bài ca chiến sĩ…

        Bà Thịnh kéo tôi lên xe, đi vòng vèo chân núi sang Quỷ Môn. Đường mòn Quỷ Môn hẹp hơn đường mòn Ải Chi Lăng. Nhưng hai bên đường là vườn na, bưởi xanh mướt chi chít quả non trong kẽ lá. Tưởng nhớ quân dân anh dũng chiến đấu chặn giặc nơi biên ải, nhân dân Chi Lăng xây đền Quỷ Môn Quan từ hơn 600 năm trước. Đền xây trên bãi chiến trường quân dân ta chém chết tướng giặc Hầu Nhân Bảo quân xâm lược nhà Tống lần thứ nhất. Chính nơi đây Lê Đại Hành làm lễ phong công trạng tướng sĩ và dân binh Chi Lăng. Khi giặc Minh qua Quỷ Môn, chúng đốt đền, dựng trại bên đường nấu ăn. Quân dân ta trên núi Quỷ dùng tên bắn bùi nhùi lửa vây quanh giặc. Quân Minh hoảng hốt la hét, đạp lên nhau chạy “Lửa trời! Trời hại!...” Quân dân ta nấp hai bờ suối, quanh chân núi xông ra chém, bắn tên, ném sỏi vào đầu, giặc chết từng đống…

        Trong khi chờ người coi đền Quỷ Môn đến mở cửa, tôi ra suối, khỏa tay vào dòng nước mát lành. Những viên sỏi thời gian rêu phủ như chưa từng ném vỡ đầu quân xâm lược thời xa xưa.
        - Cụ ơi cụ, nước suối Chi Lăng ngọt lắm uống được. Cụ uống đi cho mát – Một bà đèo bó cỏ bằng xe đạp, cậm cạch qua cầu gọi tôi.
        - Bà ơi cho tôi hỏi, suối Chi Lăng chảy về hướng nào đây?
        - Cụ ơi, dòng chảy hướng bắc cụ ạ.
        - Ơ…
        - Vâng! Ngày xưa ông cha ta đánh giặc bằng gươm giáo, cung tên, nắm sỏi cụ cầm đấy, ném đầu giặc chết. Nơi xây đền vườn na, bưởi bây giờ, thời xưa đầm lầy bùn, cây cỏ um tùm. Quân nhà vua và dân binh Chi Lăng chiến đấu dũng cảm. Giặc chết chồng đống suối. Dòng suối chảy ngược hướng bắc đẩy hết xác giặc đi cụ ạ.
        - Ôi! Suối Chi Lăng từ tâm đẩy xác giặc hồi hương.
        - Cụ nói hay quá! Dân ta từ xưa vẫn từ tâm. Bao đời giặc qua Ải Chi Lăng thua trận, tổ tiên ta cấp lương thực, cấp phương tiện cho chúng về nước. Chào cụ!
        Tôi ngẩn ngơ nhìn theo người nông dân vui chuyện đi khuất bên kia chân núi.

        Ông coi đền Quỷ Môn kể:

        Đền được xây dựng hơn 600 năm. Đền xây bằng gạch lợp ngói máng, có hậu cung và tiền sảnh. Đền được tôn tạo năm 1935, đến nay vẫn còn nguyên dạng. Trong đền có tấm bia ghi những chiến công quân dân ta chiến thắng giặc xâm lược. Đặc biệt tấm bia nói ông tướng anh hùng chỉ huy quân dân đánh tan 31 vạn giặc ở chân núi Quỷ. Khi giặc chạy về bắc chỉ còn 3.400 tên. Giặc bắt được ông tướng ấy, đem qua biên giới. Chúng dụ dỗ đi theo. Ông khảng khái mắng vào mặt quân xâm lược, giật gươm gặc mổ bụng lôi ruột cắt từng khúc. Quân giặc kinh hoàng trước cái chết anh hùng của tướng quân nhà Lê, chắp tay vái lạy. Chuyện đến tai vua Thanh, kính phục tướng anh hùng Việt, vua Thanh lệnh cho quân chôn cất tử tế, xây đền thờ. Từ bấy đến nay, dân biên giới hai nước Việt – Trung đều cúng lễ mồng một, ngày rằm. Tấm bia có khắc dòng chữ: “Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân toàn”. (Nghĩa là: Cửa Quỷ Môn, cửa Quỷ Môn, mười người đi, một người về).

        Chúng tôi vào đền lễ, đứng dưới vườn na ngắm suối Chi Lăng đang róc rách reo vui. Bà Thịnh đập vai tôi bảo: “Tháng tám chị lên ăn na Chi Lăng ngọt lắm!” Mới nghe tôi đã thấy vị ngọt thơm của na Chi Lăng. Bởi đất Chi Lăng đã thấm đẫm máu xương của bao lớp anh hùng liệt sĩ, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Anh linh các liệt sĩ còn bảng lảng trên tầng mây núi Quỷ, vun đắp cho đất đai màu mỡ cho cây xanh trái ngọt Chi Lăng.

                          TRẦN THỊ NHẬT TÂN
         Số 1 ngõ 89 Đinh Công Tráng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.  ĐT:   0793511609













 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét