Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

NHẶT NHẠNH DƯỚI TÁN XANH / Phạm Ngọc Khảnh



Phạm Ngọc Khảnh


(Đọc tập thơ “Thản nhiên xanh” của Đỗ Phú Nhuận, NXB Hội nhà văn. Tháng 9/2018)
Đúng như chùm hoa tác phẩm 6 bông, anh đã treo trên trang bìa cuối sách. Lần lượt bông đầu là Ngọn gió tình yêu, tiếp đến Mênh mang tình sóng; Khói thơm; Cây lá nõn; Thức với dòng sông và hôm nay còn thơm mùi mực: “Thản nhiên xanh”. Nếu tính từ tập thơ đầu tới nay đã ngót ba chục năm rồi. Ấy là chưa kể những tuyển tập in chung dày dặn và cuốn sách sắc nét “Ngàn năm thương nhớ” gồm bài của những tác giả trúng giải thi thơ lục bát do báo Văn Nghệ phối hợp với 5 cơ quan, báo chí TW tổ chức cơ đấy.
Anh vốn là một nhà báo, mà cóp nhặt cho thơ được thế cũng đáng mừng.
Đỗ Phú Nhuận có tài gửi gắm tâm tư vào những hình tượng nhà thơ. Với Nguyễn Khuyến, từ quan về làng, ông đã lắng nghe, thương cảm “Xóm thôn nghèo ruộng như áo vá/ Cá diếc đồng đau đẻ vật trắng đêm” (Làng Và). Còn Đoàn Văn Cừ thì “Mang thơ đi kháng chiến”; để người vợ yêu thương ở lại, ôm những vần thơ nồng thắm suốt đời, nơi đường Vàng, sông Ngọc. “Cụ bà Đoàn Văn Cừ vào ra lọ mọ/ Thuộc thơ ông”, “Nguyện sống bên em đến bạc đầu”. Con người thơ ấy: “Ông rủ rỉ cùng “Thôn Ca””   đến “Dọc đường xuân/Xanh đỏ tím vàng lung linh “Chợ Tết”. Còn Khuất Nguyên “Sống đã khó, chết ông về với nước/ Để hồn ông chìm nổi cửu tuyền/ Sông Mịch La nhờ ông thành bất tử/ Khuất Nguyên KHUẤT rồi, tâm vẫn trong NGUYÊN”. Đỗ Phú Nhuận khắc chân dung mỗi người mỗi nét, thật công phu…
        Với đời. Nhà thơ chụp lấy hình ảnh cỏ sây, hoa, lá mà tâm sự. Đến Cồn Lu “Bãi bờ ta chim ơi đủ rộng/ làm sân ga cho những chuyến thiên di” (Đêm Cồn Lu). Để vừa giới thiệu, vừa tự hào về sông nước quê mình.
        Với hoa quỳnh “Thầm lặng sống, thầm lặng xanh… thầm lặng/ Quỳnh như không như có giữa trần gian/ Lúc vượt cạn chỉ trăng thu bầu bạn/ Phút mãn khai cũng là phút úa tàn…” (Hoa quỳnh). Cũng là xanh nhưng xanh thầm lặng, sao mà xa xót vậy, có ai thương số phận với quỳnh?
        Hoa Quỳ thì quyết liệt: “Ước được như hoa ào ạt sống/ cứ đa tình hừng hực chẳng giấu ai/ Khao khát đợi phút giây dâng hiến/ yêu hết mình cạn kiệt đến tàn phai” (Hoa dã quỳ).
        Điểm qua vậy thấy mỗi cây cành hoa lá một vẻ riêng; nói lên thân sắc muôn loài cũng là dòng đời thế sự đáng nghĩ suy…
        Đỗ Phú Nhuận đến Ninh Bình, chưa vào Bái Đính; anh tìm sang Tam Điệp, vùng đất đang đổi thịt thay da, mà vui “Lớn từ đồng trũng đất chua/ Yêu sao cây lúa vàng trưa Yên Hòa/ Nghé non lẩy gót đồng xa/ Chiều cao cây lúa mở ra tầm nhìn”. Rồi ngược thẳng Nho Quan vùng heo hút “Nho Quan ngày gặp lại/ Phố đã phố, nhà đã nhà/ Tầng tầng cao vót/ Nửa Tàu, nửa Tây và lẫn nửa Mường/ Gốc đa vẫn đó/ lá khô bay ràn  rạt  mặt đường”. Dừng lại đây nhà thơ hóa thân gửi tâm hồn cùng “Người họa sỹ già bước thẳng bước xiêu/ Nỗi nhớ gốc đa dồn lại một chiều/ Dồn lại trong từng nét vẽ/ Gốc đa hun hút gió/ Ông mang về phố khuya”(Nho Quan miền nhớ). Nhớ cảnh xưa, nhớ gốc đa trong chiều mà lòng day dứt vậy…
Sao thế? Trong thơ Phú Nhuận thấy ít cảnh chùa chiền. Một lần lên Yên Tử, cốt được “Gặp mênh mông trời đất”, để may ra “bao muộn phiền tan hết”, rồi đi.
        Ông đến chùa còn để chia sẻ với những số phận mảnh đời mất mát tối tăm nghe mà mê mẩn “Chuông chiều như tiếng thở dài” mà ngẩn ngơ nhìn “Sư thầy rắc tấm… rắc chiều vào đêm (Chùa làng) ấy thôi… có phải chọn chốn thăm chơi là cá tính, là quan điểm một tầm nhìn muốn gửi lại cho ta một điều gì đó chăng!
Mảng tình yêu, tách từng bài trong “Thản nhiên xanh”, không nhiều, thưa thớt lúc vui, khi buồn tương tư phảng phất. Hôm ấy về thăm lại người tình cũ anh chỉ gặp  “Một cô bé chạy ra mở cửa/ Thưa chú chiều nay mẹ cháu vắng nhà” (Không đề), hay “Lá đã thì thầm: Trời đất vào thu” hay “Người xa phương ấy/ Lạnh ta phương này/ kéo làn mây mỏng/ Đắp đêm hao gầy” (Một mình). Vắng vẻ, hắt hiu đâu bằng!
        Tình yêu của Đỗ Phú Nhuận không phải chỉ có vậy thôi đâu, ta hãy xem đây bài “nét Xuân” mới thấu: “Dung dăng theo bạn du xuân/ Mưa gieo chuỗi ngọc trong ngần tóc mai/ Giêng, Hai… lơi lả khuy cài/ Ba, Tư… vội uốn một vài nét cong”. Giá cứ ba tư hớn hở một vài nét cong có hay hơn không. Như ai bảo Phú Nhuận đã già, tôi thì nói anh còn trung trẻ lắm!
        Xem chân dung Đỗ Phú Nhuận. Có lẽ anh đã gói gọn, khiêm nhường gửi qua đàn chim sẻ: “Không dám bay cao/ Chẳng ưa bay xa” “tiếng hót cho riêng mình cũng không có” “Thì hãy một lần cao xanh cùng bè bạn/ Chân trời xa/ Đầy khát vọng” (Ơi chim sẻ). Sao lại vậy, nay anh đã đạt được ước mơ “Một lần cao xanh” , cùng bè bạn rồi đấy thôi. Anh như con sẻ biết mình không dám đè trên cành trúc, mà chỉ nhởn nhơ bay đậu khóm mai già, tuy nhiên chẳng hót mà rúc rích bầy đàn trong cây rơm trước ngõ, no đủ, ấm êm mùa màng. Đẹp lắm chứ anh… Tôi rất đồng điệu khi anh đã nói lời này: “Con thuyền chữ chưa neo vào bến cuối cùng”. Đúng vậy cứ cố lên anh nhé!
        Cuối cùng giống như tiêu đề cuốn sách ”Thản nhiên xanh”. Thản nhiên như cây cổ thụ giữa đời, đứng trong bệnh viện cứu người, lo lắng chắn che, chia sẻ cùng số phận, mặc dù bom đạn xé toạc cành, thân màu xanh vẫn trường tồn bất tử! Nhưng không dễ dàng thế đâu “Còn anh thức với nổi chìm của lúa/ Người vắt cạn sức mình vì màu xanh muôn thuở/ Đất khát sức người hơn mọi nỗi chờ mong” (Bước qua chiều mùa lũ) mới giữ nổi màu xanh muôn thưở ấy.
        Rất may, chắc là cơ duyên của tôi với Đỗ Phú Nhuận đã có từ xưa, chả là cuối năm 1990, nhận được tập Ngọn gió tình yêu của anh, tôi ghi đôi dòng cảm nhận         “Thế sự xoay vần lương tâm nhức nhói/ Tình người đen bạc nỗi niềm đau/ Bạn thức bao đêm nén vào trang sách/ Thổi dịu cho đời “Ngọn gió tình yêu”. Hay dở chưa vội bàn, đây là tấm lòng của tôi với bạn.
        Khác với nhiều người, những bài thơ không mấy khi anh xếp thành mảng, thành cụm, mà ý tình cứ tản mạn, rải vung. Chọn đưa lên mà soi, mà nhấm nháp thấy nhiều mảng óng ánh đậm đà. Vậy nên lần này tôi lại xin được như bầy sẻ nhặt nhạnh dưới tán xanh đem góp lại cho đời tình thơ Đỗ Phú Nhuận. Cầu mong thần sắc thơ anh cứ “`Vẫn xanh nguyên”.
Nam hồng sắp tiết Xuân phân – 2019.

Người gửi: Phạm Ngọc Khảnh
ĐC: Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội.
ĐT: 0349890369    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét