Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

THƯ VIỆN TƯ NHÂN LỚN NHẤT BẮC KỲ CUỐI THẾ KỶ 19 - ĐẦU THẾ KỶ 20


                            


        Cuối thế kỷ 19, ở làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường (nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có một thư viện tư nhân nổi tiếng đương thời. Đó là thư viện Hy Long của Nhà giáo Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng.


        Năm 1888 Đặng Xuân Bảng mở trường dạy học. Học trò theo học có hàng nghìn người, nhiều người đỗ đạt, tiêu biểu là Phó bảng Vũ Tuân, nhà thơ Phạm Mạnh Doanh... Sĩ phu đương thời tôn Đặng Xuân Bảng là "Bậc học nhiều biết rộng". Để giúp học trò thuận lợi trong học tập, ông phát triển tủ sách gia đình thành thư viện lớn, lấy tên là Thư viện Hy Long.

        Thư viện Hy Long có 6 gian nhà ngói thường xuyên chất đầy sách, một xưởng in có hai thợ khắc gỗ Liễu Tràng (Gia Lộc, Hải Dương) chuyên khắc mộc bản và ba thợ in ấn đóng sách làm việc thường xuyên. Xưởng in của Thư viện Hy Long đã in ấn, phát hành nhiều tác phẩm của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng và của các sĩ phu yêu nước khác. Ngoài sách có nội dung yêu nước, Thư viện Hy Long còn có nhiều sách giáo khoa luyện thi (Hương, Hội, Đình), các bài làm trong các kỳ thi của học trò, sách văn học, địa lý... Đối tượng phục vụ của Thư viện Hy Long chủ yếu là hàng nghìn học trò của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng và các nhà nho trong toàn Bắc Kỳ. Hình thức phục vụ chủ yếu là bán sách và cho học trò nghèo mượn đọc. Hàng tháng, người nhà của nhà giáo Đặng Xuân Bảng chia nhau gánh sách đi bán ở các tỉnh xa như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội... Nhiều nhà buôn sách ở Hà Nội, Nam Định cũng thường xuyên về Hành Thiện lấy sách của Thư viện Hy Long để bán lẻ.

        Trong suốt hơn hai mươi năm tồn tại (1888 - 1910), Thư viện Hy Long hoạt động mạnh mẽ, "nhộn nhịp" và có tác dụng không nhỏ trong việc phục vụ học tập và khích lệ lòng yêu nước của nhân dân. Thư viện Hy Long của nhà giáo Đặng Xuân Bảng được người đương thời đánh giá là thư viện tư nhân lớn nhất Bắc Kỳ giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, được coi ngang với Thư viện Long Cương của cụ Cao Xuân Dục ở Trung Kỳ. Năm 1898, cụ Cao Xuân Dục đã gửi tặng Thư viện Hy Long số tiền tương đương hai lạng vàng khuyến khích việc in sách có nội dung yêu nước.


        Trần Mỹ Giống


        SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TIẾN SĨ ĐẶNG XUÂN BẢNG:

        ĐẶNG Xuân Bảng (1828 – 1910), quê ở làng Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1856, làm quan trải các chức vụ Tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa), Tri phủ Yên Bình (1860), Giám sát ngự sử (1861), Chưởng ấn ở Lại Khoa (1863), Án sát Quảng Yên (1864), Bố chính Thanh Hóa (1867), Bố chính Tuyên Quang (1868), Bố chính Sơn Tây (1869), Tuần phủ Hưng Yên (1870), Tuần phủ Hải Dương (1872), Đốc học Nam Định (1886)...
        Năm 1888, Đặng Xuân Bảng xin về nghỉ an dưỡng tại quê nhà và qua đời năm 1910, thọ 83 tuổi.
        Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng là ông nội Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh).

        Tác phẩm của ông gồm có:

        - Nhân sự kim giám
        - Nam phương danh vật bị khảo.
        - Nam Quốc địa dư .
        - Nhị Độ Mai truyện.
        - Sử học bị khảo.
        - Cổ nhân hành ngôn lục.
        - Cư gia khuyến giới tắc.
        - Huấn tục Quốc âm ca.
        - Đối trướng tạp sa.
        - Thánh tổ hạnh thực diễn âm ca.
        - Thiện Đình khiêm trai văn tập
    - Thông giám tập lãm tiện độc
    - Tiên nghiêm Hội Đình thi văn
    - Việt sử chính biên tiết yếu
        - Việt sử cương mục tiết yếu
        - Việt sử tiết yếu
        - Kinh truyện toát yếu.
        - Nam sử tiện lãm.
    -Nhân sự kim giám.
        - Tuyên Quang tỉnh phú.
    - Như Tuyên thi tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét