SÔNG LAM
Thơ Trần Mạnh Hảo
Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh
Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du
Sông đứng thành Hồng Lĩnh
Sông đi thành ví dặm trời xanh
Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát
Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi
Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút
Một củ khoai cũng lấp ló mây trời
Con cò mặc áo tơi đi học
Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi
Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh
Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài
Trời hào phóng mây trắng
Đất tằn tiện ngô khoai
Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa
Đồ Nghệ Sông Lam dạy biển cả học bài
Gió Lào thổi mây dòn bánh đa nướng
Sông Lam nuôi nứt nẻ mỗi hạt vàng
Gió lập ngôn đầu hồi nước luồng lĩnh xướng
Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang
Sông thao thức sóng tràn bờ bắc
Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ nam
Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc
Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang
Để rú Quyết lặng thầm đi cứu
Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng
Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát
Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn
Người giàu có nên đất nghèo khô khát
Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…
Sài Gòn 1983
T.M.H.
Tứ Thơ:
Tác giả mượn con Sông Lam để nói về vùng đất Nghệ Tĩnh và bóng
gió ca ngợi con người ở đó.
Ngôn Từ Hình Tượng
Ngôn từ: Đẹp, chắt lọc, cao sang; hình tượng mới lạ, vừa có vẻ
đẹp hùng vĩ, vừa gần gũi, dân dã.
Biện pháp tu từ: Sử dụng một số biện pháp tu từ như phúng dụ, so
sánh, nhân hóa, nói quá (thậm xưng), tương phản khá điệu nghệ.
Bố Cục:
Đây là một bài thơ “thiếu tổ chức”, tập hợp những phát biểu đậm
chất trí tuệ, đa số mang thông điệp rất “ấn tượng”, sâu sắc - nhưng không theo
một trình tự, lớp lang nào rõ ràng - về con Sông Lam, vùng đất Nghệ Tĩnh và
người dân ở đó.
Không có những đoạn thơ bộc lộ một mảnh tâm sự (thơ Trường
Thiên) hoặc dòng tứ thơ (thơ nhất khí liền mạch) kết nối những suy nghĩ, sự kiện
trước cảnh đời của thi sĩ.
Nói theo ngôn ngữ bóng đá thì đây là đội bóng không có đấu pháp
toàn đội. Cầu thủ phần đông có kỹ thuật cá nhân thuộc đẳng cấp cao, rất điêu
luyện nhưng khi có bóng không thích phối hợp với đồng đội mà cứ muốn tự mình
“tỏa sáng” trên sân cỏ.
Chính vì lý do đó, tôi dựa vào cách gieo vần để chia bài thơ làm
3 đoạn:
Đoạn 1: Gồm 4 câu đầu, gieo vần gián cách 1/3
Đoạn 2: Gồm 12 câu kế tiếp, gieo vần gián cách 2/4 - tất cả đều điệp
vận.
Đoạn 3: Gồm 16 câu còn lại, gieo vần 1/3 và 2/4 - tất cả những câu 2/4
đều điệp vận.
(Xin xem phân tích vần ở phần kế tiếp)
Vần:
Đoạn đầu 4 câu, gieo vần gián cách 1/3 (Tĩnh Lĩnh)
Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh
Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du
Sông đứng thành Hồng Lĩnh
Sông đi thành ví dặm trời xanh
Đoạn kế tiếp 12 câu, gieo vần gián cách 2/4 và tất cả đều cùng
vần (điệp vận)
Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát
Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi
Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút
Một củ khoai cũng lấp ló mây trời
Con cò mặc áo tơi đi học
Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi
Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh
Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài
Trời hào phóng mây trắng
Đất tằn tiện ngô khoai
Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa
Đồ Nghệ Sông Lam dạy biển cả học bài
Đoạn cuối 14 câu, gieo vần gián cách cả 1/3 và 2/4, và tất cả
2/4 đều điệp vận.
Gió Lào thổi mây dòn bánh đa nướng
Sông Lam nuôi nứt nẻ mỗi hạt vàng
Gió lập ngôn đầu hồi nước luồng lĩnh xướng
Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang
Sông thao thức sóng tràn bờ bắc
Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ nam
Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc
Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang
Để rú Quyết lặng thầm đi cứu
Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng
Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát
Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn
Người giàu có nên đất nghèo khô khát
Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…
Ngoại trừ 2 câu:
Để rú Quyết lặng thầm đi cứu
Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng
(cứu không vần với mạc và mát)
được coi là “phá cách”
Gieo vần như vậy là quá dầy, nhất là 2 đoạn điệp vận rất dài,
gần hết cả bài thơ (26/30 câu) – trong đó đoạn cuối (14 câu) vừa có vần 1/3 lại
vừa điệp vận 2/4 - nên hội chứng nhàm chán vần rất nặng.
Nhịp Điệu:
Số chữ trong câu thay đổi nên nhịp điệu tương đối uyển chuyển,
sinh động, không đều đều, tẻ nhạt.
Nhờ nhịp điệu uyển chuyển, sinh động như vậy hội chứng nhàm chán
vần đã được hóa giải gần hết. Cảm giác nhàm chán còn lại không đáng kể.
Tại Sao Thi Sĩ Chơi Điệp Vận Quá Nhiều?
Điệp vận nặng tay, nếu bám theo dòng chảy của tứ thơ để diễn tả
mảnh tâm trạng chính hoặc điểm mấu chốt của tứ thơ ở cuối bài sẽ làm nổi bật
mảnh tâm trạng hoặc điểm mấu chốt đó khiến cảm xúc phát sinh sẽ đi thẳng vào
tâm hồn người đọc, và dĩ nhiên, sẽ nâng giá trị của đoạn thơ hoặc bài thơ lên
rất nhiều.
Thí dụ 1:
Trong Truyện Kiều có một đoạn vần quẩn đáng chú ý:
Sấn vào, vừa rắp thị hùng ra tay
Nàng rằng: Trời nhé có hay!
Quyến anh, rủ yến, sự này tại ai?
Đem người dẩy xuống giếng khơi
Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!
Còn tiên Tích Việt ở tay
Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?
Lời ngay, đông mặt trong ngoài
Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương!
(Câu 1178-1186)
Trong đoạn này 3 câu bát có vần ngang kết hợp với 2 lần vần quẩn
tạo nên 7 cặp điệp vận (tay hay, hay này, này ai, ngay tay, tay này, này ai, ai ngoài); lại thêm chữ “ngay” (câu kế chót) không ở vị trí gieo
vần cũng “xía vào” làm tăng vị ngọt khiến hội chứng nhàm chán vần của cả đoạn
rất nặng.
Nhưng nhờ thế đã giúp câu chữ “dính chặt” với nhau làm nổi bật
cảnh Thúy Kiều vạch mặt và sỉ vả Sở Khanh. Điệp vận dầy đặc lẽ ra “có tội” lại
thành “có công”. Cảm giác nhàm chán vần tự nhiên tan biến. Đoạn thơ đẹp và có
duyên hẳn lên; ý của Thúy Kiều được độc giả cảm nhận dễ dàng hơn nhiều.
Thí dụ 2:
Dưới đây là đoạn gần cuối của bài thơ Say Đi Em của Vũ Hoàng
Chương:
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi…
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời.
Chỉ có 9 câu thơ ngắn mà đến 6 chữ, 5 cặp vần ôi (hoặc ơi) – điệp vận
đến mức nhìn qua là đã mất cảm tình. Nhưng thật lạ! Đọc lên không những không
thấy ngán mà còn thấy hồn mình như bị dính chặt vào ý thơ – cơn say thực sự,
“say không còn biết chi đời” – của tác giả.
Với cơn say ở đỉnh điểm như vậy, không còn chỗ cho lý trí và con
đẻ của nó là sự dối trá, bám víu. Năm câu sau của đoạn kết đúng là tiếng lòng
chân thật.
Điệp vận kiểu ấy, theo tôi, nếu là người làm thơ tỉnh táo, chắc
là sẽ tránh xa. Vũ Hoàng Chương, trong lúc say đến lạc thần trí, đã hiên ngang
bước vào “bãi mìn” ấy. Nhưng nhờ thế, đã tạo được một đoạn thơ độc đáo, có giá
trị như một con dấu chứng nhận sự chân thật cho đoạn kết, góp phần hết sức quan
trọng vào sự thành công của thi phẩm Say Đi Em.
Trường hợp hai đoạn thơ
của Sông Lam
Hai đoạn thơ dài điệp vận của Sông Lam cũng là một lối chơi vần
“quả cảm” - tạo nên dòng âm điệu thông thoáng, trơn tru nhưng quá ngọt. Có điều
bài thơ của Trần Mạnh Hảo không có dòng tứ thơ phát sinh từ những mảnh tâm
trạng, những cảnh đời lớp lang nối tiếp nhau mà chỉ dầy đặc những phát biểu
nặng chất trí tuệ, “thiếu tổ chức” nên không tạo được hiêu quả tích cực như
đoạn Kiều của Nguyễn Du và đoạn thơ của Vũ Hoàng Chương ở trên.
Cũng may, vị ngọt quá đậm của vần đã được nhịp điệu uyển chuyển,
sinh động của bài thơ hóa giải gần hết. Còn sót một chút rất ít cảm giác nhàm
chán (của vần) nhưng đổi lại, nhờ vần ngọt đậm nên dòng âm điệu của Sông Lam
mượt mà hơn.
Theo tôi, việc hiên ngang bước vào “bãi mìn” trong 2 đoạn thơ
dài của Sông Lam chỉ là một trao đổi tạm gọi là “hòa vốn”, nhưng qua đó nhà thơ
Trần Mạnh Hảo đã biểu lộ được phong cách chơi vần tung tẩy, tự do, thoải mái và
đầy tự tin của mình.
Đứng ở tầm nhìn rộng hơn, với một người làm thơ như Trần Mạnh
Hảo, lối chơi vần đó là một thương vụ có lời. Và lời rất lớn.
Cảm Xúc Trong Bài Thơ Sông Lam
1/ Cảm xúc tầng 1 - đến từ ngôn từ, hình tượng, các
biện pháp tu từ: Mức độ cảm xúc của người đọc ở tầng bậc này rất mạnh. Tài sử
dụng ngôn từ, hình tượng, và đặc biệt là các thủ pháp so sánh, phúng dụ, nhân
hóa, tương phản, thậm xưng (nói quá) đã có sức khơi gợi mạnh, đưa óc liên tưởng
của người đọc đi rất xa, khoái cảm dâng lên cao ngất.
Những lời khen ưu ái dành cho bài thơ có lẽ đến từ khu vực này.
2/ Cảm xúc tầng 2 - đến từ thế trận chữ nghĩa của bài
thơ: Hoàn toàn không có. Bài thơ “thiếu tổ chức”, không có “thế trận chữ nghĩa”
mà chỉ toàn là những phát biểu gần như độc lập, rất ấn tượng, sâu sắc nhưng
không theo một trình tự, lớp lang rõ ràng nào. Tứ thơ có thể nói chỉ là những
mảnh vụn của lý trí vung vãi khắp nơi.
Đội bóng Sông Lam không có đấu pháp toàn đội. Cầu thủ, phần lớn
có kỹ thuật cá nhân siêu đẳng, khi có bóng cứ tự mình múa may trên sân cỏ,
không thèm phối hợp với đồng đội.
3/ Cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) - đến từ trạng thái hưng phấn, cao
hứng của thi sĩ: Chỉ là con số không (zero) to tướng.
Bài thơ có 30 câu (228 chữ) thì 29 câu (221 chữ - 97%) hoàn toàn
là sản phẩm của lý trí, đến từ cái đầu của thi sĩ.
Lúc ấy chúng ta có 2 Trần Mạnh Hảo. Một: TMH của “cái tôi văn
hóa” với “một đầu kiến thức”, “một bụng hiểu biết” đang tung mớ kiến thức đa
dạng đó (đã được lý trí tuyển chọn) vào bài thơ. Con TMH thứ hai của “cái tôi
đích thực” đang ngồi làm thơ – nhưng ngồi đó mà hồn bay tận phương trời nào xa
tít, mất tăm, mất tích. (1)
Mãi đến câu cuối cùng (7 chữ) TMH (đang ngồi làm thơ) mới chợt
tỉnh, bước vào khung cảnh của bài thơ và chỉ cho độc giả một cảnh rất đẹp, rất
nên thơ do ông tưởng tượng ra:
Kìa gió Lào thổi cong Sông Lam
Đó là lúc “cái tôi riêng tư” xuất hiện để tạo nên “câu thơ sinh
tình”.
Và “cái tình” ấy, dù chỉ phơn phớt nhẹ cũng đủ để giành danh
hiệu “Thơ” cho Sông Lam, chứ nếu không, Sông Lam sẽ không đáng gọi là vè mà chỉ
là “một thứ cây dị chủng trong vườn thơ.”
Tâm Thế Của Thi Sĩ Lúc Làm Thơ
Trong bài
NHÂN BÀI THƠ “SÔNG LAM” CỦA TRẦN MẠNH HẢO ĐƯỢC NHÀ GIÁO KIÊM
NGHỆ SĨ PHAN THANH VÂN DIỄN NGÂM THÀNH CÔNG, PHÁT TRÊN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
(TTĐT) ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
của Trần Mạnh Hảo trên trang FB Trần Mỹ Giống, ở phần nhận xét
của nhà văn Đức Ban về thơ Trần Mạnh Hảo, có đoạn:
Tình yêu vô bờ với Xứ Nghệ dồn nén trong lòng đã thành bài thơ
“Sông Lam” và “Gió Ngàn Hống”. Vả, tác giả nói rằng ông viết thơ về Xứ Nghệ
nhằm trả món nợ với hai người Nghệ An từng làm ơn cho ông: thầy giáo hiệu trưởng
trường cấp 3 Nghĩa Hưng Nam Định kiêm dạy văn Lê Văn Trạm - quê Thanh Chương;
và nhà văn nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh (Nguyễn Thành Vân) quê Nghi Lộc. Anh Oánh
đã lấy Trần Mạnh Hảo từ đơn vị chiến đấu trong rừng về làm báo “Văn nghệ quân
giải phóng”.
Tôi chợt nhớ một đoạn thơ của Thanh Thảo trong bài Thanh Thảo,
Hát Giữa Gió Mưa của Nguyễn Đức Tùng:
lục bình ơi cho tôi trôi với
trôi lên rồi trôi xuống thôi mà
trong đầu tôi bao ý nghĩ bôn ba
làm sao hôm nay có ai đặt bài
kiếm một chút tiền còm cho trẻ nhỏ
kiếm một vài cánh hoa chầm chậm thả
lên trời
https://phudoanlagi.blogspot.com/2022/10/thanh-thao-hat-giua-gio-mua-nguyen-uc.html
Làm thơ “theo đơn đặt hàng” để được trả tiền như Thanh Thảo phải
viết theo theo yêu cầu, theo ý của “người đặt hàng” nên tính chân thật trong
thơ sẽ tự động “đi chỗ khác chơi”. Bài thơ được đặt hàng – dù tác giả khéo cách
mấy – cũng sẽ có một chữ Xạo rất to lởn vởn trước mắt người đọc.
Trường hợp của Trần Mạnh Hảo trong Sông Lam thì khác. Ông không
nhận đơn đặt hàng của ai cả nhưng vì đã chịu ơn nghĩa sâu nặng với hai người
đặc biệt quan trọng trong đời cộng thêm “tình yêu vô bờ với xứ Nghệ” nên chính
ông đã “tự đặt hàng cho mình” để viết bài thơ.
Có điều TMH không viết ba bài riêng lẻ để bày tỏ lòng biết ơn và
“tình yêu vô bờ” của mình với từng đối tượng mà cho “ba hồi nhập một”. Sử dụng
phương cách này để trả ơn thì hơi bị thiếu tế nhị. Đối với hai ân nhân ông
không có một chữ nhắc đến họ mà nội dung bài thơ chỉ ca ngợi Sông Lam, xứ Nghệ
- quê hương của hai người.
Ông đã dồn 97% quân số của đạo quân chữ nghĩa được đạo diễn bởi
lý trí (cha đẻ của chữ Xạo) (1) vào nỗ lực đền ơn đáp nghĩa (một cách gián
tiếp) nên chữ Xạo đã nhanh chóng kéo theo chữ Nịnh.
Chỉ xin lấy một thí dụ:
Để ca ngợi đức tính “kiên định lập trường đến mức gàn bướng” của
người dân Nghệ Tĩnh ông viết:
Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang
Đâu phải chỉ Nghệ Tĩnh mới có khoai lang, và đâu phải chỉ ở Nghệ
Tĩnh khoai lang mới “gàn” đến độ “luống dọc thích bò ngang”. Trần Mạnh Hảo đã
“chôm” của chung để tặng riêng cho người Nghệ Tĩnh.
Bảo là Xạo hay Nịnh tôi để tùy độc giả.
Đoạn Kết Của Bài Thơ
Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát
Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn
Người giàu có nên đất nghèo khô khát
Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…
Tôi tạm lấy 4 câu cuối coi như là đoạn kết để âm điệu cả đoạn
đọc lên có âm hưởng của “giai kết hoàn toàn” (bậc 5 trở về chủ âm) cho đẹp mặt
bài thơ. Nhưng câu cuối cùng – câu gói ghém ý chính của tứ thơ – thì lại quá
“vô duyên”.
Ở trên thì ca ngợi người dân Nghệ Tĩnh kiên định lập trường đến
mức gàn bướng mà lại kết luận:
“Kìa gió Lào thổi cong Sông Lam”
hàm ý “gió Lào cũng có thể thổi cong Sông Lam” thì còn gì là
“phẩm giá” của Sông Lam nữa.
Tóm Tắt Ưu Khuyết Điểm Của Bài Thơ
1/ Ưu điểm:
a/ Ngôn từ, hình tuợng đẹp, lạ, có sức
gợi mạnh, đôi khi có vẻ cao sang, hùng vĩ nhưng nhiều lúc cũng gần gũi, dân dã.
b/ Câu cú chắc gọn, ý tứ sâu sắc
c/ Sử dụng các biện pháp tu từ so sánh,
phúng dụ , nhân hóa, nói quá (thậm xưng), tương phản khá điệu nghệ.
d/ Thực hiện kỹ thuật gieo vần nhuần
nhuyễn với tâm thế ung dung, thoải mái – không bị bó buộc bởi “gia quy, lệ
làng, phép nước”.
e/ Số chữ trong câu không cứng ngắc mà
thay đổi tùy tiện tạo nhịp điệu uyển chuyển, sinh động chứ không đều đều tẻ
nhạt; kết quả là hóa giải được hầu hết hội chứng nhàm chán vần.
f/ Kết hợp d+e: Có dòng âm điệu tương
đối mượt mà, thông thoáng, trơn tru.
2/ Khuyết điểm:
a/ Bố cục “thiếu tổ chức”, những phát
biểu nặng chất trí tuệ quá nhiều, đặt bên nhau như những mảnh vụn của lý trí
tung tóe khắp nơi.
b/ Không có dòng chảy của tứ thơ
c/ Lý trí – cha đẻ của chữ Xạo - điều
khiển 97% quân số của bài thơ, lại viết để đền ơn, đáp nghĩa theo kiểu “ba hồi
nhập một”, “trả ơn người ta ca tụng quê hương của người” nên chữ Xạo kéo theo
chữ Nịnh.
d/ Kết luận “trật bàn đạp”
e/ Bài thơ “suýt chết” vì “cái tôi
riêng tư” của tác giả “mải chơi”; phút chót được may mắn “hồi sinh” nhưng cũng
bay hồn, mất vía.
f/ Bài thơ thiếu vắng chữ Tình.
Kết Luận
Tôi chỉ dựa vào chút kiến thức bài bản để phân tích và đưa ra
vài nhận xét về ưu khuyết điểm của thi phẩm Sông Lam. Kết luận chung cuộc về
giá trị nghệ thuật của bài thơ xin nhường cho độc giả.
Rất mong đón nhận ý kiến, bình phẩm của độc giả yêu thơ về bài
viết – dù đồng thuận hoặc trái chiều - để mọi người có thể cùng nâng cao tầm
thưởng thức thơ của mình.
Phạm Đức Nhì
Chú Thích:
1/
https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/ban-ve-chu-xao-trong-tho.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét