Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Quá trình thay đổi địa danh hành chính xã (làng) Trà Lũ thuộc huyện Xuân Trường

  Trần Mỹ Giống

 

Quá trình thay đổi địa giới, địa danh hành chính cấp xã của huyện Xuân Trường có ba trường hợp tiêu biểu:


Làng Trà Lũ ngày nay. 

Anh tư liệu của Linh mục Đaminh Trần Ngọc Đăng (chụp lại)

Một là: Một làng duy nhất kéo dài đến ngày nay, cơ bản không thay đổi địa giới mà chỉ thay đổi địa danh.
Ví dụ: Xã Xuân Thượng trải hơn năm trăm năm biến đổi vẫn cơ bản giữ nguyên địa giới. Cuối thế kỷ 15 hình thành ấp Thượng Miêu. Thế kỷ 19 làng Thượng Miêu đổi tên là Thượng Phúc. Xã Thượng Phúc được duy trì tới sau năm 1945. Đến năm 1952 mới đổi Thượng Phúc thành xã Xuân Thượng như ngày nay.



Hai là: Nhiều làng thuộc nhiều tổng, nhiều huyện khác nhau tạo thành một xã ngày nay.
Ví dụ: Xã Xuân Hồng hiện nay bao gồm phần đất của nhiều làng xã, thôn thuộc nhiều tổng trước đây: các xã Hành Thiện, Ngọc Cục, Dũng Trí, ấp Thất Sự, trại Chí Thiện của tổng Hành Thiện (phủ Thiên Trường), xã Lục Thuỷ của tổng Thuỷ Nhai (phủ Thiên Trường), các làng Phú Thọ, An Phú, An Lạc, Đô Tráng, Đồng Nê thuộc tổng Phương Để (huyện Trực Ninh). 

Ba là: Một làng trước đây nay chia thành nhiều xã.
Xã (Làng) Trà Lũ là một đơn vị hành chính tiêu biểu cho trường hợp thứ 3 này.
Làng Trà Lũ thuộc tổng Trà Lũ (phủ Thiên Trường) xưa, nay là phần đất bốn xã Xuân Trung, Xuân Bắc, Xuân Phương, một phần xã Xuân Vinh của huyện Xuân Trường.

Khoảng giữa thê kỷ 15, theo tài liệu gia phả các họ Bùi, Trần, Phan ở Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương và theo Trà Lũ xã chí của Cử nhân Lê Văn Nhưng thì thuỷ tổ họ Bùi công được sắc phong Hoàng Tín đại phu Thái bộc Tự khanh là người đến khai phá vùng đất Trà Lũ sớm nhất. Tiếp đến người họ Trần và họ Phan... Những người khai phá đất mới thường chọn nơi trú chân là vùng đất cao, màu mỡ. Còn những nơi đầm lầy, khó canh tác thì bỏ qua. Vì vậy, sau này cư dân Nhật Hy đến khai phá thì chỉ còn vùng đất Phú Nhai là đầm lầy, lau sậy nằm giữa xã Trà Lũ là chưa có chủ. Tình hình này đã hình thành đặc điểm giữa lòng Trà Lũ lại là đất Phú Nhai của tổng Thuỷ Nhai. Dân gian có câu “Trà Lũ bao quanh, Nhai ở giữa” chính là chỉ hiện trạng này.  

Đến năm 1470 ấp Trà Lũ ra đời gồm năm xóm: Bắc Lạc, Bắc Động, Bắc Hà, Bắc Ngọc, Bắc Tỉnh. Khi đất đai được ngày càng mở rộng, trù phú, dân cư ngày một đông đúc, ấp Trà Lũ được chia làm ba thôn: Đông, Trung, Bắc. Việc đặt tên thôn căn cứ vào vị trí của từng vùng đất: thôn Trung ở giữa, thôn Bắc ở phía bắc, thôn Đông ở phía Đông. Những cư dân đầu tiên đến khai phá ấp Trà Lũ vốn quê ở xã Kim Lũ, tục gọi làng Lủ (nay thuộc Hà Nội. Có tài liệu nói nay thuộc Hải Dương). Các vị mở đất đã lấy một phần tên xã cũ của mình đặt cho vùng đất mới, và còn đặt ra câu vè nhắc nhở con cháu đời sau không quên cựu quán:
Chữ Kim đổi lấy chữ Trà
Còn một chữ Lũ để mà làm ghi. 


Trà Lũ là một trong những nơi đạo Thiên Chúa truyền vào sớm nhất ở nước ta. Ba thôn ấp Trà Lũ đều có lương, có giáo, đồng ruộng và cư dân xen kẽ. Ban đầu 3 thôn chung một chỉ bài, cùng một địa bạ, cùng một con dấu. Sau số đinh tăng, 3 thôn tách riêng mỗi thôn một chỉ bài. 

Năm 1533 ấp Trà Lũ chính thức được nhà nước ghi nhận là một xã riêng. Đạo Thiên chúa cũng phát triển nhanh trong cư dân, mỗi thôn đều thành lập một giáp giáo riêng. 

Năm 1820 xã Trà Lũ lập trại Nam Điền là vùng đất dùng cho vợ con những người đi lính sinh sống (Nam Điền là khu ruộng đất ở phía nam của xã Trà Lũ) thuộc thôn Trung. Ban đầu chỉ có một số vợ con những người đi lính đến làm ruộng, sau đào ao vượt thổ lập thành xóm của thôn Trung, rồi lại đổi gọi là trại. 


Tình hình phân xóm của các thôn như sau:

1 – Thôn Trà Lũ Trung có các xóm: Đông Nhuệ, Đông Phú, Đoài Phụ, Nam Long, Bắc Lạc, Bắc Hà, Trung Thiện, Đông Kiều, Đông Thọ, Đoài Nghĩa, Nam Phượng, Bắc Đông, Bắc Ngọc, Trung Tiên, Đông Hào, Đoài Dũng, Đoài Linh, Nam Kỳ, Bắc Tỉnh, Trung Phúc, Trung Mỹ.

2 – Thôn Trà Lũ Bắc có các xóm: Đường Nhất Nội, Đường Nhất Ngoại, Đồng Biên, Tiền Trì, Cựu Cốt Nam, Cựu Cốt Bắc, Cựu Cốt Hậu, Cựu Cốt Trung, Cựu Khẩu Nhị, Khẩu Nhị, Khẩu Tam, Khẩu Trung, Khẩu Đoài, Khẩu Nội, Đô Tạo, Hương Đông, Hương Trung.
Sau có lương có giáo lại chia ra: Tiền Trì, Tiền Trì Lễ, Tiền Trì Nghĩa, Khẩu Trung, Khẩu Trung Lễ, Khẩu Trung Nghĩa, Khẩu Đoài, Khẩu Đoài Nghĩa, Khẩu Đoài Lễ.
Đến thời Tự Đức: Khẩu Trung Nghĩa và Khẩu Đoài Nghĩa hợp nhất thành xóm Đoài Trung (là xóm người theo đạo Thiên Chúa), Hương Đông đổi thành Đông Thành, Hương Trung đổi thành Trung Thành, Cựu Cốt Hậu đổi thành Cựu Cốt Đông, Khẩu Nội số đinh giảm dần đến khi không còn xóm nữa.

3 – Thôn Trà Lũ Đông có các xóm: Đông Phú, Bắc Khang, Đoài Quí, Tây Thịnh, Trung Cường, Mỹ Đức, Nam Ninh, Vạn Thọ.
Cuối thời Tự Đức ba thôn đều chia ra lương giáo riêng gọi là giáp. Đến niên hiệu Thành Thái 1889 các giáo dân ở thôn Trung (gồm Đoài Dũng, Đoài Phụ, Đoài Nghĩa, Trung Phúc, Đông Phú, Đông Hào, Bắc Tỉnh) tách ra lập thành giáp Lạc Đạo. Giáo dân ở thôn Bắc (gồm Đồng Biên, Tiền Trì, Đoài Trung, Đông Thành) hợp nhất thành giáp Nam Cường. Ba giáp giáo của ba thôn xã Trà Lũ lại hợp nhất làm một chỉ bài gọi là thôn Trà Đoài. 

Xã Trà Lũ hình thành bốn thôn: Đông, Trung, Bắc, Đoài và trại Nam Điền thuộc thôn Trung. Năm 1890 trại Nam Điền được tách ra thành xã riêng, gọi là xã Nam Điền. Xã Nam Điền tồn tại đến sau 1945, đến năm 1952 mới đổi tên là xã Xuân Nam. Năm 1971 xã Xuân Nam được nhập thêm thôn An Cư của xã Xuân An và đổi tên là xã Xuân Vinh. 

Năm 1916 xã Trà Lũ chia thành bốn xã trên cơ sở số dân và đất của từng thôn là xã Trà Lũ Bắc, xã Trà Lũ Đông, xã Trà Lũ Trung, xã Trà Lũ Đoài. Tên bốn xã này còn tồn tại đến sau năm 1945.
Năm 1948 bốn xã Trà Lũ Bắc, Trà Lũ Đông, Trà Lũ Đoài, Trà Lũ Trung của tổng Trà Lũ và xứ Phú Nhai của tổng Thuỷ Nhai hợp nhất thành xã Trà Phú.

Năm 1950 xã Trà Phú tách làm hai xã là xã Trà Bắc (gồm thôn Trà Lũ Bắc và ba xóm Bắc Tỉnh, Đức Bà, Ông Thánh (tức giáp giáo của thôn Trà Lũ Bắc) của xã Trà Đoài) và xã Trà Phú (gồm thôn Trà Lũ Trung, Trà Lũ Đông, Trà Lũ Đoài, xứ Phú Nhai). 

Năm 1952 xã Trà Bắc đổi là xã Xuân Bắc. Xã Trà Phú đổi là xã Xuân Phương.

Năm 1956 xã Xuân Phương chia tách thành hai xã là xã Xuân Phương (gồm Trà Lũ Đông, giáp giáo của thôn Trà Lũ Đông thuộc Trà Lũ Đoài, xứ Phú Nhai) và xã Xuân Trung (gồm thôn Trà Lũ Trung và giáp giáo của Thôn Trà Lũ Trung thuộc xã Trà Đoài).

Điều cần lưu ý là xã Trà Lũ Đoài được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba giáp giáo của ba xã Trà Lũ Đông, Trà Lũ Trung, Trà Lũ Bắc có địa bàn đất đai và dân cư (theo đạo Thiên chúa giáo) nằm xen kẽ ở cả ba xã Trà Lũ Trung, Trà Lũ Đông, Trà Lũ Bắc nên khi chia Trà Phú thành xã Trà Bắc và Trà Phú, rồi Xuân Phương (tức Trà Phú) lại chia thành Xuân Trung và Xuân Phương thì Trà Lũ Đoài cũng chia về ba xã Trà Bắc (tức Xuân Bắc), Xuân Phương, và Xuân Trung. Như vậy, xã Trà Lũ Đoài vừa là đơn vị hành chính nhà nước, đồng thời lại vừa là tổ chức của đạo Thiên chúa giáo. 

Các xóm của các xã hiện nay:
- Xã Xuân Bắc gồm các xóm gọi theo số thứ tự từ 1 đến 12 và làng Trà Đông.
- Xã Xuân Phương gồm các xóm gọi theo số thứ tự từ 1 đến 6, xóm Nam và xóm Bắc.
- Xã Xuân Trung gồm các xóm gọi theo số thứ tự từ 1 đến 11.
- Xã Xuân Vinh gồm các thôn Anh Cư, Quốc Khánh, Quang Trung, Nam Hải, Nam Hồng.

Như vậy, sau gần sáu trăm năm hình thành và biến đổi, xã (làng) Trà Lũ đã chia thành 4 xã ngày nay. Dù trên bản đồ hành chính, địa danh Trà Lũ đã không còn tồn tại, nhưng Trà Lũ vẫn sống mãi trong tâm thức người dân địa phương. Dấu tích của điều này còn thể hiện ở chính sự phân bổ di tích chùa chiền của nhân dân xã hiện nay như chùa Trung (di tích văn hoá lịch sử được xếp hạng quốc gia) của xã Xuân Trung lại nằm giữa địa bàn của xã Xuân Bắc... Nằm giữa địa bàn của cư dân theo đạo Thiên Chúa như Phú Nhai vẫn còn những nhà thờ Tổ và do chính cư dân theo đạo Thiên chúa trông coi. Đó là vì cư dân lương giáo hiện nay vốn trước đây cùng dòng họ, cùng gia đình, sau có người theo đạo, có người không theo mà phân hoá theo các tín ngưỡng khác nhau. Dù là lương, hay là giáo thì cư dân Trà Lũ ngày nay vẫn rất tự hào khi nói về tên làng xưa. Địa danh Trà Lũ gắn liền với truyền thống võ vật cùng tư tưởng trọng cả võ cả văn. Trong nhiều thế kỷ sinh sống ở vùng đất sình lầy ven biển, muốn tồn tại người dân phải có sức khoẻ phi thường để chiến thắng thiên tai. “Giặc bên Ngô, đô Trà Lũ”. Những đô vật nổi tiếng, để lại nhiều giai thoại, được ghi trong nhiều sách địa chí và trong dân gian như Vũ Tân, Phan Khánh, Trần Diễn, Phan Ba, Trần Bất Hựu, Vũ Thị Hinh, Ba Hầm... đều trở thành tướng lĩnh của khởi nghĩa Phan Bá Vành. Đặc biệt, dân Trà Lũ vô cùng tự hào vì có tướng quân Hai Đáng tài giỏi, cánh tay đắc lực của Phan Bá Vành, từng cõng chủ tướng chạy thoát ra ngoài vòng vây rồi quay lại chiến đấu đến cùng với quân triều đình. Trong vở kịch và trong bài vè về Phan Bá Vành có câu: “Ba Vành trị quốc lên ngôi, Trà Lũ chúng tôi có ông Hai Đáng”... tỏ rõ niềm tự hào sâu sắc của cư dân Trà Lũ đối với địa danh Trà Lũ.
TMG

...........................................
* Tham luận công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Quá trình biến đổi địa danh hành chính làng xã tỉnh Nam Định TK19 - TK20" thực hiện 2010 - 2011 (Ký bút danh: Trần Bùi Kim Hường)
(Còn tiếp)

5 nhận xét:

  1. Bài viết tác giả vô cùng hữu ích. Cháu rất quan tâm đến lịch sử địa phương. Xin góp ý tác giả là đoạn viết "Xã Xuân Bắc gồm các xóm gọi theo số thứ tự từ 1 đến 12 và làng Trà Đông"
    Là chưa chính xác. Toàn bộ làng Trà Đông hiện nay đều thuộc xã Xuân Phương kể cả đền Trần ba xã và chùa Trà Đông tuy sát đất Xuân Bắc nhưng đều thuộc quản lý hành chính Xuân Phương ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn nói đúng. Thôn Trà Đông (thuộc tổng Trà Lũ và Thủy Nhai trước đây nay đã chia và đổi tên xóm mới. Nguồn tư liệu về làng cổ Trà Đông lấy từ ĐỊA CHÍ NAM ĐỊNH (Nxb. Chính trị Quốc Gia, 2003. Có lẽ các tác giả muốn nói mọt phần đất Trà Đông xưa hiện được cắt về Xuân Bắc…

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết của Bạn rất hay phù hợp với việc sáp nhập ĐVHC trong đó có việc đặt tên xã.Riêng Xu Vinh đổi tên từ năm 1971 bạn xem lại nhé?

    Trả lờiXóa
  4. Nếu nhập 3 xã theo Bác nên lấy tên xã mới là gì

    Trả lờiXóa