Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

BÀI THƠ “BÍ ẨN” / Trần Mỹ Giống




        Dễ có tới hơn chục cụ chuyển cho tôi một số bài thơ dạng đường luật thất ngôn bát cú có thể đọc xuôi, đọc ngược, đọc cắt câu cũng thành dăm bảy bài thơ mới hoàn chỉnh và tỏ ra hết sức kinh ngạc. Các cụ vừa thích thú khoe sự phát hiện của mình, vừa yêu cầu tôi tỏ rõ ý kiến… Vâng, làm được th thơ như thế đúng là tài thật các cụ ạ.


Nhân đây, cũng xin mách các cụ:  Trong số rất ít người làm thơ được như vậy có thể kể đến cụ Thái Quốc Mưu bút danh Quốc Mưu (Mỹ), bác Trần Văn Cường bút danh Văn Cường (Hà Nội)… là bạn văn của tôi mà tôi không chú ý đặc biệt đến loại thơ này. (Có lẽ do các tác giả này có quá nhiều bài thơ hay, đặc sắc ngang ngửa với loại thơ “bí ẩn” ấy). 

        Tôi xin mách các cụ trường hợp rất đáng kính nể dưới đây.

                                              ***

        Trước hết xin nhắc lại hai thế thơ là THẾ THƠ HỒI VĂN và THỂ THƠ LIÊN HOÀN.

          - Thơ Hồi văn là thể thơ đọc đi rồi đọc quay lại, đọc quanh co, đọc cắt câu… cũng đều thành câu thơ cả. Tỷ dụ như bài thất ngôn bát cú, ta đọc xuôi rồi đọc ngược đều thành bài thơ, ta đọc khởi từ từ thứ nhất xuôi là vần bằng, rồi khởi từ từ thứ 7 đọc ngược lại sẽ có bài thơ vần trắc. Đọc thành bài thơ 5 từ thì khởi từ số 5 (phải sang – tức từ thứ 3 ở bài gốc) đọc xuôi là vần bằng. Nếu khởi từ số 5 (trái sang) đọc ngược lại là vần trắc. Tương tự như vậy, nếu đọc thành thơ 4 từ, thơ 3 từ, thơ 6 từ (bỏ không đọc từ giữa câu ở bài gốc) chúng ta sẽ có các bài thơ 4 từ, 3 từ, 6 từ mà mỗi thể đều có hai bài vần bằng và vần trắc.

        - Thể thơ Liên hoàn là thể thơ chia nhiều bài, cứ câu đầu bài dưới lặp lại câu cuối cùng của bài trên… Cụ thể ở một bài thất ngôn bát cú chẳng hạn, ta cứ đọc luân lưu liên hoàn, mỗi câu đọc trước một lần, cứ 8 câu thành một bài.

         Làm một bài thất ngôn bát cú theo thể đường luật thì nhiều người làm được. Nhưng để bài thơ đó có thể đọc theo kiểu hồi văn, nhất là thể hồi văn kiêm thể liên hoàn mà đọc cách nào cũng đảm bảo thành bài thơ mới thì rất hiếm người làm được. Bởi trước hết nó đòi hỏi tác giả phải làm đúng tuyệt đối niêm luật theo quy định của luật thơ đó, sau đó là yêu cầu về ý nghĩa của từ...

                                       ***

           Sinh thời, vua Thiệu Trị có làm hai bài thơ bằng chữ Hán là “VŨ TRUNG SƠN THỦY” và “LƯƠNG DẠ MẠN NGÂM” có chú thích “Dùng thể Hồi văn kiêm Liên hoàn, theo bằng trắc bốn vần, đọc thành 64 bài thất ngôn và ngũ ngôn”. Hai bài trên được khảm xà cừ lưu giữ tại cung Bảo Định, trình bày theo hình tròn, có các dòng chữ so le dài ngắn tỏa ra mọi phía.

          Rất nhiều học giả, nhà thơ đã được mời giải  bài thơ này nhưng cũng chỉ đọc được vài ba bài, không ai đọc được đủ 64 bài.

Năm 1963 có ông Phạm Ngọc Khuê công bố đã giải mã được hai bài thơ “bí ẩn” cua Thiệu Trị là VŨ TRUNG SƠN THỦY và LƯƠNG DẠ MẠN NGÂM, đọc đủ 64 bài theo nguyên bản chữ Hán. Ông Phạm Ngọc Khuê lại dịch hai bài ấy ra Quốc âm đúng nguyên thể, cũng đọc đủ 64 bài, công bố trên báo BẠN DÂN số Xuân Quý Mão 1963.

Nay tôi chụp lại hầu các cụ như hai hình dưới đây.



                         VŨ TRUNG SƠN THỦY


                               LƯƠNG DẠ MẠN NGÂM

Ông Phạm Ngọc Khuê dùng lối thơ ấy (Hồi văn kiêm Liên hoàn) sáng tác bài thơ sau đây có thể đọc thành 160 bài thơ hoàn chỉnh. Thật là kỳ tài phải không các cụ. Mời các cụ tham khảo kỹ cách đọc thể Hồi văn kiêm Liên hoàn rồi cùng khám phá bí ẩn bài thơ này nhé!

CUNG TỤNG SỰ NGHIỆP
VÀ CÔNG ƠN ĐỨC THÀNH TRẦN

Cung kiếm đấu thi tài Lạc Viêt
Yết Hồ tan rã mộng Nguyên Mông
Đồng phơi xác Thát xương phơ tuyết
Huyết đẫm sông Đằng nước rải chông
Nùng Tản chói cao công nhật nguyệt
Tiết trung ghi thắm sử Tiên Long
Đông A thánh xuất sinh linh kiệt
Thiết thạch gan bền vững núi sông.

***

Ghi chú:

Trần Mỹ Giống tôi ngoại đạo thơ, liều “múa rìu qua mắt thợ”, cốt mua vui, soạn theo trí nhớ bập bõm của tuổi già, có chỗ nào sai quấy mong các cụ bỏ quá và chỉ giáo để cùng nhau vui vẻ giết thì giờ những ngày nằm nhà chống dịch Cô Vít Vũ Hán buồn vãi này nhé!

TMG kính soạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét