Đôi dòng tiểu sử nhạc sĩ Vũ Thành An
“Vũ Thành An sinh ngày 20 - 4 - 1943 tại Hải Trung, Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Nam. Năm 1960, ông vào học trường trung học Nguyễn Trãi, tại đây ông được học nhạc với nhạc sĩ Chung Quân – tác giả ca khúc Làng tôi. Năm 1963, Vũ Thành An thi đậu Tú tài toàn phần. Sau đó ông được Linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Trung học Hưng Đạo cho dạy lớp Đệ Thất, Đệ Lục để tiếp tục theo học Luật khoa Sài gòn.
Cuối năm 1963, Vũ Thành An vào làm phóng viên ở Đài Phát thanh Sài Gòn, ở đó ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Năm 1965, ông viết Tình khúc thứ nhất, với lời thơ Nguyễn Đình Toàn và nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tay đó. Những năm tiếp theo, ông viết loạt Những bài không tên và được thính giả đón nhận nồng nhiệt.
Năm 1969, ông phát hành tập nhạc Những bài không tên. Từ đó, các tác phẩm của Vũ Thành An được yêu thích ở khắp miền Nam…Vũ Thành An cùng với Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên tạo thành một lớp nhạc sĩ trẻ đầy tài năng.
Năm 1971, Vũ Thành An tốt nghiệp Luật khoa Sài Gòn. Ông tiếp tục được biệt phái làm việc tại Đài phát thanh Sài Gòn cho đến năm 1975.
…Năm 1991, Vũ Thành An rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ.
Năm 1996, nhạc sĩ Vũ Thành An tuyên bố chấm dứt viết Tình ca và ghi danh học Chương trình Cao học Thần học. Năm 2002, ông được nhận chức Phó tế Công giáo thuộc Tổng giáo phận Portland.
Năm 2004, Vũ Thành An thành lập Quỹ từ thiện Teresa (Teresa Charities, Inc Hoa Kỳ) với tôn chỉ hành động là giúp đỡ những người nghèo, người già cả neo đơn qua các hoạt động cứu trợ và phát gạo (trên phạm vi 14 quốc gia và vùng lãnh thổ - N.M.N chú thích thêm). Năm 1912, Quỹ Từ thiện Teresa do ông là Chủ tịch và điều hành đã chính thức hoạt động tại Việt Nam (theo Giấy phép của Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao số: 178/CNV-HĐ) cho đến nay…
Năm 1912, nhạc sĩ Vũ Thành An đã ký với Công ty TNHH MTV Phim Phương Nam hợp đồng độc quyền về việc khai thác và sử dụng các tác phẩm của ông tại Việt Nam và sử dụng tác quyền này cho hoạt động từ thiện của ông.
Hiện ông đang cư ngụ tại thành phố Portland, bang Oregon (Hoa Kỳ) hoạt động từ thiện, viết thánh vịnh và sáng tác Nhân bản ca.
· Những bài không tên được nhiều người yêu thích
Trong âm nhạc, không hiếm tác giả có tác phẩm đầu tiên đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Đó là Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, Sơn nữ ca của Trần Hoàn, Ướt mi của Trịnh Công Sơn…đều là những bài có tên. Riêng Vũ Thành An lại là bài không tên. Tại sao một ca khúc không tên đầu tiên của một tác gỉa chưa từng nghe tên đã ngay lập tức được thính giả chào đón? Đây là giãi bày của nhà văn Nguyễn Đông Thức:
“…Tôi không nhớ mình được nghe Tình khúc thứ nhất từ năm mười mấy tuổi – lúc ca khúc ra đời (1965) thì tôi mới 14 tuổi. Chỉ biết từ lần nghe đầu, qua giọng ca Lệ Thu thì nó đã lập tức chinh phục trái tim của một thằng con trai mới lớn bắt đầu chạy theo con gái, là tôi.
…Mà sao thời ấy, ông Vũ Thành An (mới 22 tuổi) và ông Nguyễn Đình Toàn (28 tuổi) đã viết nhạc viết lời hay thế nhỉ:
…Thần tiên gãy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường…”
Trong một lần giao lưu với khán thính giả, nhạc sĩ Vũ Thành An nói mỗi Bài không tên ông viết đều là một tâm sự, một câu chuyện về một người có thật. Trên nền điệu Slow chậm, dàn trải, với những ca từ dung dị, Những bài không tên của ông đã nhận được sự đồng vọng của những người yêu nhạc khắp miền Nam. Và những người yêu thích Những bài không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An không chỉ có nhà văn Nguyễn Đông Thức.
Một người con gái sắp đến ngày “lên xe hoa” sẽ cảm thấy như được an ủi, sẻ chia nỗi lòng thầm kín, khi nghe được những ca từ này:
“…Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo…”
(Bài không tên số 2)
Và ngay cả một kẻ đang lãng du để quên đi một thất bại, khoả lấp một bóng đè cũng bất chợt nghe một vọng âm thức tỉnh:
“…Một mình đi mãi
Trên đường dài không thấy
Ai người tôi quen đấy
Bao giờ đời sẽ vui…”
(Bài không tến số 7)
Còn những ca từ này, không biết đã làm thổn thức bao nhiêu trái tim thiếu phụ đang lâm vào hoàn cảnh như nàng T T Kh trong “Hai sắc hoa Ti-gôn” (Nếu biết rằng tôi đã có chồng / Trời ơi người ấy có buồn không…):
“…Này em hỡi
Con đường em đi đó
Con
đường em theo đó
Sẽ đưa em sang đâu
Mưa bên chồng, có làm em khóc,
có làm em nhớ
Những khi mình mặn nồng?...”
(Bài không tên cuối cùng)
Không chỉ là Tâm ca của một lớp người, trong Những bài không tên chúng ta gặp nhiều ca từ có ý nghĩa như một câu châm ngôn:
Hãy
cố vươn vai mà đứng
Tô son lên môi lạnh lùng
Hãy
cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua…”
(Bài không tên số 5)
Đời đá vàng
Cảm hứng đến với những người sáng tác theo nhiều phương cách khác nhau. Thường khi tìm không gặp, nhưng lại đến rất bất ngờ. Với nhiều nghệ sĩ, cảm hứng thường là mây, gió, trăng, hoa, một nàng sơn nữ hay một trang hào kiệt… Còn với nhạc sĩ Vũ Thành An, nguồn cảm hứng để ông viết Đời đá vàng lại là hình ảnh con thạch sùng.
Ông kể lại với người vợ - người bạn đời:
“Vào một ngày cuối tháng 12 năm 1974, có cấp trên đến thăm Bộ thông tin. Anh đứng trên hành lang ngoài văn phòng nhìn xuống thấy mấy vị khách nói chuyện với nhau rất khẩn thiết. Anh linh tính như có một biến cố rất lớn sắp xảy ra! Anh tự hỏi các vị này rồi sau sẽ ra sao? Mình sẽ ra sao? Nhìn vách tường thẳng đứng trước mắt, anh có cảm tưởng như mình là con thạch sùng đang bò trên vách dựng này và một câu hát chợt vang lên :
Ta lần mò leo mãi, không qua được vách sầu…
Lúc đó anh 31 tuổi, đang được hưởng những điều mà nhiều người phải ao ước…Chỉ riêng về tình yêu, anh đã trải qua nhiều mối tình nhưng không có mối tình nào đem lại hạnh phúc…
Tương đối thành công như vậy nhưng khát vọng vẫn chưa đạt được!...
Đã nửa cuộc đời, đã đi những bước dài thành công, thế nhưng vẫn cảm thấy mình mất phương hướng!
Thế là anh suy tư về một bài hát cho chính đời anh…”
(tình thư thứ mười ba – Sách Chuyện tình không tên của Vũ Thành An)
Quả nhiên linh tính – tiên cảm số phận của nhạc sĩ Vũ Thành An khi đó vô cùng chính xác.
Giai đoạn từ 1974 – 1985 là thời kỳ bi thảm nhất trong cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa. Cuộc sống lao khổ, gia đình phân ly, thân bại danh liệt…
Số phận đã đánh đòn quyết định, suýt nữa tử thần đã mang ông về bên kia thế giới.
May mắn thay, nhạc sĩ Vũ Thành An đã qua khỏi cơn bạo bệnh, trở lại với cuộc đời, gặp lại những người thân yêu và viết tiếp Đời đá vàng.
Thời điểm 1974, ca khúc Đời đá vàng chỉ có 8 câu như sau:
“Ta lần mò leo mãi, không qua được vách sầu
Ta tìm một tiếng yêu, thấy toàn là sầu đau
Ước vọng ngày thơ ấu, chưa xin được chút nào
Suốt đời còn ước ao, khát vọng còn cấu cào
Ôi thôi, đời ta phung phí trong cơn buồn phiền
Ta xin tháng ngày rồi bình yên
Ô hay tại sao ta sống chốn này
Quay cuồng mãi hoài, có gì vui?”
Ông kể với người vợ - người bạn đời về việc viết tiếp Đời đá vàng:
“Gần hai mươi năm sau…Năm 1993, em và anh cùng hai con định cư tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ. Trong căn phòng nhìn ra ngoài trời mưa tuyết lạnh giá, sau khi trải qua một giai đoạn đau thương, anh viết tiếp và hoàn thành bài hát Đời đá vàng:
Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau, mới hiểu được tình yêu
Qua dầm dề mưa tuyết, mới vui ngày nắng về
Có một thời khóc than, mới hiểu đời đá vàng”
(tình thư thứ mười ba – Sách Chuyện tình không tên của Vũ Thành An)
Ca khúc Đời đá vàng không chỉ là bản tổng kết chiêm nghiệm cuộc đời một cá nhân, mà còn là thông điệp sẻ chia, yêu thương của một người từng trải gửi những người trần thế. Đời đá vàng còn khẳng định sự nhất quán về chủ đề và phong cách sáng tác của nhạc sĩ Vũ Thành An. Từ đây, ông bước sang một đời sống mới trong chiếc áo của một vị tu hành.
Với những người trong gia đình, việc nhạc sĩ Vũ Thành An theo đạo Thiên chúa là điều có thể lý giải và thông cảm khi biết được những gì ông đã trải qua. Nhưng với rất nhiều người từng mến mộ ông, một người nghệ sĩ, nhạc sĩ bỏ đời sống bình thường theo đời sống đạo là một điều lạ và việc ông thôi viết nhạc tình đã khiến không ít người yêu thích ca khúc của ông luyến tiếc. Nhà thơ Du Tử Lê (tên thật là Lê Cự Phách – người cùng tuổi, học cùng lớp, cùng trường Nguyễn Trãi với nhạc sĩ Vũ Thành An trong những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước), khi biết nhạc sĩ Vũ Thành An chọn đời sống tu hành đã viết: “Sự chính thức trở thành người rao giảng Ðức tin Thiên Chúa nơi kẻ tân-tòng mang tên Vũ Thành An (một Vũ Thành An nghệ sĩ, nổi tiếng) ở tuổi ngoài 50, với tôi là một cuộc phấn đấu lớn lao hơn bất cứ một cuộc phấn đấu cam go nào khác mà một con người tầm thường có thể vượt qua”.
Và đây là giải trình của nữ ca sĩ Ngọc Châm, người học trò may mắn được nhạc sĩ Vũ Thành An chọn làm người kế nghiệp trong âm nhạc và các hoạt động từ thiện: "Âm nhạc của Vũ Thành An bây giờ không giống như xưa, những ca khúc mới khá nhẹ nhàng, thư thái, không còn đau khổ day dứt như trước nữa, mà nhẹ nhàng hơn. Ngày trẻ rất dữ dội, nhưng bây giờ rất bay bổng, thảnh thơi như cuộc sống hiện tại của chú, âm nhạc nói lên chính tinh thần của nhạc sĩ ở mỗi thời kỳ"
Ngày về quê không còn xa lắc lê thê
Tháng 5-2006, sau nhiều năm xa cách, nhạc sĩ Vũ Thành An đã có chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên. Ông đã đi một số tỉnh ở miền Nam nhưng chỉ với tư cách một nhà hoạt động từ thiện.
Sau khi nhiều ca khúc của ông được Cục biểu diễn Nghệ thuật, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cấp phép (năm 2014 là 20 bài, hiện nay là 55 bài), và trước đó vào năm 2012, Quỹ từ thiện Teresa Charities do ông thành lập và điều hành đã chính thức hoạt động tại Việt Nam theo giấy phép của Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, nhạc sĩ Vũ Thành An đều đặn 2 năm 1 lần trở về Việt Nam, kết hợp hoạt động từ thiện và công diễn tác phẩm âm nhạc. Những chuyến đi trải dài từ TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, ra thủ đô Hà Nội... Nhưng mãn nguyện nhất đối với ông, và để lại nhiều ấn tượng nhất đối với công chúng yêu nhạc có lẽ là sự kiện ra mắt album nhạc và sách Chuyện tình không tên của Vũ Thành An, đồng thời gặp gỡ giao lưu với công chúng tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, vào ngày 12 - 8 - 2017. Chương trình do nhà văn Nguyễn Đông Thức, ca sĩ Ngọc Châm làm người dẫn, đã thu hút đông đảo người hâm mộ tham dự và tạo nên một sự khác lạ trong chuỗi hoạt động tại đường sách lớn nhất TP Hồ Chí Minh.
Đêm giao lưu ra mắt sách Chuyện tình không tên là hoạt động biểu diễn đầu tiên của ông ở quê nhà, sau mấy chục năm im tiếng. Cũng vì là lần đầu tiên nên không ít người yêu nhạc của ông đã đến đường sách từ rất sớm, mặc trời mưa, kiên nhẫn chờ để được nghe ông tâm tình về hoàn cảnh ra đời những bài Không tên và cả sáng tác mới của ông.
Trong số này, có những người mang theo những bản nhạc Không tên - những tờ nhạc rời khổ A4 rất thịnh hành cách nay mấy chục năm được lưu giữ cẩn thận để hôm nay đến xin chữ ký của ông. Đặc biệt, có cặp vợ chồng lặn lội từ Bình Thuận vào chỉ để bày tỏ sự ngưỡng mộ ông và cho biết rằng nhờ nhạc của ông mà họ nên vợ chồng. Người đàn ông còn thổ lộ, ông yêu nhạc Vũ Thành An từ năm 17 tuổi, bây giờ 65 tuổi vẫn thích và chắc 80 tuổi vẫn còn thích.
Trong chương trình này, ngoài việc được nhìn thấy người nhạc sĩ yêu mến, được nghe lại những bài không tên quen thuộc, những người hâm mộ và công chúng còn được đón nhận một món quà đặc biệt, đó là sách Chuyện tình không tên (do Nhà sách Phương Nam liên kết NXB Văn hóa -Văn nghệ TP.HCM phát hành) viết về những mối thâm tình của nhạc sĩ làm nên những nhạc phẩm Vũ Thành An. Đây là một ấn phẩm cầm lên tay đã cảm nhận được nét văn hoa, sự trang nhã ngay từ trang bìa. Đọc xong mười lăm tình thư được viết bằng một lối văn dung dị, khiêm ái…, người đọc biết thêm Vũ Thành An – người nhạc sĩ tài hoa, còn là một người con chí hiếu, một người tình mặn nồng, bao dung và thánh thiện. Chúng ta có thể tin những tâm sự tác giả viết ở lời đầu sách hoàn toàn là sự thật: “Những mối tình của An dù thiết tha sâu đậm đến mấy vẫn nằm trong khuôn khổ lễ giáo phương Đông. Tất cả chỉ dừng lại ở những cái nắm tay, cao lắm những nụ hôn thôi, và…chỉ có thế. An rất trân trọng người yêu của mình. Và có thể nói, đối với An, các mối tình đó đều còn rất đẹp, rất đáng nhớ!”.
Tất cả những nơi nhạc sĩ Vũ Thành An đến công diễn tác phẩm, gặp gỡ và giao lưu với khán thính giả, dù là trong phòng trà khách sạn ở Quảng Ngãi chỉ có mấy chục người, hay tại khán phòng rộng lớn như Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô, Nhà hát lớn Hà Nội, những người hâm mộ và công chúng luôn được nhìn thấy dáng đi nhanh nhẹn, gương mặt tinh anh và giọng nói trong trẻo, phát âm rất chuẩn của ông. Điều hiếm gặp ở một cụ ông đã ngoài Bảy mươi tuổi. Tại những nơi này, đáp lại nhiệt tình, sự quý mến của đông đảo công chúng, nhạc sĩ Vũ Thành An thường không kìm nén được sự xúc động của mình. Ông chân tình bày tỏ: “Tôi đã ẩn mình 20 năm và bây giờ quay trở lại. Mình muốn quên cuộc đời, nhưng cuộc đời chưa quên mình nên phải về tạ ơn mọi người…”. Điều đáng nói, là nhạc sĩ đồng thời là nhà hoạt động từ thiện, đi đến đâu ông cũng không quên nhắn nhủ mọi người làm việc thiện: “Vũ Thành An cảm ơn mọi người vẫn còn yêu thích dòng nhạc của tôi đã viết ra cách đây hơn 50 năm. Điều nguyện ước của tôi là khi quý vị nghe nhạc Vũ Thành An, xin quý vị nhớ tới những người đau khổ chung quanh, đặc biệt các ông bà cụ già neo đơn. Xin cho những người đang khốn khó miếng cơm với tất cả lòng yêu thương trân trọng…”
Như vậy là, đường trở về của nhạc sĩ Vũ Thành An với quê hương Việt Nam, từ lần đầu tiên nhiều nghi ngại, lo lắng, giờ đây đã hanh thông. Đi đến đâu ông cũng được chào đón, được trọng thị không chỉ vì Những bài không tên rung động tâm hồn người, mà còn vì tấm lòng nhân ái của ông dành cho những người già cả neo đơn ở trong và ngoài nước.
Và đường về với làng quê Quần Phương Trung xưa, nay là Hải Trung, Hải Hậu -nơi ông chôn nhau cắt rốn cũng ngày càng rộng mở hơn.
Khi mới ngoài Hai mươi tuổi, trong Bài không tên thứ nhất, không biết bằng dự cảm mơ hồ nào nhà thơ Nguyễn Đình Toàn và ông đã viết mấy ca từ bi luỵ này:
…Thành tình nhân đứng giữa trời không
khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê…
Trừ lần đầu tiên (đầu năm 1985), sau khi mãn hạn 10 năm học tập, lao động ở miền Bắc, ông về quê trong âm thầm, buồn tủi. Ông về để thăm lại ngôi nhà năm gian, hai chái của tổ phụ sau một thời gian phải sang tên người khác đã được người em con ông chú chuộc lại. Ông về để tạ ơn tổ tiên, ông bà đã phù hộ độ trì cho ông tai qua nạn khỏi…Lần về này ông chỉ gặp được vài người trong gia đình, họ hàng làng xóm không một ai hay biết.
Những lần sau về quê của ông tuy thường ngắn ngủi nhưng đàng hoàng và công khai. Ngoài việc bái yết tiên tổ, viếng mộ ông bà, thăm hỏi cô bác, bà con hàng xóm…ông còn có những việc làm từ thiện. Một số cụ già neo đơn ở Hải Hậu và Nam Định đã nhận được quà từ quỹ Teresa do ông sáng lập. Có thể nhiều người trong làng chưa từng nghe Những bài không tên của ông, nhưng họ đã biết ông là một nhạc sĩ tài năng đồng thời là nhà hoạt động từ thiện quốc tế.
Vậy là sau mấy chục năm cách trở, hoài vọng…ngày về quê của nhạc sĩ Vũ Thành An đã không còn xa lắc lê thê…
Đầu Đông 2020
N M N
Địa chỉ liên hệ:
Nguyễn Mộng Nhưng
Xóm 12, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Định
ĐT: 0384 728 185
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét