Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

BẢN THẢO “ĐÊM YÊN DŨNG” / Trần Mỹ Giống



    

Đầu năm nhận được nhiều thơ văn bạn bè gửi tặng, phần nhiều là dạng bản thảo. Cũng muốn có cái gì đó tặng lại bạn văn cho phải phép mà lúng túng quá. Thôi thì lương hưu còm chỉ đủ sinh hoạt thường ngày, chưa có điều kiện mua lệnh xuất bản, cứ làm bản thảo lưu hành nội bộ nhờ mạng giữ hộ vậy. Nghĩ sao làm vậy, in luôn hai bản thảo thơ và truyện. Bản thảo thơ đây các cụ ạ:

 

ĐÊM YÊN DŨNG: Thơ / Trần Mỹ Giống. – Nam Định: Tủ sách Trần gia, 2020. – 130 tr. ; 20 cm.

 

Phần một: Thơ sáng tác - Chùm thơ dịch từ tiếng Anh và tiếng Hán.

Phần hai: Bạn văn viết thơ về Trần Mỹ Giống – Một số bài bình thơ Trần Mỹ Giống của bạn văn và thơ được phổ nhạc…

 

 

 Khoe vậy chứ thực ra mình biết mình không chuyên thơ, không có năng khiếu thơ nên không dám tự sướng là… nhà thơ. Bài mở đầu sách nói về tâm sự ấy:

 

                  TỰ BẠCH

 

  Làm thơ không phải sở trường

Chi khi có hứng bất thường viết chơi

  Dám đâu khoe mẽ với đời

Xưng nhà thơ để tiếng cười nhân gian

 

  Liều mình xin ghép đôi vần

Tấm tình gửi tặng người thân gọi là…

 

TMG

 

 

        THẮP SÁNG ĐƯỜNG TU

 

Gửi lại cà sa khoác chiến bào

Đường tu vận nước buổi binh đao

Theo đoàn vệ quốc đi trừ giặc

Chẳng sợ gian lao đổ máu đào

 

        Chuông giục cờ bay lễ xuất quân

Tăng ni Phật tử khắp xa gần

Bụi trần đã dũ còn vương vấn

Bởi trái tim hồng đất Vạn Xuân

 

Trận đánh vừa qua lại nhớ chùa

Nhớ ngày xuống tóc mở đường tu

Thôi đành bỏ dở trang kinh Phật

Đi trả thù nhà dựng chiến khu

 

Chín năm chinh chiến đã đi qua

Người dở việc quân, kẻ lại nhà

Người mãi ra đi trong chiến trận

Người về cửa Phật niệm di đà

 

Chuyện nơi cửa Phật đất quê tôi

Hai bảy nhà sư trọng nghĩa đời

Cởi áo cà sa đi cứu nước

Ngàn năm danh pháp nét son tươi.

......................

 Tháng 2 – 1947 tại chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã diễn ra lễ xuất quân tiễn 27 nhà sư đi bộ đội chống Pháp, hưởng ứng "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 

PHÁC THẢO CHÂN DUNG NHÀ VĂN TRẦN QUỐC TIẾN

 

(Thử làm đệ tử trường thơ TÂN CON CÓC)

 

  Từ ruộng đồng chẳng được học hành nhiều, cố lao vào “Cuộc vật lộn trước lúc rạng đông”, “Bị vợ bỏ” chẳng cam lòng mà cũng thôi phải bỏ.

  Đến thăng hoa “Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa”, như một quả bom nổ làm làng văn rúng động, giữa “Ổ rơm” vung ngọn bút lột trần bọn quan tham.

  Có ngờ đâu đất bằng dậy sóng,

  Trời nổi cơn bão tố phong ba.

  Này lão Tiên chỉ một khóa, phát đơn kiện gửi tới Trung ương, chụp cho tội bôi đen chế độ.

  Nọ bà Tiến sĩ văn nô, đăng báo phê chuyển về cơ sở, chê ỏng eo khuyến khích khiêu dâm.

  Búa cường quyền bổ ngay giữa mặt,

  Rìu tiện nhân phang lén sau lưng,

  Phen này chẳng tử vong

  Cũng thân bại danh liệt.

  Vậy mà:

  “Lão Bõm” còn đường bệ phớt đời

  Nhà văn vẫn sống dai như “Cỏ”,

  Ngày "Nịnh đàn bà",

  Đêm bồng vợ khỏe.

  Trận bút trường văn hữu đột tả xung,

          Vung “Cái khăn lau” lau sạch thói đời,

  Cất giọng “Thơ đời” ngân nga trầm bổng...

  Thân xác đã tuổi xưa nay hiếm,

  Tâm hồn còn đôi tám sức xuân,

  Say mê cuốc cày “Chuyện một thời đặc biệt”,

  Bám sát nông thôn, thời dở phố dở làng

  “Hậu số đỏ” đã sẵn sàng sang trang mới.

 

TMG

 ...........

 Chú thích: Những từ trong hai ngoặc kép là tên tác phẩm đã xuất bản hoặc chưa in của nhà văn Trần Quốc Tiến

 

 

    NHÀ THƠ TRẦN HÙNG THẮNG


      Kính tặng nhà thơ Trần Hùng Thắng

 

  Vốn dòng Tả Hãn Tướng Quân (1)

 Hồn thêu nét bút, thơ văn dạt dào

  Kỹ sư lớp trước, tự hào

 Màng chi quan chức, thiết nào hư danh

   Cho đi muôn vạn nhánh cành

 Nhận về một lá trầu xanh cay nồng

  Ngỡ ngàng đứt gánh tơ hồng

 Còn hai trái ngọt trời không phụ người

   Lên xe, xuống ngựa một thời

 Khi thăm địa phủ, lúc chơi cung Hằng

  Tao nhân mặc khách đãi đằng

 Túi thơ bầu rượu kém chăng Đào Tiềm(2)?

 

  TMG

 

 

        GIẤC MƠ CỦA NGƯỜI NÔ LỆ

 

                              Henry Long Fellow

 

 

Anh nằm bên cánh đồng chưa gặt

Liềm trong tay ngực thấp nghiêng nghiêng

Đầu rối bù gối chìm trong cát

Trong mơ màng gặp lại quê hương

 

Anh mơ thấy Nai Giơ êm chảy

Dòng mênh mang vươn tỏa ôm đồng

Anh bước dài như một ông hoàng

dưới hàng cọ. Tai nghe tiếng nhạc

của đoàn người vượt qua sa mạc

đi xuống từ đỉnh núi cheo leo

trên con đường dốc ngoằn ngoèo

 

Gặp lại vợ - Nữ hoàng xinh đẹp

Đôi mắt xanh chan chứa bao tình

Giữa bầy con tíu tít vây quanh

Chúng lao tới nhảy lên bá cổ

Hôn đôi má dạn dày sương gió

Và vui cười níu chặt tay anh.

 

Một giọt lệ tràn mi

trên mắt người đang ngủ

từ từ lăn qua má

rồi rơi trên cát khô.

 

Anh chẳng còn thấy nữa

sức thiêu đốt của mặt trời dội lửa

cùng cái đau nát thịt nát gan

bởi chiếc roi tên chủ bạo tàn.

 

Anh chẳng thấy nữa đâu

Tất cả, không bao giờ thấy nữa

vì thần chết đã đến trong giấc ngủ

phủ lên anh ánh sáng lạnh lùng

hút của anh giọt máu cuối cùng.

 

Người nô lệ vai nặng xích xiềng

Đã chết rồi, không bao giờ dậy nữa

Nhưng trong ý chí tinh thần bốc lửa

Một xích xiềng đã bị phá tan.

 

(Bài dịch trả bài môn tiếng Anh lớp Đại học Thư viện khóa 6 năm 1968)

 

 

春題湖上

 

白居易

 

湖上春來似畫圖,
亂峰圍繞水準鋪。

松排山面千重翠,

月點波心一顆珠。

碧毯線頭抽早稻,

青羅裙帶展新蒲。

未能拋得杭州去,

一半勾留是此湖。

 

Phiên âm:

 

Xuân đề hồ thượng

                      

 Bạch Cư Dị

 

 Hồ thượng xuân lai tự họa đồ,

Loạn phong vi nhiễu thủy bình phô.
Tùng bài sơn diện thiên trùng thúy,
Nguyệt điểm ba tâm nhất khỏa châu.
Bích thảm tuyết đầu trừu tảo đạo,
Thanh la quần đái triển tân bồ.
Vi năng phao đắc Hàng Châu khứ,
Nhất bán câu lưu thị thử hồ.

 

Dịch nghĩa:  

Mùa xuân đề thơ trên hồ

Xuân về, cảnh hồ như một bức tranh
Núi lô nhô bao quanh mặt nước phẳng lặng
Ngàn thông trên núi trập trùng xanh ngắt
Ánh trăng rọi sóng nước như muôn hạt ngọc châu
Lúa sớm trổ bông trải như tấm thảm biếc
Cỏ bồ mới nảy tựa như dải quần lụa xanh
(Ta) chưa thể bỏ Hàng Châu đi ngay được
Phân nửa vì bịn rịn cảnh hồ này.

 

TMG dịch thơ:

 

Xuân về hồ nước đẹp bức tranh

Phẳng lặng mặt gương núi uốn quanh

Trên núi ngàn thông màu xanh ngắt

Dưới hồ sóng ngọc ánh trăng thanh

Đơm bông lúa sớm như thảm biếc

Nảy lộc cỏ bồ tựa lụa xanh

Chẳng bỏ Hàng Châu đi sớm được

Phần vì bịn rịn cảnh xuân tình

 

 

 

CHÚC MỪNG SINH NHẬT
BÁC TRẦN MỸ GIỐNG TUỔI 70

 

CHÚC Bác ngày vui nhất tháng này
MỪNG Ông bảy chục bến xuân khai
SINH thời phụ mẫu sâu lòng biển
NHẬT xạ song thân nặng gánh vai
THẤT lộ giao du tầm chiến hữu
THẬP phương hội ngộ đáo kỳ đài
NIÊN canh cổ thụ phù tôn tử
TRÒN đạo làm Người, Phúc tái lai!

15-1-2019
Trần Văn Cường quý tặng

 

 

BÌNH BÀI “NGU NGƠ”

THƠ HAI CÂU CỦA TRẦN MỸ GIỐNG

 

 

                     NGU NGƠ

 

   Mải mê đuổi bóng bắt hình
 Tóc sương chợt ngộ ra mình ngu ngơ

 

                                    Trần Mỹ Giống

 

 

      Lời bình của cô giáo ĐẶNG KIM QUY

      

Phó hiệu trưởng Trường THCS Hàn Thuyên (Nam Định)

 

        Đọc hai câu thơ, ta hình dung ra nhân vật trữ tình luôn khát khao, theo đuổi một ước vọng nào đó, nhưng cái ước vọng ấy chỉ là ảo ảnh không có thực. “Đuổi bóng bắt hình” là cách nói ẩn dụ rất ý nhị, sâu sa, muốn nói tới một mục đích, một lý tưởng sống, “tóc sương” biểu hiện cho tuổi già, mặc dù đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời nhưng giờ đây nhân vật trữ tình mới chợt nhận ra điều mà mình mơ ước theo đuổi bao năm qua chỉ là ảo vọng, không đạt được mục đích mà mình mong muốn. Giọng điệu thơ buồn, trĩu nặng một nỗi niềm ưu tư, trăn trở về những điều cay đắng khi con người nhận ra chính mình thì đã quá muộn. Đó chính là một bài học mang ý nghĩa triết lý cho những ai chưa xác định đúng mục đích, ước mơ của cuộc đời mình.

 Tháng 11 - 2013

ĐẶNG KIM QUY

 

 

          Lời bình của TRẦN TUẤN PHƯƠNG

 

   - “Mải mê”: Say mê làm một việc gì đến nỗi không còn để ý gì đến chung quanh.

  - “Ngu ngơ”: Ngây ngô khờ dại.

  - “Chợt”: Bỗng nhiên, thình lình.

  - “Ngộ”: Từ Hán Việt: Tỉnh biết ra được, Hiểu rõ, Mở trí khôn...

Một thời gian rất dài (đến khi đã già “tóc sương”) nhân vật trữ tình – tác giả tập trung hết sức lực, tâm trí phục vụ cho một mục tiêu – lý tưởng mà mình cho là cao đẹp lắm (có cao đẹp mới đủ hấp dẫn lôi cuốn nhân vật trữ tình cống hiến tất cả cho nó chứ!) nhưng buồn thay mục tiêu lý tưởng đó chỉ là viển vông, không tưởng (hình và bóng). Chỉ là hình và bóng mà nhân vật trữ tĩnh vẫn chạy theo nó quá nửa đời người bởi “mải mê” đến độ lý trí hoàn toàn nhường chỗ cho tình cảm.

        Nhưng rồi đến khi “tóc sương”, bao nhiêu va đập trong cuộc sống, những hiện thực trái ngược với mục tiêu phấn đấu đến một lúc nhân vật trữ tình chợt bừng tỉnh, đốn ngộ (hiểu biết) ra chân lý, rằng mình thật ngu ngơ khờ dại, cái mục tiêu lý tưởng chỉ là ảo ảnh, không bao giờ có thực. Than ôi, một thời tuổi trẻ phung phí vô ích, khi hiểu ra thì tóc đã điểm sương rồi... Âm hưởng buồn nuối tiếc do sai lầm trong nhận đường ở câu thơ cứ vang trong đầu người đọc... Phải chăng đó chính là thông điệp tác giả muốn gửi đến người đọc. Bài học chọn đường còn nóng hổi hiện nay và mãi mãi cho lớp trẻ.

      

TRẦN TUẤN PHƯƠNG

Lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền, tp. Nam Định.    

 

            

  Lời bình của nhà thơ TRẦN NHƯ CHUYÊN

 

  Bóng là phần ánh sáng bị che khuất bởi một hình cụ thể nào đó, nếu chỉ cần tách riêng (Đuổi bóng, bắt hình) thì một bên ảo và một bên thực. Điều lý thú ở đây là “Đuổi bóng bắt hình” thì cái hình lại trở thành lẩn khuất không có thực, xa vời, cũng ảo nốt và đồng lõa với bóng.

  Tuổi đã rất cao, từng lăn lộn, trải nghiệm và có thể phải trả giá quá đắt, đổi bằng biết bao công sức, máu xương... mới chợt “ngộ” ra. Ngộ là nhìn thấy, nhận ra... và ở mức cao hơn, dày dạn hơn đó là xây dựng được một quan niệm. Về “Lý tưởng” đó là một quan điểm, mà đến quan điểm cũng đã phải thay đổi thì mới “ngộ” ra chắc gì đã vững bền? Vấn đề lý thú nữa ở đây là mới “ngộ” ra đã biết mình “ngu ngơ”, còn khi xác định được quan điểm thì chắc hẳn nhận ra rằng mình trên cả dại dột.

Điều đặc sắc của thơ chính là chất gợi, ta đọc xong rồi, đọc lại, đọc mãi mà còn chưa thấy hết được cái hay thì đó chính là sự thành công!

                                                         TRẦN NHƯ CHUYÊN

 

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét