Kì 51: TÀI NĂNG NẰM Ở ĐÂU?
Trong
khi chờ phòng đọc thư viện mở cửa, hai ông bạn đọc trao đổi về chuyện văn
chương. Một ông gợi chuyện:
- Này,
ông có theo dõi cuộc tranh luận về Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế
Vinh, mà thực chất là về việc đánh giá tiểu thuyết “Đứa con mang hai họ”
của tác giả Hồng Quốc Văn trên báo Văn nghệ Trẻ đầu năm 2007 không?
Ông
kia sôi nổi :
- Có
chứ! Giải thưởng Lương Thế Vinh là giải lớn nhất về văn học nghệ thuật của tỉnh
nhà, không quan tâm sao được. Cuộc tranh luận kéo dài hơn ba tháng trời, trên
mười mấy số báo, sôi sục đáo để…
- Bài “châm
ngòi” của bạn đọc Trần Ngọc Minh làm nổ bùng cuộc tranh luận, bài phê bình của
nhà văn Hữu Anh chẳng kém gì một “cú đấm”, mà bài “phản pháo” của Hồng Quốc Văn
cũng đại ngôn ghê quá ông nhỉ!
- Vâng!
Cứ theo giọng điệu và nội dung bài của Hồng Quốc Văn thì ông ta là một nhà văn
có tài cỡ nhất tỉnh ta chứ chả chơi.
- Đúng vậy!
Tôi đã bỏ ra mấy ngày liền để đọc cuốn tiểu thuyết “Đứa con mang hai họ”
và tập truyện ngắn “Canh bạc cuối đời” của tác giả trẻ này…
- Vậy
ông thấy tài năng của tác giả này thể hiện ở thể loại nào?
- Khi đọc
tiểu thuyết của Hồng Quốc Văn, tôi nghĩ tài năng của tác giả nằm cả ở truyện ngắn.
Nhưng khi đọc truyện ngắn của Văn thì tôi lại thấy tài năng của tác giả này nằm
ráo ở tiểu thuyết của ông ta.
Thư viện Tổng hợp tỉnh Nam Định
Tháng 5-2007
TMG
Kì 52: BỐ CÓ BẰNG PHÓ THỦ TƯỚNG KHÔNG?
Thằng Tĩn:
- Con đố bố biết tỉnh ta có mấy Trạng
nguyên?
Bố Tĩn vui vẻ:
- Dễ ợt! Có 5 Trạng nguyên.
Tĩn cười toe:
- Sai toét! Có 6 ông Trạng mới đúng!
Bố Tĩn:
- Trứng khôn hơn vịt! 5 Trạng của tỉnh ta
là Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Trần Văn Bảo, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu. Mày
nói xem ông Trạng thứ sáu là ai?
Tĩn vênh mặt:
- Đó là Trạng nguyên Nguyễn Hiếu!
Bố Tĩn:
- Làm gì có ông Trạng Nguyễn Hiếu nào?
Mày mà giỏi bằng bố à?
Tĩn:
- Thế bố có giỏi bằng ông Phó Thủ tướng nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục không?
- Thế bố có giỏi bằng ông Phó Thủ tướng nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục không?
Bố Tĩn
lúng túng:
- Ơ... à... Tao chỉ là dân đen, làm sao
dám so với ông Phó thủ tướng…
Tĩn đắc thắng:
- Thì thế, chính ông Phó Thủ tướng đọc rất
rõ ràng trong lời phát biểu tại buổi mít tinh kỷ niệm thành phố đón nhận quyết
định lên loại một như vậy mà!
- !!!
Kì 53: XUẤT THẦN
- Bố ơi! Trong bài viết về Sông Vị Hoàng
của ông Đờ Thờ đầy ắp tư liệu sưu tầm
thơ văn từ cổ chí kim nói về sông Vị…
- Ừ! Phải đọc kỹ những bài văn của những
người giỏi như ông Đờ Thờ ấy mới mở mang được đầu óc con ạ!
- Nhưng mà... ông ấy viết trong lúc mê sảng
hay sao ấy bố ạ!
Bố Tĩn:
- Mày dùng từ sai bét cả. Phải nói là tác
giả viết trong trạng thái “xuất thần” hoặc “thăng hoa” chứ!
- Thế con hỏi bố: Sông Lấp trong thơ cụ
Tú Xương nhắc đến là sông gì ạ?
- Là sông Vị Hoàng của thành Nam chứ còn
sông gì? Dân thành Nam
ai mà chả biết.
- A! vậy thì đúng rồi... Đoạn trên ông Đờ
Thờ dẫn bài “Sông Lấp” của cụ Tú Xương:
Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa,
chỗ giồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn
tưởng tiếng ai gọi đò.
Cứ theo cụ Tú Xương thì đích thị là sông
Lấp - sông Vị Hoàng đã bị lấp mất rồi. Vậy mà đoạn sau ông ấy lại kết luận rằng
sông Vị vẫn còn chứ có mất đi đâu – Đó chính là sông Đào Nam Định đấy...
Đúng là ông ấy viết trong trạng thái mê... à... trong trạng thái “xuất thần”,
“thăng hoa” bố nhỉ!
- !!!
Kì 54: THẦN TƯỢNG SỤP ĐỔ
Nhà thơ họ Đỗ là Hội viên Hội Nhà văn Việt
Nam .
Thơ họ Đỗ vào loại khá trong mặt bằng thơ ở tỉnh. Lão coi nhà thơ họ Đỗ là bậc
đàn anh đáng kính nể.
Trước
Đại hội nhiệm kỳ, nhà thơ K và nhà văn Việt Nam P là hai người thân thiết với
nhà thơ họ Đỗ bảo lão:
- “Đại
hội tới chú nên vận động cho Đỗ tranh chức chủ tịch hội để nó xốc lại hội. Lãnh
đạo hội phải là những người có đẳng cấp cao…”
Lão
vâng vâng dạ dạ, nhưng trong lòng cứ thấy băn khoăn không biết nhà thơ họ Đỗ tuổi
đã cao có chịu ra gánh vác chức vụ không. Nhân có mặt cả ba bậc đàn anh, lão
nói với nhà thơ họ Đỗ:
- “Nếu
bác quyết ra gánh vác chức chủ tịch hội thì em sẽ bỏ phiếu cho bác, vận động bạn
bè em bỏ phiếu cho bác.”
Nhà
thơ họ Đỗ giãy nảy như đỉa phải vôi:
- “Chú
chỉ xui dại. Anh bảy mươi rồi, ra mà hót cứt cho chúng nó à?”
Nghe nhà thơ họ
Đỗ nói vậy, lão thưa:
-
“Vâng! Vậy họ đề cử thì tốt nhất bác xin rút luôn cho an toàn. Kẻo nhỡ để bầu
mà trúng thì… mệt lắm!”
Khi đại
hội bầu ban lãnh đạo, lão chẳng thấy nhà thơ họ Đỗ rút tên khỏi danh sách đề cử.
Nhưng tin là nhà thơ họ Đỗ nói thật lòng với mình nên lão gạch tên nhà thơ họ Đỗ
đầu tiên trong phiếu bầu. Kết quả nhà thơ họ Đỗ rớt.
Mấy
tháng sau, được tin nhà thơ họ Đỗ nhận chức phó trưởng bộ môn, lão ngạc nhiên:
Không thèm làm chủ tịch, sao lại ra làm tổ phó bộ môn? Lão đem thắc mắc tâm sự
với mấy bậc đàn anh. Đàn anh P bảo:
- “Là
do các anh cử thằng Đỗ làm phó bộ môn để nó ra dọn dẹp và làm trụ cột cho bộ
môn, không thì bộ môn nát hết.”
Thế rồi
nhân tập thơ của nhà thơ họ Đỗ đoạt giải nhất giải thưởng tỉnh, lão thức suốt một
đêm cặm cụi đánh máy hết tập thơ, soát đi soát lại mấy lần, rồi đăng lên mạng
khoe với thiên hạ. Bạn đọc, bạn thơ đọc tập thơ trên blog của lão đã phát hiện
và phanh phui nhà thơ họ Đỗ đạo thơ. Một bạn thơ cùng bộ môn viết bài dài trên
báo của Thủ đô tố nhà thơ họ Đỗ ăn gian giải thưởng trung ương trong một cuộc
thi thơ bằng bài thơ phạm quy, lại là bài có câu thơ hay nhất thì đạo của một đồng
nghiệp đã quá cố.
Trong mắt lão, hình ảnh
thần tượng của lão bắt đầu nghiêng ngả.
Khi tạp chí Văn Nghệ in bài của nhà thơ họ Đỗ có nội
dung vừa lạc hậu, vừa thiếu cơ sở khoa học, lão ngứa mắt liền viết bài phản biện.
Chẳng hiểu vì lý do gì mà có mấy vị trong lãnh đạo tìm mọi cách ngăn cản để bài
phản biện không được lên trang. Sự việc phải đưa ra ban thường vụ cơ quan chủ
quản tạp chí, kết luận bài phản biện đảm bảo tính khoa học thuần túy, cần phải
đăng. Nhưng qua ba số tạp chí, bài đã lên khuôn lại bị người có quyền có chức lệnh
mồm gỡ xuống. Khi không thể ngăn cản được, phải lên trang thì người ta biên tập
làm mục tiêu phản biện trệch ra ngoài ý định tác giả. Cùng thời gian này, mấy
trang blog của lão bị phá liên tục. Trang FB của lão bị đóng do “có người báo
cáo vi phạm”…
Niềm tin xưa nay của lão chao đảo. Trong mắt lão, thần
tượng nhà thơ họ Đỗ sụp đổ hoàn toàn.
Kì 55: 8 NGÀY NẰM VIỆN
HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
Tự nhiên tai trái lão bị đau ngứa đến ù
như điếc cả tuần không đỡ. Lão đành đi khám bệnh. Bác sĩ bảo lão bị nấm sợi ống
tai trái, phải nhập viện điều trị ít nhất là hai đợt, mỗi đợt 15 ngày.
Nằm khoa da liễu bệnh viện đa khoa tỉnh
được 8 ngày thì bà dì ruột lão mất ở quê. Lão buộc phải xin ra viện về chịu
tang dì.
Hai ngày phục tang dì xong, hai vợ chồng
lão đi xe máy từ Giao Thiện (Giao Thủy) về tỉnh. Quá mệt mỏi, nên lão đi chậm.
Qua ngã ba Cổ Lễ - đường 21 thì bất ngờ lão nghe đánh rầm, rắc rắc, rồi ngã lăn
quay giữa đường. Định thần, nhờ người bên đường dìu đứng dậy, lão thấy vợ còn
ngồi bệt giữa đường, đầu gối xước tua rướm máu, ánh mắt thất thần. Lão vội giơ
tay bước đến để đỡ vợ thì bàn chân phải, ngực trái và bả vai nhói đau. Cánh tay
trái lão phản xạ tự nhiên ép vào sườn, cẳng tay co lại ôm chặt bụng. Lão có cảm
giác làm thế cái đau đỡ đi phần nào. Ai đó đỡ vợ lão dậy. Vợ lão bấm điện thoại
gọi cho các con ở thành phố, nhưng tay run không sao thực hiện được. Một ai đó
đã bấm gọi hộ. Lão phều phào hỏi vợ:
- Bà có bị thương chỗ nào nặng
không? Đầu gối…?
Vợ lão lấy lại bình tĩnh, trấn
an lão:
- Tôi không sao. Đầu gối xước
da thôi… Ông thấy trong người thế nào?
- Tôi… đau…
Lão bắt đầu như ngất đi, như
mơ ngủ.
- Mở cửa xe đưa ông lên.
- Đi luôn Bệnh viện đa khoa tỉnh chứ
bà?
- Ừ. Ông có bảo hiểm ở đó…
*
Khi lái xe gọi to: “Ông ơi, tới rồi ạ”,
lão mở mắt, giơ tay phải mở cửa xe, mãi không mở được. Mu bàn tay lão đầy máu lẫn
thuốc lào và lông Cu Li do dân nơi xảy ra tai nạn đắp cầm máu cho.
- Để cháu mở cho ông.
Lão đưa chân phải ra đứng lên thì cảm
giác nhói đau, lại ngồi bệt xuống ghế. Vừa khi ấy, các con giai, con gái và vài
người bạn của con lão, con dâu, con rể, mấy đứa cháu lão đã kịp đến bế lão đặt
lên xe lăn…
Từ phòng chụp hình, siêu âm đến phòng mổ
là quãng đường dài như vô tận, là cực hình với lão. Mỗi cái vấp của bánh xe là
một lần buốt đau tận óc. Lão nhắm mắt, gồng người chịu đau… Loáng thoáng ai đó
nói bên tai lão:
- Ông phải mổ nẹp đóng đinh xương đòn
trái… Nhanh thôi ông ạ… Không sao đâu…
Lão nghĩ: Các cụ nói không sai, thật là
họa vô đơn chí…
*
Bác sĩ áo xanh luồn ống thở vào hai lỗ
mũi lão, nói:
- Ông hít thở sâu vào…
Lão hít thật sâu, thật sâu… Rồi lão
nghe tiếng khoan bắt vít vào tường… Rồi lão thấy bố mẹ lão dắt lão đi trên con
đường quê đầy hoa lá… Rồi lão thấy bỗng nhiên mình rơi vùn vụt xuống một vực
sâu đen nghòm, cây cối đá núi cứ vun vút chạy ngược lên trên… Lão nghĩ, phen
này mình chết chắc rồi, nhưng mình chưa thể chết được, còn phải đưa đón cháu nội
đi học, còn phải bế cháu đích tôn sắp ra đời, còn phải đợi dự cưới cháu ngoại,
còn nợ bao nhiêu là bài của bạn văn chưa lên trang blog… Chợt lão nhớ chuyện vợ
nhà báo Trần Anh Kim 7 lần mổ ung thư, một lần sơ ý bị rơi xuống hố ga sâu 2
mét. Trong lúc bất lực, chị chỉ còn biết liên tục niệm “Nam mô a di đà
Phật”… Thế rồi chị cảm thấy như có lực hỗ trợ nâng chị lên miệng hố ga và chị
thoát chết. Lão lập tức luôn mồm niệm “Nam mô A di đà Phật… Nam mô a di đà
Phật…”. Chợt lão thấy một chú tiểu cầm cây chổi cán dài đang bay từ dưới lên.
Khi lão rơi ngang chú tiểu, lão liền chộp lấy cán chổi của chú tiểu. Và lão lấy
lại thăng bằng, như đứng trên mặt đất…
Lão thấy ai đó đang lay vai lão, hỏi tiếng
nhỏ rồi to dần:
- Ông ơi, ông tên là gì ạ?
Lão cố cất tiếng trả lời:
- Trần Mỹ Giống.
- Ông thấy trong người thế nào? Có đau ở
đâu không?
- Không thấy đau… nhưng không sao nhắc
nhói người được…
Tiếng người hỏi nói với người khác:
- Ông tỉnh rồi, không sao đâu các chị ạ!
TRONG CÁI RỦI CÓ CÁI MAY
Vợ lão vừa xoa bóp nhẹ nhàng lên tay
chân lão, vừa bảo:
- Ông bị thế này còn là may đấy. Chứ nếu
ông bị vào đầu thì không biết rồi sẽ ra sao…
Lão định
cãi vợ: “Đã thế này rồi còn may nỗi gì” nhưng vốn yêu nể vợ nên lão lại nằm im.
Vợ lão lại bảo:
- May mà ông đi chậm, chứ đi nhanh thì…
Láy sau, vợ lão lại kể:
- Thằng bé đâm phải ông là đứa trẻ
ngoan ông ạ. Nó nhận lỗi ngay và lo thu xếp đưa ông đi viện. Từ hôm ông bị mổ đến
nay nó vẫn túc trực thăm nom ông. Khổ thằng bé vừa ra trường chưa có việc làm,
sáng nay còn bị công an bắt xe về đồn vì để xe lòng đường mua hoa quả thăm ông
đấy…
- Xe của tôi thế nào?
- Thằng bé quay về Cổ Lễ sửa chữa và
mang lên cho ông rồi. Nếu nó như đứa khác, nó đổ lỗi cho ông hay bỏ chạy thì
mình cũng chịu ông ạ. Tôi bảo nó là ông có bảo hiểm rồi, cháu không phải lo tiền
nong gì đâu, về đi mà lo lấy xe ra và lo công việc…
- Sao bà không bảo chú Hải xin xe cho
nó. (Chú Hải là em út lão, là trưởng phòng ở công an thành phố).
- Nào tôi có hỏi tên tuổi thằng bé đâu
mà biết mà nhờ chú Hải… với lại nó cũng về rồi…
*
Một người bạn của con lão là trưởng
khoa trong viện đến thăm bảo lão:
- Chúng cháu đã nhờ bác sỹ phẫu thuật
giỏi nhất viện mổ cho ông rất kịp thời. Kiểm tra sau mổ, ổn rồi. Ông không phải
lo lắng gì nhé!
- Vâng, cảm ơn các chú…
Ừ, đúng là trong cái rủi có cái may…
HẠNH PHÚC TRONG BẤT HẠNH
Bà vợ lão phàn nàn:
- Tôi đã cấm con cháu đưa tin ông tai nạn
lên mạng để đỡ phiền bạn bè ông phải đến thăm trong cảnh đầy người bệnh máu me
mất vệ sinh và ồn ào như chợ vỡ trong buồng cấp cứu này… mà sao lắm người biết
đến thăm ông thế cơ chứ!
Ngay ngày đầu nằm viện, hầu hết bạn bè
thân thiết trong thành phố của lão đã đến thăm, có người cách ngày lại đến
thăm… Rồi bạn bè, cơ quan của các con lão. Rồi bà con hàng xóm của lão, của các
con lão. Rồi họ hàng lão ở quê… rồi…
Có người không thân gì với lão cũng đến
thăm, dúi vào túi lão đồng tiền, chân thành, chất phác như nông dân làm lão cảm
động muốn khóc. Hắn cảm thấy hạnh phúc…
Các con dâu, con trai, con gái tranh
nhau nấu món ăn ngon ép lão ăn. Các con trai và các cháu con chú em lão thay
phiên đêm đêm phục vụ lão vệ sinh trên giường… Thằng cháu con thứ hai chú em
lão chăm sóc lão từng ly từng tý. Nó biết lão muốn gì mà đón việc trước. Đêm
dăm lần đi tiểu, lão đều trông vào nó. Mỗi khi lão rên vì đau, nó lập tức nắn
bóp chân tay, xoa gãi lưng cho lão quên đau. Lão cảm nhận được tình cảm ruột
rà, chân thực của thằng cháu qua từng nhát gãi, cái bóp, cú xoa của nó… Lão cảm
động và cảm thấy cái nhức đau giảm đi rất nhiều.
Lão cố ăn từng thìa cháo do con gái và
vợ lão thay nhau đút tận mồm cho lão, để họ vừa lòng. Lão biết vợ lão với cái đầu
gối tụ máu sưng tấy thì ắt là đau lắm. Nhưng vợ lão cứ làm như chẳng đau đớn gì
nên lão cũng lặng im. Lão rưng rưng nghe vợ lão đọc thư cháu nội học lớp 4 động
viên lão bằng lời lẽ ngây thơ, giàu tình cảm… Lão muốn khỏe nhanh để về nhà!
Ngày thứ 8 lão phải nằm buồng cấp cứu.
Bác sĩ trưởng khoa khám và tuyên bố: “Mai ông được ra viện rồi đấy! Nhưng ông
nhớ ít nhất hai tháng không được đi xe đạp nhé!” Nghe câu nói của bác sĩ, lão
sướng như bắt được vàng. Vợ lão bảo: “Nhận thuốc hết ngày hôm nay là ông có thể
về nhà trước, để các con làm giấy ra viện sau cũng được!”
Được về nhà! Về nhà! Về nhà… Hai tiếng
“Về nhà” cứ reo vang trong đầu lão…
TMG
(9 - 2017)
Kì 56: TÔI ĐI TẬP THỂ
DỤC KARAOKE
Từ khi tuyên bố treo bút nghiên
cứu, tôi từ chối tham luận các cuộc hội thảo khoa học, các cuộc tham gia nghiệm
thu phản biện khoa học, những lời mời thỉnh giảng... Việc viết lách chỉ còn dăm
thì mười họa làm bài thơ, bài văn khi có hứng, đăng blog cho vui. Hầu hết thời
gian tôi dành để đưa đón cháu đi học và giao lưu với bạn già.
Trong nhóm bạn
già, tôi và họa sĩ Đặng Nam
trẻ nhất hội – Tuổi Kỷ Sửu. Cao tuổi nhất là cụ Hiện, nguyên cán bộ thành phố,
đã ngoại cửu tuần. Cụ Hiện với cụ Giáo (cũng nguyên cán bộ tuyên giáo cấp
thành) cặp kè như đôi sam. Cụ Hiện đi đâu cũng có cụ Giáo làm tài xế. Cụ Hiện gầy
gầy, nhưng không có bệnh tật, nên cụ khỏe. Tôi mơ được như cụ mà xem ra khó
quá. Thứ đến là cụ Trần Quang, nguyên phó chủ tịch thành phố, năm nay 85 tuổi.
Trông cụ lúc nào cũng phong độ, ăn diện mô phạm, ngày ngày đạp xe rong ruổi cho
khỏe...
Chúng tôi thường
xuyên tụ tập uống cà phê ở 78 phố Hùng Vương. Chúng tôi gọi quán cà phê đó là
“quán cà phê giẻ rách”. Ấy là do một lần thấy cháu phục vụ mặc cái quần bò te
tua đầu gối, cụ Quang đùa là trông con bé như nó mặc giẻ rách. Thế là cái tên
“giẻ rách” tự phát được chúng tôi gọi thay tên quán cà phê này. Chúng tôi vừa
nhâm nhi cà phê, vừa tán gẫu những chuyện vui đùa, trêu nhau và cười thoải mái.
Những chuyện đại sự cũng bị chúng tôi biến thành những chuyện cười... Thỉnh thoảng
cụ nào có chồi, có lộc, có nhuận bút thì lại kéo nhau đi ăn ở quán Lý Quốc Sư
phố Hàng Sắt, hoặc phở hay bún chả phố Hàng Tiện, có khi đi quán thịt chó Đồng
Quê ở khu Hòa Vượng...
Chúng tôi lòng dòng
đi thăm bạn già, nay thăm cụ này, mai thăm cụ khác. Nhưng phần lớn thời gian
chúng tôi đi hát karaoke. Cụ Trần Đình Thi có hai cô con gái đi làm ở Nhật. Con
gái trang bị cho bố Thi bộ giàn karaoke hiện đại, máy quay phim, máy chụp ảnh,
ghi âm xịn... mà nhiều nhà báo cũng phải ghen tị, mơ ước. Bà Thường, vợ cụ Thi
lúc nào cũng đủ cà phê, chè nước, thức ăn, bia bảng... chiêu đãi bạn chồng. Có
việc vắng nhà lâu ngày, bà chuẩn bị sẵn món nhắm cho chồng tiếp bạn hát. Bà Thường
quá yêu chiều chồng nên cánh già chúng tôi được thơm lây.
Nói về hát... Đầu
tiên là họa sĩ Đặng Nam .
Với giọng khỏe, dầy dặn, âm vang, Đặng Nam hát ca khúc cách mạng rất hợp.
Nhưng Đặng Nam
lại khoái những bài nhạc vàng. Các bài “Định mệnh”, “Sầu tím thiệp hồng”... được
Đặng Nam
thể hiện khá hay. Đặng Nam
đặc trách nhiệm vụ chụp hình các cụ hát bằng điện thoại, đưa lên Facebook... để
con cháu ở xa, ở nước ngoài biết ông cha chúng còn khỏe và lạc quan mà yên tâm
làm ăn. “Này, ông Nam ,
“Úp mặt vào sông quê” này!” (bài “Khúc hát sông quê” ấy mà). Đang mải đưa ảnh
lên mạng, Đặng Nam
“Thế à!” buông điện thoại xuống bàn, cầm micơrô bắt vào nhạc: “Quá nửa đời
phiêu dạt... Con lại về úp mặt vào sông quê...”
Nhà thơ Hoàng Ngọc
Trúc đa tài, chèo, cải lương, dân ca, tuồng, nhạc mới xanh đỏ vàng... món nào cũng
thạo. Khi cụ Trúc hát bài “Phút cuối”, giọng thanh thoát, bổng trầm réo rắt, âm
thanh được chuốt mỏng như xuyên vào tim người nghe... “Chỉ còn gần em một giây
phút thôi, môt giây nữa thôi là xa nhau rồi...”, tôi nghe mà gai cả người, huống
chi các bà các chị nghe thì... phải biết!
Cụ Trần Quang chả
hát đơn ca bao giờ, nhưng bài nào cụ cũng chơi. Bài “Khúc hát sông quê” cụ
Quang có hát không? Được! Bài “Chim sáo ngày xưa” cụ Quang có chơi không? Chơi
chứ! Bài “Tình ca Tây Bắc”, cụ Quang chơi được không? Bài nào cũng chơi được tuốt!
Hề hề... Cụ có thể hát từ sáng đến trưa, càng hát càng khỏe.
Còn
cụ chủ nhà thì sao? Cụ Thi thường hát những bài tình ca, hành khúc, dân ca. Cụ
Thi hát theo kiểu mô phạm (cụ xuất thân là nhà giáo dạy văn mà), tuy giọng
không mấy sáng tạo như Đặng Nam ,
nhưng lại rất đúng nhạc. Thỉnh thoảng cụ cùng bà vợ song ca, đạt trăm điểm chứ
bộ.
Chúng tôi hát say
sưa, quên mệt. Khi được điểm cao, mọi người kêu lên: “Úi giời, điểm cao chưa!”
Lúc bị điểm thấp, lại lắc lắc đầu tiếc rẻ: “Úi giời! Hát hay thế mà được ít điểm
thế, giám khảo thiên vị đây! He he”... Khi có các bà các chị hoặc mấy ông khách
từ huyện lên cùng tham gia, không khí lại càng sôi động.
Chúng tôi thường
kết thúc một buổi hát bằng hát tốp ca bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”
sôi nổi và hưng phấn. Có khi kết thúc là bài “Trở về cát bụi” do Đặng Nam hát, như là
một lời tự nhắc nhở khuyên răn: Tất cả rồi sẽ trở về cát bụi, nên còn sống thì
hãy sống cho tốt, “đừng vì tham giàu” mà “bỏ nghĩa anh em”... Giọng ca dầy, khỏe,
vang của Đặng Nam
đặc biệt gây cảm xúc mạnh cho người nghe khi bắt vào câu cuối được nhắc đi nhắc
lại như một điệp khúc: “Người ơi xin nhớ, cát bụi là ta, mai này chóng phai...
Người nhớ cho, ta là cát bụi, trở về cát bụi, xin người nhớ cho...”
Cuối buổi, chúng tôi chia tay
nhau, hẹn ngày mai lại hát...
Tôi đi hát thấy
người sảng khoái khỏe ra. Vậy là mê đi tập thể dục karaoke... Hôm nào không thấy
cụ Thi gọi điện bảo đến hát, tôi lân la đến Đặng Nam rủ đi hát. Hôm nào không đi hát
lại thấy như người trống trải thiếu thiếu cái gì...
***
Câu lạc bộ Karaoke Thi Thường của chúng tôi dường như ngày
nào cũng sinh hoạt. Lần vợ chồng cụ Thi đi thăm con cháu bên Nhật một tháng,
chúng tôi cứ ngơ ngẩn cả người, mong cụ Thi về từng ngày. Cụ Thi ở Nhật về cứ
ho khan suốt, thuốc kháng sinh mãi không khỏi, phải vào viện. Họ xét nghiệm kết
luận: Cụ Thi nhiễm vi rút lạ, phải nhập viện. Mười ngày nằm viện, hết tiêu chuẩn
bảo hiểm một đợt, cụ xuất viện mà vẫn chưa khỏi ho. Tiếng cụ khàn, hát mất hay.
Cụ Nam
đùa bảo: “Cụ Thi cứ hát nhiều vào, có khi lại khỏi ho đấy!” Cụ Thi hát nhiệt
tình, không ngờ lại khỏi ho, giọng bỗng trong trở lại. Cánh già lại ngày ngày
say mê ca hát, tưởng như cuộc đời mãi mãi vui…
Mới đấy mà ngoảnh lại câu lạc bộ Karaoke Thi Thường đã thành
lập được 5 năm… Chúng tôi cứ vui vẻ mà không ngờ khẩu đại bác thời gian âm thầm
tàn nhẫn nã đạn vào chúng tôi… Cụ Giáo ở tuổi 76 đang khỏe mạnh, bỗng ốm có nửa
tháng là ra đi. Cụ Hiện xấp xỉ bách niên cũng ốm phải đi viện ở Hà Nội hai chục
ngày, sút hơn chục kí mà bệnh không thuyên giảm. “Còn nước còn tát”, các con cụ
đưa cụ đi chữa bệnh mãi bên Sinh-ga-po. Đâu cụ ở bên đó có ba bốn ngày rồi nhận
thuốc về nước, vậy mà cụ khỏe lại. Bác sĩ nước ngoài họ tài thật đấy! Nhưng cụ
Hiện phải ở nhà dưỡng sức, không còn tham gia với hội già được nữa. Đôi lần, nhớ
bạn, cụ đi tắc xi đến thăm chúng tôi ít phút rồi về… Cụ Trần Quang vào tuổi cửu
tuần cũng xuống sức nhanh. Sau lần bị xe máy tông ngã, cụ nằm liệt nửa tháng mới
dậy được. Cụ không hát được nữa. Cụ thường ra ngồi quán cà phê 78 Hùng Vương
(Tp. Nam
Định) gặp bạn già ít phút rồi về… Vậy là cánh già tâm đắc chúng tôi chỉ còn hai
ba người bám trụ sinh hoạt… Mới đây, do hoàn cảnh gia đình, cụ Thi làm nhà ở Hà
Nam , sẽ bán nhà ở Nam Định đi nơi
ở mới. Câu lạc bộ Karaoke Thi Thường trước nguy cơ tan rã làm chúng tôi buồn so
mà bất lực.
Âu cuộc vui nào rồi cũng phải đến lúc kết thúc. Nhưng những
ngày sinh hoạt với câu lạc bộ chắc chắn là những kỷ niệm không thể quên trong mỗi
người chúng tôi…
2015 - 2019
Tệ xá, 13/398
Trường Chinh, Tp. Nam
Định
TRẦN MỸ GIỐNG
Kì 57: LÀM QUAN KHÔNG SỢ UY QUYỀN
Tiến
sĩ Vũ Huy Trác hiệu Giác Trai, (1730 - 1793) người ấp Lộng Điền, huyện Đại An,
phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam (nay là thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa
Hưng, tỉnh Nam Định) nổi tiếng là quan thanh liêm và cương trực. Thời gian làm
Hiến sát sứ Kinh Bắc, ông đã xử nhiều vụ án rất nghiêm minh, bênh vực người dân
vô tội, trấn áp bọn quan lại và kẻ giàu có cậy quyền thế hà hiếp nhân dân, được
nhân dân hết lời ca ngợi. Vụ phạt Đặng Mộng Lân là một trong những vụ án Vũ Huy
Trác đã xử là một ví dụ. Chuyện kể rằng:
Đặng Thị Huệ người làng Phù Đổng, huyện
Tiên Sơn, sứ Kinh Bắc là người có nhan sắc nhưng vô cùng xảo quyệt và đầy tham
vọng. Sau khi được tuyển làm cung nữ, thị Huệ tìm mọi cách quyến rũ Thái tử Lê
Duy Vĩ. Nhưng khi biết vua Lê không có thực quyền, thị Huệ lại tìm cách chạy
sang phủ chúa để quyến rũ Trịnh Sâm. Từ một cung nữ, Đặng Thị Huệ trở thành
Tuyên phi đầy quyền lực, được chúa Trịnh vô cùng yêu chiều. Đặng Mộng Lân (thường
gọi là Ba Trà) là em trai Đặng Thị Huệ, đã ỷ thế của chị tha hồ tác oai tác
quái, làm nhiều điều ngang ngược côn đồ mà không ai giám trị tội. Khi Vũ Huy
Trác về làm Hiến sát sứ Kinh Bắc, có người đánh bạo kêu lên ông là Ba Trà tự do
giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ giữa ban ngày, ai chống cự thì bị cắt vú xẻo
tai... Nhân dân vô cùng căm phẫn nhưng các quan sở tại đều phải làm ngơ vì sợ
uy quyền nhà chúa. Vũ Huy Trác cho gọi Đặng Mộng Lân đến công đường xét xử
nhưng y không đến. Ông liền sai lính đến bắt giải y tới công đường, kể tội và
ra lệnh phạt 30 trượng rồi tống giam y vào ngục. Việc đến tai nhà chúa, Tuyên
phi vô cùng tức giận, nhưng chúa Trịnh đành phải làm thinh vì biết Vũ Huy Trác
là người cương trực. Vua Lê thì hết lời khen ngợi và thưởng cho ông 500 quan tiền.
Làm quan nghiêm minh,
không sợ uy quyền, quyết giữ nghiêm phép nước như Vũ Huy Trác là tấm gương sáng
muôn đời.
TMG
Kì 58: Giai thoại Tiến sĩ Vũ Huy Trác: ĐỐI ĐÁP VỚI SỨ GIẢ TÂY SƠN
(Sưu tầm và biên soạn)
Tiến sĩ Vũ Huy Trác (1730 - 1793) hiệu Giác Trai, người
ấp Lộng Điền, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam
(nay là thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) nổi
tiếng về văn học. Người đương thời gọi ông là “Thần phú Giác Trai”. Dân gian có
câu “Gà Văn Cú, phú Lộng Điền, tiền Đức Hậu” ca ngợi tài làm phú của ông. Giai
thoại Đối đáp với sứ giả Tây Sơn là một minh chứng về tài văn học của ông.
Chuyện kể rằng:
Sau khi bình định Bắc Hà, vua Quang Trung
có chủ trương sử dụng những quan lại có năng lực của nhà Lê. Xét thấy Tiến sĩ Vũ
Huy Trác là vị quan nhà Lê có tư cách đạo đức trong sáng và có tài thu phục
nhân tâm, vua Quang Trung sai sứ giả về tận quê mời ông ra làm quan với triều
Tây Sơn. Nhưng ông mang nặng tư tưởng "Tôi trung không thờ hai chúa",
cho rằng mình hưởng lộc nhà Lê mà lại ra giúp Tây Sơn thì sẽ bị người đời chê
cười nên ông đã từ chối, không ra làm quan nữa.
Khi sứ giả Tây Sơn về quê mời Vũ Huy Trác
ra làm quan với nhà Tây Sơn, ông viện cớ mắt thong manh để từ chối. Sứ giả
không tin, liền lấy cây kim nhọn bất ngờ dứ dứ vào mắt ông. Thấy ông mắt không
chớp, nét mặt vẫn bình thản, sứ giả liền đọc một vế đối:
Con ngươi lồng lộng trong như ngọc.
Ông ứng khẩu đáp lại ngay:
Thằng bé ngăm ngăm cứng tựa đanh.
Vế đối của sứ giả thanh mà tục, tỏ ý xấc
xược lại nhắc đến tên làng Lộng Điền của Vũ Huy Trác. Vế đối của Vũ Huy Trác
dùng chữ "nghiêm trang" nói đến tên làng Ngăm của sứ giả (Vị sứ giả
này là người làng Nghiêm Trang), cũng rất thanh mà rất tục, tỏ rõ ý coi khinh sứ
giả (coi vị sứ giả này cũng như... cái chim thằng bé mà thôi). Vế đối của Vũ
Huy Trác rất chuẩn, chữ đối chữ, ý đối ý làm sứ giả tím mặt mà không chê vào
đâu được. Sau sự kiện này, vua Quang Trung biết không thể thuyết phục được Vũ
Huy Trác nên đành cho biên tên ông vào sổ nhiêu lão và để yên cho ông sống ở
quê.
Dân gian lưu truyền và nhiều sách ghi lại
chuyện Vũ Huy Trác đối đáp với sứ giả Tây Sơn như là một giai thoại xác nhận
tài năng văn học của ông.
TMG
Kì 59: Giai thoại Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên: BẤT BÁI TOÀN QUYỀN
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên hiệu Châu
Phong (1852 – 1937) người làng Hành
Thiện, huyện Giao Thuỷ (nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường,
tỉnh Nam Định) nổi tiếng là người có khí phách.
Năm 1892 Toàn quyền Đông Dương De
Lanessan đi kinh lý Hải Dương. Tổng đốc Hải Dương đã thông báo cho các Tri phủ,
Tri huyện trong tỉnh phải có mặt tại Nha công sứ Hải Dương đúng ngày giờ đã định
để đón chào viên Toàn quyền. Khi ấy Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên làm Tri phủ Nam
Sách. Phủ lỵ Nam Sách chỉ cách thành Hải Dương 6 cây số và qua 1 con đò mà Tri
phủ Nguyễn Ngọc Liên lại đến địa điểm tập trung rất muộn. Khi ông đến nơi thì
các quan trong tỉnh đã có mặt đầy đủ, viên toàn quyền đang đọc lời hiểu dụ. Ông
lẳng lặng đứng vào hàng với các bạn đồng liêu. Thấy Tri phủ Nam Sách đến muộn
đã không xin lỗi, lại không thèm lạy chào mình, viên Toàn quyền rất tức giận. Hắn
cho là Nguyễn Ngọc Liên có tinh thần chống Pháp nên đã đề nghị Nha Kinh lược Bắc
Kỳ phải kỷ luật ông thật nặng.
Trong thời gian này lại xảy ra vụ nghĩa
quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo đã tấn công đồn lính Pháp trong huyện,
giết chết 4 tên lính Pháp trong đó có tên Thiếu uý đồn trưởng, thu 17 khẩu súng
và rút lui an toàn. Đồn lính này chỉ cách phủ lỵ của Tri phủ Nam Sách Nguyễn Ngọc
Liên chưa đầy nửa cây số nhưng ông đã "án binh bất động", để cho nghĩa
quân tự do hành động. Việc này làm cho bọn Pháp nghi ngờ ông có liên hệ với nghĩa
quân Bãi Sậy. Nha Kinh lược Bắc Kỳ đã ra nghị định phạt ông nghỉ không lương một
năm. Sau đó mấy lần nha Kinh lược có ý định tái bổ chức Tri phủ, rồi Đốc học
Nam Định cho Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên nhưng ông quyết không nhận. Từ đó ông ở
nhà làm nghề thuốc và dạy học, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.
Bằng hành động "Bất bái Toàn quyền",
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên đã nêu tấm gương sáng về khí tiết nhà Nho, khích lệ
tinh thần bất khuất và tự hào dân tộc.
Thời
nay, không biết các hèn sĩ có biết xấu hổ với sĩ phu thời xưa không nhỉ!
TMG
Kì 60: HÃY BỎ PHIẾU BẦU TÔI LÀM CHỦ TỊCH...
Thưa các vị hội viên Hội Văn Gừng.
Khi chưa quan tâm đến việc làm quan,
tôi chẳng nhìn thấy các vị đâu hết, hoặc có nhìn thấy thì chẳng khác gì nhìn những
người bé nhỏ xa lạ như con sâu cái kiến. Nhưng từ mấy năm nay khát vọng làm
quan trong tôi bùng cháy như Hỏa Diệm Sơn, bỗng nhiên tôi nhớ đến các vị. Lạ
thay, hai con mắt tôi trở nên sáng láng, săm soi thấy từng chân tơ kẽ tóc của
các vị. Các vị đừng sợ tôi nắm được gót chân A Sin của các vị nhằm khống chế
các vị, miễn là các vị không chống đối tôi. Một khi các vị đã ủng hộ tôi thì
các vị trở thành Thượng đế của tôi.
Có câu: “Mua quan bán chức” rất chi là thực tế. Cái
này tôi sẽ tự lo liệu, không cần các vị quan tâm. Tôi chỉ mong các vị đồng cảm
với những gì tôi trình bày dưới đây và bỏ phiếu cho tôi:
Kính thưa các vị hội viên Hội Văn Gừng -
thượng đế của tôi!
Hội ta sắp bước vào kỳ Đại hội mới để
bầu ra một ban lãnh đạo mới... Đối chiếu với tiêu chuẩn lãnh đạo, cụ thể là chức
danh Chủ tịch, tôi thấy mình quá đủ. Và so với một số vị Chủ tịch tiền nhiệm,
tôi không thua kém, nếu không nói là hơn hẳn... Vậy thì lý do gì tôi lại không
thử vận may, ra ứng cử - đấu thầu chức Chủ tịch Hội ta?
Này nhé:
Nói về học vị thì tôi có bằng Đại học
tại chức, tuy còn thua một vài vị Thạc sĩ và Tiến sĩ giấy, nhưng so với mấy vị
lãnh đạo bằng đặc cách, bằng hữu nghị, bằng rởm thì bằng tại chức của tôi đâu
có kém gì. Nhà nước trả lương cán bộ không phân biệt bằng chính quy hay tại chức.
Tất cả các bằng cùng cấp ở mọi hình thức khác nhau đều có chung một thang lương
đấy thôi. Mà dù bằng của tôi là loại tại chức, dù là văn hóa tôi mới hết cấp
hai, còn cấp ba thì học nhảy cóc một năm ba lớp, thì nó vẫn là bằng đại học.
Tôi thách ai chứng minh được bằng tại chức của tôi không phải là bằng đại học đấy!
Nói về cái Tâm, tôi tự thấy hơn ai hết
tình cảm của tôi với Hội nói chung và chức danh Chủ tịch nói riêng là vô cùng
mãnh liệt. Người có tình cảm sâu đậm như tôi tất yếu sẽ hết lòng vì lợi ích
chung của Hội, trong đó có lợi ích riêng của các vị. Mấy vị lãnh đạo tiền nhiệm
từng sẵn sàng hy sinh lợi ích của các vị để mưu lợi ích cá nhân mình. Cách xử
lý quen thuộc của mấy vị tiền nhiệm thật là hạ sách. Thực tế hạ sách đó đã gây
ra bao nhiêu chuyện thị phi, mất đoàn kết, mất hết tình đồng hội, phá vỡ sự ổn
định của hội... Các vị cứ nhìn lại các giải thưởng của Hội ta thì rõ: Có kỳ giải
nào mà các giải cao nhất không rơi vào tay các vị lãnh đạo không?
Tôi sẽ không dùng hạ sách như các vị
tiền nhiệm, mà dùng thượng sách là hành xử sao cho vừa lợi người vừa lợi mình.
Vì thượng sách này, tôi sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, kể cả lừa bịp xấu xa, ăn
không nói có, làm láo báo cáo hay, lừa trên dối dưới... miễn là tôi và các vị đều
hưởng lợi. Chẳng hạn, các vị có tác phẩm, tôi có quyền hoặc ảnh hưởng để các vị
được giải cao. Lộc bất tận hưởng, các vị được danh, tất nhiên không quên cho
tôi được tiền. Đúng không nào. Như thế chúng ta sẽ tự phát một nhóm lợi ích gắn
bó chặt chẽ với nhau, đảm bảo sự đoàn kết nội bộ không một cá nhân hay một thế
lực nào có thể phá vỡ.
Nói về tài, tôi có hơn chục đầu sách
riêng chung đã ra mắt công chúng, đủ cả thơ, văn, nghiên cứu phê bình, nhạc, họa,
sân khấu, đạo diễn... Dù là sách mỏng dính, dù là sách in vài chục bản để lấy
tài trợ, dù sách chả ma nào thèm đọc, thì nó vẫn là đầu sách. Tình trạng này
bây giờ phổ biến, tôi làm sao thoát ra được quy luật dòng chảy đó? Còn về giải
thưởng? Quá đơn giản. Tôi đã có dăm ba giải thưởng, dù là giải thưởng phải thưởng
ngược hay giải thưởng đi xin, dù là giải thưởng ăn gian, hay giải thưởng phạm
quy, dù là giải thưởng vận động hay giải thưởng tranh cướp được... thì nó cũng
là giải thưởng. Và, nếu cần đánh bóng thêm mình, tôi sẽ trích ra mươi tháng
lương mua thêm vài giải nữa. Số lượng đầu tác phẩm và giải thưởng là tiêu chí
đánh giá cái tài của mỗi hội viên, đúng không nào? Vậy thì với số đầu sách và số
giải thưởng tôi sở hữu, ai dám bảo là tôi kém tài hơn người khác?
Về tuổi tác và sức khỏe: Bây giờ tôi
mới lục tuần, sức khỏe còn phong độ lắm. Nhiều anh lãnh đạo Bộ và Hội bạn khen
tôi trẻ, khỏe, đẹp trai nhất Liên hiệp. Nói về tuổi tác, so với Chủ tịch Hội
Nhà văn Hữu Thỉnh thì tôi chỉ là em út. Nếu lấy Hữu Thỉnh làm gương, thì tôi có
thể giữ chức Chủ tịch Hội ta bốn khóa liền...
Kết luận: Tâm tầm tài đức tôi đều đủ
cả. Các vị thực sự mong muốn góp sức xây dựng Hội, muốn có một minh chủ thì hãy
bỏ phiếu bầu tôi làm Chủ tịch.
Nếu trúng chức Chủ tịch, tôi sẽ:
- Quan tâm và tìm mọi cách để chia
chác những giải thưởng VHNT của hội cho các vị đã bỏ phiếu bầu cho tôi, nâng đỡ
các vị tình nguyện gia nhập cánh hẩu với tôi. Tạp chí của Hội sẽ trở thành tạp
chí riêng của nhóm lợi ích, đảm bảo số nào các vị cũng có bài đăng, dù thơ văn
các vị đến chó cũng không ngửi được. Tôi sẽ ưu tiên các vị đi du hý xả láng dưới
hình thức giao lưu nghiệp vụ, tập huấn tay nghề, đi trại sáng tác... bằng tiền
chùa của Hội. Tôi sẽ bố trí các vị vào các vị trí phù hợp trong bộ máy quản lý,
lãnh đạo của Hội ta. Đổi lại, các vị hãy ra sức tuyên truyền đánh bóng Chủ tịch
của các vị...
- Các vị từng bị mạng internet bêu
danh, moi móc tố cáo cái xấu xa của mình hãy yên chí lớn đi. Đảm bảo, tôi sẽ đấu
tranh dẹp bỏ bằng được các trang mạng cá nhân dám viết bài nói xấu hội và các hội
viên của Hội ta. Nhà nước ta có những văn bản hạn chế internet, đặc biệt là có
thể bỏ tù những bloggers dám đăng bài chống đối mà chúng gọi là phản biện...
Chúng ta sẽ hùa nhau sáng tác các tội danh của các trang mạng chống đối mà làm
đơn tố cáo với các cơ quan chức năng, để họ có chứng cứ khép tội bọn bloggers đối
lập với chúng ta, xóa bỏ các trang mạng của bọn chúng. Khi dẹp yên được các
trang mạng cá nhân chống đối chúng ta rồi, thì các vị cứ tha hồ mà đạo văn, tha
hồ mà ăn gian giải thưởng, tha hồ khai man lý lịch để cầu lợi, tha hồ mà tự
tung tự tác... Khi những trang mạng đa chiều như trang của Trần Mỹ Giống bị dẹp
yên rồi, thử hỏi còn ai dám sử dụng mạng internet để phê phán chúng ta nữa?
- Tôi sẽ thẳng tay bóp chết ngay từ
trong trứng nước những mưu toan chống lại tôi. Những kẻ chống lại tôi chính là
chống lại chúng ta. Bởi: Tôi mà đổ, thì bổng lộc của các vị cũng chẳng còn. Tôi
còn vững vàng trên ghế Chủ tịch, thì các vị cứ việc kê cao gối mà yên nghỉ, cứ
đều đều hưởng thụ bổng lộc do lợi ích nhóm đem lại. Thế nên: Các vị muốn lợi
ích của mình lâu dài, tất yếu phải bảo vệ Chủ tịch của mình. Chúng ta cùng cô lập,
nói xấu, hạ nhục, tẩy chay, ném phân gio vào nhà bọn chống đối chúng ta. Chúng
ta sáng tác thơ văn đăng báo chí, viết đơn thư nặc danh bôi nhọ bọn chống đối chúng
ta, gửi cho các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương và gia đình bọn
chúng để chúng sống dở chết dở, để chúng không còn sức mà chống lại chúng ta.
Và, phát huy truyền thống quý báu của các vị tiền nhiệm, chúng ta sẽ thẳng tay
đơn phương truy chụp và quyết nghị khai trừ vắng mặt những kẻ cố tình chống đối
chúng ta. Nhờ vậy, chúng ta giữ gìn được sự đoàn kết chặt chẽ, ổn định lâu
dài...
Có lẽ bằng ấy lý do cũng đủ để các vị
nhận diện rõ ai không xứng đáng và ai xứng đáng mà quyết định không bỏ phiếu
hay bỏ phiếu bầu ai làm Chủ tịch Hội Văn Gừng của chúng ta rồi nhỉ.
Hãy sáng suốt bỏ phiếu bầu tôi làm chủ
tịch các vị nhé!
Cảm
ơn các vị.
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét