Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2024

HAI BÀI THƠ VỀ “THẰNG CU TÝ” / Phạm Đức Nhì

 


Nhà thơ Phạm Đức Nhì

 

Lời Nói Đầu

 

Tình cờ đọc được bài thơ tiếng Anh trên Facebook nói về Thằng Cu Tý của đàn ông lúc về già. Bài thơ được viết bởi Willie Nelson năm ông 75 tuổi. Cái tựa The Penis Poem nếu dịch sát nghĩa sang tiếng Việt thì không được thanh tao lắm nhưng ngôn ngữ thơ thì rất dí dỏm, có vài thi ảnh độc đáo, có khả năng “thọt léc” người đọc rất mạnh.

 

Tôi vào Google tra cứu thì thấy có đến trên 50 trang Web đăng tải tác phẩm này với những lời giới thiệu và nhận xét ưu ái. Sự quan tâm của đông đảo độc giả đã thúc đẩy tôi đọc kỹ lại bài thơ và viết vài dòng goi là góp mặt với vườn thơ rộng lớn của nhân loại.

 

Hơn nữa, chính tôi mấy năm trước cũng có viết một bài “tự thú” tương tự nên nhân tiện vừa đưa ra vài nhận xét thi pháp cho bài thơ mới đọc vừa khoe bài thơ của mình với độc giả. Hy vọng “mua vui cũng được một vài trông canh”

 

     The Penis Poem

   Poem by Willie Nelson – (When he was 75)

 

My nookie days are over    7

My pilot light is out              6

What used to be my sex appeal  8

Is now my water spout    6

 

Time was when, on its own accord   8

From my trousers it would spring     7

But now I've got a full-time job   8

To find the fuckin’ thing     6

 

It used to be embarrassing   8

The way it would behave      6

For every single morning       8

It would stand and watch me shave   7

 

Now as old age approaches   7

It sure gives me the blues       6

To see it hang its little head    8

And watch me tie my shoes!   6

 

Chú thích:

 

Đây là bài thơ tiếng Anh, chữ có thể “đa âm tiết”, nên ở cuối mỗi câu tôi có một con số để chỉ số âm tiết của câu đó.

 

Tôi cũng sử dụng chút “màu xanh đỏ” để làm rõ nét cách gieo vần của tác giả.

 

https://www.staths.com/poem-by-willie-nelson-when-he-was-75/

 

Tự dịch thoát

 

 Bài Thơ Về Thằng Cu Tý

 

(Thơ của Willie Nelson, viết năm 75 tuổi)

             

Những ngày “anh lính trẻ” của tôi đã qua 

đèn hoa tiêu đã tắt

cái từng rất khêu gợi dục tình của tôi

giờ chỉ là vòi nước

 

Có lúc, theo động lực tự nhiên của thời gian

từ trong quần tôi nó tự bật lên

nhưng bây giờ phải mò mẫm cả buổi

để tìm cái thằng chết tiệt đó

 

Nó thường hành xử

một cách đáng xấu hổ

khi sáng nào cũng vậy

cứ đứng nghiêm nhìn tôi cạo râu

 

Giờ đây khi tuổi già đã đến  

chắc tôi sẽ buồn

nhìn cái đầu bé con của nó treo lòng thòng

xem tôi (cúi xuống) buộc dây giày.

 

 

Nhận Xét Về Kỹ Thuật Thơ (Thi Pháp)

 

Tứ Thơ: Nỗi buồn đậm nét khôi hài của thi sĩ khi nhận thấy sự biến đổi của Thằng Cu Tý lúc về già.

 

Tứ thơ như thế chỉ là chuyện thường tình, xưa như trái đất, nhưng cách tiếp cận, diễn đạt tứ thơ - đặc biệt là thi ảnh – thì lại rất độc đáo, khôi hài.

 

Tựa Đề: “The Penis Poem” không được “đẹp” lắm. Nếu dịch sát nghĩa sẽ hơi tục nên tôi phải tạm dịch là “Bài Thơ Về Thằng Cu Tý”.

 

Thể Thơ: Thơ Mới phân mảnh đứt đoạn, 4 đoạn, mỗi đoạn 4 câu.

 

Dòng Chảy Của Tứ Thơ: Vì phân mảnh đứt đoạn nên tứ thơ không có dòng chảy. Bài thơ chỉ là 4 “hố thơ” riêng biệt, không nối kết với nhau.

 

Câu Cú, Ngôn Ngữ: Câu cú chắc gọn; ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, rất khôi hài

 

Thi Ảnh: Tuyệt vời

 

a/

 

What used to be my sex appeal 

Is now my water spout   

cái từng rất khêu gợi dục tình của tôi

giờ chỉ là vòi nước

 

b/

 

But now I've got a full-time job 

To find the fuckin’ thing

nhưng bây giờ tôi phải mò mẫm cả buổi (làm việc toàn thời gian)

để tìm cái thằng chết tiệt đó!

   

c/

 

For every single morning      

It would stand and watch me shave

khi sáng nào cũng vậy

cứ đứng nghiêm nhìn tôi cạo râu

 

d/

 

To see it hang its little head   

And watch me tie my shoes!

nhìn cái đầu bé con của nó treo lòng thòng

xem tôi (cúi xuống) buộc dây giày.

 

Bố Cục:

 

Đoạn 1: Thời vàng son của Thằng Cu Tý đã qua.

Đoạn 2:

Hai câu đầu: Lúc còn phong độ

Hai câu sau: Khi đã “hết pin”

Đoạn 3: Lúc còn son trẻ

Đoạn 4: Lúc về già

 

Thế trận chữ nghĩa mạch lạc, độc giả dễ “bắt”, nhưng dàn trải tứ thơ như thế hơi bị trùng lặp.

 

Kết Luận:

 

Cảnh tượng:

 

“nhìn cái đầu bé con của nó treo lòng thòng

xem tôi (cúi xuống) buộc dây giầy”

 

mặc dù rất ấn tượng cũng chỉ là một trong 4 hình ảnh tội nghiệp, đáng thương của Thằng Cu Tý lúc tác giả về già. Kết luận như thế thiếu tính tổng hợp, bao quát.

 

Một điểm không hợp lý nữa ở đây là khi buộc dây giầy, đã mặc quần áo rồi, thì làm sao “nhìn cái đầu bé con của nó treo lòng thòng” được?

 

Vần: Cước vận gián cách 2/4, đoạn 3 có thêm 1/3

 

Nhàm Chán Vần: Vần đủ độ ngọt nhưng không gây cảm giác ầu ơ, nhàm chán.

 

Số Âm Tiết Trong Câu: Thay đổi với biên độ hẹp (từ 6 đến 8)

 

Nhịp Điệu: Không đơn điệu, nhờ số âm tiết trong câu thay đổi.

 

Dòng Âm Điệu: Do phân mảnh đứt đoạn nên không có dòng âm điệu.

 

Độ Dài Của Bài Thơ: Bài thơ thuộc loại ngắn, có 112 âm tiết

 

Tâm Thế Của Thi Sĩ:

 

     a/ Đối với tứ thơ: Hãnh diện nhắc lại thời “anh lính trẻ” bằng một giọng khôi hài, không tiếc nuối, đã vui vẻ chấp nhận cái thực trạng của tuổi già về phương diện sinh lý của mình. Tâm thế có thể nói là “bình lặng”.

 

     b/ Đối với hình thức thơ: Tay vẫn còn bị trói trong quy luật của Thơ Mới. Có nhúc nhích để phá lệ chút ít về số âm tiết trong câu nhưng dây trói vẫn còn khá chặt.

 

Cao Trào (điểm nhấn của tứ thơ): Bài thơ không có điểm nhấn, không có cao trào.

 

Dòng Cảm Xúc: Không có dòng cảm xúc, 4 đoạn là 4 hố thơ, cảm xúc của hố nào nằm im ở hố đó.

 

Cảm Xúc Tầng 1 (đến từ câu chữ, bóng gió - đặc biệt là thi ảnh): Chất khôi hài từ những thi ảnh tuyệt vời tạo khoái cảm rất manh, độc giả vừa đọc, vừa cười thầm suốt cả 4 đoạn. Đây là điểm nổi bật của bài thơ.

 

Cảm Xúc Tầng 2 (đến từ bố cục, thế trận chữ nghĩa): Khá mạnh.

 

Cảm xúc tầng 3 (đến từ tâm thế cao hứng): Không có, vì tác giả làm thơ lúc tỉnh táo, tâm “bình lặng”. Hơn nữa, bài thơ lại ngắn, tứ thơ phân mảnh đứt đoạn, không có dòng chảy, không tạo được cao trào.

 

Kết Luận Chung Cuộc:

 

Nhận xét Thi Pháp (kỹ thuật thơ) chú trọng kỹ thuật nên tính khách quan rất rõ nét. Nhưng khi dựa vào những nhận xét kỹ thuật đó để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ thì người thưởng thức thơ sành điệu hoặc người bình thơ sẽ đưa cái chủ quan của mình vào – coi trọng “phương tiện thẩm mỹ” này, coi nhẹ “phương tiện thẩm mỹ” kia. “Cái chủ quan” đó sẽ dẫn đến việc đánh giá mức độ Hay, Dở của bài thơ khác nhau.

 

Đây là cách thưởng thức thơ, bình thơ bài bản, tiếp cận bài thơ toàn diện.

 

Nếu là bài bình thơ tôi sẽ dùng “cái chủ quan” của mình nhào nắn, tổng hợp những “phương tiện thẩm mỹ” ở phần nhận xét thi pháp để đưa ra quyết định về giá trị nghệ thuật, nói nôm na là cho điểm bài thơ. “Điểm số” (bằng lời) trao tặng bài thơ chỉ có từ 5 đến 10% là từ “cái chủ quan” khi tổng hợp, còn 90 đến 95% là từ những nhận xét thi pháp mang tính kỹ thuật hiển hiện rất rõ ràng trên văn bản của bài thơ.

 

Nhưng ở đây, trong khung cảnh một bài Nhận Xét Thi Pháp, kết luận chung cuộc tôi xin để tùy độc giả thẩm định.

 

 

Tiếp theo là bài thơ À Ra Thế của tôi cũng viết về Thằng Cu Tý lúc tuổi già.

 

 

À RA THẾ

 

Mấy đứa con tưởng tôi hà tiện  7

sợ tốn điện, hao tiền   5

thật ra không phải vậy   5

 

Thuở ấy  2

bụng tôi rất săn   4

chỉ hơi lên gân   4

sáu cục nổi lên cuồn cuộn   6

phía dưới bụng   3

Thằng Cu Tý hùng dũng hiên ngang  7

tư thế sẵn sàng chiến đấu   6

 

Tắm xong đứng trước gương   5

càng nhìn càng thấy thuơng   5

cành nhìn càng hãnh diện   5

 

Bẵng đi mấy chục năm   5

một hôm đang tắm chợt nhìn lại mình   8

bụng không còn sáu cục   5

mà phình ra cao hơn ngực   6

phía dưới bụng   3

Thằng Cu Tý gầy yếu, xanh xao   7

gục đầu ủ rũ   4

càng nhìn càng thấy buồn   5

càng nhìn càng tủi hổ   5

 

Từ đó   2

tôi có thói quen   4

tắm đêm, không mở đèn   5

 

 

Nhận Xét Thi Pháp

 

Bố Cục:

 

À Ra Thế được chia làm 3 đoạn:

 

1/

 

“Mấy đứa con tưởng tôi hà tiện

sợ tốn điện, hao tiền

thật ra không phải vậy”

 

Bóng gió nói đến cách hành xử “kỳ cục” khiến mấy đứa con tưởng là hà tiện.

 

2/

 

“Thuở ấy” … gục đầu ủ rũ”

 

Trạng thái của Thằng Cu Tý ở 2 giai đoạn của cuộc đời: a/ hùng dũng hiên ngang và b/ gục đầu ủ rũ.

 

3/

 

“Từ đó

tôi có thói quen

tắm đêm, không mở đèn”.

 

Đây là cách hành xử “kỳ cục” khiến mấy đứa con (và độc giả) tưởng là ông bố hà tiện (bóng gió nói đến ở đoạn đầu).

 

Tuyệt Chiêu Liên Hoàn

 

Đoạn đầu bóng gió nói đến một cách hành xử “kỳ cục” khiến mấy đứa con tưởng mình “hà tiện, sợ tốn điện, hao tiền”. Phần sau của thân bài phơi bày trạng thái “gục đầu ủ rũ” của Thằng Cu Tý để có lý do “bật mí” cách hành xử “kỳ cục đó:

 

“Từ đó

Tôi có thói quen

tắm đêm, không mở đèn”.

 

Đây chính là kết luận độc đáo của bài thơ.

 

Nhận biết được cách hành xử “kỳ cục” này mấy đứa con (và cả độc giả) mỉm cười gật gù nói thầm “À Ra Thế”! Cái Tựa của bài thơ được phát sinh một cách điệu nghệ và đậm tính khôi hài.

 

Có thể nói lối phối hợp này là một tuyệt chiêu liên hoàn của kỹ thuật thơ.

 

Tứ Thơ: “Nỗi buồn” khi thấy Thằng Cu Tý lúc về già.

 

Thể Thơ: Thơ Mới biến thể, nhất khí liền mạch.

 

Dòng Chảy Của Tứ Thơ: Ngoại trừ mấy câu nhập đề (có vẻ như đứt đoạn nhưng phối hợp với đoạn kết và tựa đề sẽ tạo thành một tuyệt chiêu liên hoàn về kỹ thuật thơ) phần còn lại của tứ thơ liền lạc từ câu đầu đến câu cuối.

 

Câu Cú, Ngôn ngữ: Câu cú chắc gọn, hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp; ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu

 

Thi Ảnh: Khá đẹp, gợi cảm

 

Số Chữ Trong Câu: Thay đổi tùy tiện với biên độ rộng; câu ngắn nhất 2 chữ, câu dài nhất 8 chữ.

 

Vần: Cước vận liên tiếp từ đầu đến cuối. Có 2 chỗ thoát vận để thoải mái diễn đạt tứ thơ nhưng không ảnh hưởng độ ngọt của vần và dòng chảy của âm điệu. Ngoài ra, cũng có 2 chỗ sử dụng yêu vẫn khá có duyên:

 

1/

 

Mấy đứa con tưởng tôi hà tiện

sợ tốn điện, hao tiền

 

2/

 

“Thằng Cu Tý hùng dũng, hiên ngang

tư thế sẵn sàng chiến đấu”

 

Độ Ngọt Của Vần: Ngọt đậm nhưng không nhàm chán.

 

Lý do:

     a/ Bài thơ ngắn.

     b/ Có 2 chỗ thoát vận + 2 chỗ yêu vận.

     c/ Số chữ trong câu thay đổi với biên độ rộng.

 

Dòng Âm Điệu: Không du dương như thơ Lục Bát nhưng tương đối trơn tru, dẫn người đọc đi từ đầu đến cuối bài không ngừng nghỉ.

 

Nhịp Điệu: Nhờ số chữ trong câu thay đổi với biên độ rộng nên nhịp điệu sinh động chứ không đều đều, tẻ nhạt.

 

Độ Dài Của Bài Thơ: Bài thơ có 123 chữ, vẫn còn ngắn, chưa đủ để cảm xúc có “sóng sau dồn sóng trước” tạo hồn thơ.

 

Tâm Thế Của Thi Sĩ:

 

     b/ Đối với hình thức thơ: Đã thoát khỏi trói buộc từ những luật tắc gò bó của Thơ Mới, đặc biệt là cách gieo vần phóng khoáng.

 

     b/ Đối với tứ thơ: Nhắc đến Thằng Cu Tý “xưa và nay” như nhắc đến một kỷ niệm đẹp, một cách khôi hài ý nhị. Tâm thế có thể xem là “bình lặng”, “nỗi buồn” thực sự không có.

 

Cao Trào (điểm nhấn của tứ thơ): Tứ thơ có dòng chảy nên bài thơ có cao trào

 

“Thằng Cu Tý gầy yếu xanh xao

gục đầu ủ rũ

càng nhìn càng thấy buồn

càng nhìn càng tủi hổ”

 

Đây là lúc “nỗi buồn” lên cao ngất. Nhưng “nỗi buồn” ở đây được trưng ra chỉ để làm nổi bật chất khôi hài của bài thơ. Viết đến đây tác giả chẳng cảm thấy xót xa, nuối tiếc gì mà đang cười thầm trong bụng.

 

Dòng Cảm Xúc: Có dòng chảy tứ thơ, có dòng âm điệu nên bài thơ cũng có dòng cảm xúc. Có điều bài thơ viết về “nỗi buồn” mà từ đầu đến cuối cứ vừa viết vừa cười thầm (lòng không xao động) thì dòng cảm xúc không thể có sóng. Dòng cảm xúc không có sóng thì không thể có cảm xúc tầng 3 (tức là hồn thơ). Hơn nữa, bài thơ lại ngắn nên nếu cứ “gọi là có” thì cũng không đáng kể.

 

Cảm Xúc Tầng 1 (đến từ câu chữ, biện pháp tu từ): Mạnh

 

Cảm Xúc Tầng 2 (đến từ bố cục, thế trận chữ nghĩa): Mạnh.

 

Cảm Xúc Tầng 3 (đến từ tâm thế cao hứng của thi sĩ): Không đáng kể.

 

Nhận Xét Chung Cuộc:

 

Tôi đã đưa ra nhận xét về những tiêu chí chính để thẩm định giá trị của bài thơ. Nhận xét chung cuộc HAY hay DỞ - sẽ đậm tính chủ quan - xin nhường cho bạn đọc.

 

 

BÀN RỘNG THÊM

 

Bài thơ The Penis Poem của Willie Nelson thuộc thể loại phân mảnh, đứt đoạn, tứ thơ không liên tục chảy thành dòng mà chỉ là 4 hố thơ riêng biệt. Không có dòng chảy của tứ thơ nên không có dòng âm điệu và dĩ nhiên, không có dòng cảm xúc. Cơ hội để có cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) gần như là Zero.

 

Bởi vậy, từ khi nhận ra “điểm yếu quá lớn” của thể thơ này, lúc vung bút làm thơ, tôi đã chạy theo nắm áo cô em nhất khi liền mạch.

 

Cái Nền Kỹ Thuật Của Bài Thơ “À Ra Thế”

 

1/ Thể Thơ: Thơ Mới Biến Thể, nhất khí liền mạch.

 

2/ Dòng Chảy Của Tứ Thơ: Do thể thơ nhất khí liền mạch nên có dòng chảy của tứ thơ.

 

3/ Vần: Gieo vần tự do phóng túng, cước vận liên tiếp là chính.

 

4/ Dòng Âm Điệu: Do cước vận liên tiếp là chính nên bài thơ có dòng âm điệu.

 

5/ Số Chữ Trong Câu: Số chữ trong câu thay đổi với biên độ rộng (2-8) đã hóa giải:

     a/ Hội chứng nhàm chán vần (nếu có)

     b/ Cám giác đều đều tẻ nhạt của nhịp điệu.

Nhờ 2 điểm này dòng âm điệu đã thông thoáng, trơn tru.

 

6/ Dòng Cảm Xúc: Khi có dòng chảy của tứ thơ và dòng âm điệu thì cảm xúc từ “cơn cao hứng” cũng sẽ bám vào đó chảy thành dòng.

 

7/ Độ Dài Của Bài Thơ: Bài thơ không đủ độ dài để cảm xúc có “sóng sau dồn sóng trước”, lớn mạnh tạo hồn thơ.

 

8/ Tâm Thế Của Thi Sĩ: “Nỗi buồn” được tính khôi hài hóa giải nên tâm thế của thi sĩ có thể xem là “bình lặng”.

 

Với cái nền kỹ thuật (gồm 8 điểm) như trên mà bài thơ đủ độ dài và tâm thế của thi sĩ lại thuộc loại yêu thương nồng cháy, buồn bã thê lương, căm ghét điên cuồng, ham muốn cực điểm… hoặc ít ra cũng có chút ít “hỷ nộ ái ố” gì đó trước cảnh đời thì hồn thơ sẽ xuất hiện.

 

Rất tiếc, bài À Ra Thế thất bại ở hai điểm 7 và 8 nên xem có vẻ nhỉnh hơn bài The Penis Poem nhưng vẫn thiếu cái quý nhất là hồn thơ.

 

 

Bài Thơ Đã Đến Đích

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét