Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 13-14)


Nhà văn Phan Đạt Ninh

          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

          Đã đăng:
         
       XIII

          Rời nhà hơn một tháng đi “Học nghề” hôm nay Du mới về.
          Dũng tiễn Du ra bến xe và dặn rất kỹ Du về thái độ nghề nghiệp. Dũng nói:
          - Mở được nghề đã khó. Giữ được nghề còn khó hơn. Cậu không lúc nào cho phép mình làm ăn dối trá với khách hàng để tăng thu lợi nhuận. Làm như thế là tự tiêu diệt mình.

          Dũng ấn vào tay Du phong bì đựng tiền lúc tạm biệt. Du về đến đầu làng trời đã xế chiều. Ngoài đồng ruộng bà con đang làm việc. Mọi người thấy Du tay xách nách mang túi lớn, túi bé họ lên tiếng:
          - Nhà Du đi đâu về mà lắm đồ thế? Dễ cả tháng nay không thấy mặt! Tầm sư học đạo ở đâu, có gì hay nhớ phổ biến cho bà con biết với?
          Du dừng chân để nói chuyện với mọi người cho phải lẽ:
          - Tôi có người bạn ngoài Hà Nội mời ra chơi mấy bữa. Tối nay mời mọi người đến nhà tôi uống nước.
          - Có trà ngon nhé?
          - Vâng, sẵn sàng!
          Về đến nhà thấy các con đang chơi ngoài sân, Du đánh tiếng: “E, hèm”. Nhìn thấy bố bọn trẻ reo ầm lên:
          - A… bố về! Bố về… Mẹ ơi, bố về….
          Tiếng reo làm tan không khí tĩnh mịch. Từ trong bếp vợ Du chạy ra. Du nhìn vợ mặt đỏ vì lửa nhưng tươi tắn. Du nói:
          - Mình nấu gì mà mặt mũi đỏ tía ria thế? Thế này thì nẻ mặt mất thôi.
          Vợ Du vóc người nhỏ nhưng giàu nghị lực. Người đã cùng Du chèo lái con thuyền gia đình mười mấy năm nay, nuôi dạy các con, việc ruộng đồng, chăn nuôi rất chu đáo và chưa bao giờ cất lời thở than kêu vất vả. Du cũng vậy. Chưa khi nào Du nặng lời với vợ. Du luôn giành cho vợ những lời yêu thương, trân trọng. Có lẽ tình yêu đích thực đã gắn bó họ lại với nhau. Vợ chồng chia sẻ, động viên có trách nhiệm với nhau để xây dựng hạnh phúc.
          Ba đứa trẻ xúm lại quanh các túi đồ. Chúng hì hục lôi kéo trong ba lô, túi xách, bao tải ra cả đống quần áo người lớn và trẻ nhỏ. Chúng tự chọn kích cỡ áo quần cho mình rồi mặc vào và xếp riêng cho mình một chỗ.
          Du bảo vợ lấy bánh kẹo trong túi cho các con. Thôi thì đủ thứ. Bánh mỳ gối, bánh quy kem, bánh sô cô la, kẹo cà phê, kẹo trái cây, vân vân.
          Vợ Du nói:
          - Chắc nhà anh Dũng mỗi người mua một thứ nên mới nhiều vậy?
          Vợ Du bày bánh kẹo ra đĩa rồi bảo các con ngồi ăn. Nhìn các con ăn ngon lành hai vợ chồng Du hạnh phúc lắm.
          Vợ Du thu dọn quần áo đem cất trong buồng. Du xách các túi lớn nhỏ vào theo. Khi sắp xếp xong các thứ Du quàng tay ôm lấy vợ rồi bế bổng trên tay. Du hôn lên má vợ.
          - Đặt em xuống, các con nhìn thấy lại cười cho bây giờ.
          - Xa nhà anh nhớ mẹ con em nhiều lắm. Thương em ở nhà vừa làm việc, vừa trông con vất vả.
          - Xa anh, em và các con cũng nhớ anh. Nhưng nghĩ đến công việc lại phải cố gắng.
          Hai vợ chồng ra chỗ các con. Du chìa tay bế đứa con út vào lòng hỏi:
          - Ở nhà con có ngoan không?
          - Con ngoan ắm…
          Cu út vẫn còn ngọng nói chưa sõi.
          Nhìn thấy bố đang trò chuyện với em bé, hai đứa anh chạy lại tranh nhau nói:
          - Bố đi đâu mà lâu thế? Ở nhà thiếu bố chúng con buồn lắm. Mẹ và chúng con nhớ bố lắm! Mẹ khóc đấy!
          - Sao các con không dỗ cho mẹ nín?
          - Chúng con dỗ một tí mẹ nín ngay!
          - Hai con giỏi quá!
          Nhận được lời khen của bố, hai đứa trẻ cười to rồi chạy tới ôm lấy mẹ.
          Du đặt cu bé xuống. Cu bé cũng chạy tới ôm mẹ
          Trời mờ tối. Hạnh giục bốn bố con Du đi rửa mặt mũi tay chân còn cơm nước.
          Bốn bố con Du kéo nhau ra giếng.
          Bữa cơm tối Du ngắm vợ và các con nhiều. Du gắp thức ăn cho vợ, cho các con. Du ngồi nhâm nhi chén rượu trắng với cái đầu cá om dưa cũng thú vị rồi. Vợ Du gắp thức ăn cho chồng.
          Ngọn đèn điện công suất bốn mươi oát không đủ sáng để nhìn rõ những gì ở xa. Tường nhà bám nhiều lá tre khô do gió đem vào đang đung đưa như con thuyền mắc cạn. Nối sống tiết kiệm của vợ chồng Du mười mấy năm đã thành thói quen. Bọn trẻ cũng vậy. Ba đứa con Du đang xúm lại xem chung truyện” Mít đặc” và “Đô rê mon” Dũng mua cho. Nhìn thứ ánh sáng vàng yếu này, Du bảo vợ:
          - Ngày mai anh mua bộ đèn ống huỳnh quang về dùng cho sáng sủa. Tiết kiệm quá cũng khổ!
          Du nhớ ở nhà Dũng: Các tầng nhà, các phòng ở, khu vệ sinh, ban công chỗ nào cũng có đèn. Bật công tắc là sáng. Du xót thương vợ con mình. Thôi, bọn trẻ thì đã đành, mắt nó tinh nhanh. Đằng này vợ Du cũng đứng tuổi. Du nhìn rat thấy vợ đang mò mẫm rửa từng chiếc bát, mò mẫm xếp vào chạn. Nói là chạn chứ thực ra chỉ là cái giá được Du đóng, buộc lại bằng các đoạn tre, thanh tre. Nó hở huyếch hoác nên dán, chuột chạy qua chạy lại thường tình. Cái nhà tắm của vợ cũng thế, vẻn vẹn hai mét vuông tường đất, nền xếp bằng những viên gạch sứt đầu sứt đuôi. Cửa nhà tắm che bằng tấm phên tre đã mọt và xộc xệch. Nhìn các phương tiện sinh hoạt như vậy đã tồn tại nhiều năm Du buồn cười cho mình. Du nghĩ người đời nói chẳng sai chút nào” Đời người đánh phấn tô son. Đời người ỉa chịn cũng ra đời người”. Du đứng dậy ra giếng kéo đầy hai thùng nước lớn rồi xách vào nhà tắm cho vợ. Nhà tắm cũng tối om và vang lên cả ngàn tiếng muỗi. Trong bếp vợ Du đang bẻ rào tre nhóm lửa đun một nồi nước lớn với nhiều loại lá thơm. Vùng này nhà nào cũng vậy, mọi người thường sử dụng các loại lá có hương thơm, có tinh dầu như bưởi, tre, xả để đun nước tắm gội.
          Du hỏi vợ:
          - Sao mình đun nhiều nước thế?
          Nghe chồng hỏi, vợ Du cười.
          - Đun nhiều mới đủ dùng cho cả anh và em. Mấy hôm nay trời rét em cũng chẳng tắm gội.
          Nghe vợ cười nói Du hiểu rằng” Vợ chồng xa nhau hơn tháng, nay gần nhau thì sự khao khát về tình yêu, tình dục là lẽ thường tình. Vợ chồng Du còn đang xoan”.
          Nồi nước lá thơm sôi sùng sục tỏa hương thơm dễ chịu. Thứ hương thơm của hương cỏ đồng quê mộc mạc nhưng rất thật. Có thể nói không có thứ nước hoa nào dù là đắt tiền nhất, thời thượng nhất sánh được. Du hít rất sâu hương thơm ấy vào trong lồng ngực. Hương thơm ấy qua phổi thấm vào máu, vào các tế bào, lan truyền cả cơ thể tạo cho Du một cảm giác khoan khoái, nhẹ nhõm, tỉnh táo, khỏe người.
          - Để anh bê nồi nước tắm cho! Em lên nhà lấy luôn cả áo quần cho anh! Em đảo qua xem các con đang làm gì nhé?
          Nghe chồng nói thế vợ Du cười tình tứ đưa mắt nhìn chồng.
          Ở làng Vàng những cặp vợ chồng không còn trẻ nhưng cũng chưa phải già như vợ chồng Du vui vẻ, hạnh phúc thế hiếm lắm. Đa phần nếu như không muốn nói là không. Họ thường hay mắng chửi nhau. Lý do cũng đơn giản vì cái tù túng, khó khăn, nghèo hèn cứ bám diết lấy họ khiến họ đâm cùn, sinh tính bẩn.
          Trong nhà lũ trẻ đã ngủ. Chúng mặc nguyên cả quần cả áo Du đem về mà ngủ. Chúng ngáy o… o… sau một ngày nô nghịch mỏi mệt, sau khi được tắm rửa sạch sẽ và được ăn no mặc ấm.
          Vợ Du ngắm các con ngủ say lòng tràn đầy hạnh phúcvà lấy chăn đắp thêm cho các con. Vợ Du cúi xuống đặt từng cái hôn lên trán các con.
Chiếc tủ gỗ đặt giữa nhà bạc phếch hết màu véc ni. Ngăn giữa hai tấm kính cũng vỡ từ lâu, bên trong toàn đồ rẻ tiền như hoa quả bằng nhựa, dăm cái cốc loại “Năm cha ba mẹ”, bám đầy bụi đất. Ngăn bên trái đựng quần áo của Du, bên phải của vợ. Vợ Du mở nhẹ cánh cửa nhưng nó vẫn kêu kèn kẹt khiến bọn trẻ cựa mình. Lấy xong quần áo cho hai vợ chồng. Vợ Du khép lại cửa nhà mới bước ra sân.
          Trăng mùa đông rải ánh sáng xuống khắp làng Vàng. Thứ ánh sáng đục, lạnh lẽo, ướt hơi sương làm cho không gian, thời gian mới vừa tối như đã khuya lắm. Phía ngoài cổng có ánh sáng loang loáng của đèn pin. Đã gần tháng nay ông Hai Bốn thường soi đèn đi kiểm tra trước khi ông đi ngủ. Làng Vàng tuy nghèo nhưng vẫn còn ối thứ có giá trị để mất cắp. Tuần trước bọn xấu từ đâu mò về dắt mất con bò nhà bà Hồng.
          Vợ chồng Du tắm xong. Du đưa cho vợ chiếc khăn bông lớn.
          - Mình lau tóc cho khô đi, thật khô nhé.
          Du nhìn mái tóc đen, dài mượt của vợ, nghe gió rét thổi vi vút qua các khe hở của mái ngói xuống nhà như tiếng côn trùng rít cánh, Du nghĩ một ngày nào đó sẽ mua cho vợ chiếc máy sì không khí nóng để vợ sấy khô tóc.
Vợ Du nằm ôm chồng thủ thỉ:
          - Anh đi vắng, ở nhà bốn mẹ con nhớ anh. Các con chỉ quấn lấy mẹ. Em thương anh rất nhiều!
          - Anh cũng nhớ mẹ con em. Vợ chồng mình còn nhiều việc phải làm lắm! Anh có em bên cạnh cùng lo toan, gánh vác thì mục tiêu đặt ra mình sẽ sớm thành hiện thực. Khi đó nhà mình sẽ hết khổ.
          - Bên anh gian khổ mấy em cũng chịu được. Em là người phụ nữ hạnh phúc. Em tự hào về anh.
          Du nghe rõ tiếng đập của trái tim trong lồng ngực mình và vợ. Dường như hai nhịp tim có cùng tần số. Hương thơm của tinh dầu xả, hương nhu, lá bưởi và hơi ấm nồng từ cơ thể vợ như nhắc Du “Đêm đã khuya rồi đấy ông tướng ạ?”. Du lần tay cởi các cúc áo vợ.

       XIV

          Sáng dậy Du ra giếng kéo đầy chum nước lớn. Trong bếp vợ Du đang nổi lửa nấu cơm sáng. Cái mùi cá mè ranh ướp muối đến mặn chát vẫn khuyếch tán tanh tanh. Du cười nói với vợ:
          - Phải nhanh chóng thoát nghèo em ơi, càng sớm càng tốt. Không thể là “Những người khốn khổ” của cụ Vích To Huy Gô mãi được.
          Vợ Du cũng thừa biết cụ Vich To Huy Gô là ai nên cũng cười theo và nói:
          - Em lên nhà gọi các con xuống ăn cơm và nói chuyện với cụ Huy Gô nhé?
          Bọn trẻ bị mẹ gọi dậy còn ngái ngủ, còn đắng mồm đắng miệng. Cu bé mếu máo, cu lớn và cu nhỡ làu bàu nói:
          - Mẹ cứ đơm đầy… con ăn thế nào được. Con không ăn cá muối đâu! Cá gì mà mặn thế?
          Du nhìn năm bát cơm bốc hơi nóng châu tuần bên đĩa cá muối rang nói với vợ:
          - Em lên nhà đem cái bánh mỳ gối và hộp sữa xuống đây cho các con.  Không phải để giành đâu, các con ăn hết bữa mai không có cũng được!
          Vợ Du lên nhà. Một lát sau, vợ Du bưng cái khay đựng chiếc bánh mỳ gối và những cốc sữa nóng xuống. Bọn trẻ reo lên:
          - Ôi, ngon quá!
          Du cầm một cốc sữa đưa cho vợ. Cốc của mình Du rót thêm vào ba cốc của các con. Du ngồi ăn cơm.
          Giữa bữa Du nói:
          - Nhà mình ăn sáng xong thì sang bác cả nhé.
          Nghe bố nói, bọn trẻ bê cốc sữa ngửa cổ uống ừng ực. Uống hết sữa chúng cầm bánh cùng chạy sang nhà bác cả. Các con đi rồi, vợ Du thỏ thẻ:
          - Đêm qua anh làm em mỏi quá!
          - Chỉ mình em mỏi sao?
          Nghe chồng nói vợ Du cười.
          Du khoác tay qua lưng vợ đi sang nhà bác cả. Ra ngoài vườn Du chỉ tay nói:
          - Đấy em thấy chưa? Rộng lắm! Xấp xỉ ba ngàn mét vuông chứ ít à. Thoải mái cho nhà hàng, cho khách nữa. Phải nói Dũng tinh nhanh và tốt tính. Hôm về Dũng đưa anh năm chục triệu đồng làm vốn. Dũng nói mãi anh mới cầm. Dũng bảo “Số tiền này mười năm sau trả Dũng cũng được. Lãi suất không phần trăm”. Dũng nói ngày khai trương sẽ về. Dũng cho người đầu bếp về huấn luyện cho người nhà mình nữa. À… em về lấy túi quà biếu bác cả!
          Ông Hai Bốn ra sân ngóng vợ chồng Du sang. Trong bếp bà Hai Bốn đang nắm những nắm xôi cho bọn trẻ nhà Du. Được nắm xôi có cả ruốc thịt gà, bọn trẻ thích lắm. Chúng vừa ăn sáng ở nhà xong nhưng cứ như chưa được ăn. Chúng vừa ăn vừa nhảy như cào cào châu chấu ngoài sân.
          - Chú Du vừa về chiều qua hả? Tối qua anh chị định sang nhưng bận chút việc nên thôi. Chú có khỏe không? Cô chú vào nhà. Chị nấu xôi đấy.  Vào ăn sáng với anh chị.
          Vợ chồng Du nghe bác cả nói đưa mắt kín đáo nhìn nhau. Du nói:
          - Em về chiều qua. Em khỏe. Công việc tốt lắm. Em có chút quà biếu hai bác.
          Vợ Du để túi mứt sen lên mặt tủ.
          Bà Hai Bốn đơm xôi ra bát bảo mọi người ăn. Vợ Du nói:
          - Chúng em ăn sáng nhà rồi. Hai bác cứ tự nhiên.
          Ông Hai Bốn ăn xong bát xôi thì đứng dậy pha trà. Thấy thế Du nói:
          - Bác để em pha cho.
          Du đỡ chiếc ấm từ tay ông Hai Bốn đưa cho vợ.
          Ông Hai Bốn nói:
          - Cô để cho chú ấy pha. Cô không biết làm lại hỏng ấm trà của tôi bây giờ.
          Vợ Du nghe ông Hai Bốn nói vậy buồn cười lắm. Bởi cô còn lạ gì tính của ông anh trai mình: thẳng tính đến mất lòng người khác. Vợ Du đưa lại cho chồng chiếc ấm rồi nói:
          - Bác cả không tin em biết pha trà, anh biết pha thì pha trà cho bác.
          Du đứng dậy lấy phích nước, lọ trà rồi vừa làm vừa hướng dẫn cho vợ.
          - Trong lúc đợi trà ngấm, chú Du trình bày ngắn gọn nhưng đủ thông tin cả tháng đi học vừa qua cho tôi nghe xem thế nào?
          Vợ ông Hai Bốn nói:
          - Ông cứ để chú ấy nói. Chưa chi ông đã ngắn, gọn, đầy đủ rồi?
          Ngồi nghe Du kể, ông Hai Bốn thỉnh thoảng gật gật cái đầu.
Vợ Du ra rót trà vào chén. Mới được nửa chén đầu đã bị ông Hai Bốn không  cho làm. Ông nói:
          - Ai bảo cô làm thế? Rót trà người ta rót vòng quanh đều cho các chén. Cô rót thế thì chén đầu loãng, nhạt, chén cuối lại đặc. Cô nhìn tôi làm đây này.
          Ông Hai Bốn đổ chén trà vợ Du vừa rót vào ấm rồi ông làm mẫu cho cô em gái học.
          - Chú uống trà đi rồi kể tiếp. Tôi nghe được đấy!
          - Du nâng chén trà nhấm nháp từng ngụm nhỏ. Có lẽ chất ta lanh của trà làm Du tỉnh táo đầu óc. Du sắp xếp nội dung theo đúng trình tự, giọng kể đều, khúc triết khiến ông Hai Bốn cứ há mồm nghe như không bỏ sót một từ nào.
          Du trình bày xong ông Hai Bốn chắp hai tay phía lưng đi đi lại lại trong sân. Ông nói:
          - Được! Như thế là được! Công việc có thể tiến hành được! Bây giờ chúng ta ra vườn ngắm chọn điểm quy hoạch. Khuôn viên càng rộng càng tốt. Chỗ nào vướng vứu không hợp lý, dỡ bỏ. Chiều nay chú gọi điện cho các em nói rõ công việc, ai có điều kiện thì về. Còn đâu ta thuê người làm.
Vợ Du và bác cả gái cũng ra vườn. Hai người chưa hiểu hết ý đồ của Du và ông Hai Bốn. Tuy vậy họ sẽ luôn là đồng minh tin cậy của chồng.
          Bác cả gái nói:
          - Chắc trong tuần này hai anh em ông ấy sẽ chặt bỏ hết mấy bụi chuối, bụi tre ngăn cách giữa hai vườn. Dãy chuồng gà, chuồng bò cũng tháo dỡ chuyển về phía cuối vườn.
          - Vâng em cũng nghĩ như bác. Nói tóm lại ta phải quy hoạch đàng hoàng.
          Ông Hai Bốn kéo Du về. Vừa đi ông vừa nói:
          - Bắt tay vào việc ta mới tinh ra. Tôi với chú cứ phải mạnh tay. Không chần chừ, không luyến tiếc những tài sản đã thâm canh cố để trên mảnh đất này. Ta làm mới từ đầu. Cuộc sống mới khang trang, giàu có sẽ bắt đầu từ đây.
          Du và ông Hai Bốn sải những bước chân dài.
          - Gớm các ông đi gì mà nhanh thế? Chờ chị em tôi với!
          Bà Hai Bốn nói.
          Gió lạnh lùng sục trong vườn. Bụi chuối sột soạt những tàu lá khô đang co quắp cố giấu đi những buồng chuối nặng quả. Có quả đã chín vàng.
Ông Hai Bốn nói với vợ Du:
          - Lát nữa cô chú nhớ chặt mấy buồng chuối về. Tôi thấy già rồi đấy, không lại biếu lũ trộm bây giờ!
          Về nhà ông Hai Bốn lấy tờ giấy trắng, ông phác thảo toàn bộ mảnh đất nhà Du và nhà ông. Ông sắp xếp sơ bộ bố cục khu nhà hàng “Ẩm thực Việt”.
          Du nhìn ông vẽ những dãy nhà ngang, nhà dọc, đường đi lối lại tất cả vuông thẳng như bàn cờ, Du buồn cười nói:
          - Có phải khu nhà binh đâu mà bác quy hoạch thế?
          Nghe Du nói ông Hai Bốn dừng bút
          - Ừ, phải rồi. Trông thế mà khó vẽ ra phết.
          - Em tính kỹ rồi. Em sẽ nhờ cậu bạn là kiến trúc sư về đây giúp mình quy hoạch, thiết kế đúng kiểu khu du lịch, nhà hàng.
          - Hôm nào họ về chú nhớ phải gọi tôi.
          - Vâng, chắc cuối tuần này cậu ấy về.
          - Thế thì hay quá. Thôi, ta dẹp đống này đi tôi với chú làm tuần trà mới đã.
          Ông Hai Bốn gọi vợ Du lại:
          - Lúc nãy cô đã nhìn chú Du pha làm mẫu. Bây giờ cô pha cho anh em tôi ấm trà mới xem sao?
          Du dường như không quan tâm đến việc uống trà, Du đang nhẩm tính tổng diện tích đất hiện có khoảng bốn ngàn mét vuông như thế chưa ổn. Du nói:
          - Bác cả tính xem có nên sang bảo bà Hồng, ông Mạnh cắt đất bán cho mình không? Chỉ cần mua thêm hai hoặc ba ngàn mét vuông nữa là quá đẹp.
          Nghe Du nói, ông Hai Bốn ngẫm nghĩ một lát sau mới nói:
          - Có hai phương án chú Du có biết không? Một là họ bán. Hai là họ góp đất, góp sức cùng làm với ta. Chú nghĩ sao?
          - Vâng, hay lắm bác ạ! Phương án hai hay nhất!
          - Được rồi. Việc ấy chú để tôi lo. Còn chú tranh thủ ra ngoài thị xã, vào vài nhà hàng lớn để mắt xem họ làm ăn thế nào học hỏi thêm ở họ. Việc nữa, chú nói với cô ấy khảo sát xem trong làng Vàng, trong xã xem có đứa con gái nào nhanh nhẹn, được mắt thì nhắm trước, ít nữa thuê chúng làm nhân viên. Việc nữa, chú xem thuê người về đào xúc đất san nền, làm đường, trồng cây.

(Còn tiếp)
Phan Đạt Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét