Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

ÔNG LỢN : Truyện nhặt / Trần Mỹ Giống

 


 

Bà nhà văn Ngày Mới vừa đi thăm chiến trường xưa về kể:

- Chị khoe chị có bạn cũng là hội viên Hội chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 tên là M, thằng Lợn bảo: “Không có thằng này đâu. Tôi là sĩ quan quân lực, nắm hết danh sách ai vào ai ra…” Chị bảo: “Bạn tôi có Huân chương chiến công giải phóng, Dũng sĩ Quyết thắng…” thì hắn dè bửu: “Úi dào! Mua cả đấy! Bây giờ có tiền là mua được hết!”  Chị tức lộn ruột…

 

Năm 2013 chuẩn bị Đại hội thành lập CCB bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 cấp tỉnh… Có người đưa cho tôi một tập thư phản ánh trường hợp ông Lợn tự đánh bóng, nói phét lác là sĩ quan lãnh đạo chiến đấu trong thành cổ (thực chất ông ta chỉ là hạ sĩ quan làm trợ lý quân lực tiểu đoàn), đòi mọi người phải bầu ông vào ban lãnh đạo hội để làm chủ tịch. Tôi không quen biết ông Lợn, lại cho rằng bầu bán phe phái vận động là chuyện thường, nên không đưa thư bài lên mạng. 

Mấy năm sau, dư luận ồn lên ông Lợn được lên ti vi kể công lao bảo vệ thành cổ. Lại nghe ông ta tự làm đơn xin nhà nước phong anh hùng. Tôi cùng ông Đặng họa sĩ, ông Trần nghệ sĩ, cụ Trần nguyên lãnh đạo thành phố đến nhà ông Lợn chơi, xem ông ta là người thế nào, để thu thập tài liệu viết về gương điển hình. Sau vài lần tiếp xúc với ông Lợn, cụ Trần nguyên lãnh đạo thành phố nhận xét: “Thằng Lợn kiêu quá, tự phụ, công thần, phét lác, chẳng coi ai ra gì. Cứ như chỉ có nó là nhất vậy.” Từ đó chúng tôi không giao lưu với ông Lợn nữa. Ý định viết về gương điển hình của tôi thất bại.

Ông Lợn nguyên là trợ lý quân lực cấp tiểu đoàn thì cũng chỉ là hạ sĩ quan, lo tổng hợp báo cáo giúp tiểu đoàn trưởng về quân số, chứ lãnh đạo chỉ huy cái mẹ gì? Có người biết rõ về ông ta, bảo ông ta có phải vào thành đánh đấm gì đâu mà bây giờ thánh tướng.  

Đại hội CS bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 lần ba cấp thành vừa rồi tôi không thấy ông đâu. BCH báo cáo có hai ông tự thôi sinh hoạt. Không biết ông ta có phải là một trong số này không?

Tìm hiểu kỹ, biết tiểu đoàn địa phương (có ông Lợn làm trợ lý quân lực) vào thành cổ một thời gian rồi rút ra chỉ còn một tiểu đội sống sót. Thường đơn vị chia hai: một vào thành, một ở ngoài, đổi phiên nhau. Các loại trợ lý bậu xậu của Ban chỉ huy thường ở hậu cứ. Ông Lợn không phải vào thành trực tiếp chiến đấu là khả năng lớn. Thế mà bây giờ cứ bốc phét với dân rằng ông ta là sĩ quan cán bộ quân lực nắm danh sách ai vào thành ai ra thành. Hơn nữa tiểu đoàn chỉ là đơn vị tép rưu, còn nhiều sư đoàn, trung đoàn trực tiếp giữ thành cổ, nhiều đơn vị khác nữa, mà ông ta nói cứ như ông là ông giời con, bốc khoác không ngượng mồm.

81 ngày đêm giữ thành cổ, ta hy sinh hơn một vạn, bình quân mỗi ngày ta mất một đại đội. Cái tiểu đoàn cứ cho là đủ 4 đại đội thì cũng chỉ ba bốn trăm lính. Thử hỏi nếu chỉ có tiểu đoàn của ông ta giữ thành thì trụ được mấy ngày?

Phó chủ tịch Hội toàn quốc CS bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã nhấn mạnh, đại ý: Một số người cứ cho rằng chỉ họ trực tiếp chiến đấu trong thành cổ mới là bảo vệ thành cổ. Thực ra, những người lo hậu cần, súng đạn, cơm ăn, giải quyết thương binh liệt sĩ (vận tải, quân y…) cho lực lượng trực tiếp chiến đấu trong thành, lực lượng pháo binh tên lửa, những người chốt trên các vị trí xung quanh cổ thành, trên phòng tuyến Thạch Hãn đều là chiến sĩ bảo vệ thành cổ… 

Đúng như vậy. Hội Chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 hiện nay riêng tỉnh tôi đã có hơn một nghìn. Nếu chỉ ai trực tiếp chiến đấu trong mảnh đất cổ thành gần 2 km vuông mới là chiến sĩ bảo vệ thành cổ thì thử hỏi họ trụ được mấy ngày? Giờ còn được mấy người?   

Ông Lợn may mắn sống sót dù chưa trực tiếp chiến đấu trong thành cổ, trong khi đồng đội vào thành đã thương vong gần hết, thì ông ta cứ ba hoa bốc phét cũng chẳng chết ai. Nhưng ông ta công thần tự phụ, coi thường người khác, nói và nghĩ xấu về đồng hội, tự huyễn hoặc đề cao bản thân thì chẳng đáng để ai tôn trọng nữa.

 

TMG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét