“Nam quốc sơn hà” là bài thơ nổi tiếng
nhất trong lịch sử Việt Nam, và được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên
khẳng định chủ quyền của người Việt trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, với ít
nhất là 35 dị bản sách và 8 dị bản thần tích, nguồn gốc của “Nam quốc sơn hà”
vẫn còn là một dấu hỏi…
Một
số tài liệu cho rằng “Nam quốc sơn hà” là tác phẩm của Lý Thường Kiệt viết ra
để khích lệ tinh thần quân sĩ Đại Việt trong cuộc chiến chống lại quân Tống lần
hai.
“Nam quốc sơn hà” là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt
bằng chữ Hán, chưa rõ nguồn gốc tác giả, nhưng được một số tài liệu cho là tác
phẩm của Lý Thường Kiệt. Theo đó, trong cuộc chiến chống lại quân Tống lần thứ
hai (1075-1077), Lý Thường Kiệt đã sai người tâm phúc đọc vang bài thơ trong
đền thờ Trương Hống, Trương Hát thuộc địa phận sông Như Nguyệt, Yên Phong, Bắc
Ninh, để khích lệ tinh thần quân sĩ Đại Việt.
Nam quốc sơn hà
Bài
thơ “Nam quốc sơn hà” vốn
không có tên. Tựa đề của nó xuất hiện trong “Hợp
tuyển thơ văn Việt Nam” tập
2 (NXB Văn học, 1976), lấy từ bốn chữ đầu trong câu thơ đầu tiên của bài thơ.
Bài thơ này có nhiều dị bản khác nhau, bản chữ Hán trong Đại Việt sử ký toàn
thư có chép:
南國山河南帝居,
截然分定在天書。
如何逆虜來侵犯,
汝等行看取敗虚。
Phiên
âm Hán Việt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt
nhiên phận định tại thiên thư.
Như
hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ
đẳng hành khan thủ bại hư.
Trước
đây, sách giáo khoa từng sử dụng bản dịch của học giả Trần Trọng Kim, có âm
điệu hào hùng và dễ nhớ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Sau này, sách giáo khoa không sử dụng bản dịch trên nữa, mà sử
dụng bản dịch của Lê Thước và Nam Trân (Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, tập 1,
2015):
Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây,
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Tuy nhiên sách giáo khoa lại không dùng nguyên văn bản dịch này,
mà sửa đoạn đầu “Núi sông Nam Việt vua
Nam ở” thành “Sông núi nước
Nam vua Nam ở” . Bản dịch mới này đã từng gây ra rất nhiều tranh luận vì
không truyền tải được âm hưởng và khí phách của “Nam quốc sơn
hà” .
“Nam quốc sơn hà” có từ bao giờ?
Trong
Lĩnh Nam
chích quái, phần “Truyện hai vị thần ở
Long Nhãn, Như Nguyệt” có ghi chép rằng:
“Năm
Thiên Phúc nguyên niên hiệu vua Lê Đại Hành, vua Tống Thái Tổ sai Hầu Nhân Bảo,
Tôn Toàn Hưng đem quân sang đánh Đại Cồ Việt. Hai bên đối lũy cùng cầm cự với
nhau ở sông Đồ Lỗ. Vua Lê Đại Hành nằm ngủ thấy hai vị Thần hiện về báo mộng.
Hai vị Thần nói với vua, đại ý như sau: “Anh em thần tên là Trương Hống, Trương
Hát, là tướng của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục). Anh em thần vì nghĩa mà
chết nên được phong làm tướng trong các thần linh, thống lĩnh quỷ binh. Nay
quân Tống xâm phạm nước ta, anh em thần đến yết kiến, cùng giúp vua đánh giặc
để cứu dân chúng.”
Vua
Lê Đại Hành tỉnh dậy liền đốt hương khấn cầu thần giúp. Đêm ấy thấy một người
dẫn đoàn âm binh áo trắng và một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía Bắc sông
Như Nguyệt mà lại cùng xông vào trại quân Tống mà đánh. Quân Tống kinh hoàng,
lúc này bỗng có tiếng thơ ngâm lớn rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược,
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
Dịch là:
Sông núi nước nam, vua nam ở,
Sách Trời định phận rõ non sông.
Cớ sao giặc bắc sang xâm phạm,
Bây hãy chờ gươm chém bại vong.
Quân Tống nghe thấy, xéo đạp lên nhau chạy tan, đại bại mà về.
Vua Lê Đại Hành trở về ăn mừng, truy phong cho hai vị Thần nhân, một là Tinh Mẫn
Đại Vương lập miếu thờ tại ngã ba sông Long Nhãn; hai là Khước Mẫn Đại vương,
lập miếu ở ngã ba sông Nguyệt.
Vậy
Trương Hống, Trương Hát là ai? Theo “Việt
điện u linh” ghi chép lại thì anh em Trương Hống, Trương Hát là tướng
của Triệu Việt Vương tức Triệu Quang Phục. Khi Triệu Việt Vương bị Lý Phật Tử
cướp ngôi, dù được mời nhưng hai anh em không muốn làm quan cho Lý Phật Tử, mà
về ở ẩn ở núi Phù Long. Lý Phật Tử cho người lùng bắt, hai anh uống thuộc độc,
thà chết vẫn trung thành với Triệu Việt Vương.
Hai
bộ sử khác nữa từ thế kỷ 16, 17 là “Việt
sử diễn âm” và “Thiên nam ngữ
lục” cũng cho rằng bài thơ trên có từ cuộc chiến chống quân Tống năm
981.
“Việt sử diễn âm” có ghi chép rằng:
Tháng bảy có Tống binh sang
Toàn những tướng mạnh binh cường ba muôn
Đến thành Phù Lỗ đóng vây
Quân ta quân nó đôi bên ngất trời
Chưa phân thắng phụ về ai
Ngày rằm tháng chạp vua nằm chiêm bao
Thấy đôi thần nhân bãi nào
Trương Hống Trương Hát bước vào quỳ thưa
Chúng tôi thần đế lòng xưa
Phụng thờ nhà chúa bấy chừ chẳng sai
Tiên Hoàng có sắc chỉ bày
Đòi về phong chức cho tôi tước quyền
Trung thần bất sự nhị quân
Chúng tôi tự vẫn làm thần đạo ngay
Thượng đế thấy bộ thương thay
Phong chúng tôi rày Quỉ bộ thần quân
Đại Hành thức dậy mừng thay
Giết trâu liền có minh tài tế khao
Đêm sau vua lại chiêm bao
Thấy mặc áo mới liền vào tạ ơn
Có một người đứng án tiền
Lĩnh được trăm áo vàn vàn quỷ binh
Lấy ra chưng đất Nam Bình
Đại Hành sực thức gẫm tình mới hay
Nửa đêm thấy một cơn mây
Bạo phong hắc ám gió bay vội vàng
Tống binh mất vía trở dường
Chúng quỷ đánh gãy đao thương liền cờ
Bỗng nghe mảng tiếng không hư
Thần nhân hiện xuống có thơ ngâm rằng
Thi vân:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ cảm xâm phạm
Hội kiến phong trần tận tảo trừ
Còn
trong “Thiên nam ngữ lục” thì
ghi chép rằng:
Bấy giờ binh mã sửa sang
Địch cùng Nhân Bảo là thằng giặc Ngô
Mười buôn binh mạnh thẳng đua
Qua miền Giang Bắc, đây là Phù Lan
Đêm thấy hai ngài đến màn
Xưng danh là Hát, xưng danh là Hồng
Giúp đời Triệu Việt có công
Thuở chẳng như lòng, ẩn nội Phù Lan…
Ơn trên Thượng đế xét thương
Quyền cho chúa tể giữ phương yên này.
Bây chừ bệ hạ đến đây
Nguyện ra giúp nước phá này giặc Ngô
Phán rằng: Tướng quan y như
Công nên thời lập miêú thờ trả ơn
Ngày sau Nhân Bảo ra quân
Trên không nghe tiếng người ngâm thơ rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
Hội kiến phong trần tận khử trừ
Vậy việc cho rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ là xuất phát
từ đâu? Trong bài viết “Lịch sử, sự
thật và sử học” được đăng trong báo Tổ Quốc, số 401 tháng 1/1988,
Giáo sư Hà Văn Tấn có viết: “Không có
một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế
cư là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ
chỉ chép rằng trong trận chống Tống ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ
nghe tiếng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán
rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý
Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Nhưng đó chỉ là ‘đoán’ thôi, làm sao nói chắc
được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt.”
Trong
cuốn sách “Bối cảnh định đô Thăng Long
và sự nghiệp của Lê Hoàn” , Hội sử học Hà Nội đã cho rằng, “Nam quốc sơn hà” ra đời vào thời Tiền
Lê và được Lê Hoàn sử dụng trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lăng lần thứ
nhất của quân Tống năm 981.
Trong
Tạp chí Hán Nôm, số 1-2002, bài viết “Về
thời điểm ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà” cũng đã khẳng định về
thời gian, địa điểm ra đời của bài “Nam
quốc sơn hà” thông qua việc phân tích 28 nguồn tư liệu khác nhau.
Theo đó, “Nam quốc sơn hà” ra đời
gắn liền với cuộc chiến chống Tống năm 981 và nhân vật lịch sử Lê Đại Hành (Lê
Hoàn).
Bên
cạnh đó, bài viết “Nam Quốc Sơn Hà và
Quốc Tộ – Hai kiệt tác văn chương chữ Hán ngang qua triều đại Lê Hoàn” đăng
trên Tạp chí Hán Nôm số 5 năm 2005, Phó Giáo sư Bùi Duy Tân cũng đã khẳng định
rằng bài thơ “Nam quốc sơn hà” có
từ thời Tiền Lê.
Tác giả của bài thơ
Dù
các dẫn chứng lịch sử cho thấy “Nam
quốc sơn hà” được ra đời vào thới kỳ đánh Tống lần thứ nhất năm 981,
nhưng lại không hề có bằng chứng nào nói về tác giả của bài thơ trên.
Một
số người cho rằng tác giả có thể là thiền sư Đỗ Pháp Thuận bởi lẽ thời đó vua
Lê Đại Hành rất tin tưởng các thiền sư như Pháp Thuận, Định Không, Vạn Hạnh, La
Quý, Khuông Việt, Đa Bảo. Rất nhiều chinh sách đối nội, cũng như kế hoạch đánh
Tống, Chiêm Thành, vua Lê Đại Hành đều hỏi qua các thiền sư trước rồi mới tiến hành
làm. Kết quả đều rất tốt. Vua Lê cũng muốn dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân,
giúp dân chúng thăng hoa đạo đức, ổn định xã hội, giang sơn bền vững và cường
thịnh.
Thời
đó, vua Lê Đại Hành đã có rất nhiều sách lược cứng rắn, nổi tiếng phải kể đến
màn tiếp đãi khiến sứ giả nhà Tống run sợ. Xem bài “Vị vua Việt dám tiến đánh Trung Quốc, không bị trách mà
còn được tặng đai ngọc”.
Trong đó thiền sư Pháp Thuận là người “vận trù kế sách” ngay từ lúc vua Lê
Đại Hành sáng nghiệp. Hơn nữa nhiều văn thư quan trọng thời ấy đều do thiền sư
Pháp Thuận soạn thảo. Ông cũng là người sáng tác ra nhiều thơ ca. Chính vì thế
mà một số người cho rằng có thể chính thiền sư Pháp Thuận là tác giả bài thơ
này. Tuy nhiên đây cũng mới chỉ là suy đoán.
Trần Hưng
Nguồn lấy từ Blog của bác Phạm Viết Đào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét