Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

NHÂN “HỘI THẢO KHOA HỌC THƠ ĐƯỜNG THỜI NHÀ TRẦN” CỦA CƠ QUAN “TRUNG TÂM MINH TRIẾT THƠ ĐƯỜNG VIỆT NAM”… ÔNG CHÁU TÔI “BUÔN DƯA LÊ”

 


 

       Cháu:

       - Ông ơi! Đồng nghiệp của ông vừa có bài về một hội thảo khoa học chuyên đề thơ Đường thời nhà Trần của cơ quan minh triết thơ Đường Việt Nam…

       Ông ngắt lời:

       - Ông biết rồi. Vậy cháu hiểu thế nào là thơ Đường (Đường thi) và thơ luật Đường (Đường luật)?

       - Thơ Đường là khái niệm chỉ thơ do các tác giả sinh sống trong thời Đường của Trung Hoa sáng tác. Thời Đường từ thế kỷ 7 đến đầu thế kỷ 10 (tức là trước thời Trần của Việt Nam). Thơ Đường có hai loại chủ yếu là thơ cổ phong không theo niêm luật nào cả, có từ trước thời Đường, và thơ luật Đường (Đường luật) theo quy định niêm luật rất chặt chẽ.

Thơ Đường luật có thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cũ, ngũ ngôn tứ tuyệt… Thơ Đường luật có ảnh hưởng rất nhiều tới các tác giả Việt Nam. Thơ Đường luật do các tác giả Việt Nam sáng tác, nếu dùng chữ Hán thì gọi là thơ chữ Hán, nếu dùng chữ Nôm thì gọi là thơ chữ Nôm. Ví dụ Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương…

Tóm lại: Không có cái gọi là Thơ Đường Việt Nam, càng không có cái gọi là thơ Đường thời Trần, mà chỉ có thơ Đường luật Việt Nam (thơ Việt Nam làm theo thi pháp luật thơ Đường)…

- Thế cháu nghĩ gì khi thấy cái phông hội nghị họ ghi là “Hội thảo khoa học thơ Đường thời nhà Trần – Hà Nội ngày 30-8-2022…”, hoặc cái tên bài tham luận “Thơ Đường thời nhà Trần” (của Hồ Trí Dũng), “Những tác gia thơ Đường tiêu biểu thời Trần” (của Trần Văn Đỉnh)…?

- Dạ, điều đó chứng tỏ những người chủ trì và những người tham luận trong Hội thảo khoa học này rất lơ mơ về thuật ngữ thơ Đường và thơ Đường luật. Đáng buồn là họ toàn GS, TS, Th.S… Có lẽ do lò ấp các tiến sĩ tạo ra họ?

- Cháu nghĩ gì khi đọc cái tên cơ quan “Trung tâm minh triết thơ Đường Việt Nam”?

- Ối giời ơi! Làm gì có “thơ Đường Việt Nam” mà đẻ ra cái cơ quan “Trung tâm minh triết thơ Đường Việt Nam”? Tơ lơ mơ về thuật ngữ thơ Đường với thơ Đường luật, thơ Đường với thơ thời Trần… thì “minh triết” cái khỉ gì hả ông?

- Ừ, ông đồng ý với suy nghĩ của cháu. Nói thêm: bác Trần Nguyên Trung với nhà sử học Lê Văn Lan có bài phê phán kỷ yếu hội thảo này còn đăng bài xuyên tạc lịch sử. Cụ thể cổ súy cho nhân vật nhiên thần Hoằng Nghị thành nhân thần, gán cho là bố đẻ Trần Thủ Độ, cháu nên tìm đọc. Và nhớ đừng tin ngay các vị GS, TS, ThS giấy nhé!

- Vâng ạ!

 

Trần Tuấn Phương






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét