Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

BÌNH BÀI THƠ “BUÔN MẮM” CỦA TÁC GIẢ ĐOÀN DUY TRÁNG / Lê Văn Hy



       


                        BUÔN MẮM

        Mười năm buôn mắm lắm gian truân
Phan Thiết vào ra mấy chục lần
Can, téc đong đầy không áy náy
Mầu, mùi chọn kỹ khỏi phân vân
Hai lần mắm hỏng thâm vào vốn
Ba lượt khách lường lỗ chỏng chân
Bởi thấy tình đời nhiều nhạ nhẽo
Nên đem vị mặn góp nhân quần.
                                 Đoàn Duy Tráng

Trên đây là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú của tác giả Đoàn Duy Tráng đăng trên tập Kỷ yếu của Hội thơ Đường luật tỉnh Nam Định 2018.

Nhìn vào đầu đề bài thơ ta mới chỉ biết tác giả chọn đề tài là đi buôn, cụ thể là buôn mắm. Vậy mà chỉ hai câu phá đề, thừa đề rất giầu ý, ta đã hiểu mắm ở đây không phải là mắm tôm, mắm cá, mà là nước mắm Phan Thiết rất nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận, cách xa Nam Định hàng ngàn cây số. Công việc buôn mắm này đã từng kéo dài mười năm. Người buôn mắm đã phải lặn lội trong Nam ngoài Bắc trên những chuyến tàu hàng rất là gian nan vất vả để có thể buôn tận gốc bán tận ngọn.
        Mười năm buôn mắm lắm gian truân
Phan Thiết vào ra mấy chục lần
Rồi đến hai câu thực của bài thơ, khoan hãy nói về từ ngữ đối hau chằn chặn: “Đong đầy” với “chọn kỹ”, “không” với “chẳng”, “áy náy” với “phân vân”. Về dụng cụ cho thứ hàng nước mắm này phải là can và téc. Đánh giá chất lượng của mặt hàng đặc sản này phải là màu và mùi. Hai câu thực ở đây đã kể rất thực của nghề buôn mắm. Người buôn có tâm lại rất cẩn thận chu đáo trong công việc. Đong đầy, chọn kỹ để khỏi áy náy với phân vân.

Tóm lại, bốn câu thơ đầu tác giả chủ yếu mô tả công việc của người buôn nước mắm, nước mắm Phan Thiết, loại đặc sản mà nhân dân cả nước đều biết tiếng và ưa chuộng hàng trăm năm nay. Người buôn mắm rất có lương tâm, rất cẩn thận chu đáo trong công việc.

Tiếp bốn câu sau, bài thơ đã được nâng tầm từ việc đi buôn đến ý nghĩa xã hội. Hai cậu luận của bài thơ đáng lẽ tác giả phải nói đến việc đi buôn tận gốc bán tận ngọn này phải là rất thuận lợi, phải là một vốn bốn lời. Vậy mà tác giả chỉ nói cái thua thiệt:
Hai lần mắm hỏng thâm vào vốn
Ba lượt khách lường lỗ chỏng chân
Để nói lên cái thực tại nhức nhối trong cơ chế thị trường hiện nay. Người thật thà thì phải thiệt đơn thiệt kép. Đã không ít chuyện buôn gian bán lận như báo chí đã đưa: Trộn dung môi vào xăng A95, trộn bột than vào cà phê Ban Mê Thuột, dùng hóa chất để biến thực phẩm ôi thành nguyên lành… Đó là cái lý của “mắm hỏng”, “khách lường” làm cho “thâm vào vốn”, “lỗ chỏng chân”. Và đó cũng là làm cho “tình đời nhiều nhạt nhẽo”.
Bởi thấy tình đời nhiều nhạ nhẽo
Nên đem vị mặn góp nhân quần.
Cách chơi chữ của hai câu kết bài thơ của tác giả vừa có ý nghĩa hiện thực, vừa có ý nghĩa khái quát và nhân văn rất cao. Nước mắm thì hẳn là có vị mặn rồi. Tình đời nhạt nhẽo ở đây như trên đã phân tích là thói đảo điên, buôn gian bán lận, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Còn vị mặn ở đây đã được nâng tầm lên là sự giáo hóa, lấy cái tâm trong sáng trung thực để cải tà quy chính, góp cho tình đời trong nhân quần, trong xã hội được lành mạnh hơn, trong sáng hơn. Ý nghĩa nhân văn của bài thơ là ở chỗ đó.

              LÊ VĂN HY
(Chi hội thơ Đường luật Mỹ Lộc)
          ĐT: 0844410749

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét