Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

ĐỌC TRUYỆN CỰC NGẮN CỦA HOÀNG NGỌC TRÚC

 


          T
hày giáo dạy văn Hoàng Ngọc Trúc (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định) đã có nhiều thơ, truyện, nghiên cứu phê bình đăng trên báo, tạp chí trung ương và địa phương từ mấy chục năm nay. Sau khi nghỉ hưu anh cho ra đời liên tiếp ba tác phẩm: Một khối tình (Tập thơ, Nhà xuất bản Thanh niên, 2005), Truyện cực ngắn tập 1 (Nhà xuất bản Thanh niên, 2005), Truyện cực ngắn tập 2 (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2006). Tháng 5 năm 2012 nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản Truyện cực ngắn chọn lọc của Hoàng Ngọc Trúc.

Những câu chuyện thường nhật trong đời sống được anh kể lại trong Truyện cực ngắn một cách ngắn gọn, súc tích, giản dị, có tính khái quát cao. Bằng vốn sống phong phú của một người đã nhiều năm hoạt động trong ngành giáo dục, từ giáo viên đứng lớp lên làm cán bộ quản lí, anh có nhiều cơ hội tìm hiểu cuộc sống đa dạng để phản ánh trong tác phẩm của mình. Truyện cực ngắn của anh đề cập nhiều vấn đề trong cuộc sống hôm nay, phê phán những mặt trái, cách sống, nếp nghĩ của con người trong thời kì cải cách mở cửa. Những con người xấu, lạc hậu cùng những việc làm tiêu cực, trì trệ, vụ lợi, giả dối được phơi bày qua những mẩu chuyện cực ngắn, có truyện chỉ có 100 từ, với vài nhân vật và nội dung giản đơn nhưng rõ ràng, làm người đọc suy tư về cái tốt, cái xấu của con người trong cuộc sống đương đại.

Anh phê phán nhẹ nhàng, cảnh báo những hiện tượng không hay trong đời sống mà đôi khi chúng ta cho là chuyện “thường nhật”: Tình trạng thanh niên chạy theo lối sống hiện đại mà xa rời đạo đức truyền thống dân tộc (Chửa con so); Phê phán cách sống thực dụng, vì tiền, dửng dưng, tàn nhẫn trước cái chết “không đúng lúc” của người thân (Không phải lúc nào cũng như lúc nào); Thói giả dối trong tình cảm vợ chồng (Những món quà tinh thần); Tệ nạn đòi ăn hối lộ của kẻ có chức có quyền (Miếu thiêng); Thói háo danh đến độ làm giả hồ sơ, bằng cấp để thăng tiến của một bộ phận cán bộ thoái hoá trong cơ quan nhà nước hiện nay (Sứ mạng một con người); Tệ quan liêu, chạy theo thành tích (Họp hội đồng thi, Thanh tra sắp về)…

Truyện “Hối lộ” là một phát hiện mới lạ đối với người đọc. Xưa nay thường người ta hối lộ quan chức, chứ ai hối lộ dân. Thế mà Hoàng Ngọc Trúc lại phát hiện ra chuyện quan chức hối lộ dân, mới nghe tưởng như bịa, đọc rồi lại thấy đó là chuyện có thật mà ít ai nghĩ tới. Số là những vị quan chức địa phương nọ từng làm sai chính sách nhà nước để đục khoét dân, đến trước kì bầu cử Hội đồng nhân dân, các vị bèn tổ chức “hối lộ” mỗi hộ dân vài ba trăm ngàn đồng để lấy lòng dân, mong được tiếp tục giữ ghế của mình. Vài trăm ngàn đồng đối với quan chức chẳng có gì to tát (tiền lại là của công chứ có vị nào phải bỏ tiền túi đâu), nhưng đối với người lao động ở nông thôn thì quả là không nhỏ. Khi có bác đại tá phản đối, ý đồ của các vị quan chức không thành. Nhiều người dân tiếc “cái lộc” đến tầm tay mà còn bị tuột mất nên trách móc bác đại tá. Truyện có tính bi hài, cảnh báo một hiện tượng tiêu cực ít ai quan tâm, chưa có bộ luật nào đề cập tới.

Truyện cực ngắn của Hoàng Ngọc Trúc không chỉ phê phán những con người và hiện tượng tiêu cực, mà còn ca ngợi những người tốt. “Lần gặp gỡ đầu tiên” của anh sĩ quan hải quân và chị bác sĩ quen nhau qua mục kết bạn trên báo dù chưa diễn ra do chị bác sĩ gặp “trục trặc” giao thông trên đường đến nơi hẹn, nhưng người đọc vẫn cảm nhận và tin tưởng chắc chắn cuộc hẹn sẽ diễn ra tốt đẹp. Một bé gái gặp tai nạn giao thông đã dũng cảm vạch mặt bọn người lợi dụng hoàn cảnh trắng trợn “trấn lột” người va quệt vào xe của cháu. Tình cảm của một người mẹ tìm con làm cho chính đứa con bỏ nhà đi lang thang cảm động mà quay về. Truyện “Tên tù trốn trại” ca ngợi người công an nhân dân giàu lòng vị tha, có tinh thần trách nhiệm cao, coi người tù như người thân, bằng hành động tốt của mình đã cảm hoá và giúp người lầm lỡ trở về với cuộc sống lương thiện.

Truyện cực ngắn là thể tài mới và khó. Hoàng Ngọc Trúc đã mạnh dạn và sáng tạo đi sâu thể hiện thể tài này. Truyện cực ngắn của Hoàng Ngọc Trúc kiệm lời, hàm súc, sử dụng chi tiết đắt, kịch tính, chủ đề tư tưởng và nội dung trong từng truyện rõ ràng, cụ thể. “Cảm hứng của hầu hết những câu chuyện là phê phán đủ thứ thói tật đời sống. Nhưng vốn là nhà sư phạm nên sự phê phán, chế nhạo của ông cũng mang màu sắc giáo dục, nhẹ nhàng và độ lượng, tin ở lương tri con người” (Hoàng Ngọc Trúc người thiết tha yêu đời – Tạ Duy Anh). Truyện cực ngắn của Hoàng Ngọc Trúc hẳn sẽ để lại ấn tượng khó quên cho những ai đọc nó. Vì thế, tôi tin Truyện cực ngắn của Hoàng Ngọc Trúc sẽ được nhiều người đọc, chia sẻ, đồng cảm với tấm lòng tác giả.

Trần Mỹ Giống

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét