Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

TÌM VỀ THỜI TRẺ THƠ / Ký của Trần Mỹ Giống


  
        Sau gần sáu chục năm, tôi mới có dịp tìm về những kỷ niệm thời đi học xa xưa. Thời gian về có một ngày nên khó đạt được ước muốn.
 
        Thời chúng tôi học có các giai đoạn: 
        - Vỡ lòng: Vỡ lòng A, Vỡ lòng B
        - Cấp I: Từ lớp 1 đến lớp 4.
        - Cấp II: Từ lớp 5 đến lớp 7.
        - Cấp III: Từ lớp 8 đến lớp 10.


        Hồi học Vỡ lòng, tôi học thầy Bình, cô Nhường. Thầy Bình đã đi khai hoang Yên Thế, Hà Bắc từ năm 1968 và mất đã lâu. Cô Nhường đi khai hoang vùng biển xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, Nam Định. Cô Nhường cũng đã mất rồi.
        Xã Xuân Phường, Xuân Trung, Xuân Bắc trước kia là ba thôn của làng Trà Lũ. Nơi đây có nhà thờ Phú Nhai to nhất Đông Dương...

        Cấp I và cấp II tôi học bên xã Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định (Vì bên Xuân Trung ngày ấy chưa có trường). Lần về thăm trường cũ lần này, tôi lại nhớ các bạn Xuân Phương…

        Cấp I: Tôi học thầy Hy người Xuân Bắc cùng huyện, thầy Trạch xã Xuân Phương, thầy Nhuận xã Xuân Trung. Cả ba thầy đều mất đã lâu.

        Các thầy cô dạy tôi hồi tôi học cấp II ở tản mát nhiêu nơi, tôi chưa có dịp tìm gặp được. Tôi nhớ cô Hiền người khu Bốn, dạy sinh học, giọng nói dịu dàng nhẹ nhàng rất ấn tượng. Không biết cô giờ ở đâu. Thầy Toán, thầy Tuyền, Thầy Đạm dạy văn rất hấp dẫn. Mỗi khi giảng bài, thầy Toán chuẩn bị kỹ và thực hành giảng dạy như diễn xuất trên sân khấu. Thầy Tuyền có phong cách giảng rất riêng. Tôi về sau đi giảng bài cũng vô tình giảng đúng như thầy, từ giọng nói đến cách ngắt câu, điệu bộ đến nét mặt biểu cảm… Học trò tôi cũng thích thú và yêu quý tôi như chúng tôi thích thú và yêu quý thầy Tuyền, thầy Toán. Thầy Đạm, người Xuân Bắc, dạy văn rất tình cảm. Thầy dạy chúng tôi không lâu thì chuyển lên công tác ở Sơn La, nhưng chúng tôi rất yêu quý thầy. Ngày thầy chia tay lớp, nhìn trò nữ khóc thút thít, thầy cũng không cầm được nước mắt. Chúng tôi, đứa ghi lưu niệm, đứa làm thơ tặng thầy. Tôi cũng làm... vè, đại loại có những câu như:
            ... Thầy đi công tác vùng cao
      Sơn La núi vắng rừng sâu lạnh lùng
            Chúng em tình cảm trong lòng
      Băng rừng vượt núi lên cùng thầy thương
            Thầy đi xa lớp xa trường
      Xa nhà xa cả con thương một bầy
            Lòng thầy tình cảm vút bay
      Vượt rừng băng núi về đây với trường...

        Bây giờ nhớ lại, thấy “thơ” mình ngô nghê, nhưng ngày ấy là tình cảm chân thực của tôi với thầy. Thầy Đạm cũng đã thành người thiên cổ.


        Ngày tôi học cấp I, chưa có trường tập trung như bây giờ. Lớp học mượn nhà dân, phân tán nhiều nơi khác nhau, xung quanh nhà thờ Phú Nhai.


        Một trong số những ngôi nhà ngày xưa làm lớp học hồi cấp I của chúng tôi vẫn còn. Đó là ngôi nhà bên cạnh cầu đá nhà thờ Phú Nhai. Ngôi nhà dường như không thay đổi dù sáu chục năm đã qua. Bây giờ người ta dùng nó làm nhà giữ trẻ. Tôi bồi hồi ngắm nhìn ngôi nhà và sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu.


        Tôi vào cửa hàng nhỏ bán đồ thánh bên cạnh lớp xưa hỏi thăm tìm bạn. May mắn là chủ cửa hàng chính là anh Toan, hơn tôi ba tuổi, cùng lớp tôi. Anh Toan không nhận ra tôi ngay. Khi tôi nói “Giống đây”, anh òa ra mừng rỡ. Tôi hỏi anh về bạn bè. Anh cho biết các anh Độ (Trung Linh), Thọ (Phú Nhai)… đã qua đời. Hỏi thăm gia cảnh, anh kể con trai anh đỗ linh mục về phụ trách ở nhà thờ xã Hải Vân, Hải Hậu... Hiện “CHA đang tu nghiệp bên Vaticăng bốn năm nữa mới về”… Mỗi khi nhắc đến con trai, anh kính trọng chân thành gọi là “CHA”.


        Qua bên cầu Thống Nhất, nơi ngày xưa học cấp II, giờ nghỉ tôi thường ra cầu chơi. Cầu Thống Nhất vẫn như xưa.


        Ngôi trường một tầng ngày xưa là trường cấp II, giờ được xây cao tầng và làm trường Tiểu học. Tôi bồi hồi đứng ngoài cổng trường ngắm các cháu học sinh. Một cô giáo trẻ đi qua, lễ phép:
        - Thưa cụ, cụ hỏi ai ạ?
        - Ồ… không, tôi chỉ nhìn ngôi trường thôi. Chào cô.
        Tôi biết chắc rằng tôi có hỏi thì cô giáo trẻ này cũng không thể biết những thầy cô của tôi gần sáu chục năm trước…



        Tôi lần qua cầu Thống Nhất thăm anh Thức. Anh Thức hơn tôi ba tuổi. Ngày tôi đi học độ tuổi cách nhau tới năm bảy tuổi là thường. Anh đang học lớp bảy thì có lệnh đi bộ đội. Hỏi thăm dân sở tại được biết anh Thức từ ngày rời quân ngũ mở hiệu chữa xe đạp. Tôi gọi to:
        - Ông chủ đâu rồi, tôi nhờ ông chút đây!
        Anh Thức trong nhà bước ra. Trông anh không khác thời trẻ mấy. Tôi nhận ngay ra khuôn mặt anh. Anh nhìn tôi hỏi:
        - Ông cần gì ạ?
        - Vâng, nhờ ông chữa giúp cho cái xe máy…
        - Xe ông hỏng bộ phận gì ạ?
        Tôi không vờ được nữa, cười:
        - Bác không nhận ra em à?
        Anh Thức còn đang ngơ ngác thì chị Thức chạy tới nói như reo:
        - Anh Giống ở Xuân Trung phải không. Trông anh khác nhiều quá. Anh Thức nhà em cứ nói về anh luôn…
        Anh Thức lúc này mới nhận ra tôi, ôm lấy tôi và kéo vào nhà:
        - Tôi vẫn còn giữ bài thơ chú viết tặng trong sổ tay đấy, vậy mà đã hơn nửa thế kỷ qua rồi... Trông chú thay đổi nhiều quá!
        Hàn huyên vô tận. Chúng tôi nhắc đến tên bạn bè một cách trìu mến: Nhường, Liên (Vọng), Dung, Huệ, Oanh, Lan, Toan, Thủy, Sơn, Chiến, Lợi, Lương, Thắm, Tiếm, Tấn (Ky), Thọ, Độ, Loan... Tất cả đã hưu, đã thành “nguyên” những giám đốc, những chuyên viên, những thầy cô, những nông dân... với những số phận khác nhau... người còn người mất...
        Thì ra anh Thức cũng chiến đấu ở Quảng Trị năm 1971 – 1972… cùng chiến trường với tôi.



        Tôi bồi hồi nhớ ngày ấy, tối tối tôi thường đi một vòng sang nhà chị Oanh và Lan hàn huyên, qua nhà Loan uống nước ăn khoai, rồi vòng về cầu Thống Nhất ngồi ngoài hiên dưới ánh trăng bên cạnh Huệ. Chẳng có chuyện gì cả, chỉ là bạn bè thân nhau thích gặp nhau vậy thôi. “Khuya rồi, tớ về nhé!” “Mười giờ gì đã khuya. Ngồi chơi chút nữa!”. Tôi nằm lại trên hè ngắm trăng, cảm thấy thích thích những sợi đay trên tay Huệ đang xé cọ đi cọ lại buồn buồn trên mặt. Xuân Phương có nghề xe đay dệt chiếu mà. Thân vậy mà bỗng nhiên Huệ rẽ ngang đi trung cấp ra làm công nhân ở thành phố không một lời từ biệt. Mới rồi tình cờ tôi gặp Huệ ở thành phố Nam Định, hỏi vì sao lại bỏ bạn thân ra đi mất tích như vậy, Huệ bảo: “Tại có một mảnh giấy dán vào nhà tôi, viết: “Cái Huệ mà yêu thằng Giống thì tao giết” nên tôi hoảng quá…” Trời đất, học trò nghịch như quỷ thế! Lại nhớ chị Oanh học rất giỏi văn. Năm lớp sáu, trường tổ chức thi thơ, chị đoạt giải nhất, tôi giải nhì. Tôi quý chị Oanh nhất lớp. Năm cuối cấp, tôi và chị hẹn hò đi Bùi Chu chụp ảnh chung. Tôi thao thức cả đêm mong trời sáng để cùng chị chụp ảnh kỷ niệm. Sáng sớm chị sang nhà bảo: “Oanh và Giống không cùng họ, chụp ảnh đôi người ta dị nghị. Thôi vậy!” Rồi chị đi thanh niên xung phong, không một lá thư cho tôi. Năm ngoái chị về đám cưới ở Nam Định gần nhà tôi, tôi đón chị về nhà chơi. Nhìn chị, tôi lại nhớ chuyện chụp ảnh hụt năm xưa…

        Nghe tiếng chị Thức: “Anh uống nước ăn táo đi. Táo nhà trồng đấy, ngọt lắm!” tôi như tỉnh mơ quay về thực tại.

        Chuyện trò với anh Thức về kỷ niệm xưa không dứt. Mấy lần ông em gọi điện “về ăn cỗ đám cưới kẻo người ta phải chờ”… Tôi đành chia tay anh chị Thức. Trước khi đi, tôi chụp chung với anh mấy kiểu làm kỷ niệm ngày gặp mặt sau gần sáu chục năm xa cách, kể từ hồi lớp 7 anh đi bộ đội.

        Thời gian không cho phép. Hy vọng một dịp khác sẽ tìm lại bạn bè xưa… và thăm trường cấp III Xuân Trường nữa...

Xuân Trường 23-2-2015
TRẦN MỸ GIỐNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét