Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Sách mới: NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNH KHẤT: Tiểu thuyết Nguyễn Văn Hiên

 


 

       Nhà văn Nguyễn Văn Hiên sinh năm 1955 quê xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (gần bến phà Tân Đệ cũ). Ông là cựu chiến binh, tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du.

       Tiểu thuyết đã xuất bản:

       - Bông mai trắng : Tiểu thuyết / Nguyễn Văn Hiên. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2019.

       - Màu cỏ cháy : Tiểu thuyết / Nguyễn Văn Hiên. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2020.

       - Khát vọng : Tiểu thuyết / Nguyễn Văn Hiên. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2020.

       - Người đàn bà hành khất : Tiểu thuyết / Nguyễn Văn Hiên. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2022.

       Thơ in chung:

       - Đồng hành : Thơ. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2017.

       - Thơ Xuân Hà Nội. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2018.

       - Thàng năm rực rỡ: Thơ. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2018.

       - Hương sắc Thăng Long: Thơ. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2018.

       - Xuân và em : Thơ. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2018.

       - Dấu tình không phai : Thơ. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2018.

       - Thơ Xuân Hà Nội. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2019.

       - Theo dòng thời gian 2 : Thơ. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2019.

       - Theo dòng thời gian 2 : Thơ. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2021.

 


        Cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Hiên biếu trang chủ cuốn sách vừa in:

       NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNH KHẤT : Tiểu thuyết / Nguyễn Văn Hiên. – H. : Nxb. Hội Nhà văn, 2022. – 270 tr. ;   21 cm.

       Tiểu thuyết được viết trên cơ sở các sự kiện có thật ngoài đời. Sự hư cấu không nhiều, chỉ theo yêu cầu của cốt truyện và nhân vật.

       Nhân vật chính của tiểu thuyết là một nữ thanh niên nông thôn mới lớn đã theo tiếng gọi của đất nước lên đường gia nhập đội ngũ thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Hoàn thành nhiệm vụ, cô trở về địa phương, không nghề nghiệp, không bằng cấp, bị xã hội lãng quên,  sống cuộc đời cơ cực phải chọn con đường hành khất qua ngày và lo nuôi con. Bốn người đàn ông thoảng qua cuộc đời cô, để lại cho cô bốn trai một gái. Những người đàn ông “ăn cơm dân, mặc áo Đảng” vô trách nhiệm với cô. Chỉ có người đàn ông cuối cùng thực sự tình cảm với cô, nhưng thời gian sống với cô không lâu do ông đã già và mất. Năm người con của cô thì bốn đứa chết vì bệnh tật, vì tai nạm… Chỉ còn lại thằng con út là niềm an ủi đối với cô. Cô dùng hết sức mình kiếm sống, kể cả đi hành khất để nuôi thằng út ăn học. Cơ cực vượt quá sự chịu đựng, cô cố lết ra sông tự kết liễu đời mình. Nhưng cô không còn đủ sức lết tới dòng nước cô muốn trầm mình. Khi thằng út tốt nghiệp trường nhạc trở về và tìm thấy mẹ kiệt sức ngất sỉu bên bờ sông do nhiều ngày không có ăn…

       … “Đến nay, bà Thu hiểu rằng cây bồ công anh hay hoa diếp dại có thể chữa được bệnh đường ruột, mát gan, tiêu độc. Nhưng căn bệnh trầm kha, thâm căn cố đế của con người từ bên trong như Sở, như Thắng, như Thông, hay như chị Tám, như Thụy thì thì bà Thu nghĩ nó thuộc loại “Tứ chứng nan y”…

       Qua cuộc đời bất hạnh của người đàn bà hành khất vốn là một thanh niên xung phong, tác giả phê phán một bộ phận quan chức “ăn cơm dân, mặc áo Đảng” xuống cấp đạo đức; Cảm thông sâu sắc với những người bé nhỏ, những mảnh đời khốn khổ bị xã hội lãng quên…  

       Tác phẩm qua mấy nhà xuất bản đều bị từ chối. Tôi nghĩ, không phải vì tiểu thuyết dở, chắc chắn thế, vì tác giả đã có ba tiểu thuyết ra đời được bạn đọc nhiệt tình đón nhận và từng qua trường viết văn Nguyễn Du… Nó bị từ chối bởi sự gai góc, phơi bày sự thật mà con mắt “chính trị” không giám chấp nhận. Phải đến nhà xuất bản Hội Nhà văn, sau nhiều lần trao đổi, tác giả đồng ý để biên tập gọt bớt góc cạnh cho tác phẩm “trong trịa” hơn, tiểu thuyết mới được ra đời.

       Trân trọng mời bạn đọc tìm đọc tiểu thuyết “Người đàn bà hành khất” của nhà văn Nguyễn Văn Hiên.

      

TMG

 

       Hình ảnh Nhà văn Nguyễn Văn Hiên và bạn văn đồng hương Nam Định…



Trần Mỹ Giống và Nhà văn Nguyễn Văn Hiên (áo xanh)



Họa sĩ Đặng Nam, Nghệ sĩ Trần Chính Nghĩa, Trần Mỹ Giống và nhà văn Nguyễn Văn Hiên (26-7-2022 tại 13/398 Trường Chinh, tp Nam Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét