Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

TRUYỆN NHẶT TRẦN MỸ GIỐNG – Bản thảo (Kì 41 – 50)




Kì 41:  HÁT “ĐI HỌC” NHỚ VỀ NHẠC SĨ BÙI ĐÌNH THẢO

        Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo hơn tôi 18 tuổi, nhưng ông lại xưng hô với tôi như người đồng trang lứa. Dường như bất kỳ một câu nói nào với tôi, ông cũng mở đầu bằng ba từ “Ông Giống này…”. Tôi thì gọi ông là “Bác” và xưng “Em”.

Ông là người vui tính, hài hước, giản dị, rất dễ gần. Tôi thường đến chơi với nhà thơ Tống Hiển ở “khu tập thể” ngay trong trụ sở Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam Ninh. Ngày ấy Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo cũng ở cùng “khu tập thể” với Tống Hiển. Khi thì chúng tôi kéo vào phòng ông, khi thì ông sang phòng Tống Hiển uống nước, bù khú chuyện trên giời dưới biển. Đôi lần ông ra thư viện vào phòng tôi nhờ tra cứu một vài tư liệu, đàm đạo về nhân tình thế thái, về âm nhạc… Miệng ông thường trực nụ cười thoải mải, lộ hàm răng trên khuyết hai cái răng cửa trông ngồ ngộ, rất duyên...
        Tôi và nhạc sĩ Bùi Đình Thảo có lần cùng được mời dạy ở Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hà Nam Ninh. Trường bố trí cho hai chúng tôi ngủ cùng phòng tại phòng khách – nhà cấp 4. Nửa đêm, vẫn nghe tiếng vỗ muỗi bên giường Bùi Đình Thảo, tôi hỏi:
        - Bác làm gì mà cứ vỗ bì bộp mãi vậy?
        Ông bảo:
        - Ông Giống này, bật điện lên giúp tôi với…
        Tôi vội bật điện. Bùi Đình Thảo vừa gãi cổ vừa nói:
        - Ông Giống này, muỗi cắn ghê quá, không ngủ được. Ông giúp tôi đếm xem cái màn có bao lỗ thủng và túm lại cho tôi với.
        Tôi chui ra khỏi màn, tỉ mẩn đếm lỗ thủng ở màn ông.
        - Có tất cả 17 lỗ thủng lớn nhỏ muỗi có thể chui vào được bác ạ.
        Tôi lần mò kiếm giây túm các lỗ thủng màn ông lại. Ông bảo:
        - Ông Giống này, quá giấc rồi, già ít ngủ, cứ để điện cho đỡ muỗi, chuyện cho vui đi.
        Tôi gợi chuyện:
        - Ông hiệu trưởng trường cũng là nhạc sĩ xịn đấy.
        Bùi Đình Thảo cười:
        - Ông Giống này, ông đếch nào cũng khoe với học sinh mình là nhạc sĩ chính quy, đạo diễn lớn… Nhưng hiện ở cái Sở mình, duy nhất có Bùi Đình Thảo được ghi tên trong từ điển nhạc sĩ quốc gia… Hì hì…
        Tôi trêu ông:
        - Ai mà chả biết Bùi Đình Thảo là “Nhạc sĩ trẻ con”, toàn thấy “Em đi giữa biển vàng”, “Đi học”. “Sách bút thân yêu ơi”, “Bà thương em”…
- Ông Giống này, chả lẽ cỡ ông mà không biết đến nhạc Giao hưởng Bùi Đình Thảo ư?
- Sao không? Giao hưởng thơ “Mùa xuân Hồ Chí Minh - Mùa xuân thống nhất” của bác em còn lạ? Năm 1980 - 1982 em chuyển ngành học tiếp Đại học Văn hóa, đã được nghe giới thiệu trong chương trình thực tế minh họa cho phần “Các loại hình nghệ thuật” rồi… Nhưng thực tình mà nói, chả mấy ai biết đến giao hưởng của bác. Không phải vì giao hưởng của bác kém, mà bởi đối tượng của giao hưởng quá ít, còn đối tượng ca khúc thì quá đông. Vậy nên hầu như trẻ con mấy thế hệ qua đứa nào cũng hát “Đi học”… Mấy bài hát trẻ con nhạc đơn giản mà đè chết tươi giao hưởng đồ sộ của bác rồi… Hí hí…
        Nghe tôi ba hoa vậy, ông không giận, mà bật người sang giường tôi, nắm tay tôi, hào hứng:
        - Ông Giống này, tôi thích ông rồi đấy. Ông có thích “bài hát trẻ con” nào của tôi không?
        - Có, thích nhất bài “Đi học”…
        - Ông Giống này, ban đầu tôi lấy một bài thơ chép tay lưu truyền trong bạn bè làm lời bài hát nên không biết ai là tác giả thơ. May nhờ Tống Hiển phát hiện thơ của Minh Chính nên mới ghi được tác giả lời…
        - Hoàng Minh Chính quê gốc ở Ý Yên tỉnh Nam Định, dòng Nhượng Tống đấy. Nhỏ sống ở Phú Thọ, lớn đi bộ đội hy sinh…
        Lặng đi hồi lâu, tưởng ông đã ngủ, tôi tắt đèn.
        - Ông Giống này, sắp sáng rồi, ông cứ bật đèn lên được không?
        Tôi lại bật đèn. Tôi nghe ông phều phào một âm điệu vui tai… Tôi cũng hát bài “Đi học” bằng giọng bắt chước giọng trẻ con…
        Lần ngủ chung phòng với ông tối hôm ấy thật khó quên. Ông về hưu được đâu tám chín năm thì mất… Hôm qua cùng bạn bè nhắc đến cố nhà thơ Tống Hiển, bất chợt tôi lại nhớ tới Bùi Đình Thảo. Tôi hát “Đi học” bằng giọng thật của mình, quay bằng cái máy ảnh du lịch cổ lỗ sĩ:
        “Hương rừng thơm đồi vắng
      Nước suối trong thầm thì
      Cọ xòe ô che nắng
      Râm mát đường em đi…”

TMG


Kì 42: MAY QUÁ! CẢM ƠN BÀ!

        Cuối năm Giáp Ngọ, ông thầy cúng cùng xóm bảo:
        - Sang năm là năm Ất Mùi, ông phải cẩn thận đấy. Vợ chồng ông, con gái lớn, cháu nội đều tuổi Sửu. Con trai lớn tuổi Thìn, con dâu lớn tuổi Tuất. Vậy là Thìn, Tuất, Sửu đi với Mùi là xung lắm…
        Tôi cười:
        - Ông chỉ được cái... Ông gợi ý cúng đầu năm chứ gì, nhưng cái này vợ tôi nó quyết ông ạ.
        Hai chín Tết, con gái lớn đi chợ hoa bị kẻ cắp móc túi lấy mất điện thoại xịn. Sáng mồng một Tết, tôi đánh vỡ cái cốc thủy tinh. Ngày 8 tháng 3 (18 tháng Giêng âm lịch), vợ tôi bị trộm lấy mất xe đạp, túi tiền...
        Bụng bảo dạ: Lời tay thầy cúng thiêng thật! Đầu óc lan man nghĩ ngợi...
        ...Tháng giáp Tết, vợ lĩnh trước hai tháng lương hưu liền của hai vợ chồng, chi tiêu cho Tết và sinh hoạt hàng ngày. Lớ xớ thế nào, vợ bị bọn trộm lấy cả tiền, cả xe đạp. Tiền thì một tháng nữa lại có lương. Tiếc cái xe đạp cà tàng, vật kỷ niệm gắn chặt với vợ…
…Sáng sớm vợ vội đi chợ mua rau cỏ, về nấu mì cho chồng; Lại vội vàng sang nhà con út lo cơm nước, trông cháu cho chúng đi làm. Khi con cháu hai tuổi rưỡi quấy khóc, bà lai cháu “Vòng quanh thế giới” - đi quanh xóm cho nó nín. Chín mười giờ tối vợ hớt hải về nhà canh chồng huyết áp cao, sợ nhỡ đêm hôm chồng có làm sao còn... Tất cả sinh hoạt tất bật ấy đều trông vào cái xe đạp cà tàng. Vậy mà... Thật là chó cắn áo rách. Bọn trộm nhằm trúng ngày mồng 8 tháng 3 – ngày phụ nữ được tôn vinh, nhẫn tâm lấy trộm xe và tiền của phụ nữ, thì thật là bất nhân quá...
        ...Mấy bà bạn thảnh thơi, ngày ngày đi bộ chăm lo cho sức khỏe và duy trì sắc đẹp, thấy vợ tôi vất vả héo hon thì bảo:
        - Bây giờ con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, có công ăn việc làm thì để chúng tự lo. Cần thì thuê ô sin. Ông bà già yếu rồi, phải lo cho mình chứ. Mà có ôm mãi được chúng nó không?
        Khổ! Thì cũng biết vậy, nhưng thấy con cháu khổ quá, không giúp chúng không đành lòng. Con dâu bé tốt nghiệp Bách khoa, dạy tin học trường tiểu học ở dưới huyện, lương tháng ba triệu, bệnh đau tim nên chả dạy thêm dạy nếm gì. Mà có dạy thêm thì ở nông thôn cũng không ai học. Con trai hai bằng đại học Bách khoa, thêm cái bằng thạc sĩ điện tử viễn thông, làm giáo viên Trường Cao đẳng của Tổng công ty Dệt mà lương chưa nổi ba triệu. Không có người học, trường còn nợ lương giáo viên tháng này trả tháng trước... Tiền lương chỉ đủ xăng xe, đóng tiền học trong học ngoài cho thằng lớn đang học lớp một, mua sữa cho con bé chưa đi nhà trẻ. Lại còn bao nhiêu thứ phải chi: ăn hàng ngày cho cả nhà, tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh, tiền ga, tiền thuê bao truyền hình cáp, tiền internet, tiền điện thoại, tiền khóc, tiền cười, tiền viện, tiền thuốc cho hai đứa trẻ ốm yếu luôn, tiền nghĩa vụ với nước, với xóm ngõ, tiền các hội... thì còn đâu nữa mà thuê ô sin. Thôi thì nước mắt chảy xuôi, đành để vợ đem lương theo làm ô sin cho con cháu.
        Vắng bàn tay chăm sóc của vợ, tôi tự lo cho bản thân thật là vất vả. Lại nghĩ: Mình vất vả một, vợ vất vả mười...
        Thấy vợ mặt nhợt nhạt, thảng thốt báo tin: “Ông ơi... tôi... mất hết rồi! Xe đạp và túi tiền...”, tôi hụt hẫng: “Đã bảo...”, nhưng lời tắc lại trong họng. Chợt nghĩ đến lời ông thầy cúng, thôi của đi thay người... Lát sau:
        - Thế cái... cái bà vẫn dí vào thơ tôi ấy, có còn không?
        Vợ trả lời bị động:
        - Còn…
        - Ôi, thế thì may quá! Cảm ơn bà!
        Thoáng thấy đôi mắt u ám của vợ tôi ánh lên tia sáng, những nếp nhăn hằn sâu trên mặt như giãn ra...

  
Kì 43:  XIN ĐI TÙ        

Thằng Mãnh là em con dì tôi. Thằng Mãnh trắng, đẹp như cục bột, lại rất ngoan nên họ hàng ai cũng yêu quý. Chú rể tôi là bộ đội cụ Hồ phục viên, mất vì B52 Mỹ khi đang trôi bè trên sông Hồng, hồi năm 1972, chẳng có chế độ gì. Chồng chết, dì tôi dồn hết tình cảm, sức lực vào chăm sóc yêu chiều thằng Mãnh.   

        Tôi đi bộ đội chiến đấu hết trong Nam lại lên biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Năm 1982 tôi mới được chuyển ngành về quê. Dì tôi khóc bảo:
        - Thằng Mãnh bị bắt đi trại rồi anh ơi. Anh làm sao cứu thằng Mãnh cho dì, không thì nó chết mất...
        Tôi ngạc nhiên:
          - Làm sao đến nông nỗi này hả dì? Thằng Mãnh ngoan ngoãn thế, sao lại bị bắt đi cải tạo? Dì nói đầu đuôi sự việc cho cháu nghe...
        - Thằng Mãnh vốn ngoan hiền. Nó thương dì vất vả nên bỏ học theo người ta đi đào vàng ở khu Tư. Thỉnh thoảng nó gửi về cho dì chỉ vàng. Dì cũng mừng. Nhưng dì có ngờ đâu... nó lại sinh nghiện hút. Xã truy quét bắt những thanh niên nghiện hút đưa đi trại, họ tóm được thằng Mãnh khi nó đang hút... 
        Tôi an ủi dì:
        - Thôi sự việc đã thế rồi, dì để cháu tính...

        Hai chú em ruột tôi làm trong ngành công an, chạy đôn chạy đáo gần năm trời mới bảo lãnh cho thằng Mãnh được ra trại. Dì tôi xin cho thằng Mãnh đi cai nghiện ở trại cai nghiện tỉnh. Mãnh cai nghiện xong, được chú em rể tôi làm Giám đốc một xi nghiệp bố trí cho làm nhân viên đứng quầy hàng. Được gần năm, Mãnh tiết kiệm mua được cái xe đạp Phượng Hoàng. Tôi mừng thằng Mãnh đã tu trí.

Nhưng rồi một hôm người ta báo tin cho tôi rằng thằng Mãnh lại bị công an bắt giam rồi. Tôi xin thăm nó nhưng họ không cho gặp. Thì ra bạn nghiện từ trước luôn bám sát nó, rủ rê, ép buộc nó phải hút lại. Cho đến một đêm, thằng Mãnh để bạn nghiện vào quầy hàng ăn trộm, định sau đó làm hiện trường giả thì bị công an bắt quả tang. Mãnh đi tù ba năm.

        Ra tù, Mãnh về quê. Không có tiền hút hàng ngày, Mãnh bán dần tất cả các thứ gì có trong nhà có thể bán được để hút. Trong nhà không còn gì để bán, Mãnh bắt đầu ăn trộm của hàng xóm... Một lần bắt quả tang Mãnh ăn trộm, chính quyền xã chuyển Mãnh lên công an huyện. Mãnh lại đi tù.

        Ba năm sau Mãnh ra tù. Trông nó gầy, đen, đầu trọc lốc... Tôi khuyên răn nó nên từ bỏ thuốc phiện mà tu trí làm ăn. Nó vâng vâng dạ dạ tỏ ra thực tâm muốn cải tà quy chính.

        Bẵng đi mấy năm, tôi bận công việc không về quê. Một hôm, dì tôi bắt xe khách lên tỉnh. Vừa gặp tôi, dì đã kể trong tiếng nấc:
        - Thằng Mãnh lại đi tù rồi anh ơi!... Khổ thân tôi, kiếp trước tôi phạm tội gì mà trời đày đọa tôi thế này anh ơi...
        Chờ dì nguôi ngoai tôi hỏi:
        - Nó phạm tội gì mà người ta lại bắt nó đi tù?
        Dì tôi bảo:
        - Không! Không ai bắt cả. Tự nó xin đi tù thôi.
        Tôi nhạc nhiên:
        - Tự nó xin đi tù? Sao lạ vậy dì?
        Dì tôi phân trần:
        - Đi tù mấy lần về, nó quyết tâm làm lại cuộc đời. Mấy năm nay nó không ăn trộm cái gì của hàng xóm. Nó xin dì cho tiền để nó nhập trại cai nghiện. Cai nghiện xong, nó về quê mong sống yên ổn làm ăn. Nhưng nó đi xin việc ở đâu người ta cũng không nhận. Dì đã hơn tám mươi tuổi rồi, chẳng có lương, chỉ trông vào 5 miếng ruộng phần trăm thì làm sao nuôi nổi hai mẹ con. Thằng Mãnh sinh ra cáu bẳn, chán đời. Bạn bè rủ rê, nó hút lại. Tháng trước, người ta báo tin cho dì là thằng Mãnh đang bị giam ở huyện. Dì hớt hơ hớt hải lên huyện xin vào thăm nó. Ngươi ta bảo dì:
        - Khi công an đến bắt thì thấy thằng Mãnh đứng trong bốt điện, mồm kêu to: “Ối làng nước ơi! Có thằng ăn trộm công tơ điện đây này...” Hỏi tại sao làm thế, thằng Mãnh bảo: “Để được đi tù. Xin các cán bộ cho em đi tù!”...
        Dì van nó đừng xin đi tù. Nó bảo dì: “Mẹ ơi! Mẹ cứ để con đi tù! Chỉ có đi tù thì con mới có việc làm, mới có miếng ăn, mới được hút, mới có cơ hội được sống...”
        Anh ơi, em nó nói thế, dì chẳng còn biết làm sao. Chẳng lẽ cứ để nó sống mãi đến chết trong tù sao hả anh...
        Bất lực nhìn dì tôi khổ sở, tôi im lặng nghe dì tôi kể lể nỗi buồn khổ như vô tận. Trước mắt tôi, hình ảnh thằng Mãnh trắng đẹp như cục bột cứ chập chờn. Văng vẳng bên tai lời thằng Mãnh xin được đi tù để có cơ hội sống cứ ám ảnh tôi...


Kì 44:    KINH NGHIỆM VIẾT BÁO

        Tĩn hỏi bố:
        - Bố ơi! Bố là nhà báo nổi tiếng, vậy bố hãy truyền kinh nghiệm cho con để con theo nghề của bố nhé!
        Bố Tĩn âu yếm:
        - Ôi! Thằng con ngoan của bố. Mày nghĩ được vậy là bố mừng lắm. Nhưng mà nghề báo đòi hỏi phải có vốn sống phong phú, đạo đức trong sáng, tinh thần quả cảm, nhạy bén chính trị, trình độ nghiệp vụ tinh thông, tốn nhiều chất xám, lại phải đi nhiều, lắm khi gặp nguy hiểm đến cả tính mạng... Mày tính lười biếng, ngại khó ngại khổ thì làm sao làm nhà báo được?
        - Thì thế con mới cần bố truyền cho kinh nghiệm. Bố cứ dạy con cách nào để viết báo nhanh nhất, lại ít phải bỏ công sức, chất xám nhất ấy.
        Bố Tĩn gật gù:
        - Thôi được! Vậy mày lấy sách bút mà ghi chép lời bố đây! Để không mất thời gian, sức lực, không tốn chất xám, mày cứ chịu khó lướt web và đọc sách, thấy bài nào thích thì chép lại, thêm tý chút gia vị mắm muối, xào lại, ghi tên mình vào vị trí tác giả rồi gửi cho tạp chí thích hợp. Thế là vừa có tiền nhuận bút, vừa có danh mà lại nhàn hạ. Sướng hôn?
        - Nhưng nhỡ tác giả đích thực phát hiện ra, họ kiện là đạo văn của họ thì làm thế nào hả bố?
        - Thì mày chỉ việc ghi chú thích dưới bài là “Theo...” hoặc “Có tham khảo tài liệu của...” thì có kiện cũng cãi bay được con ạ!
        - Nhưng Ban Biên tập họ phát hiện thì sao ạ?
        - Ồ... Yên tâm đi! Ban biên tập ngày xưa cơ, chứ bây giờ toàn lũ “Cơm chấm cơm”, thậm chí “Cháo chấm cơm”, qua mặt dễ ợt.

  
Kì 45:  HOAN HÔ QUY HOẠCH… TREO!

                   “Trải qua một cuộc bể dâu”
            An vui chưa trọn, đã sầu vô cư...

***
            “Xóm văn hoá” là một xóm nghèo. Gọi là xóm văn hoá nghèo vì hầu hết các hộ dân ở đây là cán bộ ngành văn hoá đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Mà lương cán bộ ngành văn hoá làm sao không nghèo được.

            Năm 1987 ngành văn hoá được tỉnh quan tâm cấp cho khu đầm lầy làm nhà tập thể cho cán bộ, công nhân viên trong ngành để không còn cảnh cán bộ ăn nghỉ tại phòng làm việc của cơ quan. Chủ trương của tỉnh làm nức lòng cán bộ ngành văn hoá. Nhưng cơ quan không có kinh phí xây dựng, thay vì phải làm nhà tập thể, đành chia đất cho từng hộ gia đình tự vượt lập và xây dựng. Khốn nỗi hộ nào cũng nghèo (Có nghèo mới phải bám lấy nhà làm việc mà tá túc chứ), thành ra hẹo hẵng mãi đến ba bốn năm sau mới hình thành xóm nhà cấp bốn.

            An cư chưa được bao lâu, năm 1996 nhà nước lại quy hoạch đô thị, hầu hết xóm văn hoá nằm trong diện đất quy hoạch. Cán bộ phòng nhà đất đo đạc, lập biên bản hiện trạng từng hộ để làm cơ sở đền bù khi thành phố thu hồi đất. Cán bộ phường thông báo cho các hộ thuộc diện quy hoạch không được cơi nới, xây dựng thêm để tránh phức tạp cho việc đền bù. Người xóm văn hoá lại háo hức chờ đón ngày thực hiện quy hoạch. Nhà nào cũng gương mẫu chấp hành quy định, không xây dựng gì thêm.

            Thế là ai nấy cố chịu đựng cái cảnh trời mưa thì ngập lụt, nhà dột nát, phân rác trôi vào tận phòng ở, trời nắng thì nóng bức, chật chội. Chất lượng sống của dân xóm văn hoá thật ... chẳng văn hoá chút nào.

            Nhưng chờ đến mỏi mắt mà không thấy chính quyền thực hiện quy hoạch. Gần mười sáu năm sống cảnh chờ đợi nhà nước thực hiện quy hoạch đã quá sức chịu đựng, các hộ buộc phải làm đơn kiến nghị gửi Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, song chẳng có hồi âm. Chính quyền địa phương cũng không biết bao giờ trên mới thực hiện quy hoạch.

            Bán nhà không được, cải tạo cũng không được, người xóm văn hoá thật bức bối. Chú Lương là thủ trưởng một đơn vị quân đội, được đơn vị và đồng đội ủng hộ vật tư, kinh phí bèn mua đất đô thị mới, xây luôn nhà ba tầng. Hôm ăn mừng nhà mới, chú oang oang tâm sự :
            - Bà con hẳn còn nhớ gia đình em ở xóm văn hoá khốn khổ như thế nào. Nhờ cái quy hoạch treo, vợ chồng em mới được đơn vị, bạn bè giúp đỡ mà làm được ngôi nhà cao tầng, tiện nghi đầy đủ. Thật là sung sướng. Em phải hoan hô cái quy hoạch treo!

            Nếu được như nhà chú Lương thì tôi cũng phải hoan hô cái quy hoạch... treo. Nhưng còn bao nhiêu gia đình vẫn phải chịu đựng cái khổ do quy hoạch treo gây ra? Nghe nói nhà nước có quy định quy hoạch nào sau ba năm không thực hiện thì phải bỏ. Nhưng ai công bố xoá bỏ cái quy hoạch treo? Dân xóm văn hoá còn phải chịu đựng đến bao giờ tình trạng này?
                                                                                                (Còn tiếp)
* Ghi chú: Bài đã đăng báo Nông nghiệp Việt Nam năm 2003 nhưng bị kiểm duyệt cắt bỏ khi tôi đưa vào cuốn hồi ký của mình.

Kì 46:  VỠ TRẬN


            Năm 1996, chính quyền cắm mốc quy hoạch làm đường qua xóm văn hóa, cấm tiệt việc cơi nới, xây dựng mới. Các công dân gương mẫu xóm văn hóa kiên nhẫn chịu đựng cảnh mưa ngập cứt trôi vào nhà, hè nóng như lò nung hành hạ... quyết không xây dựng mới, không sửa chữa nâng cấp nhà ở, chấp hành nghiêm lệnh của chính quyền.

            Đầu năm 2015, chính quyền mời bà con ra phường, báo cáo dự án của thành phố, hứa đền bù công trình trên đất theo giá thị trường, bằng giá xây dựng mới, đất cũng được tính theo giá thị trường thời điểm đền bù. Bà con hoan hỉ, ai nấy háo hức mong mỏi dự án nhanh chóng được thực thi để đổi đời. Gặp ai cũng nghe câu cửa miệng cảm ơn..., cảm ơn…

             Ban dự án cùng đại diện các hộ bị thu hồi đất chia nhau đến từng nhà kiểm đếm thật chi tiết, từ cái cây cau tí tẹo đến cái giếng đã bị lấp bỏ cũng được kiểm đếm, không bỏ sót cái gì. Không cần đọc kỹ biên bản kiểm đếm, các chủ hộ ký cái rụp, tin tưởng vào tương lai tươi sáng…

            Nhưng tâm trạng phấn khởi mong mỏi đã nhanh chóng chuyển sang ngơ ngác, bất bình, thất vọng khi nhận được bản dự toán tiền đền bù. Hóa ra cái giá thị trường mà ban dự án nói chỉ bằng nửa giá thực tế. Chẳng hạn, nhà mái bằng một tầng được chi trả 2,5 triệu đồng một mét vuông, bằng một nửa giá xây dựng hiện tại. Mỗi mét vuông đất bị thu hồi được đền bù gần 6 triệu đồng, trong khi đó giá thị trường 10 đến 12 triệu đồng mét vuông... Toàn bộ số tiền được đền bù đất và công trình nhà ở trên đất không đủ mua một suất đất tái định cư tương đương với diện tích đất bị thu hồi mà ban dự án bán cho theo giá thị trường. Vậy là cơ nghiệp cả đời tích cóp của hai vợ chồng chủ hộ bỗng nhiên mất trắng. Ông bạn đồng hương nguyên là chiến sĩ đơn vị anh hùng, xuất ngũ làm nghề bán bánh mì dạo, ở nhà tập thể trước năm 1980, không có tiền chạy sổ đỏ, giờ chỉ được đền bù một nửa.

            Bà con bị thu hồi đất đồng lòng làm đơn kiến nghị lên UBND thành phố, không chấp nhận giá đền bù quá thấp, giá đất bán cho dân lại cao... Ban dự án lại tổ chức họp và hứa chuyển ý kiến bà con lên trên xem xét. Bà con lấy lại hy vọng, nôn nóng chờ phản hồi của chính quyền... Nhưng chưa có hồi âm, đã thấy quyết định đền bù đóng dấu UBND thành phố đỏ chót gửi xuống từng hộ gia đình bị thu hồi đất. Ban dự án mời đại diện từng hộ gia đình lên ký biên bản đền bù theo từng thời điểm khác nhau. Bà con xóm văn hóa lại tổ chức họp khẩn cấp, thề quyết không ký. Ông Lê Đạo Đức hùng hổ tuyên bố:
            - Tôi quyết không chấp nhận giá đền bù vô lý này. Cùng lắm, tôi làm Đoàn Văn Vươn* thứ hai...
      
            Trưa hôm sau, tôi về xóm với tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của hội nghị xóm, không chấp nhận đền bù của ban dự án, thì thấy xóm nháo nhác như ong vỡ tổ. Ông bạn hưu trí cùng ngành văn hóa nói trong nước mắt:
            - Vỡ trận rồi bác ơi!
            - Sự thể ra sao?
            - Nó tung cò đất đến từng nhà, gạ trả tiền tươi chênh lệch từ 100 triệu đến 130 triệu một suất đất dự án bán cho hộ dân. Ai ký đồng ý chấp nhận giá đền bù của Ban dự án sẽ được chọn mua lô đất đẹp để trao tay giấy tờ cho cò đất, nhận ngay tiền chênh lệch. Ai ký muộn sẽ chỉ còn đất xấu, cò không mua. Bà con bảo nhận tiền tươi chênh lệch bán đất được cả trăm triệu đồng, chả hơn là đấu tranh biết có kết quả không... Vậy là tranh nhau ký...
            - Ông Lê Đạo Đức thế nào?
            - Ông Đức nhận tiền tươi cò đất trao tay, ký nhận đền bù của Ban dự án rồi...

            Các hộ dân bị thu hồi đất lúc này vẫn nói câu cửa miệng: Cảm ơn... nhưng không phải là cảm ơn... cảm ơn... như mấy hôm trước, mà là cảm ơn cò đất.

             Đúng là cái khó bó cái khôn. Ban dự án kinh nghiệm đầy mình, cò đất lại cáo già, cánh dân nghèo thật như đếm không vỡ trận, thua đau mới là lạ!

            Một tháng sau, xóm văn hóa tan hoang những ngôi nhà bị phá dỡ. Gặp mấy bà hôm trước còn luôn mồm cảm ơn cảm huệ cũng đang ngơ ngẩn nhìn nơi ở cũ, tôi hỏi:
            - Sao bây giờ không thấy các bà cảm ơn cảm huệ vậy?
            - Ôi dào... Bây giờ chúng em chẳng cảm ơn cảm huệ thằng nào con nào sất cả!
                                                                                                             3-2016
.......…

          * Vụ án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là vụ án về tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang cùng gia đình và Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Vụ án thu hút dư luận Việt Nam vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột về đất đai, của những bất cập về cả pháp luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương và là một tổn thất chính trị to lớn. Kết quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương,[1] 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất bị hủy bỏ,[2][3][4] một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách.

(Từ điển – Wikipedia tiếng Việt)



Kì 47:    NGẨN NGƠ NƠI CŨ, MỚI
            Thực hiện lệnh giải tỏa nhà đất, nơi diễn ra bao nhiêu kỷ niệm của gia đình suốt một phần tư thế kỷ, đã một tháng nay, tôi hàng ngày vẫn vô thức trở về nơi ở cũ ngắm nhìn cảnh tan hoang mà lòng như xát muối.
            Tất cả tiền người ta đền bù cho 72 mét vuông đất và toàn bộ cơ ngơi nhà, công trình phụ của tôi chỉ mua được 50 mét vuông đất nơi tái định cư họ bán cho... Hôm qua tôi đã nhận đất mua ở nơi tái định cư.
            Từ trên cầu Lộc Hạ bắc qua con mương thoát nước thải của thành phố mà dân chúng gọi là MƯƠNG THỐI (bới nó thối kinh khủng) tôi nhìn thửa đất mới mua trong màn mưa bụi ảm đạm mà lòng buồn khôn tả.
            Đi đến ngang khu đất tái định cư, từ bờ bên này mương thối nhìn sang thấy họ mới khai phá con đường mới lổ đổ xếp gạch vỉa hè mà chưa đổ nhựa lòng đường.
            Khi tới sát lô đất 50 mét vuông tôi mua, thấy nó bé tí tẹo... Lô đất của tôi  liền kề với lô đất cùng diện tích mà một nhà dãy trước mua và làm cái ga-ra để ô tô con của gia đình, trông  như cái chuồng chim chuồng chó...
            Lô đất bé tí tẹo thế mà tôi vẫn lo không biết xoay đâu ra đủ tiền để làm một căn nhà tương tự như cái chuồng chim chuồng chó của ông hàng xóm dùng để xe con...
            Trước mắt, vẫn phải để vợ và cả gia đình thằng con út ở nhờ con gái lớn, đến đâu hay đến đó.
            Một bà thấy tôi ngơ ngẩn trước mảnh đất mới mua, tò mò hỏi han. Khi rõ chuyện, bà thật thà:
            - Bác mua chỗ nào không mua, lại mua ở cạnh cái mương thối. Em ở đây tứ mùa ngửi cứt khổ lắm bác ơi...
            - Rồi người ta phải làm cống hộp chứ bác! Nhà nước ai lại để dân sống trong môi trường mất vệ sinh như thế!
            - Xin lỗi bác đi! Còn lâu nhé! Em ở đây ba chục năm rồi nhé!...
            Nói rồi bà xỉ mũi cái roẹt và quay ngoắt đi, bỏ mặc tôi ngơ ngác cạnh mảnh đất của mình...
                                                                                                       5-2016


Kì 48: CƯỠNG CHẾ THẮNG LỢI

        Thằng Tĩn đang chúi mũi vào cái điện thoại bỗng reo lên:
        - Hoan hô! Chính quyền đã dùng bộ đội, công an cưỡng chế dân chống chủ trương nhà nước thắng lợi rồi! Bọn thù địch đã bị đánh bại, ta chiến thắng vẻ vang, bắt sống 5 người, đánh bị thương nhiều người khác, đánh nhừ tử hai tên nhà báo VOV, phá tan âm mưu chống phá nhà nước của bọn thù địch, thu hồi đất cho nhà đầu tư...
        Bố trợn mắt:
        - “Cưỡng” là chống lại, tỷ như nói “Cưỡng lời cha mẹ”. Mà đã chống lại cha mẹ thì có hay ho gì. Còn “Chế” là phép làm ra, định ra, đặt ra, bó buộc, chống lại, tỉ như “Chế ngự” là ngăn ngừa, bắt phải theo”. Vậy “Cưỡng chế” là lấy sức pháp luật mà bó buộc ý chí và hành vi của nhân dân.
        Chính quyền ta là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Bộ đội, công an ta là con em nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ dân, giữ yên cuộc sống của dân. Chính quyền dùng lực lượng bộ đội, công an để cưỡng chế dân thì làm gì còn ý nghĩa tốt đẹp? Vậy mà mày lại hoan hỉ là chính quyền cưỡng chế dân thắng lợi! Đến nước này thì tao phải tăng cường “cưỡng chế” mày thật nghiêm mới được, nếu không có ngày mày “cưỡng dâm”, “cưỡng bức”, “cưỡng hiếp” con nhà người ta thì khốn… Mày đúng là thằng ngu lâu khó dạy.
        Tĩn ấm ức:
        - Vậy ra mấy chú mấy cô nhà báo và mấy vị quan to chính quyền Hưng Yên cũng ngu lâu như con à bố?
        Bố quát:
        - Luận điệu của bọn thù địch đấy! Chớ có nghe bọn nhà báo... hại và những tên thù địch chui cao leo sâu chống phá ta, làm ta tự diễn biến... Nghe chửa!
        - …!!!


 Kì 49:    PHÔNG VĂN HÓA            

        Chuyện này tôi nhặt được từ nhiều bác hội viên Hội Sáng Tạo Thơ Văn kể cho nghe:
        Trong đám tang bố ông Chủ tịch Hội Sáng Tạo Thơ Văn tỉnh nọ, nhiều hội viên quần áo chỉnh tề, nét mặt nghiêm trang, thành kính phân ưu cùng gia quyến, kính cẩn thắp nén nhang cầu cho linh hồn người quá cố về nơi cực lạc. Trong khi đó, ông Chủ tịch Hội vốn xuất thân là Đạo diễn kiêm Trưởng đoàn kịch lớn, mặt đỏ như son phấn, miệng thường trực nụ cười sân khấu, thao thao bất tuyệt nói về trách nhiệm cao của mình đối với cơ quan. Nào là việc của hội ta phức tạp, tôi đã giải quyết ổn thỏa, lên kế hoạch đâu ra đấy, trình lãnh đạo tỉnh những mười mấy đầu việc, được các anh lãnh đạo tỉnh khen nắc nỏm. Nào là ngày kỷ niệm danh nhân Tài Danh Thế Kỷ của tỉnh, tôi đã viết sẵn diễn văn cho Phó Chủ tịch tỉnh, lời dẫn chương trình cho Phó chủ tịch Hội và văn nghệ phục vụ đâu ra đấy, chỉ còn việc cứ thế mà làm v.v…và v.v… Hình như ông Chủ tịch quên khuấy việc bố ông đang nằm đấy…
        Chứng kiến cảnh này, mỗi người một nhận xét, bình phẩm thật khác nhau:
        - Có người khen ông Chủ tịch là điển hình lãnh đạo hết lòng với công việc cơ quan. Trong lúc tang gia bối rối, ông vẫn đau đáu lo việc chu đáo cho cơ quan, thật là cán bộ nhiệt huyết.
        - Người khác lại chê: Ôm đồm, bao biện biểu hiện thiếu tin tưởng cấp dưới. Cứ làm như không có ông thì cơ quan chết không bằng. Sự biểu hiện nhiệt huyết với cơ quan trong hoàn cảnh ấy nó vô duyên, giả tạo, kịch lắm. Nó chứng tỏ cái PHÔNG VĂN HÓA của ông Chủ tịch quá thấp.
        Nghe được các ý kiến trên tôi hoang mang quá, chẳng biết thế nào. Thế còn ý kiến của bạn ra sao? Cảm ơn các bạn.


    Kì 50:  TRẢ LỜI

        Tình cờ một người không quen hỏi Trần Mỹ Giống:
       - Bác đã đọc cuốn “Các nhà khoa bảng Nam Định” của tác giả Trần Mỹ Giống chưa?
        - Thưa bác, tôi có đọc rồi ạ.
- Theo bác, điểm nổi trội của cuốn sách này ở chỗ nào?
      - À... vâng... Điểm nổi trội của cuốn sách đó nằm ở dòng đầu tiên trong trang tên sách bác ạ.
          - !!!

TRẦN MỸ GIỐNG

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét