Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Sách mới: MÙA SAU / Đỗ Việt Dũng




         Chân thành cảm ơn nhà giáo thương binh Trần Đình Thi từ Hà Nam lặn lội về Nam Định trao tận tay cho trang chủ sách biếu, cuốn:

           MÙA SAU: Thơ / Đỗ Việt Dũng. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2015. – Tái bản, chỉnh sửa và bổ sung lần thứ 2). – 258 tr. ; 21 cm.


          Nhà thơ thương binh Đỗ Việt Dũng sinh năm 1952 quê huyện Vụ Bản (Nam Định) nhập ngũ năm 1970, chiến đấu và bị thương trong chiến dịch Tây Nguyên. Ra quân ông về quê làm Trưởng ban văn hóa kiêm Phó bí thư đoàn xã, rồi thi đỗ vào Trường nghiệp vụ văn hóa học khoa Văn hóa quần chúng (nay là Đại học văn hóa Hà Nội). Ra trường ông về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc, rồi về hưu và mất năm 2017.

          Các tác phẩm của ông đã xuất bản:
        - Người không quê.
- Độc thoại.
- Hai mặt đồng tiền.
- Mùa sau.

  Một số bài thơ của ông đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như “Khách đến chơi nhà”, “Vọng phu”, “Câu ca họ Dương”, “Cánh sóng Viettel”, “Lá phiếu niềm tin”, “Trái tim người thẩm phán”, “Cô gái ngân hàng”…

Những bài thơ trong “Mùa sau” tập trung vào đề tài viết về người lính trong chiến tranh và trong thời bình. Mảng đề tài này nổi bật trong tập thơ, thể hiện cảm xúc tình cảm sâu sắc nhất của tác giả. Mảng thứ hai là thơ viết về quê hương.

Tình cảm chủ đạo của tập thơ là tình yêu người lính, yêu quê hương sâu sắc của tác giả.

Thơ Đỗ Việt Dũng không mấy ẩn dụ khó hiểu, không câu chữ cầu kỳ. Dường như ông viết thơ là để trải lòng mình, bộc lộ cảm xúc tình cảm chân thực của mình, có sao nói thế, nghĩ sao viết thế. Chính sự chân mộc trong thơ ông đã lay động được cảm xúc tình cảm của người đọc, làm người đọc cảm động và yêu mến. Tôi nghĩ, thơ Đỗ Việt Dũng đứng được là nhờ thế, giá trị của thơ Đỗ Việt Dũng chính là ở điều đó.

Trần trọng mời bạn đọc thưởng lãm “Mùa sau”, tiếng lòng của người lính chiến viết về người lính và quê hương…

GƯƠNG MẶT CHIẾN TRANH

Sau trận bom Na Pan
Anh không còn nhận ra mình nữa
Mặt hoen hoét như ruộng cày nham nhở
Thắng trận về con tưởng bố là ma

Với mọi người chiến tranh đã lùi xa
Nhưng với anh vết thương vẫn đó
Nhức nhối cả khi không trở trời trái gió
Mới thấy chiến tranh còn ở rất gần

Đồng đội anh mù mắt, cụt chân
Thương tích ấy, thời gian nào xóa được
Chỉ có trái tim, tình yêu đất nước
Phương thuốc diệu kỳ dịu bớt cơn đau

Mấy chục năm anh chẳng muốn đi đâu
Chẳng giám soi gương xem mình cười hay khóc
Cứ cặm cụi với củ khoai hạt thóc
Cố quên đi gương mặt của chính mình

Hôm vào thăm Hợp tác xã thương binh
Người họa sĩ run run bút vẽ
Trước một bức chân dung như thế
Gương mặt chiến tranh.


NỖI ĐAU DA CAM

Yêu mến tặng anh Nguyễn Văn Trí và cháu Tài.

Con bị nhiễm chất độc da cam
Ăn cũng cũng chẳng xong còn nói chi làm
Quặt quẹo tay khua vào vô thức
Vũ điệu buồn cào cấu ruột gan

Ở chiến trường bố nào biết da cam
Chỉ thấy đạn bom khốc liệt
Đến lúc sinh con mới biết
Cuộc chiến tranh kia man rợ mức nào

Hỡi nền văn minh bên kia địa cầu
Sao mang nỗi đau gieo rắc cho đồng loại?
Lớp trước bị sát thương
Đã cần suy nghĩ lại
Huống hồ cháu con sao di họa thế này?

Mỗi lần nhìn con co quắp chân tay
Bố mẹ thấy trái tim mình thắt lại
Muốn gào lên cho toàn nhân loại
Hiểu được thế nào là nỗi đau da cam.



BẠN TÔI ĐI KHÁM THƯƠNG BINH

Kính tặng vong linh anh Lê Đình Thực

Nhận giấy báo khám lại thương tật
Anh không còn tin ở chính mắt mình
Cái tuổi bảy hai xa trời gần đất
Hy vọng cuối cùng may ra được thương binh

Những vết sẹo va quệt với chiến tranh
Giấy chứng nhận bị thương đã hoen mờ dấu mực
Những tấm huân chương cào sờn áo ngực
Chút niềm vui an ủi tuổi già

Nỗi đau thì gần, vinh dự thì xa
Biết có sống được đến ngày nhận thẻ
Hay rồi cũng âm thầm lặng lẽ
Như loài hoa vô danh
Ừ, đã là hoa
Cần gì phải thương binh!



PHÍA ẤY TÔI ĐI

Tôi đi về phía ngày xưa
Gom từng vũng nắng, vạt mưa ngoài đồng.
Tôi đi về phía bão giông
Chung chiêng bảy sắc cầu vồng vắt ngang
Mãi chưa về đến đầu làng
Chỗ ngày xưa hóng nằng vàng heo may
Tre pheo gồng gánh tháng ngày
Đã cong cong dáng, đã gầy gầy thân
Đâu rồi bè bạn, cố nhân ?
Tuổi thơ vương vãi xa gần đâu đây.
Tôi đi dọc những luống cày
Hoàng hôn bạc phếch, đụn mây cuối trời.
Nồng nàn đất níu chân tôi.
Giữa mùi rơm rạ, lẫn mùi phân gio.
Đã bao giờ có xin, cho.
Bát mồ hôi đổi vài bò gạo quê.
Tôi đi từ tỉnh sang mê.
Vượt qua hạnh phúc, tìm về nỗi đau.

Xin người đừng nhận ra nhau
Kẻo tôi xấu hổ, đẩu đâu mới về.
                                               ĐỖ VIỆT DŨNG

***

Nhà thơ thương binh Đỗ Việt Dũng đã đi xa ba năm rồi. Với “Mùa sau” anh gửi lại chúng ta những vần thơ trải lòng, đau đáu niềm đau, tình yêu tha thiết con người và đất nước quê hương…

Thành Nam, 27 - 7 - 2020
Trần Mỹ Giống 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét