Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

Sách mới: XÓM CÔ HỒN / Kha Tiệm Ly




          Trang chủ vừa nhận được sách nhà văn Kha Tiệm Ly gửi tặng:

 

          XÓM CÔ HỒN: Tập truyện ngắn / Kha Tiệm Ly. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2020. – Tái bản lần thứ nhất. – 264 tr. ; 19 cm.

 

          Nhà văn Kha Tiệm Ly tên thật là Thái Quốc Tế, sinh năm 1947 tại Bến Tre, sống tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông sinh trưởng trong một gia đình có tiếng về văn học: Cha ông là nhà thơ Chánh Đạo Thái Vĩnh Tông, anh ruột ông là nhà báo văn thi sĩ Thái Quốc Mưu, em ruột ông là nhà soạn cổ nhạc nổi tiếng A Lý Phượng Tuyền Thái Quốc Thế Nguyên…

         Kha Tiệm Ly từng học Đại học Luật khoa, Văn khoa Sài Gòn, ra trường dạy Quốc văn và Hán văn nhiều trường tư thục ở nhiều tỉnh miền Nam.

          Kha Tiệm Ly chịu ảnh hưởng của gia đình, sớm bộc lộ năng khiếu thơ văn. Năm 1962 ông đã có nhiều thơ, truyện ngắn in báo tạp chí với bút danh Liêu Tần Chương, Lam Kha, Vũ Chương, Thái Quốc Tế…

          Sau 1975, ông thôi viết. Đến năm 2008 ông bắt đầu viết lại với bút danh Kha Tiệm Ly và nhanh chóng được bạn đọc mến mộ. Ông viết trên nhiều lĩnh vực: thơ, phú, truyện ngắn, tản văn, biên khảo, cổ nhạc… và được giới hâm mộ đón nhận nhiệt tình. 

 


 

          Riêng tôi đánh giá Kha Tiệm Ly là một trong số rất ít những cây bút viết phú hay nhất Việt Nam đương đại. Mới đây, ông đoạt giải nhất cuộc thi viết Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du…

          Văn Kha Tiệm Ly sâu sắc, tình tiết thú vị, phản ánh thực trạng xã hội đương thời, có tính giáo dục nhân phẩm, tình yêu quê hương đất nước, đạo đức làm người…

          XÓM CÔ HỒN gồm 19 truyện ngắn in lần thứ nhất 1800 bản bán hết ngay sau hơn một tháng. Lần này ông tái bản phục vụ bạn đọc có nhu cầu mà chưa có trong tay cuốn sách.

          Bạn đọc nào có nhu cầu thưởng thức và lưu giữ tập truyện XÓM CÔ HỒN xin liên hệ trực tiếp với nhà văn Kha Tiệm Ly theo số điện thoại 0987 701 952 hoặc comments hay nhắn tin vào trang của tác giả Khatiemly Haohan https://www.facebook.com/khatiemly1252 

          Kha Tiệm Ly từng nói: “Viết thì dễ. Nhưng viết để có người chịu đọc thì không dễ”.

         Những trang văn thơ của Kha Tiệm Ly có rất nhiều người hâm mộ. Tôi hy vọng và tin chắc cuốn sách đem lại cho bạn đọc nhiều bổ ích và thú vị.

 

         TMG

 

 

          Mời đọc truyện:

 

XÓM CÔ HỒN 

 

1. “Xóm Cô Hồn!”. Không biết vì xóm đó có cái  miếu thờ cô hồn nên người ta gọi vậy hay bởi đó là nơi sinh sống của  nhiều người mà người ta gọi là bất lương, là lũ âm binh. Bất lương hay không thì chưa biết, nhưng xóm đó rõ ràng là nơi bá nạp, chứa nhiều thành phần lao động ở tứ xứ kéo về.

Họ làm đủ thứ nghề khác nhau. Có nghề được ghi trong sổ bộ nhà nước như xích lô, ba bánh, phụ hồ, hàng rong, bán vé số, mua ve chai; nhưng có “nghề” phải viết trong ngoặc kép vì không được chấp nhận của nhà cầm quyền như bán bia ôm, đá gà, ghi đề, cho vay! Đặc biệt ở xóm nầy có một nhà văn và một “thằng khùng”!

Sự ồn ào có thể nói không ngừng ở xóm cô hồn và nó cứ lập đi lập lại từ ngày nầy qua ngày khác: Tiếng cãi cọ của băng đá gà, tiếng chửi rủa cùa bà Hai cho vay (cũng là chủ dãy nhà trọ), tiếng karaoke mở hết công suất của Thủy bia ôm, tiếng “Dzô! Dzô!”  và tiếng cười điếc tai của băng ăn nhậu, tiếng của mấy chục con gà nòi thay phiên nhau gáy dậy trời!

Không phải ngẫu nhiên mà “trường gà” lại được  chọn ngay trước cửa nhà của anh nhà văn, mà chỉ vì những nơi khác không thể: Nếu đặt trước nhà cùa các người khác thì sẽ bị vướng xe ba bánh, xe xích lô, xe mua ve chai, hay xe bán hàng rong; đặt trước nhà Thủy bia ôm thì vướng cái hàng rào; còn đặt trước nhà bà Hai Cho Vay, thì chỉ có mấy thằng điếc mới không sợ …cái  “ô bạc lưa” của bả! Vậy chỉ còn nhà cùa anh  Cao nhà văn là thoáng, chủ nhà “hiền như cục bột”, là nơi lý tưởng nhất!

“Trường gà” nói cho oai chơi chứ nó chưa đủ… tư cách là một trường gà thứ thiệt, bởi nó chỉ mang tính bộc phát nhiều hơn tổ chức. Tuy không quy mô, vì một độ cũng chỉ vài chai; nhưng “tần số” có lẽ vượt hẳn bởi tuần nào cũng có ba bốn lần. Người coi thì vài chục, phần  đông là lứa tuổi  choai choai  trong xóm, với mấy người mặn việc ăn thua.

Thời gian từ khi Chín Trọng Tài cân gà, rồi thu tiền bắt độ đến lúc kết thúc trận đấu cũng không hơn hai mươi phút, (đôi khi vài phút vì một trong hai con gà bị dính cựa chỗ nhiệt)

Tuy không lâu, nhưng thời gian đó cũng quá ồn ào với đủ loại ngôn ngữ của giới… đá gà!

Một tháng xỉu xỉu cũng trên dưới hai mươi lượt ăn thua mà băng đá gà vẫn “mạnh giỏi” vì chưa bị công an phường hốt bao giờ! Đừng nói “chắc có  ăn chia” mà oan cho mấy ảnh, nếu không muốn nói là mang tội vu khống nhà cầm quyền! Hốt sao được mà hốt, khi con hẻm chỉ có hai lối vào thì đã có hai “cảnh vệ” canh ở  hai đầu, hễ thấy bóng công an từ xa,  ngoài nầy chỉ việc “a lô” thì bên trong trong tích tắc đã “xóa hiện trường”! Nhưng đi đêm có ngày gặp ma. Công an có hàng trăm thì làm sao “ cảnh vệ “ nhớ mặt cho hết? Mấy tên chủ chốt thì “bỏ …gà chạy lấy người” , còn lại đám người coi và bắt độ thì mạnh ai nấy làm đủ thứ kiểu giả đò coi như mình vô can vậy! Công an dõng dạc hỏi mọi người: “Ai đá gà?” – “Tui có biết đâu? Tui đi ngang qua đây thôi!” – “Thì cũng phải biết mặt người đá gà chớ?” – “Họ ở đâu đó lại làm sao tui biết?”. Đến trước cửa anh Cao, một công an hỏi: “Sao ông cho tụi nó đá gà trước nhà ông vậy ông?” – “Tôi làm sao cấm họ được?” – “Sao ông không báo công an?” – “Cố nội tôi cũng không dám!”. Thế là chỉ có … hai con gà bị bắt về đồn, còn ai về nhà nấy! Và cứ như đám bèo, khỏa nước thì tan ra, hết khỏa nước thì tụ lại!  Băng đá gà vẫn “mạnh giỏi” như thường!

Băng nhậu trước thềm nhà Tư Ba Gác, Sáu Thợ Hổ chỏ mỏ qua nhà Chín Trọng Tài (kiêm “kê thủ”) cười  hà hà:

- Tao nói con gà đó có cái vảy hường tâm đâu có sai! Ha ha!...

Chín Trọng Tài …đá gà  phát quạu:

- Đừng có dô diêng ông ơi!

- Vậy chớ không phải sao mậy? Nếu không hường tâm, hầm tương, thì cũng kì ra…cà ri! Chớ hỏng lẽ mấy chả đem về nuôi để đá sao mậy?

Tư Ba Gác khều Sáu Thợ Hồ, giục:

- Uống đi cha nội! Ở đó mà chọc tức con người ta. Tụi nhỏ nó làm gì thì làm. Uống đi!

- Nói chơi cho vui chớ chọc tức gì anh! Tại nó mất gà rồi nó nói sảng đó chớ! Hihi.

Sáu Thợ Hồ cầm ly rượu, đánh “trót”, “khè” một cái nghe thiệt đã!

Vừa để ly xuống thì Thủy Bia Ôm cũng vừa thắng xe tay ga trước cửa. Sáu Thợ Hồ nói với Tư Ba Gác nhưng cố ý cho Thủy Bia Ôm nghe:

- Nhìn nó ăn mặc nhậu khỏi cần mồi anh Tư hén?

Tư Ba Gác phụ họa:

- Nhểu nước miếng luôn! Haha!

Thủy Bia Ôm liếc cái dài ngoằn:

- Nhậu không lo nhậu, nói bậy gì đó mấy cha nội?

Sáu Thợ Hồ:

- Thì thấy em đẹp, tụi anh khen vậy mà!

Thủy Bia Ôm dựng xe rồi bước qua. Sáu Thơ Hồ đổi sắc:

- Thấy em vui tánh tụi anh nói chơi, có chi mà em giận vậy?

- Ai không biết mấy anh nói chơi? Lâu lâu em biếu mấy anh hai hộp gà xối mở nhậu vậy thôi!

Thủy lấy từ trong giỏ, bày ra hai hộp âm ấp thịt gà vàng lươm. Sáu Thợ Hồ thở phào. Tư Ba Gác:

- Em làm chi hao tốn vậy? Em làm cũng cực khổ…

- Hai anh cứ nhậu đi mà! Chẳng phải em mua đâu. Của mấy thằng dư tiền cho em đó.

Sáu Thợ Hồ:

- Em uống với tụi anh chút cho vui!

Thủy Bia Ôm cười ngất:

- Được thôi! Nhưng có em ngồi đây thì anh khỏi gắp mồi đó nghe! Ha ha…

Cả ba cùng cười vui. Tư Ba Gác, nói vừa đủ nghe:

- Thủy nè! Anh thấy em làm ăn coi bộ khá, sao em không rủ con Dung theo làm với em. Anh thấy nó tội nghiệp quá!

Thủy ngó qua nhà Dung,  buồn buồn:

- Chỉ vẫn còn chút hương sắc, nhưng quá đát rồi anh à. Người ta có tiền, họ luôn chọn những người trẻ đẹp. Có những ông khách nếu thấy ai không vừa ý, họ đuổi ra bàn với lời lẽ làm cho người ta xấuhổ. Nghề của em cũng chua xót lắm mấy anh!  Em ráng làm để trả nợ cho cha mẹ, vì năm ba năm nữa, khi hết thời, em cũng “về quê cắm câu” mà thôi!

 

2. Gọi nó là “thằng khùng” không biết có quá đáng hay không. Thực ra là nó  bị hội chứng đao (dawn) điếc gì đó . “Dạng nhẹ” nên hơi đần độn hơn so với các trẻ bình thường. Lưỡi nó làm như trám hết lỗ miệng nên dù nó nói từng tiếng một nhưng lại rất khó nghe!  Ba nó không biết là ai, còn mẹ nó thì suốt ngày đội bánh cam đi bán, bỏ nó một mình ở nhà nên nó mặc tình lê la từ nhà này sang nhà khác. Nó “dễ sai”, ai bảo gì cũng làm, và thù lao thường là trái cam, vài trái mận hay một ít bánh kẹo có sẵn ở nhà. Mối xộp của nó vẫn là băng nhậu của Tư Ba Gác và Sáu Thợ Hồ với vài chục đồng lẻ, hay tô cháo, tô lẩu không đến nỗi kém chất lượng để trả công sau mỗi lần sai nó mua rượu về. Dân nhậu thảo ăn thảo uống là vậy! Chẳng biết ăn uống như vậy có đầy đủ không mà nó lại mập ú. Người ta chưa thấy nó mở miệng xin ai bao giờ, cũng không hề thấy nó đòi tiền công - dù tiếng cám ơn - từ người sai vặt nó.  Khùng mà, biết gì!

Lạ một điều là thằng khùng rất mến trẻ con. Khi thấy mấy bé còn đi lũn đũn, thì dù đang đi “công tác”…sai vặt, nó cũng phải ngồi xuống nựng với ba câu ú ớ trong họng cho bằng được. Khổ nỗi mỗi lần như vậy là bé lại khóc ré lên bởi nhìn thấy cái thân mập thù lù và cái áo thùng thình dài tới gối, cộng thêm giọng ồ ồ như hù dọa của nó! Và cũng mỗi lần như vậy nó đều bị chửi tắt bếp và bị đuổi như đuổi tà!

Một lần Xóm Cô Hồn náo nhiệt hơn hẳn mọi ngày khi lũ trẻ từ ngoài đường hơ hải chạy vào báo tin: “Thằng… thằng khùng bị xe cán chết rồi!”. Mọi người ùa ra hẻm, thì thấy nó đầy máu me, nằm sõng sượt trên tay Sáu Thợ Hồ. Mọi người lao nhao:

- Sao không chở nó đi nhà thương?

- Chết queo rồi chở nhà thương chi, bà nội?

- Ai kiếm má nó về đi! Tội nghiệp quá!

- Sao vậy, Sáu?

Đặt nó xuống hiên nhà, Sáu Thợ Hồ vừa quẹt mồ hôi vừa trả lời:

- Tui đi làm về, tui thấy rõ ràng:  Không biết con cháu ai ngoài đó đi lũn đũn giữa đường. Tui thấy nó vừa chỉ tay, rồi vừa chạy ra, vừa ú ớ. Đứa bé  nhìn thấy nó, vừa khóc vừa chạy nhanh vô lề nên thoát; còn nó chậm chạp, bị xe tông, nằm im luôn!      

 

3. Nói chút về anh Cao nhà văn và Dung: Anh Cao… cao cao, ròm ròm. Anh viết văn không biết hay dở ra sao nhưng chắc mẫm anh là người nghèo nhứt với cái xóm chẳng ai được coi là giàu nầy ! Gia sản “có giá” vỏn vẹn là mớ báo chí đủ loại và cái máy vi tính “đời Bảo Đại còn… ở truồng!” Vợ con không biết có hay không, mà khi hỏi tới, anh đều ỡm ờ: “Có, mà còn ở nhà… người ta”!

Dung là phụ nữ, tuy “ quá đát” như Thủy Bia Ôm nhận xét, nhưng nhan sắc vẫn còn khá mặn mòi. Không chồng, không con, Dung ví như bông hoa dại trong vườn, mặc tình bướm ong lui tới. Một hôm, Dung hốt hoảng chảy xộc vào nhà Cao, lấp bấp nói:

- Anh cứu em! Họ định giết em!

   Cao còn ngỡ ngàng thì Dung đi nhanh ra nhà sau. Bên nhà Dung giọng nói đàn bà oang oang:

- Ông giấu nó chỗ nào? Tui xé xác nó cho ông coi!

Cao nhìn qua, một mụ khá sang trọng cùng hai thanh niên dáng hung hăng đứng trước cửa nhà Dung. Mụ quát:

- Tụi bây lục nhà, rạch mặt nó cho tao. Ở tù tao chịu!

Giọng người đàn ông dù nhỏ nhưng cũng nghe được:

- Bà đừng làm bậy nghe! Ở đây còn có lối xóm, có chánh quyền…

Một tên trong bọn kề tai mụ nói gì đó rồi cả ba người hùng hổ kéo qua nhà Cao. Mụ nhìn Cao, lớn tiếng hỏi trổng:

- Con đĩ đó trốn đây phải không?

- Bà hỏi ai? Bà nên lịch sự một chút! Bà có thái độ như vậy, tôi không tiếp bà.

Một tên trong bọn bặm môi, nói với Cao:

- Để tránh lôi thôi cho ông, ông lôi nó ra cho tôi!

- Cái gì lùm xùm vậy anh Cao?

Tiếng Tư Ba Gác vừa dứt thì anh cũng vừa tới cửa. Cao:

- Không biết sao mà mấy người nầy lại đòi lôi vợ tôi ra mà hành hung!

Tư Ba Gác từ từ quét ánh mắt vào mụ mập và hai thanh niên, giả bộ hỏi:

- Bộ chị Cao thiếu nợ mấy người hả? Nợ thì người ta sẽ trả. Mấy người làm gì phải hành hung?

Một tên trong bọn:

- Ông là ai mà xía vô chuyện của tụi tui?

Tư Ba Gác nghiến răng, giật phăng nút áo, vỗ mạnh vào ngực:

- Tao là ai hả? Là Tư Ba Gác vựa cá nè!

Nhìn thấy những vết sẹo ngang dọc trên ngực Tư Ba Gác, rồi nhìn quanh thấy cả xóm bu nghẹt xung quanh, hai thanh nhiên lấm lét nhìn nhau. Tư Ba Gác nói với Cao:

- Anh gọi chị lên coi tụi nầy làm gì cho biết!

Dung đi lên, bình thản hỏi Cao:

- Có chuyện gì không anh?

Cao làm mặt giận:

- Em có thiếu nợ người ta không mà họ đến làm dữ kìa!

Dung lắc nhẹ. Mụ mập nhìn hai thanh niên thầm hỏi như có phải là “đối thủ” không. Hai thanh niên nhẹ nhàng lắc đầu, rồi một tên nói với Tư Ba Gác:

- Xin lỗi anh Tư. Đây là hiểu lầm thôi. Nay hân hạnh được biết mặt anh!

Cả bọn kéo đi. Ai cũng về nhà nấy, thì Chín Trọng Tài xách con gà bị trọng thương vào, vui vẻ nói:

-  Mừng chị … Cao… hì hì… thoát nạn. Mình làm con gà nầy nhậu chơi mấy anh hén!

 

4. Tiệc nhậu chiều hôm đó ở nhà Cao, có đủ Chín Trọng Tài, Dung, Thủy, và tất nhiên không thiếu Tư Ba Gác và Sáu Thợ Hồ. Tư Ba Gác hỏi Dung:

-  May mà em chay qua đây sớm. Nếu không thì  không biết ra sao! Sao em biết trước mà né vậy?

Dung chỉ Chín Trọng Tài:

- Cậu Chín thấy họ vừa vô hẻm thì điện thoại cho em!

Sáu Thợ Hồ cười ngất:

- Cảnh giác là nghề của nó mà! Ha ha!

Tư Ba Gác nghiêm giọng nói với Dung:

- Tụi nó biết mặt em mà giả đò là “hiểu lầm”. Tạm thời em nên cắt đứt quan hệ với lão già đó đi để tránh phiển phức.

Dung lí nhí “dạ”, Tư Ba Gác Đưa ly rượu cho Chín Trọng Tài:

- Em uống đi rồi anh xin phép nói chuyện nầy.

Chín Trọng Tài bỡ ngỡ đón lấy ly rượu uống cạn. Tư Ba Gác:

- Cái nghề đá gà không có tương lai đâu em. Làm cái gì phạm pháp sớm muộn gì cũng bị vướng thôi! Em nên suy nghĩ lại.

Sáu Thợ Hồ:

- Tối ngày tụi bây tụ họp làm ồn ào trước nhà anh Cao làm sao ảnh làm việc, phải không? Hay là theo tao làm hồ chắc ăn mầy ơi!

Chín Trọng Tài chưa trà lời thì bà Hai Cho Vay bước vào. Cao ngần ngừ một lát rồi nói:

- Dì Hai thông cảm. Nửa tháng nữa cháu sẽ đóng tiền nhà cho dì, kể cả hai tháng trước!

Dung:

- Dạ, con cũng còn thiếu dì Hai…

Bà Hai xụ mặt:

- Bộ tao lại đòi tiền nhà sao bây nói vậy? Điều tao muốn nói là xóm mình dù nghèo, nhưng cả thảy đều đoàn kết thương yêu nhau, chí đến “thằng khùng” mà nó cũng biết cứu người, nên tao cũng nghĩ lại mình! Thôi! Gần Tết rồi, cậu Cao với con Dung đừng lo nghĩ về tiền nhà nữa. Dì Hai tặng tụi bây để ăn tết đó!

Chín Trọng Tài khôi hài:

- Hay là anh Cao và chị Dung ở chung một nhà có phải đỡ tốn tiền nhà không? Hè hè!...

Cao ngượng ngùng. Dung đỏ chín mặt. Sáu Thợ Hồ cười cười nhìn Thủy:

- Hay là em dọn qua anh ở để đỡ tốn tiền nhà luôn đi em! Hì hì…

Thủy nguýt dài:

-  Tui thấy ông nãy giờ gắp lia lịa đó nghen! Vậy mà nói có tui ông uống không cần mồi!

Bà Hai nhìn ra cửa:

- Cháu ngoại dì nó bưng nồi thịt kho tàu qua kia! Dì tặng cho cậu Cao và con Dung ăn Tết với người ta.

Làn gió mát rượi tổi vào. Trời đã vào xuân.

Kha Tiệm Ly 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét