Phạm Đức Nhì
Lời Nói Đầu:
Tình cờ đọc được bài thơ của chị Khanh Cao trên FB thấy kỹ thuật
thơ có vài điểm đặc biệt nên muốn viết mấy lời bình. Khi đọc kỹ thì thấy hai
chữ Tháng Sáu được nhắc đi, nhắc lại đến 5 lần trong bài thơ và còn xuất hiện
cả trong cái tựa “Tháng Sáu Ơi” nữa. Có điều “thời điểm” Tháng Sáu ấy liên quan
đến sự kiện gì thì không thấy nói đến.
Tôi nhắn tin hỏi thì được chị trả lời:
“Hè năm lớp 10 (hệ 10 năm) thì anh ấy hẹn tháng 6 sẽ vào thăm
quê hương em. Nhưng mãi không thấy anh à.
Bởi vậy cứ tháng 6 là em nhớ lại lời hứa ấy”.
Sau đó chị cho biết thêm:
“Em quê ở Quảng Bình, học chung trường với anh ấy ở Nghệ An rồi
đem lòng thương mến anh ấy”
Có được những thông tin này người đọc đã có thể “bắt” tứ thơ một
cách dễ dàng.
Và tôi đã “xắn tay áo” bình bài thơ.
Được sự đồng ý của chị Khanh Cao tôi đã viết Lời Nói Đầu này như
một “Chú Thích” – mà chị đã quên - để hoàn thành chức năng truyền thông của bài
thơ.
THÁNG SÁU ƠI
(Gửi miền thương nhớ)
Anh hứa rằng anh sẽ về thăm
quê hương em gió lào cát trắng
mùa đã về
bằng lăng nở tím
sao chưa thấy người như đã hẹn, người ơi?
ve râm ran tấu bản nhạc không lời
hoa phượng đỏ
vùng trời thương nhớ
nghĩ đến lời anh hứa
em thấp thỏm chờ ... một bóng người xa
Tháng Sáu về da diết lòng ta
sân trường chia tay
hẹn hò, ước nguyện
dòng mực tím ... rưng rưng lưu bút
tiếng ai còn văng vẳng đâu đây
Nhớ con đường mùa lá me bay
dưới hàng cây ta cùng dạo bước
tuổi hoa niên ngập ngừng hẹn ước
vẫn tươi ngời trong ký ức nồng say
Tháng Sáu về
anh có hay
gió từ phương anh bời bời thổi lại
kỷ niệm một thời vụng dại
tháng năm dài vương vấn đầy vơi
Tháng Sáu nào cũng da diết người ơi
mực tím mồng tơi
vần thơ e ấp
hoa tình yêu phập phồng lồng ngực
hẹn ngày về mộng ước cùng nhau
dệt câu chung tình hạnh phúc dài lâu
Người ra đi dặm đường hồ hải
lời hứa xa mờ
chưa lần trở lại
mỗi độ Tháng Sáu về khắc khoải lòng ta
lật từng kỷ niệm đã xa
gửi vào dang dở
Tháng Sáu ơi!
nửa năm
nửa vời
nửa đời khắc khoải
gió lào cát trắng mênh mông, hoang hoải
bạc tóc
bạc lòng
lời hẹn Tháng Sáu ơi!
Lời Bình:
Thể Thơ: Thơ Mới biến thể, nhất khí liền mạch.
Tứ Thơ: Mỗi độ Tháng Sáu về tác giả nghĩ đến lời hứa năm xưa của chàng
mà khắc khoải nhớ thương.
Bố Cục: Bài thơ có thể chia làm 3 phần:
Phần 1: Đoạn đầu 8 câu
Tác giả nhớ lại lời hứa “Tháng Sáu sẽ về thăm” của chàng vào mùa
hè lúc tốt nghiệp lớp 10 (hệ 10 năm) hơn 50 năm trước.
Phần 2: Năm đoạn kế tiếp
Những nhớ nhung, vương vấn khi nghĩ đến bao kỷ niệm xưa
Phần 3: Đoạn cuối
Nửa đời khắc khoải, bạc tóc, bạc lòng, Tháng Sáu về thầm trách
người quên lời hứa hẹn xưa.
Tựa Đề: “Tựa đề là chữ hoặc nhóm chữ nói lên cốt tủy của toàn bài”.
“Tháng Sáu Ơi” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó.
Ngôn Ngữ, Câu Cú: Ngôn ngữ không cao
sang, chưa được chắt lọc lắm nhưng khá trong sáng, câu cú hoàn chỉnh trong cấu
trúc ngữ pháp.
Dòng Chảy Của Tứ Thơ: Do thể thơ nhất khí
liền mạch, ngôn ngữ khá trong sáng, câu cú chắc gọn, bố cục tưÖng đối mạch lạc
nên những mảnh tâm trạng của thi sĩ nối tiếp nhau chảy thành dòng.
Vần: Vần chân liên tiếp, vị ngọt đậm, âm điệu du dương, giúp kết
nối khá chặt chẽ các mảnh tâm trạng của tác giả.
Số Chữ Trong Câu: Thay đổi với biên độ
rộng. Câu ngắn nhất 3 chữ (Tháng Sáu ơi!), câu dài nhất 9 chữ (sao chưa thấy
người như đã hẹn, người ơi?)
Thủ thuật này đã giúp chữa lành 2 chứng bệnh “nhàm chán vần” và
nhịp điệu đều đều tẻ nhạt của bài thơ.
Nhịp Điệu: Uyển chuyển, sinh động.
Dòng Âm Điệu
Nhờ số chữ trong câu thay đổi với biên độ rộng, vần có độ ngọt
đậm, tứ thơ không những dễ hiểu mà còn dễ cảm (không có mô gò cản đường) nên
dòng âm điệu rất thông thoáng, uyển chuyển, sinh động, có khả năng đưa tứ thơ
trôi thẳng tới “bến”. Độc giả có thể đọc từ đầu đến cuối mà không ngán.
Độ Dài Của Bài Thơ: 245 chữ, khoảng 34 câu,
đủ dài để dòng chảy có “sóng sau dồn sóng trước” phát sinh hồn thơ.
Dòng Cảm Xúc:
Bài thơ có dòng tứ thơ và dòng âm điệu thông thoáng nên sau một
đoạn kể lể nguồn cơn tâm thế xao động của thi
sĩ đã bám theo tạo thành dòng cảm xúc. Lúc này bài thơ có 3 dòng - tứ thơ, âm
điệu, cảm xúc - nhập một, nhắm thẳng “điểm đến của tứ thơ” chảy tới. Cảm xúc từ
tâm thế xao động của thi sĩ nhờ “sóng sau dồn sóng trước” sẽ lớn mạnh thành hồn
thơ.
Cảm Xúc:
Cảm xúc tầng 1: Khoái cảm của người đọc khi tiếp xúc với câu chữ (kỹ thuật cá
nhân của cầu thủ trong bóng đá): Khá mạnh.
Cảm xúc tầng 2: Khoái cảm đến từ bố cục, thế trận chữ nghĩa (đấu pháp toàn đội
trong bóng đá): Mạnh
Cảm xúc tầng 3: Tức hồn thơ, ở ngoài câu chữ. Nó là luồng hơi nóng đến từ tâm
thế cao hứng của thi sĩ, không xuất hiện trên văn bản chữ nghĩa mà chỉ có thể
cảm nhận bằng tâm hồn. Trong bóng đá là “trận đấu có hồn”.
Chị Khanh Cao có xôn xao rung động khi cầm bút viết Tháng Sáu
Ơi, tuy nhiên cảm xúc đó chỉ là bâng khuâng, tiếc nhớ mối tình
thuở học trò hơn nửa thế kỷ trước chứ không thuộc loại “yêu thương nồng cháy,
buồn bã thê lương, căm ghét điên cuồng, ham muốn cực điểm … “. Hơn nữa, chị có
chút giận hờn, uất ức nên viết để trách móc “người xưa” đã quên lời hứa hẹn,
nhưng chữ “tình” vẫn đeo bám nên “giận thì giận mà thương thì còn thương”. Và
trong bài thơ chữ “tình” đã làm giảm cân lượng của chữ “giận”.
Chính vì thế dòng cảm xúc hơi yếu, cường độ của hồn thơ chỉ nhẹ
nhàng man mác. Mãi đến đoạn kết, lúc đạt tới cao trào, hồn thơ cũng chỉ mấp mé
ở mức trung bình.
Vài Ưu Điểm Đặc Biệt Của Bài Thơ
1/ Đoạn Kết Tuyệt Vời:
Tháng Sáu ơi!
nửa năm
nửa vời
nửa đời khắc khoải
gió lào cát trắng mênh mông, hoang hoải
bạc tóc
bạc lòng
lời hẹn Tháng Sáu ơi!
Tâm sự bâng khuâng, tiếc nhớ đã chuyển sang trách móc:
Nửa năm
nửa vời
nửa đời khắc khoải
để rồi:
bạc tóc, bạc lòng
lời hẹn Tháng Sáu ơi
Lập đi lập lai 3 chữ “nửa” rất tài tình:
Nửa năm: Ý nói tháng sáu.
Nửa vời: Đường tình đứt đoạn.
Nửa đời khắc khoải: Hơn 50 năm bâng khuâng, thương nhớ.
Tôi cho rằng đây là câu thơ hay nhất. Chỉ riêng nó đã gói trọn ý
và là cao trào của bài thơ.
Cách gieo vần của đoạn kết cũng điệu nghệ. Cả 3 cặp vần, 2 bằng
1 trắc đều là chính vận, giúp câu chữ, ý tứ nối kết chặt chẽ với nhau. Về
phương diện “thanh”, chữ “ơi” sau cùng đã cho đoạn
kết chấm dứt như một bản nhạc trở về chủ âm trong một giai kết hoàn toàn
(perfect cadence).
Tôi đã chẳng ngại ngùng gì để đưa ra nhận xét: Đoạn kết thật
tuyệt vời.
2/ Kỹ Thuật Gieo Vần Điệu Nghệ
Đây là bức tranh toàn cảnh bài thơ với chút màu mè để minh họa
kỹ thuật gieo vần của tác giả.
THÁNG SÁU ƠI
(Gửi miền thương nhớ)
Anh hứa rằng anh sẽ về thăm
quê hương em gió lào cát trắng
mùa đã về
bằng lăng nở tím
sao chưa thấy người như đã hẹn, người ơi?
ve râm ran tấu bản nhạc không lời
hoa phượng đỏ
vùng trời thương nhớ
nghĩ đến lời anh hứa
em thấp thỏm chờ ... một bóng người xa
Tháng Sáu về da diết lòng ta
sân trường chia tay
hẹn hò, ước nguyện
dòng mực tím ... rưng rưng lưu bút
tiếng ai còn văng vẳng đâu đây
Nhớ con đường mùa lá me bay
dưới hàng cây ta cùng dạo bước
tuổi hoa niên ngập ngừng hẹn ước
vẫn tươi ngời trong ký ức nồng say
Tháng Sáu về
anh có hay
gió từ phương anh bời bời thổi lại
kỷ niệm một thời vụng dại
tháng năm dài vương vấn đầy vơi
Tháng Sáu nào cũng da diết người ơi
mực tím mồng tơi
vần thơ e ấp
hoa tình yêu phập phồng lồng ngực
hẹn ngày về mộng ước cùng nhau
dệt câu chung tình hạnh phúc dài lâu
Người ra đi dặm đường hồ hải
lời hứa xa mờ
chưa lần trở lại
mỗi độ Tháng Sáu về khắc khoải lòng ta
lật từng kỷ niệm đã xa
gửi vào dang dở
Tháng Sáu ơi!
nửa năm
nửa vời
nửa đời khắc khoải
gió lào cát trắng mênh mông, hoang hoải
bạc tóc
bạc lòng
lời hẹn Tháng Sáu ơi!
Giải thích kỹ thuật gieo vần:
1/ Có 8 cặp vần trắc (màu đỏ), một cặp không bắt vần:
sân trường chia tay
hẹn hò, ước nguyện
dòng mực tím ... rưng rưng lưu bút
2/ Có 9 cặp vần bằng (màu xanh)
3/ Có 1 câu lẻ loi (chữ nghiêng):
gửi vào dang dở
Cặp vần trắc không bắt vần và câu lẻ loi (chữ nghiêng) đã giúp
giảm đáng kể “hội chứng nhàm chán vần”.
4/ Số chữ trong câu thay đổi với biên độ rộng ngoài việc hóa
giải nhịp điệu đều đều tẻ nhạt cũng góp phần giảm thiểu “hội chứng nhàm chán
vần”
5/ Có vài chữ in đậm gieo vần lưng rất khéo (có thể làm đậm vị
ngọt của vần nhưng không gây nhàm chán)
Tóm lại, tác giả có cách gieo vần khá điệu nghệ. Kết quả là bài
thơ tương đối dài, vần liên tiếp từ đầu đến cuối khá đậm, tạo dòng âm điệu du
dương, nhịp điệu uyển chuyển, sinh động nhưng không có hội chứng nhàm chán vần.
Cái Nền Kỹ Thuật Căn Bản Của Bài Thơ Đúng Hướng
Như đã phân tích ở trên, bài thơ có:
1/ Tứ thơ chảy thành dòng thông thoáng
a/ Thể thơ nhất khí liền mạch, các mảnh
tâm sự nối tiếp nhau.
b/ Ngôn ngữ khá trong sáng, câu cú chắc
gọn, ý tứ dễ “bắt”, không phải dừng lại ngẫm nghĩ, không có mô gò cản đường.
2/ Âm điệu chảy thành dòng
a/ Vần liên tiếp/ không có hội chứng
nhàm chán vần
b/ Số chữ trong câu thay đổi
c/ Nhịp điệu uyển chuyển, sinh động.
3/ Cảm xúc chảy thành dòng:
Khi tứ thơ và âm điệu chảy thành dòng thì dòng cảm xúc, sau phần
kể lể nguồn cơn, đã tự động phát sinh (bám theo) để 3 dòng nhập một.
4/ Bài thơ đủ dài để có “sóng sau dồn sóng trước”
5/ Tâm thế xao động của tác giả
Có xao động nhưng không mạnh.
Như vậy, Cái Nền Kỹ Thuật Của Bài Thơ Đúng Hướng đã hiển hiện rõ
nét trong Tháng Sáu Ơi. Nhờ nó nên mặc dù tâm thế của tác giả không xao động mạnh lắm
bài thơ cũng đã có hồn thơ - thứ cảm xúc cao cấp nhất, quý nhất, cho người đọc
cảm giác sướng nhất - ở mức mấp mé trung bình.
Kết Luận
Thật tình mà nói, phải còn một đoạn đường dài nữa Tháng Sáu
Ơi mới có thể đến được cánh cổng Bến Bờ Thi Ca (1). Nhưng theo tôi,
bài thơ đã có thể gọi là thành công, đặc biệt về mặt kỹ thuật. Bài thơ đã có
Cái Nền Kỹ Thuật Căn Bản Của Bài Thơ Đúng Hướng, nghĩa là bài thơ đã đi đúng
hướng. Hơn nữa, hồn thơ không chỉ “man mác” mà đã cao hơn, mấp mé ở mức trung
bình. Có đứa con tinh thần như thế đã là một vinh dự của người làm thơ.
Có trong tay cái nền kỹ thuật căn bản này thì lúc gặp cảnh đời
nào đó làm “cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí” mà phóng bút thì cơ hội đến gần hoặc
bước vào cánh cổng Bến Bờ Thi Ca không còn là bất khả thi. Mà dù chưa đến được
thì bài thơ của bạn cũng có Hồn Thơ - thứ cảm xúc quý giá nhất - ở mức độ nào
đó làm mát lòng người đọc.
Xin cám ơn chị Khanh Cao. Thay vì phải dùng những bài viết mang
tính lý thuyết khô cứng, nhờ Tháng Sáu Ơi của
chị, tôi đã có thể chuyển chút kiến thức, trải nghiệm tâm đắc của mình đến
người yêu thơ một cách sinh động.
League City ngày 16 tháng 9 năm 2024
Phạm Đức Nhì
......................................
Chú Thích:
1/ Trong vườn thơ Việt Nam có SAY ĐI EM của Vũ Hoàng Chương giá
trị nghệ thuật cao đến mức, mà theo tôi, “cùng với thi phẩm Say Đi Em của mình,
Vũ Hoàng Chương không những đã có thể bước vào Bến Bờ Thi Ca mà còn
xứng đáng ngồi vào hàng ghế trang trọng nhất”.
Mời độc giả đọc THĂM LẠI BÀI THƠ “SAY ĐI EM” theo link sau đây:
https://lythuyetthoabc.blogspot.com/2023/05/tham-lai-bai-tho-say-i-em.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét