Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

NỖI ĐAU KHÔNG BỜ BẾN / Việt Thắng

 

      


       Khi chồng chị còn sống, hai nhà chúng tôi sát vách nhau. Từ ngày chồng chị chết bởi bệnh ung thư do hậu quả của chất độc da cam; vì kinh tế tôi cũng dời nhà đi chỗ khác cách nhà chị cả chục cây số. Nhân ngày lễ độc lập, rảnh rang mới có điều kiện ghé nhà thăm chị. Mặt tiền nhà trước kia cho thuê bán thuốc tây, một tháng cũng được 7 triệu. phía sau căn nhà và trên lầu, gia đình chị sống quây quần gồm: Hai vợ chồng cô con gái và hai đứa con, thêm hai đứa cháu nội và  thằng con trai đang bị tâm thần do di chứng của chất độc da cam từ bố di truyền. Vị chi căn nhà dồn nén gần chục người.

   `Xe dừng trước nhà cửa đóng treo hàng chữ: Tiệm thuốc tây dời cách 20 m, có mũi tên chỉ về mé bên trái. Tay vừa đập cửa gọi tôi vừa bấm kèn xe hồi lâu mới có đứa nhỏ xuống mở cửa. Khi cửa mở, đập vào mắt tôi là căn phòng trệt phía trước cho thuê bán thuốc tây nay trống trơn.

     `- Bà cháu đâu?- Tôi hỏi đứa nhỏ.

       `Nó giơ tay chỉ lên lầu. Tôi leo lên vừa ló đầu khỏi cầu thang thấy chị đang nằm trên chiếc giường một, ngay phòng khách và cũng là nơi để bàn thờ. Nghe tiếng tôi chào, chị cố quay người lại nhưng không quay được, đứa cháu chạy lại lật bà nghiêng về phía tôi. Kéo vội chiếc ghế nhựa tôi ngồi sát bên giường; chị ứa nước mắt nắm tay tôi:

     `- Lâu quá rồi chú mới tới thăm!

      Một tay quệt nước mắt, một tay chỉ về phía cuối phòng, tôi nhìn theo tay chị thấy cậu con trai út chân bị cột khóa bằng sợ dây xích sắt; đầu kia sợi dây được hàn vào một thanh sắt ló ra từ bức tường. Cặp mắt đờ đẫn của nó nhìn bâng quơ lên trần nhà, miệng đang lẩm bẩm những câu gì nghe không rõ. Tôi hỏi sao mà phải cột nó lại khổ sở như thế này, chị rơm rớm nước mắt:

       - Cách nay mấy tháng chả biết nó lên cơn thần kinh nặng do di chứng chất độc da cam; bỏ nhà đi đâu không ai biết. Mẹ con tôi bỏ công ăn việc làm tìm kiếm khắp nơi cũng không thấy. Đâu cỡ nửa tháng nhận được tin báo của công an tận trên tỉnh Đồng Nai. Mừng quá hai mẹ con tôi cầm theo giấy tờ của nó: Thẻ căn cước công dân, sổ lĩnh trợ cấp chất độc da cam, cùng giấy chứng nhận tâm thần...Đưa nó về nhà rồi, lục túi thuốc của nó ra mới tá hỏa vì thuốc còn quá nhiều. Có lẽ do lúc nhớ lúc quên mà nó không uống đúng liệu trình, nên phát bệnh đi lang thang không biết đường về nhà. May mà có lúc đầu óc nó tỉnh lại mới khai rõ nhà cửa để công an biết điện báo gia đình tới bảo lãnh về.

       Ngừng lại lấy hơi thở, một tay chị quệt nước mắt giọng thều thào:

       - Ông nhà này bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ; đã bị sơ gan chết cách nay cả chục năm. Di chứng của bố truyền cho con, cô con gái đầu lòng như chú nhìn thấy đấy, bị dị tật tay ngắn tay dài, người không cân xứng đi cứ nghẹo sang một bên. Hai thằng em trai kế nó lúc sinh ra lành lặn chẳng có khuyết tật như chị nó. Vợ chồng tôi mừng thầm, cứ cầu mong Trời Phật độ trì đừng có di chứng gì từ bố truyền sang. Tới năm thằng anh 20 tuổi chúng tôi cưới vợ cho nó, trong ba năm nó sinh được hai đứa con gái. Nhưng lúc này tính tình nó đã thay đổi, nhiều lúc nó ngồi im chẳng nói năng gì, đôi khi nó ngồi lảm nhảm một mình; thậm chí có lúc chả hiểu sao nó quăng đồ đạc trong nhà rồi la hét. Thế rồi tự dưng nó bỏ nhà đi đâu không ai biết, hỏi họ hàng, bạn bè thân quen xem nó có ghé nhà họ chơi không, ai nấy đều nói không. Đang tuyệt vọng thì có điện thoại của công an Thủ Đức, điện gia đình lên nhận diện người nhà. Thì ra nó đi lang thang, đầu óc ngớ ngẩn làm sao tàu vào ga mà nó cứ đi qua đường ray...Gia đình đau đớn ký nhận, đem xác con về hỏa táng.

       Tiếng la hét của thằng con trai bị xích, mọi cặp mắt đổ dồn về phía nó, hai tay nó đang cố bẻ cái vòng xích khóa cổ chân, miệng không ngừng la hét:

- Mở còng cho con mẹ ơi...! Mở...Mở...

       Rơm rớm nước mắt chị nghẹn ngào:

       - Chú biết đấy, mấy năm nay tôi bị bệnh tiểu đường và huyết áp, sức khỏe đã yếu có làm ăn gì được nữa đâu. Ông nhà này đã chết, tiền lương hưu phụ cấp chất độc da cam đâu còn nữa. Nó thì được triệu mấy đồng phụ cấp chất độc da cam; phải cho họ thuê mặt tiền căn nhà để lấy tiền ăn và thuốc thang cho nó. Dạo này nó lên cơn la hét quá, người thuê nhà bán thuốc tây họ trả nhà dời tiệm đi chỗ khác rồi.

       Chị sụt sùi:

       - Đã khổ còn khổ thêm, trước còn có tiền cho thuê nhà, mấy tháng nay tôi phải đi vay mượn bạn bè đắp đỗi qua ngày.

       Chống tay cố ngồi dậy, chị kéo quần và chỉ vào đầu gối còn tím bầm:

- Mấy bữa trước nó la hét, rồi đập cửa đòi mở cho nó đi. Tôi chạy theo kéo bị nó hất ngã, may chỉ bị sưng đầu gối và khủy tay phải. Sợ nó bỏ đi nữa nên phải nhờ người ta còng nó lại như chú thấy đấy.

Ngừng lại lấy hơi thở chị hổn hển:

- Vài hôm nữa cái chân hết đau tôi đưa cháu lên bệnh viện tâm thần khám lại xem sao.

       Và chị nói họ chỉ khám nếu bệnh nặng cho nhập viện nằm điều trị ít ngày; khi bệnh thuyên giảm phát thuốc cho về nhà.

       Tôi khuyên chị nên đem cháu tới bệnh viện quân đội; vì chồng chị là sĩ quan bị nhiễm chất độc da cam đã di truyền cho con, cả hai đều có giấy chứng nhận và lĩnh tiền phụ cấp cả chục năm nay. Chắc chắn họ sẽ khám bệnh và cho nằm điều trị nội trú lâu dài. Động viên và an ủi chị tôi từ giã ra về, không quên dặn đi dặn lại chị phải đưa cháu tới bệnh viện quân đội.

       Ghé nhà chị lần này sau gần chục ngày kể từ lần gặp mặt trước. Đứng trước căn nhà cửa đóng im ỉm, tôi phải gõ cửa năm lần bảy lượt mới nghe tiếng chị khi cánh cửa mở. Căn phòng phía trước vẫn trống trơn chưa có người thuê, chỉ có mấy chiếc ghế nhựa sứt mẻ nằm sát tường bên phải. Chị tập tễnh lại kéo hai chiếc ghế, thấy vậy tôi chạy lại xách hai chiếc ghế đặt giữa căn phòng để hai người ngồi. khi đã yên vị trên ghế, chị nhìn tôi nhỏ nhẹ:

- Chú ngồi đi, chuyện về cháu nó hơi dài...

Và chị khóc, hai hàng nước mắt chị chảy dài trên hai gò má, lấy vạt áo quệt nước mắt chị thổn thức:

       - Nghe lời chú, khi cái chân tôi bớt đau tập tễnh đi được; tôi mướn tắc xi chở cháu tới bệnh viện quân đội. Sau khi thăm khám họ cho nhập viện, nhưng bác sĩ bảo: “Tạm thời cho cháu nhập viện, nhưng phải đợi các kết quả xét nghiệm mới quyết định cháu có được điều trị nội trú lâu dài hay không”.

       Chị ngưng nói, nước mắt cứ chảy dàn dụa, nấc lên từng hồi. Biết nỗi đau của chị tôi cũng chỉ im lặng ngồi nhìn chị khóc. Quệt nước mắt chị nắm tay tôi:

- Với chú là chỗ thân tình tôi mới dám nói thật điều này. Chả còn gì hy vọng nữa rồi chú ạ.

Tôi nắm chặt tay chị an ủi:

- Nằm điều trị một thời gian nó sẽ bớt chứ có gì đâu mà chị phải buồn tủi.

Chị ngước cặp mắt đầy nước mắt nhìn tôi, mếu máo:

       - Hai ngày nó nhập viện. Buổi sáng tôi tới thăm cháu, chú bác sĩ điều trị báo cho tôi tin sét đánh, thử máu cháu nó đã dương tính với HIV; nên bệnh viện họ chỉ điều trị cho bệnh tâm thần ổn định, rồi phát thuốc cho về nhà điều trị ngoại trú, chứ nơi đây họ không nhận nội trú những người có dương tính với bệnh HIV.

       Lấy khăn lau nước mắt chị nói trong nấc nghẹn:

       - Chú biết đấy, tôi đã trên bảy mươi tuổi mang mấy thứ bệnh mãn tính trong người; đã nhiều lần phải cấp cứu ở bệnh viện vì biến chứng của tiểu đường. Cuộc sống trên thế gian này được ngày nào hay ngày nấy; tôi chết thì đã an phận rồi còn thằng con trai...

       Nói tới đây chị khóc nấc lên. Đối diện nhà chị phía bên kia đường, tiếng phát thanh viên từ chiếc ti vi đang điểm tin chiến sự về số thường dân và binh lính hai bên thương vong trong cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucaraine. Chị như bừng tinh, chỉ tay qua bên kia đường:

- Khi gây ra chiến tranh những người lãnh đạo bên nào cũng đưa ra đủ thứ chiêu bài mỵ dân; rồi nhân danh này nọ, rốt cuộc chết chóc và đau khổ đổ hết lên đầu dân đen.

       Lấy khăn lau nước mắt, chị nghiến răng lại nói như hét:

       - Tôi căm thù chiến tranh!

 

                     VŨ VIỆT THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét