Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

VÀNG - THAU - MỘT - THỜI : Tiểu thuyết / Phan Đạt Ninh (Chương 14, 15, 16, 17)


 


Chương 14

        Mờ sáng toàn đội của Gã đã dàn người chuẩn bị cho công việc.
        - Cánh con gái hôm nay trèo lên cột đi!
        Hai cậu thợ trẻ đang chỉnh lại quần áo, mũ bảo hộ, dây an toàn, dây thừng, mỏ lết chuẩn bị trèo lên cột nói vui.
        Cánh con gái đáp lai:
        - Không trèo để đây trèo cho? “Vênh” vừa thôi !
        - Đội trưởng Gã ơi? Bận sau trèo cột cho bọn tôi mặc quần đùi ống rộng cho mát để dễ làm nhé ? Mặc quần dài gò bó khó làm lắm! Cánh con gái góp ý thế, bảo thế!
        - Ai góp ý ? Ai bảo thế! Chỉ điêu!
        Hai cậu thợ toét ra cười rồi trèo lên cột. Những đoạn sắt ngắn được cắm dần vào các lỗ trên thân cột. Khi đã ở vị trí, họ khóa dây an toàn vào cột rồi thả đầu dây xuống để cánh nữ buộc vào xà kéo lên.

        Mỗi bộ xà chỉ mươi phút họ đã lắp xong.
Khoảng hai giờ đồng hồ các cột trên toàn tuyến đã được lắp xong xà, sứ.
        Công việc tiếp theo là ra cáp, đưa cáp lên xà và căng cáp.
        Gần trưa thời tiết đã nóng dữ. Những cơn gió khô khốc, nóng hầm hập thổi. Mặt trời vàng khè như dội lửa xuống. Mặt nước ruộng sủi những bong bóng. Mồ hôi mọi người toát ra chảy xuống cổ, xuống áo. Những cánh tay thi nhau đưa lên quệt mồ hôi trên mặt. Cánh con gái che khăn kín mặt chỉ để hở hai con mắt. Chốc chốc lại bỏ khăn  cho thoáng mặt họ đỏ ửng.
        Thấy thời tiết gay gắt như vậy Gã lên tiếng:
        - Anh chị em nào thấy sức khỏe không chịu nổi thì tôi cho nghỉ?
        Rất nhiều tiếng đáp lại:
        - Chúng tôi vẫn chịu đựng được. Đội trưởng cho người về lấy thêm nước uống. Hai thùng nước gạo rang sắp hết rồi.
        Sơn nói với Gã:
        - Để tớ về công trường lấy thêm nước.
        - Ừ, cậu giúp tớ. Anh chị em tuyệt vời quá! Cậu nhớ nước gạo rang nhé!
        Sơn  lội tắt cánh đồng về.
        Chiếc ru lô cáp bắt đầu quay nặng nề. Mười người chia đứng hai bên tang cáp vần đẩy từng nhịp. Sợi cáp nhôm AC 120 bắt đầu rời khỏi ru lô. Người năm mét, mười mét đặt lên vai kéo đi...
        Cả đoàn người như đàn kiến tha con mồi khổng lồ.
        Mười một giờ trưa hai chị nuôi gánh cơm, nước ra cho đội. Sơn quay lại với mọi người.
        Trên bãi cỏ cả đội ăn vội bát cơm, ăn vội mấy cục bột mì luộc, uống vội bát canh rau muống nấu là bắt tay vào công việc.
        Gã trực tiếp kiểm tra lại cánh thợ cách buộc cáp vào cổ sứ, đỉnh sứ  với xà đơn, xà kép. Gã phân công từng nhóm lên cột. Gã trực tiếp lên cột góc để làm.
        Sơn nói:
        - Ông tướng bây giờ điều hành công việc giỏi ghê!
        Nghe Sơn khen, Gã cười.
        Thấy đội trưởng trèo lên cột, cánh con gái trêu:
        - Đội trưởng chưa vợ cẩn thận đấy! Để tụi em kiểm tra sức khỏe đã ?
        Gã đánh mắt nhìn cánh con gái rồi trèo tít lên cột.
        Tổ trưởng Tú toàn quyền chỉ huy cánh thợ bên dưới đưa dây lên xà
        Sơn đi dọc tuyến, nhìn cánh thợ trên đỉnh cột nhắc nhở:
        - Buộc dây an toàn đúng cách! Phải lồng qua xà. Ngồi vững, thoải mái.
        - Yên tâm sếp ơi. Bọn em ma cũ không như ma mới nhảy dù đâu.
        Sơn chợt nhớ lại cảnh một thợ điện trẻ mới đây rơi từ đỉnh cột điện xuống đất tử vong.
        Không khí sôi động mới xuất hiện. Cái nắng gay gắt xế chiều dường như không ai quan tâm. Tất cả cứ đồng đều, nhịp nhàng theo trình tự công việc. Thi thoảng tiếng hô “Kéo!” dứt khoát, dõng dạc của tổ trưởng Tú lại cất lên...kéo!
        Việc thi công đường dây trên không không hoàn toàn như trong sách vở Sơn đã học. Giờ đây Sơn học được rất nhiều điều kì diệu trong đội ngũ công nhân đang thi công đường dây. Họ có thể không thiết kế nổi, không vẽ nổi chi tiết trên đường dây, nhưng họ làm được tất cả mọi việc trên tuyến. Thực tế và lý thuyết quả thực còn có một khoảng cách khá xa.
        Lúc mặt trời sắp lặn xuống sau dãy núi cũng là lúc đường dây đã kéo xong.
        Gã, tổ trưởng Tú để anh em nghỉ mươi phút. Ba người đi hết tuyến kiểm tra xem còn sơ xuất. Nhìn xa đường dây như sải cánh một chuyên cơ khổng lồ.
        Anh chị em thợ chỉ nghỉ mươi phút để uống cốc nước, hút điếu thuốc rồi thu dọn dụng cụ khuân vác lên bờ.

        Chương 15

        Công việc cứ lu bu hết ngày này sang ngày khác. Đường dây vừa kéo xong Sơn và Gã đã chúi đầu đọc bản vẽ thi công lắp đặt các trạm biến áp cho các tiểu khu.
Sáng nay Sơn đảo qua một tiểu khu kiểm tra tốc độ xây trạm. Sơn giật mình khi thấy toàn đàn bà con gái làm việc.
Mấy cô thợ xây đang chụm đầu đọc bản vẽ. Các cô chỉ cho nhau chỗ này cửa chính, chỗ kia cửa chớp, chỗ này xây gạch, chỗ kia đổ bê tông, chỗ này vị trí đặt máy biến áp, chỗ kia rãnh thoát nước, thoát dầu, chỗ này đặt dây tiếp địa, vân vân...Các cô rút thước đo chiều dài, chiều rộng, căng dây, đóng cọc, đặt viên gạch đầu tiên làm mốc thành thạo và chính xác. Sơn hỏi các cô:
        - Trong mấy cô, cô nào đã có chồng?
        - Anh thử đoán xem?
        Sơn lúng túng xong cố trả lời:
        - Tôi chịu! Vì cô nào cũng xinh cả.
        - Xinh thì đúng rồi. Anh cứ thấy ở đây cô nào sồ sề là cô ấy có chồng.
        - Ở đây có cô nào sồ sề đâu?
        - Có đấy! Vài cô đấy! Anh nhìn kĩ mà xem?
        - Cánh đàn ông các anh tệ lắm!
        - Đàn ông đã làm gì mà các cô bảo tệ lắm?
        - Thế ai làm cho cánh con gái chúng em sồ sề ra?
        - Ờ thì phụ nữ khi sinh đẻ mới thế chứ?
Đấy! Còn ai nữa?
        - Ờ...ờ thế thì tôi chịu!
        - Cái bà này chồng con rồi ăn nói bạo mồm quá! Ghê cả người!
        - Ghê cái gì! Tụi mày không khẩn trương thì ế chổng phao câu lên  đấy? Hai ba hai tư mùa rồi!
        - Ế là ế thế nào!
        - Rồi xem! Đừng có tưởng cái công trường này năm, sáu vạn người mà không ế nhé? Đợi đấy các em!
        Vừa chuyện vui các cô vừa thoăn thoắt xây. Hàng gạch xây cứ cao dần. Sơn đã nhận ra hình hài mặt nền trạm biến thế. Sơn hỏi tiếp:
        - Ở nhà chồng hay các cô xây chuồng gà, chuồng lợn?
        - Ông xã tụi em chỉ lái máy ủi, máy xúc thôi, có phải thợ nề đâu mà biết xây. Vả lại chuồng gà, chuồng lợn là cái gì? Chuyện vặt !
        - Các cô giỏi lắm!
        - Tụi em đâu chỉ giỏi làm? Tụi em còn giỏi đẻ nữa!
        - Cái mụ này! Ăn mới chẳng nói?
        - Không đúng à? Mới cưới có mấy ngày mà bụng to thế kia, sai à?
        - Thôi đi mấy chị cho em nhờ!
        - Anh biết không các dãy nhà ở hai tầng trong các tiểu khu đều có bàn tay tụi em tham gia đấy. Có bữa một ông nhạc sĩ trung ương về sáng tác tuyên truyền, cổ vũ cho ngành, ông ấy viết về tụi em “ Tóc em bay bay trên dàn giáo cao cao, tay em xây nhanh nhanh...” Anh thấy thế nào?
        Sơn nghe xong khen hay.
        Các cô cười nói:
        - Anh cũng thuộc tốp người lãng mạn đấy!
        Sơn nói:
        - Ca khúc phải lãng mạn mới hay chứ ?
        - Đúng là cần lãng mạn! Nhưng lãng mạn phải đúng thời điểm!
        - Các cô bảo thế nào là đúng thời điểm?
        - Anh coi kĩ tụi em bây giờ tóc có bay bay không? Tóc phải búi buộc chặt gọn trong lòng chiếc mũ bảo hộ này.  Tóc bay bay ở trên giáo cao mất an toàn ngã xuống để chết à?
        - Thế ông nhạc sĩ ấy có sửa lại lời không?
        - Cái ấy tụi em không biết.
        - Ờ, còn chuyện này hay lắm!
        - Chuyện gì?
        - Đếch ai hâm tỉ độ như tay kĩ thuật ở công trình H.
        - À, chuyện kí xác nhận công cán chứ gì ? Tớ cũng biết!
        - Tay ấy và giám đốc khoán cho tổ chị em dọn sạch đống đất cát, gạch vỡ, rác rưởi to tổ bố như mả thằng ăn mày để lấy chỗ đặt bể dầu. Giám đốc còn bảo làm hai ngày xong giám đốc sẽ  thưởng thêm...
        - Thế thì đã sao?
        - Hai mụ có chồng vận hành máy xúc máy ủi công trình gần đấy gọi ngay chồng sang. Trưa hôm đó hai đức lang quân đánh máy xúc máy ủi sang hốt gọn sạch sẽ.
        - Thế tốt chứ sao?
        - Đến kì lương, tài vụ để bản lương lại chưa thanh toán. Mấy mẹ nhà mình kêu ầm lên giám đốc:
        - Công cán nhiều thế này thanh toán để chết à? Vào tù à? Tụi em để lại!
        Giám đốc quát cánh tài vụ:
        - Thủ kho to hơn thủ trưởng phải không? Các cô làm thế nào để họ thanh toán là được! Không biết thì nghỉ đi làm việc khác!
        Cánh tài vụ, tiền lương hoảng quá phải vẽ ra cách để hợp lý với số công.
        Lĩnh tiền về cả tổ chia nhau. Bữa chi thưởng thêm cho tổ, giám đốc  cười nói:
        - Các mẹ cũng gớm lắm!
        Nghe chuyện, Sơn lại biết thêm nhiều điều hay xảy ra trên công trường.
        Ở với nhóm thợ chừng hai tiếng Sơn lên công trình ngầm để đích mục sở thị xem công trình hầm ra sao? Xem cán bộ công nhân họ khoan hầm thế nào?
        Ở công trường lớn như công trình thủy điện này rất nhiều người không có điều kiện đi để biết hết các hạng mục công trình. Bởi họ chỉ làm công việc của họ đã không hết thì thời gian đâu để đi.
        Nhiều ngày trước Sơn đã tranh thủ mượn các bản vẽ kĩ thuật thiết kế các hạng mục của công trình ngầm về đọc.
        Đọc xong Sơn phải kêu lên về tầm vóc khổng lồ của công trình. Với khối lượng công việc rất lớn, phức tạp và đầy nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình thi công ? Sơn chú ý nhiều đến các máy thiết bị, các phương tiện an toàn nhằm đảm bảo an toàn cao nhất trong quá trình thi công. Đấy là hệ thống quạt thông khí, là máy đo lượng không khí, hàm lượng khí ô xy trong hầm, máy đo khí nổ, đo khí độc, vân vân.
        Sơn cũng xem kĩ quy trình phá vỡ đất đá để tạo ra đường hầm như kĩ thuật nổ mìn, bốc xúc đất đá, chống giữ hầm.
        Các hạng mục thi công như:
        - Đường hầm tuyến áp lực
        - Hầm dẫn nước gian máy, gian biến thế.
        - Hầm xả lũ chiều dài xấp xỉ hai mươi cây số.
        - Khoan phun, khoan phụt xử lý nền móng; gia cố các công trình.
        Sơn đã phải kêu lên vì khối lượng quá lớn với hàng triệu mét khối đất đá, bê tông đặt trên vai gần ba ngàn cán bộ công nhân.
        Để đạt được tiến độ ngăn sông Đà đợt một (12-1-1983) chỉ tiêu trên giao mỗi tháng cánh thợ khoan phải khoan được mười lăm mét chiều dài. Sơn được nghe nhiều người nói về  việc giao kèo thân mật giữa tổng giám đốc công trình với giám đốc công ty công trình ngầm “ Nếu các anh khoan được mười tám mét các anh sẽ được thưởng một bữa thịt lợn luộc”.
        Sơn kêu lên, Sơn ngạc nhiên về giao kèo thân ái hiếm có ấy và thứ phần thưởng kì lạ nhưng thiết thực, ân tình trong những tháng năm gian khổ, đói kém.

        Chương 16

        Mùa đông trên đất Hòa Bình thật rét buốt, nhất là những ngày lất phất mưa. Người ta không thể mặc thật nhiều áo quần khi đi làm để khỏi rét. Bởi thế sẽ bị bó người trong áo quần không thể làm việc được. Họ chỉ mặc vừa vừa rồi gồng mình lên đủ ấm là được. Mà thật ra áo quần bây giờ đâu có nhiều để mặc. Có thế cũng là tốt rồi. Tháng trước có đợt quần áo từ thiện nước ngoài tặng, các cấp ưu ái cho thủy điện Hòa Bình được hưởng.
        Lần bốc thăm quần áo ấy trưởng phòng của Sơn bốc được chiếc váy  đem về cho vợ. Chiếc váy của phụ nữ Âu châu quá lớn chị vợ không mặc được. Chị bèn cắt đôi lấy phần trên làm áo cho mình. Phần còn lại chị khâu thành quần cho tụi trẻ.
        Sơn và Gã cũng quen với mùa đông xứ Hòa Bình. Những ngày mười độ, mười hai độ, hiện trường làm việc trống trải, gió thổi dàn dạt, rét quắt tai, nếu chỉ dừng tay làm việc là người run lên bần bật.  Mẫu một may ô, một sơ mi, một bảo hộ lao động là mẫu chung của mọi người. Nơi góc khuất trên hiện trường cũng có một vài đống lửa bập bùng, vài công nhân giải lao ngồi nướng sắn và sưởi.   Tiếng hít hà, tiếng nói, tiếng cười cứ oang oang, họ giơ bàn tay ra khỏi chiếc găng tay bảo hộ hơ hơ trên lửa, người hút thuốc, người ăn sắn nướng tất cả vây quanh đống lửa bập bùng cháy.
        Bờ trái công trình chiếc tờ lịch ngược khổng lồ như thúc giục mọi người ngày ngăn sông Đà đợt một đang đến. Hàng vạn con người ngày đêm dồn công sức cho công việc, hồi hộp đón đợi sự kiện trọng đại này. Với Sơn lại càng hồi hộp hơn.
        Những ngày cuối năm 1982 dần qua.Tết dương lịch rất gần. Dường như ít người quan tâm đến tết, họ quan tâm đến thời gian cứ vùn vụt đi qua.
        Các ngả đường băng cờ khẩu hiệu rực rỡ. Loa đài phát những bản tin nóng hổi trên toàn công trường. Sau tin tức nóng hổi là những bản nhạc nổi tiếng thúc giục lòng người.
Sơn và Gã mới nhận được thư của người yêu gửi. Đọc thư cả hai chỉ cười và nói với nhau
        - Các em cứ nghĩ cánh mình muốn về lúc nào thì về. Các em không biết thời gian trên này là nước sôi, lửa bỏng, cả vạn người chạy đua với thời gian vì công việc. Cứ nhìn các ông lãnh đạo các công trình thì biết. Xe phục vụ riêng kề kề bên cạnh, các ông tranh thủ về thăm gia đình lúc nào chẳng được. Tất cả hầu như ăn công trường, ngủ công trường. Thời gian bây giờ đúng là vàng là bạc với tất cả. Tiến độ thi công được tính toán thận trọng cho mùa khô khi mực nước sông Đà thấp nhất, cho mùa mưa lũ nước chảy cuồn cuộn. Tất cả không để xảy ra sai lầm. Bởi xảy ra chỉ trong nháy mắt cường độ lũ khổng lồ sẽ quét sạch tất tật những gì lũ đi qua.
        Công trình thế kỉ này là tiền của, là mồ hôi của cả nước.
        Ngày ngăn sông đợt một cũng đến. Những chiếc ô tô Zil- 130 chở đầy thuốc nổ dưới sự bảo vệ sát sao của hàng rào công an tiến vào miệng hố. Từng bao thuốc nổ như bao xi măng được công nhân Việt nam cùng chuyên gia Liên xô vác xuống.
        Hai giờ sáng ngày 10 tháng 1 công việc xếp thuốc nổ đã hoàn thành, chín mươi hai tấn thuốc nổ được xếp vào hai hố.
        Năm giờ sáng ngày10 tháng 1 nhân dân thị xã Hòa Bình đi sơ tán cách xa tâm nổ hai cây số. Có lẽ đây là cuộc di tản lớn nhất của người dân thị xã Hòa Bình.
        Bảy giờ sáng, công an, bảo vệ đi kiểm tra từng địa điểm dân cư không cho ai được ở lại. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng người dân.
        Thời gian này không khí toàn công trường, toàn thị xã Hòa Bình thật căng thẳng bởi sự nghiêm chỉnh.
        Thời gian này tôi luôn đeo bên người chiếc máy ảnh cũ kĩ mong  chụp được những bức ảnh thời khắc nổ mìn.
        Tám giờ kém mười lăm còi báo động rú lên rầm rĩ báo hiệu thời khắc nổ mìn.
        Hai tiếng mìn lệnh.
        Lệnh sơ tán phát trên toàn công trường. Các máy móc, phương tiện, ô tô, máy kéo, máy xúc, máy ủi di chuyển đi nơi khác. Toàn cảnh công trường trở lên hoang vắng.
Sơn cùng các chuyên gia Liên xô làm việc ở tàu hút 19 tháng 5 đứng ở phía đuôi tàu tay lăm lăm máy ảnh để chụp.
Chín giờ chín phút điểm hỏa. Không nghe thấy tiếng nổ. Hai vệt trắng của khoảng không khí bị ép lại lóe lên. Hai cột đất đá và nước vụt dậy cao hàng chục mét. Trước mắt mọi người là khoảng trời tối sẫm. Theo bản năng tự vệ, ai cũng hốt hoảng lui lại phía sàn thép để tránh. Âm thanh “ào ào” xuất hiện. Đất đá từ trên cao rơi xuống mặt nước sông Đà ầm ầm. Mặt nước bị xô đi, nghiêng đi.Tro bụi đen nổi đầy mặt nước. Cá chết nổi lấp loáng mặt sông. Phía đồi Ba vành chiếc cần trục tháp như con vượn khổng lồ bay trên không trung rồi rơi xuống tóe lửa.
        Hàng trăm khối bê tông có cạnh đáy hai mét, cạnh trên không phẩy tám mét, chiều cao một mét tám, trọng lượng chín trăm tám mươi tư ki lô gam được ủi lăn xuống lòng sông.Cứ thế khối nọ tiếp khối kia  chặn lại dòng nước siết...
Cảnh tượng ngày ngăn sông thật ấn tượng. Sức mạnh của con người thật lớn. Sự kiện này Sơn không bào giờ quê.  Sơn thức rất khuya để ngẫm nghĩ, để chiêm ngưỡng thời kì có một không hai này. Cảm xúc trong Sơn dâng lên mãnh liệt. Những ngày tháng qua thật ý nghĩa với Sơn.
        Sơn lấy giấy viết thư cho người yêu như muốn người yêu chia xẻ.
        ...
        Thấm thoát đã hai năm anh không về quê thăm gia đình, không về với em...
        Đừng giận anh. Nếu có giận, có trách anh thì trách thời gian trôi đi nhanh quá...
        Những năm học tập trong trường với anh chỉ là con sông nhỏ. Lên công trường này anh mới thật được về với biển.
        Biển đã cuốn hút anh ngay từ đâu. Mà đâu riêng anh, hàng vạn con người ở đây đều thế...Tất cả thỏa sức đem kiến thức của mình ra cống hiến.
        ...
        Đồng hồ đã chỉ hai giờ sáng. Giờ này chắc Nga đã ngủ say rồi.
        Đêm nay anh và cả vạn con người trên công trường không muốn ngủ bởi niềm vui quá lớn.
        ...
        Bên anh có hàng ngàn chuyên gia Liên xô, họ là những người bạn thân thiết, nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn giúp chúng ta. Anh nhận thấy sự giúp đỡ của Liên xô với Việt nam vô cùng to lớn. Bạn đem sang hàng triệu tấn thiết bị, máy và phương tiện lớn nhỏ kể từ chiếc đinh vít. Sự giúp đỡ vô điều kiện này nên đội ngũ cán bộ công nhân Việt nam trưởng thành nhanh chóng.
        ...
        Công việc học tập của Nga vẫn tốt chứ ? Cố gắng học thật giỏi sau này mới làm việc tốt được. Thời gian qua đi nhanh lắm, chúng ta sẽ không có thời giờ để làm lại, để sửa chữa những sai lầm đâu.
        ...
        Trước ngày gửi thư Sơn cho Gã xem. Đọc thư Gã nhận xét:
        - Thư viết cho người yêu gì mà khô như ngói. Cứ như tham luận chính trị thế?
        Sơn mặc Gã muốn nhận xét thế nào cũng được. Với Sơn chỉ có thế. Hôm sau Sơn gửi thư đi.

        Chương 17

        Thư gửi đi được dăm hôm thì Sơn nhận được thư của Nga.
        Sáng hôm ấy vội đi làm Sơn cất thư lên giá sách tối đọc. Sơn không muốn làm việc gì khác khi đã đến giờ làm việc. Tác phong này là thói quen của Sơn.
        Sáng nay Sơn và kĩ sư điện Sergey xuống trạm phát điện dự phòng kiểm tra hai tổ máy phát mới vận chuyển từ cảng Hải Phòng lên. Hai người  có nhiệm vụ biên soạn quy trình vận hành và đưa tổ máy vào vận hành.
        Thợ trực trạm ca đêm là Lê . Nhìn cặp mắt đỏ hoe của Lê, Sơn hỏi:
        - Sao mắt cậu đỏ thế? Đau mắt phải không?
        Bằng giọng miền trung rầu rầu, mệt mỏi, Lê nói:
        - Đêm qua mưa to, gió lớn, nước từ trên núi chảy tràn vào gian máy.  Một mình tôi vừa xúc đất be bờ chặn nước, vừa tát nước ra ngoài. Khổ thế!  Hùng hục hai tiếng đồng hồ không xuể. Tôi phải gọi điện về cho đội trưởng cử thêm người ứng cứu. Mấy anh em tôi phải đào hào thoát nước mới ổn. Anh em họ cũng vừa về cách đây ít lâu.
        Sơn lấy thuốc lá mời Lê.
        Nghe chuyện Sergey vỗ vai Lê như cảm thông. Sergey mở túi lấy đưa Lê gói kẹo.
        Đội trưởng Ênh bảo Lê về nghỉ. Nhóm thợ vận hành vào việc.
        Sơn và Sergey trải bộ bản vẽ lên bàn kiểm tra lại từng linh kiện trên máy.
        Ba giờ chiều công việc mới xong.
        Nghe tiếng máy nổ và theo dõi các thông số báo trên đồng hồ đều tốt. Sơn và Sergey bàn giao lại cho nhóm thợ vận hành.
        Về nhà Sơn Sơn tắm qua rồi lấy thư Nga ra đọc:
        “ Nếu thư này tới anh, anh hãy coi đây là lá thư cuối cùng Nga gửi cho anh nhé. Hơn hai năm anh và Nga không gặp mặt nhau, thời gian ấy đủ để tâm tư Nga yên ổn. Tình yêu dành cho anh Nga đã thổ lộ hết với anh. Bây giờ chỉ là kỉ niệm. Một kỉ niệm đẹp. Nga ước sao những ngày ấy mãi mãi sống trong quá khứ. Lời anh nói hai năm trước“ Mối tình đầu thường như mưa bóng mây” như một định mệnh. Giờ đúng là sự thật.
        Nga chưa có dịp lên công trình thủy điện thăm anh, nhưng qua hình ảnh, qua bạn bè thân thiết thì đấy là chiếc máy xay thịt khổng lồ vắt kiệt sức con người. Người ta đã nói “Nước Sơn La ma Hòa Bình” đấy thôi.
        Nếu anh thực sự còn yêu Nga thì hãy rời bỏ ngay nơi ấy về Hà nội với Nga. Bố mẹ Nga sẽ giúp. Khi đó chúng ta sẽ không phải xa nhau. Bằng không thì “ Đường anh anh đi,đường em em đi...”
        Anh Sơn, một vùng toàn đất đá và sông nước có gì thú vị và hy vọng gì đâu mà cuốn hút anh đến vậy? Hai năm anh không đoái hoài gì đến quê hương huống hồ là em? Hai năm với hơn chục lá thư anh gửi nặng về những lời giáo huấn, những lý tưởng hão huyền. Anh không nhận ra bao người tài giỏi như anh, thậm chí còn dốt nát họ cứ bám lấy Hà nội ? Anh không nghe câu họ nói “  Lấy tháp rùa làm tâm quay bán kính năm ki lô mét à?”. Thôi em không dám quán triệt anh vì em biết tính anh khó lay chuyển, việc này tùy anh hiểu và quyết định. Một là anh về Hà nội thì có em, bằng không!
        Em dừng bút . Người yêu anh của xưa...
        Em chúc anh sức khỏe.”
        ......
        Đọc xong lá thư Sơn thở dài. Sơn ném lá thư vào chỗ cũ. Sơn lấy ghế ra hè ngồi.
        Bầu trời yên tĩnh lạ.
        Có thể nói chưa lúc nào tâm tư Sơn lại bình tĩnh đến thế, cứ lạnh như đá...
        Sơn ngửa cổ lên trời dõi mắt thật xa cố tìm những ngôi sao hiếm hoi trong vòm trời giá lạnh. Vì sao nào là Sơn? Vì sao nào là Nga? Kia rồi, một vì sao ở xa lắm đang nhấp nháy. Sơn không trách gì Nga. Dẫu gì Nga cũng là một tiểu thư Hà nội sống trong môi trường gia đình quá đầy đủ. Nga không chịu được sự vất vả, cực nhọc, đổ mồ hôi như nhiều cô gái khác.
        Gã đến.
        - Cậu làm gì mà thơ thẩn thế? Bị người yêu đá đít à!
        Sơn nhếch miệng cười.
        - Cười gì mà chua chát thế?
        Sơn vào nhà lấy thư đưa cho Gã:
        - Thư đấy, cậu đọc đi.
        Đọc thư Gã trầm tư một lát mới nói:
        - Thế là may cho cậu. Thôi sớm càng tốt. Tớ không thích cô gái nào can thiệp quá sâu vào suy nghĩ của tớ. Nhất lại là chuyện sự nghiệp. Kể từ ngày lên công trình thủy điện này không những tớ mà cả cậu  và hàng vạn con người ở đây đang đổ mồ hôi thậm chí cả nước mắt để đổi lấy cái gì? Người ta mù và điếc cả chăng?  Thứ tình cảm yếu đuối, cá nhân, tiểu tư sản tưởng chừng đã chết vậy mà vẫn tồn tại đến bây giờ. Những người như cô Nga thật là ích kỉ, tầm thường. Tớ nói thật với cậu, người yêu của tớ mà có thái độ như vậy tớ cũng cho nghỉ. Hàng vạn con người trên công trường này họ không biết sung sướng à? Họ biết đấy! Thậm chí rất rõ đằng khác!
        Gã thở dài... rồi nói tiếp:
         - Nhiều lúc nghĩ về vợ chồng thầy giáo chúng mình. Thầy ở nước ngoài nhiều năm, đời sống đầy đủ thế vậy mà khi về nước còn sẵn sàng lên tận vùng đèo heo hút gió, khỉ ho cò gáy làm việc, mãi sau này thầy mới về Hà nội. Nga thay đổi tình cảm với cậu chắc có sự can thiệp nào đó?
        Sơn cắt lời Gã:
        - Cậu nói đúng! Thôi chuyện về Nga tớ không muốn nói nhiều nữa. Một ngày gần đây tớ sẽ về Hà nội để gặp Nga xem sao. Tớ không muốn mình là kẻ bạc tình. Bây giờ tớ với cậu pha ấm trà ngon uống đã.
        Sơn đặt xoong nước lên bếp điện đun. Vừa làm Sơn vừa lẩm bẩm:
        - Muốn có một bao thuốc lá phải mua bốn ấm trà hoặc phải mua bốn cốc sữa! Kì lạ thật! Tình trạng này kéo dài đến bao giờ ?
        - Chẳng có gì kì lạ hết! Thời buổi khó khăn người ta phải bán thế!
        Nước sôi Gã chủ động pha trà. Thứ trà Đại đồng quả thực ngon nổi tiếng thời này. Sánh với Đại Đồng là trà Ba Đình.
        Sơn nhắc chén trà lên môi hít hà thưởng thức từng ngụm nhỏ. Gã cũng vậy.
        Khói thuốc, trà ngon uống tại mảnh đất, dưới bầu trời thủy điện này tâm tư Sơn khác hẳn với những nơi khác. Sơn hỏi Gã:
        - Cậu có thấy ngồi uống trà ở đây tâm lý có khang khác những nơi khác không?
        Gã cười:
- Nhà văn đếch gì mà điệp khúc “khác” nhiều thế? Nhưng không giống nơi khác thì đúng đấy. Cậu có cảm nhận tinh tế. Khác bởi vì sao? Vì còn quá nhiều công việc đang chờ đợi. Mà xa hơn thì...
        Gã buông lửng câu thì... khiến Sơn hỏi lại :
        - Cậu buông lửng câu thì... có ý gì thế?
        Gã chép miệng :
        - Tớ có linh cảm ...
        - Linh cảm cái gì?
        - Rồi cậu xem?  Khi xong công trình này chắc chắn tụi mình lại tới công trình mới. Đường dây năm trăm ki lô vôn đang chờ đấy? Rồi thủy điện Sơn La! Cái ngành xây dựng này bữa nọ nghe ai nói “ Xanh cỏ thì đến, đỏ ngói thì đi”. Ngẫm thấy đúng thật. Chỉ thằng Vinh là đã ấm chỗ. Nó viết thư khoe mới được đề bạt phó phòng. Mối tình của nó với em gái mình thế là ổn. Giữa năm tới Vân học xong chắc chúng nó cưới. Trong ba thằng mình chắc tớ  và cậu là lỗi số nhỉ?
        Nghe Gã nói thế Sơn cắt ngang lời:
        - Vinh có bố làm to nên có điều kiện là đương nhiên. Vinh lấy được Vân cũng là phù hợp. Còn cậu và tớ có lỗ số trong tình duyên không thì thời điểm này cậu vẫn tốt đẹp đấy thôi. Chỉ tớ là lỗi số rồi. Chuyện đi xa thì cậu và tớ phải đi là cái chắc! Vấn đề là Hoa có chấp nhận không ? Hoa có giống Vân của tớ không?
        Gã thở dài...
        - Ôi, mệt thế đấy! Một đằng là là hoài bão, sự nghiệp. Một đằng là ái tình, chọn cái nào?
        Sơn lạnh lùng nhìn đi chỗ khác, nói:
        - Tớ chọn sự nghiệp!
        - Tớ cũng giống cậu!

(Còn tiếp)
PHAN ĐẠT NINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét