Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

ĐỌC TẬP “THƠ ZULU DC” / Châu Thạch

 



       Nhà thơ ZuLu DC tên thật Cao Duyên, sinh quán Trà Liên, Triệu phong, Quảng Trị, tốt nghiệp Hàng Hải Thương Thuyền, Đại học bách Khoa Phú Thọ - Sài Gòn, hiện trú tại California, Hoa Kỳ.

       Thật tình, tôi không hiểu vì sao nhà thơ dùng bút hiệu là ZuLu DC.  DC có thể Là Cao Duyên tên ông, còn ZuLu nghĩa là gì?  Tra cứu trên goole tôi thấy ZuLu là một dân tộc ở Nam Phi. ZuLu theo ngôn ngữ bản xứ có nghĩa là một Thiên Đường. Người ZuLu xem quê hương mình như một Thiên Đường trên trái đất, họ xem trọng trinh tiết cả nam và nữ. Như vậy có thể phỏng đoán Cao Duyên lấy bút hiệu của mình là ZuLu DC để bày tỏ một hoài bảo về những điều tốt đẹp  xảy ra trên trái đất nầy, cũng như bày tỏ cả tấm lòng trinh nguyên của ông luôn trung thành với lý tưởng đó.

       Theo nhà thơ Nguyễn Đại Hoàng thì  “ZuLu – trong tiếng Anh có nghĩa là Sky – Bầu trời”. Vậy từ đó cung có thể phỏng đoán Cao Duyên lấy bút hiệu ZuLu DC  để bày tỏ một tâm hồn phóng khoáng, tự  do, bày tỏ một tình yêu bao la rộng lớn cho tha nhân và cho đất nước quê hương.

       Khi tôi còn ở trong quân đội, lệnh truyền qua máy truyền tin cho những lần khởi hành là ZuLu (đi). Nhà thơ  ZuLu DC từng ở trong quân đội, cũng có thể chữ ZuLu ám ảnh, khiến ông đem nó vào đời mình, một cuộc đời luôn ₫i xa xứ!

       Rồi một hôm được nghe bài hát “Bên Đơi Có Nhau” phổ nhạc từ thơ ZuLu DC, tôi tìm đọc bài thơ ấy và tôi khẳng đjnh được suy nghĩ của mình về bút hiệu của Cao Duyên có thể đúng. Bài thơ viêt về “Sau CoVid tình người thắm lại/Dân tộc bừng lên từ hồn quê” như một bài hịch. Bài hịch  “Bên Đời Có Nhau” với lời thơ êm đềm nhưng sâu sắc, chặc chẽ, sắc bén, khích lệ tình cảm, tinh thần con người đã bệ rạc, bi thiết trong cơn đại dịch. Bài thơ khiến tôi liên nghĩ đến tiếng kèn khi Chúa tái lâm trong Kinh Thánh. Sau tiếng kèn đó, nhân loại có 1000 năm hạnh phúc, loài người với loài người, loài người với loài vật, loài vật với loài vật sống hoà bình, thân ái bên nhau.

       Bài thơ “Bên Đời Có Nhau” như một khải tượng, một mơ ước, một tiên tri, một lời khuyên cho  “tình người thắm lại/ Dân tộc bừng lên từ hồn quê!”. “Bên Đời Có Nhau” kỳ vọng “Chữ nghĩa giờ đây thay áo mới” như là sự đổi mới nền văn hoá trì trệ, kỳ vọng “Mặt giả lâu nay hiện mặt người” như là con người từ bỏ tội lỗi, quay về chân thiện mỹ. Đây là một bài thơ chan chứa, thể hiện niềm ước mơ tươi đẹp của chính mình cho bạn bè, cho anh em và cho cả dân tộc. Bài thơ như  tặng mỗi người chúng ta một bông hoa thắm. Nếu mỗi chúng ta cầm bông hoa đó đi trên đường đời thì hạnh phúc sẽ đến với ta và những người lân cận! Tất nhiên thơ chỉ là ước mơ, nhưng những ước mơ thánh thiện đem tâm hồn thanh khiết của nhà thơ làm ngọn gió yêu thương xoa dịu nỗi đau đang xảy ra trên trần thế.

       Nhà thơ ZuLu DC sinh ra tại Quảng Trị, nơi biên cương của hai chế độ, nơi có dòng sông Bến Hải giới tuyến của cuộc chiến tranh, nơi có  Đại Lộ Kinh Hoàng, có Cổ Thành  Quảng Trị mà bom đạn biến thành núi xương sông máu. Nhà thơ ZuLu DC theo học tại Huế,  nơi cố đô  có hoàng thành, lăng tẩm trầm mặt, mốc meo, có sông Hương  núi Ngự nên thơ  nhưng buồn hiu hắt. Ra đời, nhà thơ ZuLu DC làm thuỷ thủ lênh đênh trên biển cả. Cuối cùng nhà thơ ZuLu DC đánh mất quê hương, định cư nơi xứ người. Tất cả đã vào thơ, khiến thơ của ZuLu DC có nhiều cung bậc trăn trở, trăn trở ngay trong những lúc có niềm vui.

       Thật vậy, hảy đi vào nơi quê hương mà đất đã hoá tâm hồn tác giả:

Quê hương tôi có dòng sông Thạch Hãn

       … Đất nước chia hai một nhịp cầu

Từng vết chém thơ rướm máu

Nhìn mặt anh em lòng đau

                     (Biết Nói Sao Hơn)

về Quảng trị

Sông Bến Hải

Như người con gái

Thất tiết trước khi lấy chồng

Thạch Hãn

Dòng sông không phải dòng sông

Nước cạn nguồn đau lòng với đá

       (Từ Đàn Nam Giao Đến Sông Thạch Hãn)

Cỗ Thành dù tan nát

Vẫn lưu những bóng hình

… Quảng Trị này Quảng Trị

Ta là thằng trôi sông

… Đã bao lần ta gọi

Quảng Trị -  Quảng Trị ơi

Ta là thằng đi lạc

Lạc mất quê hương rồi

                            (Lạc Đời)

       Lấy một ít câu thơ trong nhiều bài thơ mà ZuLu DC viết cho quê hương sinh ra mình làm dẩn chứng, ta đủ hiểu nối đau âm ỉ, tiềm tàng, bất tận trong lòng thi nhân. Nỗi đau ấy đã thành thơ, thơ không có nước mắt, thơ không có tiếng rên, chỉ có lời tâm sự gởi vào tứ thơ ẩn chứa “Từng vết chém thơ rớm máu ”!

       Thế rồi nhà thơ đi học xa làng, tuổi thư sinh là tuổi mộng mơ, ghi dấu biết bao nhiêu kỷ niệm trong dòng sông ký ức của đời người.  Không thể không nói đến những bài thơ về Huế của ZuLu DC, vì nơi đó có “màu xanh của đất”,  “màu xanh của trời” và “Xanh trong lòng tôi” tức là trong lòng nhà thơ ZuLu DC mãi mãi!:

       Huế ơi Huế ơi

… Huế giữ giùm tôi

Nắng mai đĩnh Ngự

Gió chiều sông Hương

Và những con đường

Có em sóng bước .

                     (Kỷ Niệm)

Sông Hương vẫn cứ sông Hương ấy

Nước chảy tang thương đã mấy dòng

Chẳng lẽ về đây ta nín khóc

Là vui là Huế của ta không.

                           (Huế Của Ta)

Anh nhớ vô cùng, anh nhớ Huế ơi

Hương Giang, con nước trôi ngày tháng

Thành quách rêu phong lưu dấu xưa

Chỉ thiếu tình em cùng với Húê

Để anh nhìn em đã HÚÊ chưa !

                                   (Lời Hẹn)

       Nhà thơ ZuLu DC vào đời, trải qua vô vàn biến cố của đất nước làm ảnh hưởng cuộc sống của mình. Ông từng chạy nạn chiến tranh, từng là một thuỷ thủ lênh đênh trên biển, rồi từng là một người lên rừng đốn củi bứt mây, rồi lại lưu lạc xứ người. Cuộc đời nhà  thơ trải qua nhiều  biến chuyển, nên thơ ông sáng tác là loại thơ trường đời, trăn trở những mất mát xảy ra.  Đọc bài thơ “Động Đền” của ông, lòng ta không khỏi cảm hoài những kỷ niệm đẹp không còn nữa ngày nhà thơ quay lại. Động Đền một vùng đất làm dinh điền ở Hàm Tân, Bình Thuận, nơi định cư mới cho những gia đình chạy nạn chiến tranh, cửa nhà và quê hương bị chìm trong khói lửa. Nhà thơ đã định cư ở đây một thời gian, ra đi rồi quay lại để thấy mình không tìm lại được những gì mà ngày trước mình cho là “như đất hứa”. Bài thơ như tiếng thở ra đầy ưu tư của đứa con quay lại mà chốn xưa không còn nhận ra mình. Bài thơ làm rát lòng ta như “dây gàu ba đoạn nối/Quay hoài quay mãi rát bàn tay”:

Xưa ta ở cạnh người hàng xóm

Gặp gỡ đôi lần chẳng nói chi

…Trở lại Động Đền sau cuộc thế

Dốc dài cát bỏng chân ta đau

…Ngụm nước dây gàu ba đoạn nối

Quay hoài quay mãi rát bàn tay

…Động Đền thuở trước như đất hứa

Bây giờ trong ta là nhánh sông

…Có một hồi chuông đâu vọng tới

Mơ hồ nòi giống của ta xưa

Đớn đau như thể dòng nước mắt

Buồn như lịch sử trút cơn mưa

(Động Đền: 34 câu, rút còn 12 câu)

       Động đền là bài thơ hay tuyệt vời, là bài thơ  tường thuật một phần đời ZuLu DC, cũng là một phần đời của hàng vạn con người trong thế hệ của ông phải chịu cảnh “Buồn như lịch sử trút cơn mưa”!

       Sinh ra và lớn lên giữa thời tao loạn, ZuLu DC cũng  như bao chàng trai trong thế hệ của ông, phải đầu quân nhập ngũ. Nhà thơ nhớ đến quân trường xưa và nhớ đến những ngày hành quân gian khổ. Thơ về lính của ZuLu DC  đậm chất lãng mạn hơn là khí thế hào hùng, không có bom đạn và hoả châu, chỉ có yêu thương dáng kiều, yêu thương cả khi nhìn người nữ chiến binh phe địch:

Đã có một thời tuổi trẻ của chúng ta

đượm chất thơ bi tráng

của một thời vói mộng trời cao,

… thời của binh lửa có nhau,

của dáng kiều thơm mộng mị,

của những chén rượu sa trường

hùng khí,

                     (Quân Trường Xưa)

Thương quá đôi mắt U-Minh Hạ

Nửa thế kỷ vẫn như hôm qua

Cô gái nhìn ta bằng uất hận

Ta nhìn cô gái như em ta

(Đôi Mắt U-Minh-Hạ)

       Trên đây chỉ đề cập đến một vài bài thơ về một phần đời bôn ba của tác giả. Thơ ZuLu DC còn chất chứa bao nỗi niềm, tạo nên bao vết hằn trong tâm khảm ông.  Những nỗi niềm đó đã biến thành thơ nói về mẹ, về em, về tình yêu trai gái, về bạn bè và về những vui buồn đến trong cuộc sống.

Nói về mẹ và em, bài thơ “Trăng Vu Lan” của ZuLu DC có thể làm thành suối lệ trong những tâm hồn nhạy cảm với thơ:

          TRĂNG VU LAN

Đọc bài thơ em viết

Anh thành ra đứa bé

Ở một góc trời lạ

Thương mẹ và nhớ em

… Bao nhiêu là cây xanh

Bao nhiêu là hoa lá

Là bấy nhiêu lòng anh

Là yêu thương nhớ mẹ

…Mẹ giờ thân hoá đá

Em giờ hiu hắt thêm

(Bài thơ 25 câu, rút còn 10 câu)

       “Đọc bài thơ em viết/ Anh thành ra đứa bé” cho ta hiểu rằng nước mắt đã chảy thành dòng trên những trang thơ.  Không có đứa bé nào “Thương mẹ và nhớ em” mà không khóc thành tiếng, không khóc nức nở, không có dòng lệ trôi dài trên đôi gò má. Nhà thơ ZuLu DC chắc chắn cũng vậy khi ông nói rằng ông thành ra đứa bé. Trăng mùa Vu Lan cũng là trăng mùa Mưa Ngâu. Khác một chút là mưa ngâu ở trăng thượng tuần, nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ đổ xuống trần gian . Bài thơ “Trăng Vu Lan” nhà thơ nhắc đến mẹ và em, cho ta một liên tưởng đau lòng đến sự chia ly cách trở trong mùa Mưa Ngâu. Sư chia ly cách trở của xưa và nay đều đau khổ như nhau.

       Tình yêu nam nữ là thứ thơ mà không một nhà thơ nào không viết. Ngoài những bài thơ cho em trong những cuộc tình nên thơ, say đắm hay chia ly như bao bài thơ của thi sĩ đời nầy, nhà thơ ZuLu DC đặc biệt có một  bài thơ tình độc đáo. Trong bài thơ ấy, ZuLu DC cũng đi tìm là Diêu Bông cho em như ngày xưa Hoàng Cầm đi tìm lá Diêu Bông cho chị, nhưng chàng đi đến tận xứ Man Thiên  mới phát hiện nàng đứng đó, tay cầm lá Diêu Bông giấu ở sau lưng:

Đi hết núi anh tìm mà chưa gặp

Hoàng hôn tím tiếp tiếp bình minh hồng

...Anh cứ đi, đi mãi tới đầu sông

Đến tận man thiên nước chảy xuôi dòng

Anh chợt nhận ra một điều rất thật

Tay Em sau lưng giấu lá diêu bông .

(Man Thiên: Bài thơ 12 câu, rút còn 6 câu)

       Man thiên có thể hiểu là “chốn đất thiên ở thời nguyên thủy”. Chốn đất thiên nầy hiểu xa một chút chính là vườn Địa Đàng, nơi khai sinh loài người theo Kinh Thánh. Nếu hiểu như vậy thì nhà thơ đã quay về quá khứ trong hư cấu, trong tưởng tượng hay trong giấc mơ thật sự cúa mình. Và vì thế người đọc thơ cũng có thể cảm nhận được một giấc thụy du dài triền miên trong cuộc đi tìm lá Diêu Bông.

       Lá Diêu Bông không có bao giờ, giấc thụy du tìm lá Diêu Bông dầu cho dài suốt đêm thì cũng ngắn so với cuộc đời. Lá thì không có, mộng cũng không lâu, bài thơ thì ngắn nhưng tất cả là một cảm tác tuyệt vời, một trí tưởng tượng hoàn toàn nghệ thuật, một bài thơ chan chứa tình, mơ mộng như hồn bướm và siêu thoát quay về chốn cội nguồn, chốn nguyên thủy, có bóng em tươi cười, ngỗ nghịch, với lá hoa Diêu Bông giấu sau lưng làm em trở thành thánh nữ, hiển hiện trong tâm hồn bất kỳ ai đó yêu thơ.

       Nhà thơ ZuLu DC có những bài thơ Tứ Tuyệt mà ông gọi là “Thơ Rơi”  chất chứa những ưu tư, cô đọng những điều suy nghiệm, những bâng khuâng trong  cuộc sống, trong triết lý, trong tâm linh. Những bài thơ nầy mang nhiều ẩn dụ, ta đọc lên như chiêm nghiệm những gì trong bao la, được thu vào trong chiếc hồ lô thơ bé nhỏ nhưng quyền phép vô cùng:

Khi về đứng giữa bờ thiên cổ

Thấy những tàn phai thân ái xưa

Thấy những bâng khuâng còn sót lại

Nói cười như thể trong cơn mơ.

                            (Bâng Khuâng)

“Khi về đứng giữa bờ thiên cổ”: Thiên cổ là gì? Là nghìn xưa, rất lâu đời. Bờ thiên cổ là gì? Là ranh giới giữa nghìn xưa và thời gian sau đó.  “Thấy những tàn phai thân ái xưa”: “Thân ái” không phải là vật chất, thân ái thuộc về tâm hồn. Câu thơ gom cả cảnh và tình trong chữ “thân ái” cho ta một nỗi buồn man mác như mất một quá khứ, như hối tiếc một thời đã qua trong dĩ vãng xa xưa. Và nhà thơ thấy tiếp những gì? “Thấy những bâng khuâng còn sót lại”: “Bâng khuâng” là gì? Là những cảm xúc xảy ra lúc đó, những luyến tiếc, nhớ thương xen lẫn nhau, gây ra trạng thái ngẩn ngơ trong lòng. Câu thơ nhấn mạnh cho ta thấy nhà thơ muốn buông bỏ quá khứ, muốn quên đi mà không thể nào quên được. “Bâng khuâng còn sót lại” là tiếng khóc trong lòng, là giọt lê nuốt vào , là con tim đau không co mà thắt, là khi muốn quay đầu bỏ đi mà vẫn chôn chân tại chỗ, đứng ngẩn ngơ nuối tiếc . Câu thơ thứ tư trở thành câu thơ để đời, nhờ tác giả tinh tế đặt nó dưới ba câu thơ kia, làm cho nó trở nên vô cùng ý vị.

       Đọc "Bâng Khuâng" của DuLu DC, ta thấy cả một tâm hồn cô liêu buồn hiu hắt. Tâm hồn đó cô liêu đến cùng tận cái cô liêu, hiu hắt đến cùng tận cái hiu hắt, khiến cho bài thơ có bốn câu mà sự tàn phai trút từ thiên cổ về trong hiện tại, đến nỗi nhà thơ nói cười như trong cơn mơ!

Sau đây là vài bài thơ rơi khác:

THƠ VỚI TÌNH

Thơ được như quà bánh

Không đói vẫn cứ ăn

Tình đời như thuốc đắng

Chửa nổi buồn được khộng?

       Đem bánh so với tình đời là một ý thơ vô duyên lạ, vô duyên khi ta chợt đọc nhưng hữu lý khi ta suy gẫm tình đời. Bánh thì khi không đói cũng có thể ăn, nó vô hại, nhưng tình đời thì không phải khi nào cũng như thuốc đắng. Có khi tình đời ngọt ngào hơn cả mật. Thế nhưng đoản khúc 4 câu của ZuLu DC không đúng mà cũng không sai. Không đúng là khi ai đó đang lạc quan yêu đời, nhìn đâu cũng thấy màu hồng tươi đẹp. Không sai là khi ai đó gặp sự cố buồn, bi quan nhìn đời thấy một màu đen tối.

NÓI ĐI

Trên tà áo tím ngày xưa

Vẫn ngan ngát những nắng mưa cuộc đời

Giá như nói được thành lời

Nói đi áo hỡi áo ơi lời gì?

       Chắc chắn người con gái mặc tà áo tím ngày xưa đẹp lắm, tà áo tím của nàng không khác chi tà áo lụa Hà Đông trong thơ Nguyên Sa đã làm cho “Nắng Sài Gòn chợt mát” thì nhà thơ Zuu DC mới nhớ đến ngày nay. Chắc chắn người con gái năm xưa không thành công trong cuộc đời, không vinh hoa phú quý gì nên chiếc áo ngày xưa đã phai màu, chỉ còn ngan ngát chút dư hương vì phải hứng chịu “nắng mưa cuộc đời”. Chắc chắn người con gái năm xưa nín chịu, không thổ lộ, không nương tựa vào chàng nên nỗi đau thốt lên trong thơ là của thi nhân, của ZuLu DC chớ không phải của nàng.

      Nhà thơ không nhận được tâm tình của người thiếu nữ năm xưa (có thể là người yêu tha thiết một thời của chàng) nên thi nhân thốt lên câu thơ hờn dỗi, thúc giục chiếc áo vô tri hãy nói đi, nói đi, nói một lời. Sư thật tà áo tím năm xưa đã nói nhiều khi nhà thơ nhìn thấy nó “Vẫn ngan ngát những nắng mưa cuộc đời”. Chỉ bốn câu thơ thôi nhưng hàm chứa thân phận của một hồng nhan, lòng tự trọng của một người nữ và tình yêu chan chứa của một cuộc tình không đến với nhau!

ĐI TU

Chày kình dóng một hồi chuông lạ

U uẩn lòng ta nhân thế ơi

Có cảnh chùa nào không có Phật

Ta về xuống tóc đi tu thôi.

       Chày kình nhấn một hồi chuông mà không làm cho thanh thoát lòng người, lại khiến nhà thơ “U uẩn lòng ta nhân thế ơi”. Đúng rồi, bởi vì hồi chuông nhà thơ nghe là “hồi chuông lạ”. Có hồi chuông lạ không? Không có, chỉ có thi nhân lạ với hồi chuông vì cái tâm khổ đế chán đời còn nặng nề . Chính cái tâm nặng nề đó khiến nhà thơ muốn tìm một cảnh chùa không có Phật để xuống tóc đi tu.  Không có Phật thì đi tu làm gì? Đi tu với ai? Có lẽ nhà thơ đi tu với tình, bởi chán đời thì bỏ đời đi tu Phật được, chán tình thì bỏ tình đi tu Phật được, nhưng thất tình thì còn yêu, còn nhớ, còn thương, không thể nào đi tu chùa Phật được đâu.  Bài thơ đọc nghe lạ lắm, nghịch lý lắm, nhưng có nghịch lý như thế thì ta mới thấy ý thơ lạ như tiếng chuông cũng lạ làm u uẩn lòng người. Không biết nếu có ngôi chùa không Phật, tác giả sẽ đi tu một mình hay đi tu với một nàng xinh đẹp. Đi tu kiểu như thế, nhà thơ đã hứa sẽ xuống tóc nhưng xuống tóc để quy y với nàng chớ không thể nào quy y với Phật được đâu!

 

Kết Luận:

 

       Tập thơ ZuLu DC có trên 100 bài thơ, có trường thi như “Động Đền”, có đoản thi như “Bâng Khuâng”, tất cả như những con suối nhỏ, như  những dòng  sông chữ nghĩa trôi giữa đôi bờ giấy. Đó là nhưng con nước văn chương lung linh dưới trăng sao màu quê hương, màu tình yêu, màu sự sống mà, với năm hay mười trang giấy nầy không nói được một phần rất nhỏ của ưu tư, của trăn trở, của suy nghiệm, của thương nhớ, của sung sướng và của khổ đau một đời thi nhân, người dầu trong hoàn cảnh nào thì tâm hồn  vẫn như Tùng Bách vương cao giữa bầu trời trong trẻo vô biên hay bão tố kinh hoàng. Xin mời quý vị hãy lên thuyền, chèo vào những con nước, những dòng sông ấy, thử ngắm và đánh giá những gì tôi viết, tôi tôn vinh, tôi tán tụng vì tôi đã được ưu tiên đi vào chốn ấy. Tất nhiên tôi phải chịu hết trách nhiệm những gì tôi đã viết ra đây./.

 

                  Châu Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét