Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

MỘT BÀI VIẾT NHẬN THỨC LỆCH LẠC / Hoài Ngọc Anh

 



       Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định số 3,4 năm 2015 đăng bài “Những lời dạy của Bác về xây dựng đời sống văn hóa” của tác giả đạo diễn – NSUT Trịnh Quang Khanh tại trang 11, 12, 38 được đông đảo bạn đọc quan tâm.

       Nhà thơ Trần Khắc Cánh cho tôi xem bài viết này và nói bằng giọng rất căng thẳng:

       - Một bài viết tỏ ra nhận thức hời hợt, giọng kẻ cả dạy đời, cực đoan kỳ thị văn hóa tinh hoa của dân tộc khác, đòi loại bỏ ngôn ngữ và chữ viết Hán Nôm nói riêng và văn hóa ngoại bang nói chung, coi thường bạn đọc như thế này mà Tạp chí VHTTDL tỉnh cũng đăng... Ông nghĩ sao về điều này?

       Đọc xong bài viết, tôi đã trả lời ngay nhà thơ Trần Khắc Cánh như sau:

       - Đã là cực đoan thì khó có thể đạt được độ đúng đắn.

       - Hiện nay hòa nhập là xu thế thời đại, vấn đề giao lưu tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc khác là tất yếu. Nếu “bế quan tỏa cảng” thì chắc chắn tụt hậu...

       Về chữ Hán - Nôm:

       Hàng nghìn năm bị người phương Bắc đô hộ, dân tộc ta đã tiếp thu tinh hoa văn hóa của ngoại bang để làm giàu cho văn hóa Đại Việt. Đó là thái độ tiến bộ, tích cực, khôn ngoan của cha ông chúng ta. Nhờ thế mà ngày nay ta mới có một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm và nhiều danh nhân văn hóa lớn. Cả một thời kỳ hàng nghìn năm, cha ông ta sử dụng chữ Hán, chữ Nôm trong đời sống xã hội và sáng tạo biết bao áng thơ văn lưu danh thiên cổ. Chúng ta tẩy chay chữ Hán, chữ Nôm thì làm sao lưu giữ và khai thác được kho tàng văn hóa nghệ thuật nghìn năm của cha ông mình?

       Chữ Hán là của người Trung Quốc, nhưng khi người Việt tiếp nhận nó đã đọc bằng âm tiếng Việt chứ không đọc bằng âm tiếng Hán như chữ người Hán dùng. Chúng ta gọi là chữ Nho. Chữ Nho về tự dạng và nghĩa chữ thì cơ bản như chữ Hán của người Hán nên có người gọi chữ Nho là chữ Hán-Việt. Còn phần ngữ âm đã được Việt hóa, không thể coi là chữ của người Hán. Rõ ràng nó là chữ của người Việt Nam. Chữ Nho là chữ viết chính thức của dân tộc ta trong hơn nghìn năm... Chỉ những người không hiểu điều đó mới coi chữ Nho – Hán Việt là ngoại bang.

       Chữ Nôm ra đời dựa vào chữ Hán, hình thức chữ Hán nhưng phát âm Việt, nghĩa Việt. Đó là chữ của người Việt do người Việt sáng tạo chứ đâu phải là của ngoại bang. Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc, Nhị độ mai v.v... là những tác phẩm viết bằng chữ Nôm...

       Chữ Quốc ngữ ngày nay chúng ta sử dụng cũng dựa vào chữ La tinh và do người nước ngoài sáng tạo, cứ theo tinh thần bài viết của tác giả thì ta cũng tẩy chay ư?

       Về mặt ngôn ngữ:

       Do hàng nghìn năm ảnh hưởng ngoại bang (nhất là Trung Quốc và Pháp), ở đây chỉ nói về từ Hán Việt, người Việt tiếp thu và Việt hóa ngôn ngữ ngoại bang làm giàu cho ngôn ngữ Việt, sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày đến mức nhiều người cứ ngỡ là từ thuần Việt, nhiều người không phân loại được đâu là từ Hán Việt và đâu là từ thuần Việt. Theo thống kê của một số nhà ngôn ngữ học qua các từ điển Việt thì từ Hán Việt chiếm trên 60% (nhiều hơn cả từ thuần Việt). Tỷ lệ này ở lĩnh vực Phật giáo là trên 80%, trong nghiên cứu khoa học là trên 70% (Xem Từ điển mở Winikey).

       Nếu chúng ta cực đoan tẩy chay tất cả từ “ngoại bang” thì chúng ta sẽ ra sao trong giao tiếp.

       Cứ qua bài tác giả viết cũng thấy nhan nhản từ Hán Việt. Nếu trung thành với quan điểm tẩy chay kỳ thị từ Hán Việt thì sao tác giả lại dùng nhiều từ Hán Việt đến thế?

       Từ Hán Việt nhiều khi không có từ thuần Việt thay thế, nó hàm súc, biểu cảm đến mức không có từ thuần Việt nào thay thế hay hơn. Vậy lý gì mà ta tẩy chay không sử dụng? Chẳng hạn “Sinh nhật” thay bằng “Ngày đẻ” ư? Ta thử xem các từ thuần việt nào súc tích, hay hơn các từ Hán Việt như Lễ Phật Đản, Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Dân chủ, Cộng hòa...? Nếu thay được thì sao không thay luôn cả quốc hiệu nước ta?

       Ngoài từ Hán Việt, tiếng Việt còn du nhập rất nhiều từ của các nước như Pháp, Anh, Hàn, Nhật... Lại có từ không thể thay bằng từ thuần Việt như “Lanh téc na xi on na” trong Quốc tế ca... Thử hỏi một dân tộc khôn ngoan lẽ nào lại bài xích “ngoại bang” để tụt hậu?

       Ngay trong bài của tác giả cũng đã dùng nhan nhản từ Hán Việt mà tôi mở ngoặc thử thay bằng từ thuần Việt theo tinh thần tác giả để bạn đọc thấy rõ cái nào hay hơn:

       - “Mại dâm” (thay bằng “Mua bán cái...”?)

       - “Chỉ thị” (thay bằng “Bày tỏ rõ ràng”?)

       - “Kỷ niệm” (thay bằng “Ghi nhớ không quên”?)

       - “Truyền thống” (thay bằng “Đời nọ để lại đời kia”?)

       - “Văn hóa” (thay bằng “Dùng chữ để dạy người ta”?)

       - “Liệt sỹ” (thay bằng “Lính chết trận”?)

       - “Quan hệ” (thay bằng “Dính dấp với... bằng mối dây dằng dịt cái này với cái kia”?)

       Rồi hàng loạt từ Hán Việt khác trong bài của tác giả như: văn hóa, bản sắc, dân chủ, tôn sư trọng đạo, dân cư, dân tộc, xây dựng, đồng thời, phong tục, hội nhập, đa thế hệ, suy giảm, cổ hủ, chủ trương, thường nhật, thuộc tính, cơ bản, bình diện, cơ quan, công sở, ngoại bang, vũ trụ, đại đao, danh nhân, thủ công mỹ nghệ, nhân vật, kiến trúc, anh hùng, nghĩa trang, uyên thâm, bảo thủ, lạc hậu, tảo hôn, Long Ly Quy Phượng v.v...

       Rõ ràng, tác giả phê phán một cách cực đoan việc dùng từ Hán Việt nhưng chính mình lại dùng nó mà không ý thức được.

       Về Hội thơ Đường:

       Thơ Đường luật là một thành tựu văn hóa không chỉ của Trung Quốc, mà còn là di sản văn hóa tinh hoa của thế giới. Trung Quốc tự hào có các nhà thơ nổi tiếng như Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương, Vương Bột, Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... Họ là những tên tuổi lớn gắn với thơ Đường luật được người đời ngưỡng mộ.

       Các nhà văn hóa nước ta đã tiếp thu thành tựu của thơ Đường luật, thực hành phù hợp sáng tạo vào văn hóa Việt, nhờ thế mà để lại cho đời những áng thơ văn và đội ngũ tác giả hùng hậu: Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà”, Hồ Chí Minh với “Ngục trung nhật ký”, Trần Dụ Tông với “Đường Thái Tông dữ bản triều Thái Tông”, các tập thơ chữ Hán, Nôm của Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Quang Khải, Trần Nguyên Đán, Trương Hán Siêu, Cao Bá Quát, Dương Không Lộ, Lê Thánh Tông, Vũ Huy Trác, Đỗ Huy Liêu, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Du, Phạm Đạo Phú, Đào Sư Tích, Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương v.v... mà ngay lúc này tôi không thể kể ra hết được.

       Tẩy chay kỳ thị thơ Đường luật của ngoại bang có khác gì không thừa nhận di sản cả một nền văn hóa trung đại của nước ta? Tẩy chay kỳ thị coi thường thơ Đường luật, dè bỉu các hội thơ Đường luật đang tích cực duy trì phát triển di sản văn hóa cha ông là biểu hiện cái nhìn hời hợt, phiến diện, cảm tính, cực đoan, lạc hậu...

       Do vấn đề bạn đọc hỏi đột ngột chưa có thời gian để viết thành một bài nghiên cứu, chỉ xin trả lời tức thời một vài ý cơ bản. Mong bạn đọc bổ khuyết thêm cho phong phú.

                     Hoài Ngọc Anh

Xóm 9, Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét