Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

“LẠI” HAY “CÒN” / Trần Mỹ Giống





          Từ nhiều năm nay, tấm bia mộ cụ Tú Xương bị khắc nhầm từ “còn” trong bài “Sông lấp” thành từ “lại”. Một số người quan tâm đến nhà thơ đã góp ý nên sửa lại cho đúng, nhưng không hiểu sao tấm bia vẫn không được sửa lại.

            SÔNG LẤP

         Sông kia rày đã nên đồng,
  Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
          Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
  Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.


         Trao đổi với một số bạn thơ, có người cho rằng bia được khắc đúng cho nên lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Nam Định không có ý kiến gì, không sửa. Cá nhân tôi vẫn khẳng định họ khắc sai bài thơ của cụ Tú, bởi:

        - Thứ nhất: “Lại” là từ biểu thị sự lặp lại nhiều lần của một sự việc, một hành động, một trang thái, nghĩa là đã xảy ra rồi, lại xảy ra tiếp…
Lại tưởng” trong bài thơ của cụ Tú thể hiện cụ đã nhiều lần nghe tiếng ếch, mà mỗi lần nghe tiếng ếch là cụ lại liên tưởng đến tiếng gọi đò trong quá khứ. Nhưng đã là việc từng xảy ra nhiều lần, đã khắc sâu và lặp đi lặp lại trong tâm tưởng cụ Tú thì cụ Tú chẳng thể “giật mình” được. Vậy nên từ “lại” làm cho thơ cụ Tú thành ra thiếu lô gic đến buồn cười, làm câu thơ mất hay.

        “Còn” là từ biểu thị sự kéo dài của một sự việc, một hành động, một trạng thái, nghĩa là chưa hết, chưa chấm dứt.
Thực tế hiện tại sông Vị đã bị lấp, đã biến thành “Chỗ làm nhà cửa, chỗ trng ngô khoại” mà hàng ngày cụ chứng kiến, khiến cụ liên tưởng đến cảnh thay đổi thời thế, nhân tâm. Dù con sông Vị đã bị lấp nhưng trong tâm tưởng, từ đáy lòng cụ Tú vẫn chưa quên nó, tiếng gọi đò vẫn còn trong nỗi nhớ của cụ. Cho nên, bất chợt “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai” cụ bỗng “giật mình” mà “còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Trong mi liên hệ nhận thức tình cảm giữa hiện thực và quá khứ như nêu trên thì từ “còn” là phù hợp, lô gic.

- Thứ hai: Ta hãy đọc to lên câu “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” và “Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò” để thưởng thức âm điệu của câu thơ (thể lục bát). Rõ ràng từ “còn” làm cho câu thơ nhịp nhàng, ngọt ngào, êm tai bởi cụ Tú đã sử dụng các thanh bằng trắc rất cân đối với tỷ lệ 4/4. Còn từ “lại” đọc lên thấy câu thơ nặng nề, khổ độc (ba thanh trắc liền nhau), mất sự nhịp nhàng êm ái bởi nó mất sự cân bằng thanh qua tỷ lệ bằng trắc 3/5. Lẽ nào nhà thơ tài năng xuất chúng Tú Xương lại bỏ qua cái hay mà dùng cái dở?

          - Thứ ba: Tôi đã nhờ Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định Lê Thị Sáu trực tiếp tra cứu hơn hai chục cuốn sách trong thư viện xem có chỗ nào chép bài “Sông lấp” của cụ Tú dùng từ “lại” không. Kết quả tất cả các sách đều chép từ “còn” mà không có bất cứ tài liệu nào chép từ “lại”.

            Tôi đề nghị Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch xem xét đưa ra chính kiến. Nếu bia khắc đúng thì xin cho cơ sở chứng minh. Nếu bia bị khắc sai thì sửa lại cho đúng nguyên bản thơ cụ Tú để tỏ ra tôn trọng Cụ. Thiết nghĩ việc làm này là cần thiết, cần làm ngay và không khó.

            Thưa các cụ, các bác, tôi nói thế có đúng không ạ? Xin các cụ đồng tình thì cho ý kiến tạo thành "chúng khẩu đồng từ" ạ...

TRẦN M GIỐNG
(Bộ môn NCPB)
13/398 đường Trường Chinh, tp. Nam Định
ĐT: 0919811050

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét