Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025

CÁC NHÀ KHOA BẢNG NAM ĐỊNH THỜI PHONG KIẾN / Trần Mỹ Giống

        (Tiếp theo: Tổng kết một thời cầm bút)




       Cuốn “Các nhà khoa bảng Nam Định thời phong kiến do” tôi biên soạn bắt đầu từ năm 1983. Khi đó là “Các nhà khoa bảng Hà Nam Ninh”. Sau chia tỉnh tôi chuyển giao phần các nhà khoa bảng Ninh Bình cho Thư viện tỉnh Ninh Bình. Phần còn lại gọi là “Các nhà khoa bảng Nam Hà”. Khi chia tỉnh Nam Hà thành Nam Định và Hà Nam, tôi lại cắt phần các nhà khoa bảng Hà Nam cho Thư viện tỉnh Hà Nam. Phần còn lại lấy tên là “Các nhà khoa bảng Nam Định”.


       Năm 2009 Hội VHNT Nam Định xuất bản “Các nhà khoa bảng Nam Định thời phong kiến”. Kinh phí in ấn bằng tiền cá nhân tác giả. Tôi đã gửi toàn bộ sách tặng biếu các bạn bè, các thư viện…


       Năm 2017 nhà xuất bản Quân đội nhân dân hợp đồng in bao cấp “Các nhà khoa bảng Nam Định thời phong kiến”, phát hành cho hệ thống thư viện quân đội. Tác giả được nhận tiền nhuận bút theo quy định của nhà nước.


       Tác phẩm đã được tặng Giải C Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ 6 (2006 - 2010) của tỉnh Nam Định.


       Nội dung sách:

       - Giới thiệu khái quát về các nhà khoa bảng Nam Định thời phong kiến.

       - Thống kê các nhà khoa bảng Nam Định theo địa danh, khoa thi (thời gian).

       - Tóm tắt tiểu sử hành trạng và tác phẩm của nhân vật (nếu có) theo vần chữ cái họ tên nhân vật… gồm 88 nhà khoa bảng có cứ liệu chính xác và 31 nhà khoa bảng cứ liệu chưa chính xác.

       - Một số bài viết nghiên cứu chuyên sâu về một số nhà khoa bảng Nam Định.

       - Thư mục sách tham khảo.

 

       Xin trích phần đầu của tác phẩm:

       

VÀI NÉT VỀ CÁC NHÀ KHOA BẢNG NAM ĐỊNH

 

       1 - Các sách đăng khoa lục và lịch sử còn ghi chép được, ở nước ta, từ 1075 đến 1919 tổ chức được 183 khoa thi cấp quốc gia (Đại tỷ, Đại tỷ thủ sĩ, Thái học sinh mà ta quen gọi là Đại khoa, tức thi Hội và thi Đình), lấy đỗ 3415 người (hiện chỉ còn danh sách 2898 người). Những người đỗ Đại khoa thường phải trải qua ba khoa thi (Hương, Hội, Đình) và đều được nhận một học vị nhất định tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể.


       Việc phân cấp người đỗ đại khoa thời Lý chưa rõ ràng, chỉ thấy khoa 1196 có học vị Xuất thân. Từ năm 1232 thời Trần bắt đầu chia người đỗ đại khoa làm ba giáp là Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Cách chia này được dùng tới triều Nguyễn. Khoa 1239 lại chia người đỗ làm hai loại là Giáp khoa và Ất khoa. Từ năm 1246 xuất hiện Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang gọi tắt là Thám hoa). Khoa 1256 và 1266 lấy hai Trạng nguyên (Kinh Trạng nguyên cho vùng đồng bằng Bắc bộ, Trại Trạng nguyên cho vùng Thanh Hoá...). Hai khoa 1304 và 1374 người đỗ Đệ nhị giáp được ban danh hiệu Hoàng giáp. Khoa 1426 chia người đỗ thành Giáp đẳng và Ất đẳng. Khoa 1442 xếp Đệ nhất giáp và Đệ nhị giáp vào Chính bảng, Đệ tam giáp vào Phụ bảng. Năm 1462 Lê Thánh Tông ban thêm học vị Cập đệ và Xuất thân, năm 1472 định tư cách và phân loại Tiến sĩ. Từ đây danh hiệu chính thức của người đỗ đại khoa là:

- Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ: Đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhị danh (Bảng nhãn), Đệ tam danh (Thám hoa).

- Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).

- Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Năm 1829 nhà Nguyễn đặt thêm học vị Phó bảng, lấy người đỗ trong các kỳ thi đại khoa kém điểm người đỗ Đệ tam giáp, xếp riêng thành một bảng và chưa được coi là Tiến sĩ.


Người đỗ đại khoa thời Trần gọi là Thái học sinh (có từ năm 1232 đến năm 1400), từ năm 1442 gọi là Tiến sĩ. Tiến sĩ dùng chỉ những người đỗ từ Đệ Tam giáp trở lên, đồng thời cũng là tên thông tục chỉ người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa dùng gọi những người đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Đệ nhất danh, Đệ nhị danh, Đệ tam danh), Hoàng giáp dùng gọi những người đỗ Đệ nhị giáp.


       Những người đỗ từ Tiến sĩ đến Trạng nguyên gọi là nhà khoa giáp, người đỗ Phó bảng gọi là nhà khoa bảng, người đỗ Cử nhân ở các khoa thi cấp địa phương gọi là nhà khoa mục. Người ta thường gọi chung những người đỗ đại khoa là nhà khoa bảng cho tiện.


       Người đỗ đầu cả ba khoa thi (Hương, Hội, Đình) gọi là Tam nguyên, đỗ đầu ba khoa thi liên tục gọi là Tam nguyên liên trúng.


       Người đỗ đầu khoa thi Hội gọi là Hội nguyên.

       Người đỗ đầu khoa thi Đình gọi là Đình nguyên. Trạng nguyên là học vị cao nhất nên tất nhiên là Đình nguyên. Đình nguyên có thể là Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp hoặc Tiến sĩ, nhưng không bao giờ là Phó bảng vì Phó bảng chưa phải là Tiến sĩ.

       Người đỗ đầu hai khoa thi Hội và thi Đình gọi là Song nguyên.

       Người đỗ đầu khoa thi Hương gọi là Giải nguyên (còn gọi là Tỉnh nguyên, Hương nguyên).

       Năm 1442 chính thức phân cấp thành ba khoa thi Hương, Hội, Đình nên từ đây mới có Tam nguyên và Song nguyên. Một số khoa chỉ có thi Hội mà không thi Đình cũng không thể có Tam nguyên và Song nguyên như các khoa 1453, 1458 và các khoa từ 1554 đến 1592.

 

       2 - Tỉnh Nam Định (theo giới hạn địa danh hành chính hiện nay) có 88 nhà khoa bảng có cứ liệu đáng tin cậy. Trong đó có 5 Trạng nguyên, 1 Đệ nhất giáp chưa rõ đệ danh, 1 đỗ thứ ba Đệ nhất giáp, 2 Thám hoa, 2 Bảng nhãn, 15 Hoàng giáp, 46 Tiến sĩ, 16 Phó bảng.

              Đạt danh hiệu Tam nguyên liên trúng có Hoàng giáp Trần Bích San. Trần Bích San (1838 - 1878) tự Vọng Nghi, hiệu Mai Nham, quê làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc (nay thuộc tp. Nam Định) đỗ Giải nguyên khoa Giáp Tý 1864, đỗ Hội nguyên và Đình nguyên Hoàng giáp khoa Ất Sửu 1865, được vua tặng cờ “Tam nguyên liên trúng” và cho đổi tên là Trần Hy Tăng (tỏ ý trông đợi hy vọng nhiều ở Trần Bích San). Ông làm quan tới Lễ bộ Tả tham tri, có nhiều công lao đối với nước, để lại một số tác phẩm như Mai Nham thi thảo, Nhân sự kim giám, Gia huấn ca...

Trạng nguyên Đào Sư Tích đỗ đầu cả ba kỳ thi năm 1374 đời Trần Duệ Tông (thời đó chưa phân chia rạch ròi các khoa thi nên chưa có danh hiệu Tam nguyên), làm quan đến Nhập nội Hành khiển.

              Đạt hai danh hiệu Giải nguyên và Đình nguyên có Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, Tiến sĩ Ngô Trần Thực. Đỗ Huy Liêu (1844 - 1891) quê làng La Ngạn nay thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Giải nguyên khoa 1867, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa 1879. Bài Đối sách thi Đình của ông mạch lạc, được châu phê: “Quả có thực học, những kẻ dẫm theo vết mòn không thể làm được”... Tiến sĩ Ngô Trần Thực, quê gốc Bắc Ninh, người Bách Tính, Nam Trực (Nam Định) đỗ khoa 1760 đời Lê Hiến Tông, làm quan đến Đông các Đại học sĩ.

              Đạt danh hiệu Hội nguyên có Tiến sĩ Ngô Bật Lượng.

              Đạt danh hiệu Giải nguyên có Phó bảng Nguyễn Âu Chuyên, Tiến sĩ Đỗ Phát, Tiến sĩ Đồng Công Viện. 

Nam Định có nhiều người trẻ tuổi đỗ cao, thể hiện đặc điểm thông minh ham học của người Nam Định. Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên năm 1247 khi mới 13 tuổi là vị Trạng nguyên trẻ nhất nước. Tiến sĩ Phạm Duy Chất đỗ khoa Đông Các (trên Tiến sĩ). Bảng nhãn Trần Đạo Tái đỗ năm 14 tuổi. Trạng nguyên Lương Thế Vinh đỗ khoa 1463 khi mới 23 tuổi. Trần Văn Bảo đỗ Trạng nguyên năm 1550 ở tuổi 27. Trạng nguyên Đào Sư Tích đỗ năm 1374 lúc 24 tuổi...

Không chỉ có người trẻ tuổi đỗ cao, mà những người cao tuổi cũng rất ham học, đỗ cao, thể hiện sự kiên trì phấn đấu như Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu đỗ năm 51 tuổi (có sách chép ông đỗ năm 55 tuổi). Tương truyền Vũ Tuấn Chiêu học kém, phải theo học cùng bọn trẻ con hết lớp này đến lớp khác. Thày dạy Vũ Tuấn Chiêu đã nản lòng, khuyên ông về nhà đi cày, thôi không học nữa. Trên đường về nhà, Vũ Tuấn Chiêu nhìn thấy chân cầu đá mòn vẹt, chợt hiểu ra chân lý “nước chảy đá mòn”, bèn quay lại trường quyết chí học tập, rồi đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi 1475 đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Lại bộ Tả thị lang.

       Truyền thống hiếu học ở Nam Định thể hiện rõ trong từng gia đình, dòng họ. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị có một con đỗ Phó bảng và 3 con đỗ Cử nhân. Họ Đào ở Cổ Lễ (Trực Ninh) có Đào Toàn Bân đỗ Hoàng giáp. Con Đào Toàn Bân là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, hậu duệ của ông có Tiến Sĩ Dương Bật Trạc (nguyên họ Đào đổi ra họ Dương). Nhiều gia đình cha con cùng đỗ như  Phó bảng Trần Doãn Đạt có con là Trần Bích San đỗ Hoàng giáp, Phó bảng Đỗ Huy Uyển có con là Đỗ Huy Liêu đỗ Hoàng giáp... Anh em sinh đôi cùng đỗ một khoa là Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ (Thái học sinh). Tiến sĩ Phạm Đạo Phú và Hoàng giáp Phạm Bảo là hai anh em...

       Phần lớn những nhà khoa bảng Nam Định từng giữ các chức vụ cao trong triều đình ở các thời đại: 1 Nhập nội Hành khiển, 6 Đại học sĩ, 9 Thượng thư, 3 Tham tri, 2 Tế tửu và Tư nghiệp Quốc Tử Giám, 5 Tuần phủ, 1 Đại tướng đổng quân...

Các nhà khoa bảng là những người có nhiều công lao trong xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá và giáo dục. Họ là những nhà văn, nhà giáo, nhà quân sự, nhà khoa học, nhà sử học, nhà địa chí học, nhà chính trị... để lại cho đời nhiều trước tác giá trị, họ thực sự có công lớn góp phần tạo nên giá trị của nền văn hiến nước ta. Nhà khoa học Trạng nguyên Lương Thế Vinh với Đại thành toán pháp, nhà sử học Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng với Việt sử cương mục tiết yếu, lãnh tụ yêu nước chống Pháp - nhà giáo Hoàng giáp Phạm Văn Nghị với ngôi trường đặc biệt trong lịch sử - trường Tam Đăng dạy cả văn và võ, Phó bảng Lã Xuân Oai hy sinh trong nhà tù Côn Đảo, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi trước khi bị giặc Pháp xử tử vẫn hiên ngang đọc thơ tuyệt mệnh, nhà giáo Tiến sĩ Ngô Thế Vinh với 72 bộ sách giáo khoa của ông, nhà giáo Hoàng giáp Đào Toàn Bân từng được nhà giáo Chu Văn An tôn là “đại sư vô nhị”, Quốc Tử Giám tế tửu Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh với Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên với hành động “bất bái Toàn quyền” thể hiện khí phách của sĩ phu yêu nước Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Huy Trác với tài làm phú được dân gian tôn là “Thần phú”, Trạng nguyên Nguyễn Hiền làm vẻ vang đất nước bằng trí thông minh trước sứ giả Trung Quốc, Trạng nguyên Đào Sư Tích với bài Cảnh tinh phú được người đời sau coi là “người khơi nguồn thể phú thời Trần”, Tiến sĩ Phạm Đạo Phú là một trong hai mươi tám ngôi sao của Hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông thành lập... là những tên tuổi lớn được ghi danh trong sử sách, là niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung và Nam Định nói riêng.

 

       TMG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét