Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

CẢM NHẬN BÀI THƠ “ĐÊM YÊN DŨNG” CỦA TRẦN MỸ GIỐNG / Trần Đăng Tính

 

                                                            Trần Mỹ Giống và Trần Đăng Tính

 

       ĐÊM YÊN DŨNG

 

Trên trời cao

một ngôi sao

nhấp nháy

       như
              ánh mắt

người yêu ta

thuở ấy

hẹn chờ nhau

xao xuyến

buổi ban đầu.

 

Đồi bạch đàn

Gió lao xao trong lá

ái êm niềm tâm sự ngàn xưa.

Đất cựa mình bồi hồi nhịp thở

Ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.

 

              Gió tạm biệt đồi cây

              Lá theo ngừng tâm sự.

              Đất say nồng giấc ngủ từ lâu.

              Trên trời cao

              giọt sao

              không ngủ.

              Vẫn nhấp nháy

              nhìn
              vẫn đợi chờ

              chung thủy.

                           TMG

 

       LỜI BÌNH CỦA TRẦN ĐĂNG TÍNH

 

       Nội dung bài thơ là một câu chuyện tình của đôi tình nhân “trai thanh gái lịch” vào một đêm đẹp có sao, trên đồi nương gió mát, có cây trồng gần dân tại thôn Tam Sơn, xã Hồng Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

1- Khổ một: 2 câu 8 chữ được ngắt ra bảy dòng.

Câu 1:

Trên trời cao

một ngôi sao

nhấp nháy

như

ánh mắt

người yêu ta

thuở ấy

Câu 2: được ngắt ra 3 dòng:

Hẹn chờ nhau

xao xuyến

buổi ban đầu.

       Thực ra trên trời cao có rất nhiều ngôi sao lấp lánh, nhưng tác giả chỉ chọn ra một ngôi sao sáng nhất, lấp lánh nhất… Để làm gì?... Để so sánh với mắt của một người con gái: “Như ánh mắt người yêu ta thuở ấy”.

       Tác giả đã dùng nghệ thuật so sánh, tượng trưng và nhân cách hóa để hoài niệm ánh mắt của người tình xưa.

Câu tiếp 8 chữ ngắt thành 3 dòng:

Hẹn chờ nhau

xao xuyến

buổi ban đầu.

       Đến đây độc giả đã được sáng tỏ hơn. Ánh sao được ví như ánh mắt của người yêu ta (tác giả) mà có lẽ người yêu đó là người con gái đẹp.

       Đến đây đã sáng tỏ khổ một bài thơ là hoài niệm về một chuyện tình của đôi trai gái trên đồi nương với cảnh đẹp thiên nhiên.

       2-  Khổ hai:

       - Một câu 8 chữ ngắt 2 dòng: một dòng 3 chữ và một dòng 5 chữ:

       Đồi bạch đàn

gió lao xao trong lá

       - Ba câu 7 chữ ngắt 3 dòng:

       Ái êm niềm tâm sự ngàn xua

       Đất cựa mình bồi hồi nhịp thở

       ấm hơi người luống bắp, bãi dưa. 

       Nội dung tả đồi cây hội nhập với thiên nhiên. Ánh sao, gió, âm thanh và cả con người (ẩn dụ). “Ấm hơi người” và “ái êm niềm tâm sự”. Thiên nhiên như sao, gió, cây và thiên nhiên do con người tạo ra (luống bắp, bãi dưa):

       “Ấm hơi người luống bắp, bãi dưa”.

       Thiên nhiên tâm tình hay đôi tình nhân tâm tình. Ở khổ hai này, hai dòng 3 và 4 tả thiên nhiên hòa nhập với nhau tạo ra cảm xúc ái êm và âm thanh tuyệt diệu… là nghệ thuật cách điệu và tượng trưng cho đôi trai gái tâm tình, thổn thức bên nhau, để rồi dòng 5 xuất hiện với “Ấm hơi người luống bắp, bãi dưa”.

       3-  Khổ ba: ba câu 3 dòng. Hai dòng 5 chữ. Một dòng 7 chữ.

       Không gian trên đồi tĩnh mịch. Có lẽ khuya rồi chăng? Có lẽ đôi tình nhân đã trở về nhà rồi chăng? Tôi tin chắc thế hệ Trần Mỹ Giống đôi tình nhân đã trở về nhà thật… Nhưng một câu hỏi khác đặt ra phản biện: Cũng có thể đôi tình nhân chưa về nhà mà biết đâu?... Họ ôm nhau, ghì chặt, những nụ hôn tuyệt vời, đằm thắm trao cho nhau dưới ánh sao nhấp nhày và gió mát ru êm.

       4-  Khổ bốn: Đoạn kết.

       Câu một 3 dòng. Câu hai 4 dòng.

       Thời gian đã vào khuya. Dưới mặt đất, trên đồi chỉ còn thiên nhiên: ánh sao với cây yên gió lặng. Trên trời lấp lánh những vì sao trong gió trời đêm cao lồng lộng… Tác giả nhấn mạnh vào “Trên trời cao giọt sao không ngủ” biểu hiện của sự trong sáng, trường tồn vĩnh cửu… vẫn dõi theo… vẫn đợi chờ… Một mối tình trong sáng đẹp đẽ, cao quý, chung thủy tình yêu của đôi lứa mà mình đã được nhìn, gặp gỡ, chứng kiến.

       Bài thơ giàu cảm xúc, trữ tình, có nhiều màu sắc ẩn dụ dạng “siêu thực”. Đọc xong bài thơ ta muốn mình có được một chuyện tình thơ mộng khoáng đạt như thế của “Đêm Yên Dũng”. Biết đâu?... Đây cũng chính là chuyện tình yêu thuở ban đầu của tác giả khi còn là sinh viên đại học thư viện Trường lý luận và nghiệp vụ văn hóa sơ tán ở Yên Dũng, Bắc Giang năm 1968 chẳng? Hay đây chính là dạng nhật ký bằng thơ của tác giả?

       Chúc mừng tình yêu và hạnh phúc của tác giả Trần Mỹ Giống bên người vợ đảm đang, hiền hòa và những người con hiểu biết, trưởng thành kèm theo những đứa cháu ngoan, mạnh khỏe, thông minh học giỏi.

 

           14/6/2022

       Trần Đăng Tính

      

        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét