Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

“QUÁI VẬT” CHÙA LINH QUANG – TRÀ LŨ TRUNG: BIA ĐÁ GIA PHẢ / Đỗ Hữu Trác

 



 



       Trang 469 – 470 sách “Lịch sử Sơn môn Linh Quang – Trà Lũ Trung”(01) dẫn đăng “Bia đá gia phả” ở chùa (?) với nội dung bia là “gia phả của Thiền sư Phổ Liên và một vị Hoà thượng “lạ” nữa là “Hoà thượng phái thứ 5 ở triều Nguyễn Trần Đào thiền sư, tự là Thông Hinh Đại đức thiền sư, kỵ ngày mồng 1 tháng 2.”” . Tôi chụp ảnh 2 trang sách, ghép lại thành 1 ảnh để tiện cho bạn đọc theo dõi, rà soát (ảnh kèm theo). Cũng để tiện cho việc theo dõi, sử dụng lại tư liệu đã in ấn trong sách khi cần, tôi chép lại cụ thể nội dung bia như sau: (Những con số chú thích là tôi điền thêm vào để tiện cho việc phân tích, nhận định, “phản biện” về nội dung tấm bia)

      

       “BIA ĐÁ GIA PHẢ (02)

 

       - Cao cao cao cao cao cao Tổ khảo Đào Quý công, tên huý là Vĩnh An, tên tự là Phúc Lạc, tên thuỵ là Khiêm Hoà và Tổ bà.(03)

       - Cao cao cao cao cao Tổ khảo Đinh tiệp Đốc chiến tướng công Vũ dũng triều Lê Đào Lệnh công, huý là Tung, tự là Phúc Thưởng, thuỵ là Thiện Quả và Từ bà.(04)

       - Cao cao cao cao Tổ Lê triều Kinh khoa Nhất giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân Đào phủ quân huý là Nhân, tên tự là Công Dậu, tên thuỵ là Thông Quang, kỵ ngày 13 tháng 3.(05)

       - Cao cao cao Tổ khảo nguyên nhiệm Văn Nam điện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Lại, quản thị Đào phủ quân, huý là Ích, tên tự là Kiêm Chứng, thuỵ là Phúc Lý. Giỗ ngày 27 tháng 8. Bà là Phạm Quý thị hiệu Diệu Tỉnh, kỵ ngày 20 tháng 7.(06)

       - Cao cao Tổ khảo Đào Quý công tự Huệ Thanh, hiệu Huyền Đạt, kỵ ngày 12 tháng một, bà là Phạm quý thị, tenhiệu là Tư Kính, kỵ ngày mồng 9 tháng 10.(07)

       - Cao Tổ khảo Tăng lục ti Tăng chính triều Lê, Hoà thượng Phú Thọ Nam Tổ sư Trần Đào gia, huý là Canh, tự là Vô Vi, thuỵ là Tương Tế, kỵ ngày mồng 9 tháng 6.(08)

       Bà Đặng Quý thị, hiệu là Từ Nghiêm, kỵ ngày 18 tháng 6. Bà Đặng Quý thị hiệu Từ Y, kỵ ngày 28 tháng Giêng.

       - Tằng Tổ khảo Tăng chính Ty, Hoà Thượng Phú Thọ Nam Đại học sĩ Trần Đào công, huý Phú, tự là Khoan Bình, kỵ ngày mồng 6 tháng 9.(09)

       Bà Trần Quý thị huý Túc Nhụ nhân, kỵ ngày 17 tháng Giêng.

       - Hiển Tổ khảo Hoà thượng triều Nguyễn Trần Đào Tôn sư, môn phái Hồi Quang, Minh Tam Đại học sĩ, pháp huý là Phú, tự là Phổ Liên thiền sư, kỵ ngày mồng 1 tháng 4.(10)

       Bà Trần Quý thị, huý là Bảy, hiệu là Từ Mười, kỵ ngày 10 tháng Giêng.

       - Hoà thượng phái thứ 5 ở triều Nguyễn Trần Đào thiền sư, tự là Thông Hinh Đại đức thiền sư, kỵ ngày mồng 1 tháng 2.(11)

       Vũ thị hàng huý là Hàn, hiệu là Từ Hương, kỵ ngày 12 tháng 7.”

 

       Là một phật tử quê gốc ở làng Trà Lũ, thuở bé và gần đây cũng đến chùa nhiều lần để vãn cảnh và lễ Phật, là một độc giả cuốn sách trên, tôi xin sơ bộ có vài ý kiến nhỏ theo từng nội dung chi tiết trên “BIA” (ở phần “Chú thích” cuối bài) và có những nhận định cá nhân như sau:

       1.- Cho đến năm 2021, bản thân tôi đến chùa nhiều lần, săm soi xem xét hầu hết các di văn bia đá, hoành phi, câu đối, tháp hiệu, minh khánh… ở chùa, tuyệt không hề thấy “Bia Đá Gia Phả” này. Tấm bia này - nếu thực là có “bia bằng đá” ở chùa như viết trong sách - thì chỉ là mới được viết, lập vài năm trở lại đây bằng chữ quốc ngữ Latin.

       2.- Xem xét nội dung chữ nghĩa viết khắc trên “BIA” hoàn toàn có thể khẳng định rằng: Nội dung bia do người rất ít am hiểu từng trải lịch duyệt về phả ký và văn phong cổ soạn ra. Trong khi “đứng tên chủ thể viết Gia Phả“ lại là “tằng tôn” = “chắt” = “cháu 4 đời” của Tổ Đào Phú, gọi Thiền sư Phổ Liên là “ông nội” = “Tổ”. (Người này, nếu có thực, phải là anh, em hoặc chính là cụ Trần Đào Xuyến – người đẻ ra Tổ Sư Thích Thanh Quyết. Thật vô lý !).

       3.- Nhiều nội dung trong “GIA PHẢ” thiếu căn cứ (nếu không nói là “vô lý”, “siêu thực”, “bịa tạc”) khi viết về các Tổ đỗ Nhất giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân và làm quan đến chức “Thượng thư Bộ Lại”….(12). “BIA” đá này được nhà chùa đưa thêm nhiều nội dung sai lệch, trở nên “NẶNG” quá mà thành… ”BỊA” mất rồi!(13)

       4.- Sách “Lịch sử” thì phải viết trung thực, đúng thực tế về các sự kiện, lai lịch, hành trạng của các nhân vật cụ thể, dựa trên những “cứ liệu” chuẩn xác, đúng thực tế, không bị bóp méo. Sách “Lịch sử Sơn môn Linh Quang – Trà Lũ Trung” dựa trên những “sử liệu”, những “hiện vật” như tấm “BIA” = “BỊA” này thì thực không xứng đáng mang tên ấy!

       Nếu các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm không đính chính, chỉ sau nay ít năm thôi, cuốn sách “dĩ hư truyền hư” này lại được người sau dẫn như là một “di sản”, một cẩm nang, một tư liệu lịch sử thành văn phổ biến thì thật là “di hoạ” cho hậu thế! Đáng Sợ và đáng Tiếc lắm thay!

 

VŨ HỨU TRÁC

------------------------------------

 

CHÚ THÍCH:

          (01).- Sách do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Nam Định chủ trì, Ban điều hành Sơn môn - do Hoà thượng Thích Thanh Giác làm Trưởng ban - chỉ đạo nội dung, Các tác giả biên soạn: PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, NNC. Nguyễn Đại Đồng, ThS.Thích Giác Hưởng, với sự cộng tác của: Thượng toạ Thích Thanh Lợi, Thượng toạ Thích Thanh Nghĩa, Đại đức Thích Bản Nam, Đại đức Thích Bản Ninh, TS.Nguyễn Văn Quý; Nxb Tôn giáo xuất bản quý IV/2023. (ảnh bìa sách kèm theo). Ở trang 50 sách này cũng dẫn nội dung “Bia đá gia phả” để làm căn cứ tính “tuổi” của Tổ Đào Canh.

          (02).- Cụm từ “Bia đá gia phả” rất không thông dụng nhất là với những tấm bia đá ký sự, ghi danh hay bản “gia phả” do người xưa lập. Nếu tấm bia này có thực, trên “trán bia” ghi rõ “BIA ĐÁ GIA PHẢ” thì chắc chắn tấm bia này mới được khắc bằng chữ quốc ngữ Latin, dựng ở chùa ! Xem phần văn phong ở bên dưới càng khẳng định rằng tấm “BIA” này không có nguồn gốc chữ Hán từ trước, mà hoàn toàn được viết mới bằng ngữ pháp, chữ quốc ngữ Latin.

          (03).- “và Tổ bà” là ngôn ngữ hiện đại, không phải ngôn ngữ Gia phả cổ. Chữ “và Tổ bà” là đã được diễn Nôm theo văn nói hiện đại rồi. (chữ Hán thường dùng xưa: “tinh từ bà” = 并慈婆 = “cùng với bà”thường thấy dùng ở các bài vị thờ tiên tổ xưa, không dùng khi viết gia phả).

          (04).- Chức quan võ “ Đinh tiệp Đốc chiến tướng công Vũ dũng” triều Lê, nghe rất lạ. Tra trong “Từ điển chức quan VN” không thấy có chức quan này.

          (05).- Tra văn bia Tiến sĩ không thấy có ông Đào Nhân tự Công Dậu đỗ Đệ nhất giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Trong Lịch sử Khoa bảng tỉnh Thái Bình, chỉ có ông Đào Vũ Thường, quê huyện Thanh Quan, đỗ Tiến sĩ Khoa thi 1746, không thể là “cụ” = “tằng tổ” của Đào Canh (sinh năm 1734) được. Họ Đào VN cũng đã tra cứu về các vị đỗ Tiến sĩ trong họ, viết ở đây: https://hodaovietnam.com/tien-si-ho-dao-viet-nam-o-van-mieu-quoc-tu-giam-cid2287.html  Trong số các vị Tiến sĩ họ Đào, không có ông Đào Nhân, tự Công Dậu như viết trong Gia phả của Tổ Đào Canh. Vậy, nội dung viết Đào Canh có “tằng tổ” = “cụ” đỗ “Đệ nhất giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân” là không có căn cứ, vô lý, thậm chí có thể cho là….”BỊA ĐẶT”.

(06).- Như vậy, ông nội của Đào Canh là Văn Nam điện Đại học sĩ, Bộ trưởng – Thượng thư bộ Lại. Không biết người viết khắc Gia phả này căn cứ vào tài liệu nào. (Trong lịch sử họ Đào Việt Nam, có ông Đào Hữu Ích – người quê Hương Sơn Hà Tĩnh, sinh năm 1839 làm quan đến chức Tổng đốc Thanh Hoá, tương đương Thượng thư. Ông này quyết không thể là “Tổ” = “ông nội” của Đào Canh (sinh năm 1734) được.). Đây lại là một nội dung thiếu căn cứ, nếu không nói là… vô lý, là… bịa đặt! Cụ Trần Quang Tiến cho biết rằng: Cụ Đào Ích là một thầy pháp – biện dịch – thầy địa lý… như nhiều thầy pháp kiêm sư chùa thời Lê mạt thôi! Cụ Đào Ích chẳng làm quan như tấm bia viết.

(07).- Theo tài liệu của cụ Trần Quang Tiến thì bố đẻ của Đào Canh là Đào THẠNH, không phải như trong “Gia phả” in trong sách này.

(08).- Đào Canh không cải họ Trần, cũng không có tước “Phú Thọ nam” và kỵ ngày 24 tháng 6, không như trong sách và “bia” viết (mồng 9 tháng 6). Nội dung này của Bia đá cũng đã được NCC Nguyễn Đại Đồng và PGS.TS Nguyễn Hồng Dương viện dẫn ở trang 50 cuốn sách, để rút ra “cụ Trần Đào Canh sinh năm 1739, trong một gia đình làm nông, thân phụ là cụ Đào Huệ Thanh hiệu Kiều Đạt”

(09).- Đào Phú không cải họ Trần, chỉ lấy vợ họ Trần, mất sớm (khi 42 tuổi: 1779 – 1820), không thể là “Hoà thượng”, không có chức quan “Đại học sĩ” như sách và “bia” viết.

(10).- Có lẽ ở đây đã viết sai về thế danh (tên huý) của Tổ Phổ Liên, (nhầm “bố” thành “con”, lấy tên huý của bố = “Phú” để gọi thay cho tên huý của con = “Kế”), Tổ Phổ Liên cũng không có chức quan “Minh Tam đại học sĩ” như trong sách và “bia” viết. Hơn nữa, “Phú” là “thế danh” của Đào Phú, không phải là “PHÁP huý”.

(11).- Vị này là con của ai mà đưa vào “Gia phả”? Tôi mạo muội “gia cát dự” rằng: Khi thấy trên bia công đức 1867 ở chùa có câu “Bản tự tự tôn Hư Tâm Khất sĩ, tự Phổ Liên tâm địa, tự Thông Hinh phụng tả = 本寺嗣孫虛心乞士字普蓮心地字通馨奉寫” (ảnh chụp tấm bia đá “công đức, dòng ghi danh người khắc kèm theo), các thầy chùa, các nhà biên soạn sách đã cho rằng, bên cạnh Thiền sư Phổ Liên = Trần Đào Kế với tên hiệu phổ biến là “Hư Tâm Khất sĩ tự Phổ Liên” thì còn có một vị thiền sư “đồ đệ” nữa của Tổ Phổ Liên với tên tự là “Thông Hinh = 通馨”, rồi xếp vị đó là Chi phái học đồ thứ 5 của Thiền sư Phổ Liên (sau 4 phái khác là: Thiền sư Thông Vĩnh, Thiền sư Thông Thạch, Thiền sư Thông (Bảo) Định và Ni trưởng Quang Tuệ). Ở đây, tôi nghĩ rằng Tổ Phổ Liên tự đặt cho mình hai tên “tự” = “chữ” khác nhau: (“Phổ Liên tâm địa = 普蓮心地” và “Thông Hinh = 通馨”), cũng như ông đã từng có hai tên “pháp huý”: (“Phổ Liên = 普蓮” và “Thanh Liên = 青蓮) (Tên “Thanh Liên = 青蓮” được Ngài xưng, khắc trên tấm bia ở chùa Kim Sa – Lãng Lăng năm Tự Đức 10 = 1857, khi Ngài đang trụ trì chùa Liêu Đông làng bên.)

(12).- Cụ Trần Quang Tiến (1927 – 1992), tu ở chùa Linh Quang - Trà Lũ Trung từ nhỏ đến sau khi Tổ Thích Thanh Quyết viên tịch (1954), là cháu gọi Tổ Thích Thanh Quyết bằng “bác ruột” (Mẹ của cụ Trần Quang Tiến là cụ Trần thị Nhài (1898 - 1992) – em gái của Tổ Thích Thanh Quyết), rất thông tuệ, rất giỏi Hán Nôm, rất am hiểu lịch sử chùa và các tăng, ni ở chùa, là người được giao thu thập, biên soạn tư liệu lịch sử chùa, sư, lại là người trong họ, cũng chỉ nghe, biết được đến ông nội và bố đẻ của Tổ Đào Canh là Đào Ích và Đào Thạnh. Hai người này đều tu tam giáo, làm thầy phù thuỷ, thầy cúng, thầy địa lý kiêm sư chùa như phần đông các sư cuối triều Lê. (ở chùa Đĩnh Lan – Hành Thiện – Xuân Trưởng hay ở chùa “Cảnh Linh Cổ Tự” ở xứ Cựu Cốt – Trà Lũ, cách chùa Linh Quang - Trà Lũ Trung chừng non 1 km cũng có nhiều “sư – biện dịch – thầy pháp” như thế. Ở đó, các “sư– biện dịch – thầy pháp” này vẫn tồn tại đến cuối TK 20 và đầu TK 21. Tác giả bài viết này cũng có cụ, ông, bác, các anh… trong họ “cha truyền con nối” làm “sư – biện dịch – thầy pháp” ở chùa Cổ Trà Lũ – Cảnh Linh Cổ Tự: Cụ Đỗ Tràng – Trường, ông Đỗ Phụng, bác Đỗ Giới, anh Đỗ Thuế, anh Đỗ Huống (Thảo)).

(13).- Nếu ở chùa Linh Quang – Trà Lũ Trung hiện thực có một tấm “BIA ĐÁ GIA PHẢ” với nội dung mà cuốn sách đã phản ánh trung thực, thì chắc chắn rằng đã có “thủ phạm” chế tác, soạn khắc một cách “tào lao”, “xúc phạm tiền nhân”, “khi Sư diệt Tổ” và nó đáng được coi là “ QUÁI VẬT” (hay hài hước một chút theo ngôn ngữ hiện đại thì gọi là “VẬT THỂ LẠ”). Với đám thủ phạm “nguỵ tạo” một cách thô vụng ấy, đáng được tặng bài thơ “chế” từ bài thơ “Tiễn người làm thơ” của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

          Tiễn người làm… BIA

Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền,

Cũng đòi học nói, nói không nên.

Ai về nhắn nhủ phường lòi tói,

Muốn sống đem BIA CÚT KHỎI đền.

 

ĐỖ HỮU TRÁC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét