Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

LỜI TIỄN BIỆT NHÀ THƠ HẢI NHƯ (Ngày 03/7/2017)


Nhà thơ Hải Như


          Kính thưa Hương hồn Nhà thơ Hải Như!
Kính thưa Ban tổ chức tang lễ. 
Kính thưa các cụ ông, cụ bà, các anh chị em, con cháu, họ hàng thân thiết, hai bên nội ngoại của Nhà thơ Hải Như cùng các thầy cô Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Nhà thơ Hải Như tại nhà riêng năm 2016.( Ảnh gia đình cung cấp).
Giờ này, tất cả chúng ta, đứng trước di hài Nhà thơ Hải Như, lòng đau vô hạn, thương tiếc khôn nguôi một nhà thơ lớn của văn đàn Việt Nam, để tiễn đưa Nhà thơ về nơi an nghỉ cuối cùng, khép lại một cuộc đời gian truân mà kiêu hãnh, sóng gió mà tự hào, của một nhân cách lớn, đã sống trọn nghĩa, trọn tình với với thơ ca, với đất nước, với gia đình vợ, con, cháu chắt và bạn bè thân thiết.  
Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh năm 1923, quê quán : Thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Hiện trú tại : 7/2A TL48 đường Hà Huy Giáp, Phường Thạnh Lộc, Quận 12. Do tuổi cao sức yếu, mặc dù được cụ bà, các con các cháu hết lòng chăm sóc,  nhưng Nhà thơ đã vĩnh biệt chúng ta lúc 7 giờ 23 phút ngày 30 tháng 6 năm 2017 ( nhằm ngày 07 tháng 6 năm Đinh Dậu), hưởng thượng thọ 95 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, họ hàng và bà con thân hữu gần xa.
Nhà thơ Hải Như sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi nho học. Cụ nội 4 đời là Vũ Trọng Uy, đỗ cử nhân khoa Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 23 (1870), từng làm tri huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Cha mẹ Nhà thơ làm nghề thuốc đông y.
Năm 1942 nhà thơ là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Đỗ Hữu Vị (Hà Nội). Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà thơ là Thư ký Hội truyền bá quốc ngữ cùng với cụ Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Hữu Đang tại Hà Nội. Năm 1946, ông tham gia quân đội, học lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc năm 1947. Năm 1948, Nhà thơ làm Thư ký tòa soạn Báo Sông Lô (Quân khu 10). Sau đó, lần lượt làm Biên tập viên văn nghệ Báo Vệ quốc quân, Biên tập viên văn nghệ Báo Cứu quốc, Báo Đại Đoàn kết rồi làm  Phó Tổng thư ký Toà soạn Báo Giác Ngộ thành phố Hồ Chí Minh.
Ông là nhà thơ thuộc thế hệ đầu của cách mạng, là một trong 80 văn nghệ sỹ cả nước dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất năm 1948. Tại đại hội ấy nhà thơ được xếp vào danh sách lớp nhà văn trẻ cùng với Trần Đăng, Xuân Thuỷ…Không phải ngẫu nhiên mà Nhà thơ Xuân Diệu đã đánh giá “ kể sao cho hết những tài năng mới như Bửu Tiến, Trần Đăng, những nhà báo Xuân Thủy, Hải Như “ .
          Hơn 70 năm hoạt động cách mạng và làm thơ, ông đã để lại một khối lượng đồ sộ về thơ văn. Nhưng có lẽ  nhà thơ viết về Bác Hồ nhiều nhất với hơn 40 bài, hầu hết đăng trên báo Nhân Dân. Thông qua đề tài Hồ Chí Minh, nhà thơ  viết về chúng ta, về thời đại chúng ta. Sinh thời nhà thơ tâm sự : Đề tài chỉ là cái cớ để chuyên chở tư tưởng của nhà thơ. Viết về Bác cũng là “ học Bác cách làm người“.

Ông cũng là nhà thơ có nhiều bài được phổ nhạc nhất, với hơn 100 bài. Thơ ông đậm chất nhạc, trữ tình, chứa đựng tính triết lý, tính nhân văn cao cả nhưng lại rất tự nhiên, nhẹ nhàng và không hề khiên cưỡng. Đọc rồi, ngẫm nghĩ thấy mình trong đó, thấy mình phải xem xét, điều chỉnh chính mình:
Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp...
Bạn mình!
(Người sau không bị khuất, tháng 10-1970)
          Cách viết của ông rất riêng, không lẫn với những nhà thơ khác. Tính tư duy độc lập cao, cộng với nhãn quan rất nhạy cảm, tinh tế trước sự vật và hiện tượng đã tạo cho nhà thơ một lối đi riêng trong thơ ca. Thơ của ông không ca ngợi một chiều mà bao giờ cũng tìm ra cái thật, dù cái thật đó trái với ý kiến của nhiều người.
Đừng thi vị đường đầy hoa ra mặt trận
Mẹ già ta cần ta cạnh bên người
Suốt đời mẹ đã làm nàng Tô Thị
Chiếc áo trấn thủ chồng, mẹ ấp ủ tàn hơi
(Tô Thị)
          Nguyên Bí thư Trung ương Đảng – Hoàng Tùng, Truởng ban tuyên huấn Trung ương,  một người rất kiệm lời nhưng đã đánh giá :
“Hải Như thơ ngang biển cả.
          Thắm đượm tình người đượm cả núi sông.
Uớc ao thơ tứ càng nồng.
Lời thơ càng đẹp, tâm trong ngọc hồ”.

Kính thưa Quý vị !

Sinh ra tại một miền đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, nhà thơ có tình cảm đặc biệt đối với quê hương Nam Định. Ông yêu quê hương không chỉ bằng những vần thơ mượt mà chứa chan nỗi nhớ, mà còn đứng ra vận động thành lập Hội đồng hương Nam Định. Nhà thơ cùng sinh năm Quý Hợi 1923 với Văn Cao, thân thiết với Nguyễn Bính, Phan Điền, Thép Mới, Hoàng Tùng, Nguyễn Văn An, Trần Xuân Bách... Chúng ta không thể liệt kê hết những bài thơ của ông viết về quê hương, những người con quê hương Nam Định rất tự hào về Nhà thơ. Ông Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị- Trưởng ban Tổ chức Trung ương,  trong một lần gặp gỡ Nhà thơ  tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1978,  đã nói với nhà thơ niềm  tự hào mà ông từng kể cho hai phái đoàn Việt Nam tại hội nghị Paris rằng, quê hương Nam Định của ông có Văn Cao, tác giả Quốc ca và Hải Như có nhiều bài thơ hay về Hồ Chủ tịch.
Đặc biệt, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Nhà thơ cùng Đại tướng Mai Chí Thọ đã quy tụ những người cùng quê Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam), đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, thành lập Hội đồng hương Nam Hà, để mọi người luôn nhớ về quê hương và tự hào khi được sinh ra tại một vùng đất địa linh nhân kiệt. Nhà thơ còn tổ chức bữa cơm thân mật tại nhà riêng trong buổi họp mặt đầu tiên những người sáng lập Hội đồng hương.
          Những năm sau này, khi còn khỏe, không bao giờ nhà thơ vắng mặt trong các buổi họp mặt đồng hương. Mỗi khi bà con đồng hương đến thăm,  nhà thơ  lại đắm mình trong dòng chảy ký ức về quê hương như không muốn dứt. Ông bảo rằng, con người dù đi khắp bốn phương trời nhưng cũng chỉ có một nơi để về, đó là quê hương. Nhà thơ luôn dặn chúng tôi cố gắng đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để vươn lên, xứng đáng với truyền thống Thiên Trường - Đông A hào khí.
          Nhà thơ có một gia đình rất hạnh phúc và con cháu thành đạt. Cụ bà Nguyễn Thị Ngọc Tỉnh năm nay 91 tuổi, cả cuộc đời tần tảo nuôi chồng làm thơ và nuôi con đánh giặc. Nhà thơ sinh được 7 người con , 5 trai 2 gái, trong đó có 2 người con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà thơ có 8 cháu nội, 2 cháu ngoại, 5 chắt nội ngoại.
          Sinh thời, nhà thơ luôn dạy các con : Làm việc gì cũng phải kiên trì phấn đấu đến đích cuối cùng. Nhà thơ thường nhắc lại 2 câu thơ của Trần Bích San trong bài thơ Qua Hải Vân Quan:
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí.
Nhân bất phong sương vị lão tài.
nhằm khuyên các con phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thành công.
          Người cũng luôn dạy các con phải lấy “ Thi, Thơ, Phúc, Trạch “ làm đạo làm người. Các con của nhà thơ đều trưởng thành và thành đạt. Các cháu, chắt học hành chăm ngoan.
          Nhà thơ cũng rất tâm huyết trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Luôn đau đáu về việc đào tạo thế hệ trẻ nối bước cha anh, Nhà thơ đã tham gia thành lập Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ước nguyện của ông là xây dựng một ngôi trường nơi mỗi bạn trẻ Việt Nam
          “Trao dồi kiến thức bạn hỡi/ Chung lòng cùng nhau vươn tới/ Mở tung cánh cửa của mọi chân trời”, là nơi “Mỗi người chúng ta/ Nguyện là một Nguyễn Tất Thành/ Học tập mê say cùng tiếp bước cha anh”.
          Nhà thơ vẫn theo dõi hoạt động của Nhà trường, dành thời gian góp ý, tư vấn cho ban lãnh đạo của Nhà trường. Ban lãnh đạo Nhà trường, dưới sự dẫn dắt của PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, thường xuyên tham vấn ý kiến của ông về định hướng phát triển của trường. Cũng chính nhờ những lời chỉ dạy tận tình của Nhà thơ, tập thể ban lãnh đạo, cổ đông, giảng viên, sinh viên Nhà trường đã xây dựng được một Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trở thành một trường Đại học đa ngành, đa nghề, đa bậc học, đa cơ sở đào tạo với 20.000 sinh viên, 72 ngành nghề, gần 2.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong đó hơn 62% có trình độ Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ.
          Một ngôi trường
          “Nguy nga như một đài hoa/ Thắm nở tươi trên mảnh đất thiêng lịch sử/ Đỉnh cao lâu đài khoa học rực rỡ giữa đất trời”
          như bài thơ của ông về ĐH Nguyễn Tất Thành.

          Kính thưa vong linh Nhà thơ cùng tang quyến !
          Kính thưa toàn thể bà con cô bác !
          Vẫn biết rằng, sinh ly, tử biệt là qui luật của đời người. Cuộc sống con người là có hạn, nhưng sự ra đi của nhà thơ là một mất mát vô cùng to lớn, là nỗi đau vô hạn không gì bù đắp được, đối với đất nước, quê hương và dòng họ. Cụ bà mất đi một người bạn đời hết mực thương yêu, thủy chung như nhất. Các con các cháu mất đi một người cụ, người ông, người cha tài hoa, độ lượng, nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời về đối  nhân xử thế.
          Giờ đây, Nhà thơ đã vĩnh biệt chúng ta với một triết lý sống :
Như mọi loài hoa ta ao ước được sống tận cùng hương sắc đời hoa 
Để rồi hóa thân 
Không nuối tiếc 
                   ( Nỗi buồn hoa bất tử )

Mong Nhà thơ thanh thản ra đi và bình yên trong giấc ngủ ngàn thu. 

Xin bái biệt !
----------
Để tưởng nhớ và tiễn đưa nhà thơ Hải Như về nơi vĩnh hằng, xin quý vị và tang quyến chúng ta hãy dành 1 phút mặc niệm.
( Phút mặc niệm bắt đầu ! Nhạc Hồn tử sĩ )
Xin chân thành cảm ơn quý vị.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét